Để tết thực sự là ngày của tình thân

04:01, 22/01/2020

(LĐ online) - Chuyện ở lại đất khách hay trở về quê nhà trong những ngày tết không phải mới nhưng luôn khiến nhiều người bận tâm.

(LĐ online) - Chuyện ở lại đất khách hay trở về quê nhà trong những ngày tết không phải mới nhưng luôn khiến nhiều người bận tâm.
 
Tết sum vầy. Ảnh: Nguyễn Văn Thương
Tết sum vầy. Ảnh: Nguyễn Văn Thương
 
Phân vân
 
 
Ông Lê Văn Trường, một nông dân ở huyện Đam Rông, chia sẻ: “Thú thật, tôi vẫn thích về quê ăn tết. Chứ ở lại trong này, tôi cứ thấy thiêu thiếu một cái gì đó. Cái thiếu đó tuy mơ hồ nhưng rất dễ cảm nhận. Tiếc là năm nay giá cả cà phê trồi sụt liên tục, thành thử việc về quê đành gác lại sang năm”.
 
Quê ông Trường ở Quảng Bình. tết trước, cữ 23 tháng Chạp, ông Trường và vợ con đã lục tục đón xe để về quê sửa soạn đón tết. Ông Trường bảo, chi phí của một chuyến về quê ăn tết đoàn viên cũng khá tốn kém, ngoài tiền vé tàu xe cao hơn hẳn ngày thường, còn chi phí cho quà cáp, mừng tuổi và ăn uống dọc đường. Một chi phí nữa, đó là tiền cho chuyến khứ hồi sau tết. “Với những người khá giả, chi phí cho một cái tết đoàn viên không phải là vấn đề quá lớn để bận tâm. Thế nhưng, với những người còn khó khăn, thì đó là nỗi lo thực sự. Nỗi lo đó đôi khi còn lấn át cả sự hân hoan của những ngày xuân” - ông Trường nêu thực tế.
 
Chia sẻ với ý kiến này, ông Hoàng Văn Cường, một nông dân ở huyện Lâm Hà, nói thêm: “Một năm tằn tiện, chắt bóp mãi mới dư dả được chút đỉnh, lại chi hết trong chuyến về quê ăn tết. Chưa kể những vất vả, mệt mỏi trên đường về mà những đứa con xa quê phải khổ sở chịu đựng. Tuy vậy, vì thương ông bà, cha mẹ và sợ người thân buồn lòng khi Tết nhất mà vắng con vắng cháu, nên phải cố gắng về quê cho có không khí sum họp”.
 
 
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Kim Nga, một công chức của huyện Lâm Hà, lại có cái nhìn khác. Bà Nga thẳng thắn: “Chính sự tốn kém và vất vả đó cho thấy tầm quan trọng của tết cổ truyền trong việc gắn kết các thành viên gia đình. Bởi nói gì thì nói, tết vẫn luôn là thời điểm để con người ta tìm về nguồn cội, hướng vọng tổ tiên, sum vầy bên gia đình. Thế nên mới có sự chộn rộn thu xếp về quê đón tết của những đứa con đi làm ăn xa”. Còn ông Vũ Duy Tùng, một giáo viên ở huyện Đức Trọng, thì cho rằng: “Tết là quãng thời gian tuyệt vời để nghỉ ngơi, dưỡng sức và làm nốt những công việc còn dang dở trong năm cũ. Tất nhiên, tôi vẫn không quên hướng về cội nguồn, hướng về tổ tiên, hướng về gia đình trong thời khắc giao thừa, bằng việc gọi điện thoại hoặc lên mạng xã hội nói chuyện với người thân ở quê”.
 
 
Đừng câu nệ
 
Theo ông Tùng, cuộc sống hiện đại, giản tiện được khâu nào hay khâu ấy. Ai có thể về quê được thì về để cảm nhận, chia sẻ niềm vui tết với người thân, bà con, xóm giềng. Ai không có điều kiện về quê ăn tết cũng đừng nặng nề quá chuyện về hay ở. Bởi cứ còn nghĩ về nhau, vẫn nhớ đến nhau, chăm sóc nhau, san sẻ yêu thương cho nhau thì khoảng cách địa lý không phải là trở ngại ngăn cản tình thương yêu gia đình.
 
Cũng theo ông Tùng, tết đừng vì lo nghĩ chuyện tiền nong, đắn đo chuyện ở hay về mà tự tạo áp lực cho mình. Cứ thấy vui là tết. Cứ ở bên nhau là tết. Càng đơn giản, càng dành thời gian cho nhau, tết càng vui. “Từ ngày có gia đình nhỏ, năm nào kinh tế gia đình dư dả chút đỉnh, tôi đưa cả nhà về quê ăn tết cho ông bà vui, năm nào kinh tế gia đình eo hẹp, tôi lại gửi tiền về quê đón ông bà vào trong này ăn tết, coi như đưa ông bà đi du lịch một vùng đất mới - ông Cường cho hay.
 
Cố nhiên, cách này hay cách khác, các thành viên trong gia đình đều hướng về nhau, san sẻ yêu thương cho nhau. Với ý nghĩa thiêng liêng ấy, tết thực sự là ngày của tình thân.
 
TRỊNH CHU