Lâm Hà với công tác, chính sách dân tộc

06:01, 10/01/2020

Kế thừa truyền thống đoàn kết của dân tộc, trong những năm qua, các dân tộc anh em cùng sinh sống trên mảnh đất Lâm Hà (Lâm Đồng) đã và đang tạo nên nhiều thành tựu được kết tinh từ mồ hôi, công sức, tinh thần và ý chí cách mạng...

Kế thừa truyền thống đoàn kết của dân tộc, trong những năm qua, các dân tộc anh em cùng sinh sống trên mảnh đất Lâm Hà (Lâm Đồng) đã và đang tạo nên nhiều thành tựu được kết tinh từ mồ hôi, công sức, tinh thần và ý chí cách mạng. Đến với Lâm Hà hôm nay là một cuộc sống no ấm, đủ đầy; các dân tộc anh em luôn một lòng sắt son, giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị.
 
Niềm vui vụ mùa no ấm của người dân vùng đồng bào DTTS ở huyện Lâm Hà. Ảnh: Đ.Tú
Niềm vui vụ mùa no ấm của người dân vùng đồng bào DTTS ở huyện Lâm Hà. Ảnh: Đ.Tú
 
Ông Tô Vũ Ất - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Lâm Hà cho biết: Huyện Lâm Hà có 30 dân tộc anh em sinh sống thuận hòa như: K’Ho, Mạ, Mơ Nông, Tày, Nùng, Thái, Mường, Dao, Gia Rai, Ê Đê, Chăm… Các dân tộc thiểu số (DTTS) chủ yếu sống phân bố ở 57 thôn/12 xã, thị trấn của huyện. Nhìn chung, đời sống bà con đồng bào DTTS huyện Lâm Hà chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với các cây trồng chủ lực như cà phê, dâu tằm, lúa nước và một số loại hoa màu khác. Bà con đồng bào DTTS huyện luôn chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của chính quyền địa phương; hưởng ứng nhiệt tình các phong trào thi đua yêu nước, giữ gìn an ninh trật tự, hăng say lao động, sản xuất; tích cực xây dựng nông thôn mới…
 
Trong 5 năm qua (2014 - 2019), thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội Đại biểu các DTTS huyện Lâm Hà lần thứ II, công tác xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn đã có những bước tiến quan trọng, trọng tâm là nhất quán chính sách “Đoàn kết, bình đẳng, tương trợ, giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau cùng phát triển xây dựng quê hương Lâm Hà giàu, đẹp, văn minh”. Thực hiện Quyết tâm thư, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào các DTTS huyện đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống, không trông chờ ỷ lại, làm giàu chính đáng. Trong phong trào thi đua sản xuất giỏi đã xuất hiện nhiều điển hình như gia đình ông Lâm Văn Quyền, K’Bê tại xã Phú Sơn; gia đình ông Phan Văn Hoạt, K’ Đồng, Bế Ngọc Giới tại xã Phi Tô; gia đình ông K’Krè Cill, Tô Văn Mà tại xã Tân Văn…
 
Hiện nay, trên địa bàn huyện Lâm Hà đã cơ bản hình thành cơ cấu kinh tế nông nghiệp - lâm nghiệp, đầu tư thực hiện thắng lợi 3 mục tiêu: xây dựng vườn hộ - chăn nuôi - quản lý và bảo vệ rừng. Chương trình 135 với tổng nguồn vốn 24.950 triệu đồng đã đầu tư 29 đường giao thông nông thôn, 6 nhà sinh hoạt cộng đồng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo cho 647 hộ. Chương trình 30a với tổng nguồn vốn 10.114 triệu đồng, trong đó đầu tư xây dựng 23 công trình đường giao thông, sửa chữa 2 nhà sinh hoạt cộng đồng, hỗ trợ sản xuất cho 868 hộ. Chương trình trợ giá cây trồng qua cách thức hỗ trợ mua giống cây cà phê, dâu tằm, bơ, mắc ca cho 1.287 hộ dân tại các vùng còn khó khăn, vùng đồng bào DTTS có tổng kinh phí 1.925 triệu đồng. Chương trình tái canh, cải tạo giống cà phê hỗ trợ cho 735 hộ dân 4.816 triệu đồng. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí khai hoang 559 triệu đồng/22,36 ha; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, nâng cấp sửa chữa 10 giếng khoan trên địa bàn; hỗ trợ mua sắm nông cụ 184,5 triệu đồng nằm trong Đề án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho các hộ đồng bào DTTS nghèo tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Chương trình định canh - định cư; chính sách cho người có uy tín, chính sách trợ cấp cho học sinh, sinh viên, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân đã giúp đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn từng bước được cải thiện.
 
Công tác giảm nghèo được triển khai, thực hiện có hiệu quả, hàng trăm lượt hộ đã thoát nghèo bền vững, tỷ lệ hộ thoát nghèo hàng năm bình quân đạt 1,2%, trong đó hộ đồng bào DTTS là 2,99%. Năm 2016, toàn huyện có 2.417 hộ nghèo, trong đó có 1.153 hộ là đồng bào DTTS thì đến cuối năm 2018 toàn huyện có 1.135 hộ nghèo, trong đó hộ nghèo đồng bào DTTS là 553 hộ. Trong công tác giáo dục đã có nhiều chuyển biến trong các cấp học, tính đến cuối năm 2018 số trường đạt chuẩn quốc gia là 40/82 trường, trong đó có 11 trường tại vùng đồng bào DTTS. Chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS được nâng cao, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, nếu năm 2014 có 135 học sinh bỏ học (chiếm tỷ lệ 2,18%) thì đến cuối năm 2018 chỉ là 22 học sinh (chiếm tỷ lệ 0,37%). Tính đến đầu năm 2019, ngành giáo dục và đào tạo huyện có 159 cán bộ, giáo viên, nhân viên là người đồng bào DTTS, tăng 44 người so với năm 2014. 
 
Mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế về cơ sở vật chất, điều kiện kinh tế - xã hội giữa các vùng của huyện; tuy nhiên, trong thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân đồng bào DTTS được quan tâm một cách sát sao, thay đổi nhận thức của đồng bào và bà con tự giác đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh, tình trạng chữa bệnh theo hủ tục, cúng bái dần được loại bỏ. Đến nay, toàn huyện có 16/16 xã, thị trấn hoàn thành, giữ vững Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế và có 9/14 xã đạt tiêu chí về y tế theo chương trình nông thôn mới. 100% trạm y tế có nữ hộ sinh, 100 % thôn, bản có cán bộ y tế cộng đồng và cộng tác viên dân số. Đội ngũ cán bộ y tế là người địa phương, đặc biệt là người đồng bào DTTS luôn được ưu tiên xét duyệt và cử đi đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn. 
 
Ngoài ra, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, giữ gìn phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ - thể dục thể thao góp phần tích cực vào việc củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước. Những lễ hội truyền thống tốt đẹp như Lễ cúng bến nước, Lễ cúng Giàng, Lễ cầu mưa, Lễ mừng lúa mới… được giữ gìn và phát huy. Việc sưu tầm, bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa truyền thống như diễn tấu cồng chiêng, hát dân ca, hát giao duyên đối đáp được người dân hưởng ứng, nhất là đối với thế hệ trẻ. Các làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, đan lát… dần được khôi phục và đi vào hoạt động có hiệu quả. 
 
Công tác xây dựng hệ thống chính trị, quốc phòng - an ninh trong vùng đồng bào DTTS càng ngày càng được củng cố và có bước phát triển quan trọng. Hiện nay, 188/188 thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện đều có chi ủy, chi bộ, chất lượng sinh hoạt được nâng cao. Trong xây dựng chính quyền, đoàn thể nhiệm kỳ 2015 - 2020 số cán bộ là người đồng bào DTTS tham gia Ban Thường vụ là 2/13 đồng chí, là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện có 4/37 đồng chí, trong 37 đại biểu HĐND cấp huyện nhiệm kỳ 2016 - 2021 có 5 đại biểu DTTS; đối với đại biểu HĐND cấp xã có 77/476 đại biểu là đồng bào DTTS. Quần chúng nhân dân đã nêu cao tinh thần cảnh giác đối với các âm mưu của các thế lực thù địch về việc chia rẽ, gây mất đoàn kết giữa các dân tộc anh em và chia rẽ Nhân dân với Đảng. Nhiều con em đồng bào các dân tộc thiểu số hăng hái tham gia xây dựng lực lượng dân quân tại chỗ, giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống tội phạm. Điều này thể hiện rõ ràng sự giác ngộ cách mạng, truyền thống yêu nước cũng như ý thức, trách nhiệm về bảo vệ an ninh Tổ quốc của đồng bào các DTTS huyện Lâm Hà. 
 
Theo UBND huyện Lâm Hà thì thời gian tới, huyện sẽ chú trọng đẩy mạnh công tác dạy nghề, hướng dẫn cách thức làm ăn, dạy nghề phải gắn với thực tiễn sản xuất, nhu cầu học nghề của từng đối tượng và nhu cầu việc làm. Thực hiện kế hoạch giảm nghèo nhanh và bền vững ở các xã nghèo, thôn nghèo theo chương trình, kế hoạch đã được UBND tỉnh và huyện phê duyệt. Trong đó, thực hiện các giải pháp đồng bộ, tăng cường ứng dụng thành tựu mới của khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, xóa bỏ dần những tập quán canh tác lạc hậu để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, giải quyết kịp thời nguyện vọng chính đáng của đồng bào DTTS. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên tại chỗ, nhất là đảng viên người đồng bào DTTS; thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi về giáo dục, y tế, tăng cường công tác kế hoạch hóa gia đình đến từng thôn, bản, gia đình…
 
Hy vọng với những kết quả quan trọng đã đạt được trong thời gian qua và những nỗ lực, giải pháp trong thời gian tới, các dân tộc anh em chung sống trên mảnh đất Lâm Hà sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội toàn huyện nói chung và trong vùng đồng bào DTTS nói riêng.
ĐỨC TÚ