Còn đó những khó khăn trong xây dựng nông thôn mới

06:01, 13/01/2020

Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã Lộc Bắc (huyện Bảo Lâm) đã hoàn thành 16/19 tiêu chí. Tuy nhiên, để "cán đích" NTM, lãnh đạo và người dân địa phương cần nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành các tiêu chí còn lại trong năm 2020. 

Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, xã Lộc Bắc (huyện Bảo Lâm) đã hoàn thành 16/19 tiêu chí. Tuy nhiên, để “cán đích” NTM, lãnh đạo và người dân địa phương cần nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành các tiêu chí còn lại trong năm 2020. 
 
Trường Mẫu giáo Lộc Bắc được đầu tư khang trang, sạch sẽ để phục vụ tốt trong việc giáo dục. Ảnh: Thân Hiền
Trường Mẫu giáo Lộc Bắc được đầu tư khang trang, sạch sẽ để phục vụ tốt trong việc giáo dục. Ảnh: Thân Hiền
 
Bắt đầu triển khai xây dựng NTM từ năm 2011, Lộc Bắc có xuất phát điểm thấp so với các địa phương khác, người dân trong vùng chủ yếu sản xuất nông nghiệp như chè, tiêu, điều,... và phần lớn các hộ còn sản xuất theo lối truyền thống nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn. 
 
Để thay đổi cách thức sản xuất, xã tiến hành triển khai ghép, cải tạo 75 ha diện tích cà phê. Tính đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người chỉ mới đạt 27 triệu đồng/năm với tổng số dân là 1.512 hộ, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 76,8%. 
 
Trao đổi với chúng tôi, ông K’Tư - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Mức đạt chuẩn các tiêu chí NTM giai đoạn 2016 - 2020 cao hơn giai đoạn 2011 - 2015. Tuy nhiên, do xã thuộc địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa nên để hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch cấp trên giao là một khó khăn, thách thức cho địa phương. Một số bộ phận người dân còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, chưa phát huy được khả năng lao động của mình”.
 
Trong khi đó, sau 10 năm xây dựng NTM, nguồn lực huy động và đã thực hiện được gần 36 tỷ đồng, bao gồm: vốn vay tín dụng, lồng ghép và trực tiếp cho chương trình NTM. Được phân bổ với nguồn vốn hỗ trợ sản xuất là 200 triệu đồng, lãnh đạo UBND xã triển khai đến từng hộ nghèo, tạo điều kiện để người dân mua bò, phân bón, máy móc nhằm phát triển sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững. Nhưng đến nay, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn chiếm 6,93% số hộ toàn xã. 
 
Là một trong 2 thôn có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tập trung sinh sống đông, Thôn 2 hiện có 277 hộ gia đình còn gặp khó khăn. Ông K’Dương - Trưởng Thôn 2 chia sẻ: “Hiện tại, trên địa bàn thôn có 14 hộ nghèo, chiếm 5,05% số hộ nghèo toàn xã. Kinh tế bước đầu đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực, một số người dân đã biết thay đổi cách thức trồng cà phê ghép để tăng năng suất và thu nhập trong gia đình. Tuy nhiên, do đồng bào DTTS tập trung chủ yếu ở Thôn 2 nên để thay đổi suy nghĩ và cách thức làm kinh tế cho bà con trong vùng cần phải có thời gian và sự cố gắng, đồng lòng giữa Nhân dân và địa phương”.
 
Nhiều con đường tại xã Lộc Bắc (huyện Bảo Lâm) chưa được đầu tư kịp thời, khiến việc sinh hoạt và đi vào các khu sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh địa phương cung cấp
Nhiều con đường tại xã Lộc Bắc (huyện Bảo Lâm) chưa được đầu tư kịp thời, khiến việc sinh hoạt và đi vào các khu sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh địa phương cung cấp
 
Bên cạnh đó, vào mùa khô, toàn xã có 21,19% số hộ thiếu nước sinh hoạt, trong đó số hộ thiếu một phần chiếm 12,19% và số hộ thiếu trầm trọng chiếm 8,23%, tập trung chủ yếu tại các thôn 2, 3, 4.
 
Tương tự như một số xã vùng sâu, vùng xa khác, “nút thắt” lớn nhất hiện nay của Lộc Bắc là thực hiện các tiêu chí về thu nhập và tổ chức sản xuất. Tuy đã tạo ra được nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, song quy mô còn ít, việc nhân rộng còn hạn chế và sản xuất chưa gắn kết chặt chẽ với tiêu thụ. Hiện xã chỉ phổ biến ở dạng sản xuất theo hướng mua - bán nên dẫn đến tình trạng nông dân thiệt thòi phải bán sản phẩm thô theo giá ấn định của thương lái, tình trạng mất giá, cung nhiều hơn cầu. 
 
Theo UBND xã, hiện Lộc Bắc có 1 tổ hợp tác, 1 hợp tác xã hoạt động trên địa bàn xã và chưa có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Hợp tác xã Đỗ Minh Quý đã đăng ký tại xã Lộc Bắc, nhưng hiện nay không hoạt động tại xã đồng thời không hoạt động trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp mà chỉ hoạt động kinh doanh nội thất tại thành phố Bảo Lộc.
 
Về cơ sở vật chất, đây là một thách thức lớn đối với người dân địa phương. Là xã vùng sâu, vùng xa nên dân cư tập trung sinh sống còn thưa thớt, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn. Năm 2019 đã xây dựng đường giao thông đi vào khu sản xuất thuộc thôn 1, 3 có tổng chiều dài 735 m với nguồn vốn đầu tư gần 1,5 tỷ đồng. Riêng 2 tỷ đồng, xã dùng để xây đường giao thông Thôn 4 đi vào khu sản xuất với chiều dài 570 m,...
 
“Đường giao thông nông thôn được cứng hóa cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, đến nay toàn xã còn khoảng 30 km đường nội đồng bà con mới tự mở để đi lại vận chuyển nông sản rất lầy lội, không thể đi được” - ông K’Tư cho hay.
 
Ông K’Tư nhận định: “Để hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM, ngoài quyết tâm, nỗ lực của chính quyền địa phương và sự đồng tình, ủng hộ của người dân, xã Lộc Bắc cần phấn đấu, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được và tiếp tục xây dựng 3 tiêu chí còn lại: trường học, thu nhập và tổ chức sản xuất trong năm 2020, để “cán đích” NTM như kế hoạch đã đề ra của UBND xã trong năm 2020”.
 
THÂN HIỀN