Hiệu quả của công tác tư vấn pháp luật

06:02, 25/02/2020

Góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng Luật, đóng góp ý kiến xây dựng Luật, chính sách pháp luật cho Quốc hội, phải kể tới vai trò, trách nhiệm của các thành viên trong Tổ Tư vấn chính sách, pháp luật của Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng...

Góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng Luật, đóng góp ý kiến xây dựng Luật, chính sách pháp luật cho Quốc hội, phải kể tới vai trò, trách nhiệm của các thành viên trong Tổ Tư vấn chính sách, pháp luật của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Lâm Đồng. Bằng sự tâm huyết, trách nhiệm với những lĩnh vực mà mình am hiểu, họ đã nhiệt tình cống hiến, xây dựng pháp luật để luật thực sự đi vào cuộc sống và hoạt động hiệu quả.
 
Thành viên Tổ Tư vấn chính sách, pháp luật của Đoàn ĐBQH góp ý nâng cao chất lượng xây dựng Luật.
Thành viên Tổ Tư vấn chính sách, pháp luật của Đoàn ĐBQH góp ý nâng cao chất lượng xây dựng Luật.
 
Tổ Tư vấn chính sách, pháp luật của Đoàn ĐBQH được thành lập vào ngày 20/9/2016 trên cơ sở sự cần thiết và trước yêu cầu đòi hỏi cần có những ý kiến chuyên sâu, nghiên cứu kỹ, có trình độ và thời gian nghiên cứu để góp ý xây dựng Luật và các Bộ luật. Tổ tư vấn gồm 34 thành viên, trong đó có 25 cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các cơ quan, đơn vị, sở, ngành liên quan trong tỉnh như Viện Kiểm sát, Tòa án, Trường Đại học Đà Lạt, Sở Tư pháp, Ban pháp chế - HĐND tỉnh, UBMTTQ tỉnh cùng một số đồng chí có trình độ chuyên môn cao và đã nghỉ hưu.
 
Trong thời gian qua, thực hiện các nghị quyết Quốc hội về chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2017, 2018 và 2019; Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng kế hoạch tổ chức hội thảo, hội nghị để trưng cầu các ý kiến đóng góp xây dựng các dự án Luật, các Bộ luật... dự kiến sẽ xem xét cho ý kiến tại các kỳ họp của Quốc hội.
 
Cụ thể, trong 3 năm 2017 - 2019, các thành viên Tổ Tư vấn chính sách, pháp luật đã đóng góp ý kiến đối với 99 dự án Luật, tham gia 55 hội nghị góp ý cho gần 65 dự án luật và 20 buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề đóng góp 15 dự án luật. Trung bình mỗi dự án đã có từ 8 - 10 thành viên tích cực tham gia đóng góp với nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng với tổng cộng khoảng trên 470 bài viết và hàng trăm ý kiến góp ý trực tiếp về các dự án Luật, Bộ luật. Nhiều ý kiến của các chuyên gia, các thành viên trong tổ đã mang tính thực tiễn cao, chất lượng, nhiều thông tin bổ ích liên quan đến lĩnh vực mình quản lý, lĩnh vực chuyên ngành mình đang công tác đã giúp cho Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng và các ĐBQH lựa chọn nội dung để phát biểu đóng góp ý kiến xây dựng Luật tại các phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội. Rất nhiều ý kiến của các ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng góp ý đã được Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ban soạn thảo các dự án Luật tiếp thu, chỉnh lý, góp phần hoàn thiện các dự án Luật trình Quốc hội xem xét thông qua. Góp phần đưa các chính sách pháp luật sát thực tiễn, đi vào cuộc sống.
 
Cụ thể, tại kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội khóa XIV vừa qua, thảo luận toàn thể tại Hội trường Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước; đại biểu Nguyễn Tạo - Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã góp ý “cơ sở dữ liệu thường có nhiều loại thông tin khác nhau, thông tin mật, tối mật, có những thông tin bí mật riêng tư... được pháp luật bảo hộ đầy đủ. Vì vậy, cần phân cấp quyền truy cập phù hợp, có quản lý, giám sát chặt chẽ, không để lộ, lọt bí mật. Mặt khác, để Kiểm toán Nhà nước có quyền truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia để khai thác, thu thập thông tin có liên quan đến nội dung kiểm toán, song lại chưa quy định rõ thẩm quyền và phạm vi được phép truy cập là chưa đầy đủ, cần bổ sung các nội dung này vào dự thảo luật”.
 
Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng: Trong quá trình tổ chức thực hiện các hoạt động đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2005 (có hiệu lực từ 2006), đến nay đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Các hoạt động đầu tư ngày càng sôi động hơn, công tác quản lý nhà nước về đầu tư cũng được nâng cao hơn, đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, Luật đã xuất hiện một số vướng mắc, hạn chế, bất cập về cơ chế, thủ tục, trình tự, nội dung, đặc biệt là đổi mới trong quá trình cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, về thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư ở Điều 18 của dự thảo Luật Đầu tư, đại biểu Nguyễn Tạo góp ý, nếu quy định “ưu đãi theo từng loại đầu tư” như vậy là rất chung chung, tính khả thi không cao, khó thực hiện trong thực tiễn. Đề nghị nên quy định chi tiết hơn trong Luật nếu muốn tạo “đột phá” trong thủ tục hành chính. Vì trên thực tế hiện nay vấn đề này rất nhiêu khê, phiền hà về thủ tục, trình tự, có khi lại làm nản lòng nhiều nhà đầu tư. Đại biểu đề nghị về thời hạn xét duyệt đầu tư cần đẩy mạnh cải cách hành chính một cách triệt để, trong khoảng 20 ngày (dự thảo Luật đưa ra là 35 ngày). Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan liên quan nghiên cứu rút ngắn thời hạn thẩm định dự án. Nên quy định chi tiết điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư trong luật và luật hóa các nghị định đã triển khai thực hiện trong quá trình từ khi có Luật Đầu tư đến nay và không nên giao cho Chính phủ quy định việc này.
 
Ngoài ra, một số chuyên gia, thành viên Tổ Tư vấn chính sách, pháp luật đã được Đoàn ĐBQH mời tham gia các hoạt động giám sát, khảo sát chuyên đề của Đoàn tại các đơn vị, địa phương trong tỉnh. Bước đầu, đã có những đóng góp tích cực bằng những ý kiến xác đáng, thẳng thắn, chất lượng trong việc nghiên cứu, phát hiện vấn đề trong suốt quá trình giám sát. Từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất có giá trị, làm cơ sở để hoàn thiện các kết luận của Đoàn giám sát, đoàn khảo sát về nhiều vấn đề nóng, bức xúc mà cử tri và Nhân dân quan tâm.
 
Hoạt động của Tổ Tư vấn chính sách, pháp luật thời gian qua đã khẳng định sự cần thiết, chất lượng, hiệu quả trong nội dung và cách thức thực hiện các nội dung xây dựng chính sách, pháp luật. Nhiều chuyên gia, thành viên trong Tổ Tư vấn pháp luật đã thể hiện tâm huyết, tinh thần trách nhiệm cao trong việc góp ý cho các dự án Luật. Nhiều chuyên gia đã dành thời gian nghiên cứu tài liệu của dự án luật, so sánh đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành, pháp luật của các quốc gia trên thế giới, nắm bắt thông tin dư luận xã hội và thực tiễn áp dụng pháp luật để đóng góp ý kiến góp ý xây dựng bằng văn bản, đảm bảo căn cứ, lập luận chặt chẽ, có lý để Đoàn ĐBQH tổng hợp ý kiến đóng góp tại các kỳ họp Quốc hội. Tại các hội thảo góp ý, nhiều chuyên gia đã thẳng thắn trao đổi, thảo luận, góp ý trực tiếp, qua đó làm sáng tỏ các vấn đề được nêu ra. Đây là những ý kiến hết sức ý nghĩa, cần thiết giúp ĐBQH và Đoàn ĐBQH Lâm Đồng “vững tay” hơn khi “bấm nút” thông qua các dự án Luật.
 
Phát biểu về việc nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ Tư vấn chính sách, pháp luật, nhằm góp phần nâng cao chất lượng xây dựng Luật, Ông Trương Trổ - thành viên Tổ Tư vấn chính sách, pháp luật của Đoàn chia sẻ: cần có thông tin phản hồi, đánh giá ý kiến góp ý đã được tiếp thu, điều chỉnh, bổ sung vào các dự án luật; nên có đánh giá sơ kết, tổng kết về những kết quả xây dựng Luật, góc độ tư vấn, tham mưu cho Đoàn ĐBQH. Cũng có đại biểu là thành viên trong Tổ tư vấn kiến nghị nên mời những chuyên gia có kiến thức chuyên sâu với mỗi lĩnh vực, dự án Luật để các cuộc góp ý, xây dựng Luật đạt chất lượng, yêu cầu đề ra, góp phần chung vào quá trình xây dựng pháp luật Việt Nam sát với thực tiễn, địa phương để pháp luật ngày càng đi vào cuộc sống. 
 
NGUYỆT THU