Nhân rộng những tấm gương nhà giáo tâm huyết, mẫu mực

06:02, 21/02/2020

Lần đầu tiên, Sở Giáo dục và Ðào tạo phối hợp với Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Lâm Ðồng tổ chức Cuộc thi viết về "Tấm gương nhà giáo tâm huyết, mẫu mực"...

Lần đầu tiên, Sở Giáo dục và Ðào tạo phối hợp với Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Lâm Ðồng tổ chức Cuộc thi viết về “Tấm gương nhà giáo tâm huyết, mẫu mực”. Qua cuộc thi đã phát hiện, giới thiệu và nhân rộng những nhân tố điển hình tiên tiến, những tấm gương nhà giáo tâm huyết, tận tụy “hết lòng vì học sinh thân yêu”. Từ đó, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, cuộc vận động trong ngành, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo tiếp tục phấn đấu, cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người”. 
 
Nhiều nhà giáo vẫn ngày ngày miệt mài cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”
Nhiều nhà giáo vẫn ngày ngày miệt mài cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”
 
Các bài viết tham gia cuộc thi đã phản ánh chân thực, cảm động về những tấm gương thầy giáo, cô giáo đã và đang tận tụy, tận tâm, yêu thương học trò, hăng hái thi đua, đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và công tác. Đó là những câu chuyện có thật, sinh động về tấm gương thầy giáo, cô giáo gương mẫu, “hết lòng vì học sinh thân yêu”, về tấm gương vượt khó trong phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”...
 
Đó là những giáo viên không quản ngại khó khăn, bằng lòng yêu nghề và tình thương học trò để miệt mài “gieo chữ” cho học sinh vùng sâu như cô giáo người dân tộc thiểu số (DTTS) Kră Jãn PhiLang - Trường PT Dân tộc nội trú THCS Đam Rông. Quý mến và cảm phục người đồng nghiệp hết lòng vì học sinh này, thầy Hoàng Trung Kiên - giáo viên Trường PT Dân tộc nội trú THCS Đam Rông đã viết về người đồng nghiệp cùng trường để tham dự cuộc thi. Hơn 10 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, cô giáo Kră Jãn PhiLang luôn nỗ lực trong công tác. Dù có những khó khăn trong cuộc sống gia đình khi phải gửi con nhỏ cho ông bà ở nhà cách trường gần 100 cây số, cô vẫn hết lòng ngày ngày truyền đạt kiến thức đến cho học sinh DTTS nơi huyện nghèo Đam Rông. Giảng dạy môn Lịch sử, cô luôn quan tâm sát sao tới học sinh, dạy học theo phương pháp truyền thụ bám sát đối tượng và đưa ra những hình thức giảng dạy phù hợp. Không chỉ vậy, cô còn là một giáo viên tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh. Với những nỗ lực của cô và học trò, những năm gần đây, chất lượng dạy - học môn Lịch sử của Trường PT Dân tộc nội trú THCS Đam Rông ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, từ khi cô về trường, năm nào nhà trường cũng có học sinh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh môn Lịch sử. 
 
Đó là những cán bộ quản lý giáo dục tận tâm, tận tụy với nghề như thầy Phan Cường Thọ - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Lâm Hà qua bài viết của cô giáo Hà Thị Thanh Nga. Vốn là học trò cũ, bởi sự khâm phục và ngưỡng mộ hình ảnh thầy hiệu trưởng sớm hôm miệt mài, tận tụy với công việc đã thôi thúc cô Thanh Nga theo học ngành sư phạm. Khi ra trường rồi trở thành đồng nghiệp của thầy Thọ, cô Nga càng khâm phục và tôn kính thầy nhiều hơn. Thầy Thọ là một trong những người đầu tiên và có công lớn trong việc xây dựng ngôi trường THPT Lê Quý Đôn từ những ngày còn nhiều khó khăn, cả về con người và cơ sở vật chất. Trong vai trò “đầu tàu”, thầy Thọ đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt thầy rất chú trọng hình thành và phát triển nhân cách văn hóa trong tập thể giáo viên, nhân viên và học sinh. Không chỉ riêng cô Nga mà cả tập thể sư phạm nhà trường luôn dành cho thầy hiệu trưởng tình cảm trân trọng, quý mến. Với tâm huyết xây dựng một môi trường sư phạm lành mạnh, đoàn kết, thầy Thọ đã góp phần đưa Trường THPT Lê Quý Đôn trở thành điểm sáng trong ngành Giáo dục khi đạt được nhiều kết quả trong dạy và học. 
 
“Cuộc thi là đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong toàn đội ngũ CBNGNLĐ và học sinh, sinh viên toàn ngành gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thông qua cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng trong ngành Giáo dục cũng như toàn xã hội về truyền thống tốt đẹp, về các tấm gương nhà giáo đã và đang tận tụy cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, tích cực thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 29 - NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Qua đó, góp phần đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực ra khỏi môi trường sư phạm, thực hiện có hiệu quả quy định về đạo đức nhà giáo, quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục theo các quyết định, thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, ông Ngô Văn Sơn - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Lâm Đồng cho hay.
 
VIỆT HÙNG