Trải nghiệm đặc biệt vùng đất biên cương

10:02, 20/02/2020

Tôi biết đến Hà Giang lần đầu tiên là qua bức tranh chụp cảnh Núi Đôi nổi bật trên nền lúa chín treo ở nhà của đồng nghiệp đàn anh...

Tôi biết đến Hà Giang lần đầu tiên là qua bức tranh chụp cảnh Núi Đôi nổi bật trên nền lúa chín treo ở nhà của đồng nghiệp đàn anh. Nhìn ánh nắng vàng chiếu qua đỉnh núi, ai nấy đều ngẩn ngơ về sự kỳ thú của tự nhiên… Rồi tôi biết thêm về Hà Giang qua những câu chuyện kể thời kết nghĩa giữa Lâm Đồng với Hà Giang những năm 60 của thế kỷ trước - mối duyên hình thành từ phong trào kết nghĩa giữa một tỉnh miền Bắc và một tỉnh miền Nam trong chiến tranh… Rồi chiến tranh biên giới, và những con đường, khu phố mang tên Hà Giang ở Lâm Đồng…
 
Cột cờ Lũng Cú
Cột cờ Lũng Cú
 
Lầu đầu tiên tôi bước chân đến Hà Giang là chuyến đi đến… Cao Bằng. Núi nối tiếp núi, cao, nhọn và nhiều đá. Nhưng, điều thú vị là giữa trùng điệp núi đá như thế, cây cối vẫn tươi xanh. Từ các hốc đá mọc lên nào ngô, nào sắn, nào vừng…, đặc biệt, có những cây cải cao, lá rộng mà tôi chưa nhìn thấy bao giờ. Thỉnh thoảng, dưới chân núi có những mảnh ruộng lúa bé xíu, rồi những bản làng chênh vênh bên sườn núi, hay những ngôi nhà đơn sơ, lẻ loi... 
 
Những địa danh mà tôi biết cũng lần lượt đi qua, nhưng thời tiết và thời điểm không được như tôi mong đợi. Núi Đôi vào chiều hè trải một màu xanh lá và thiếu nắng, nên chiếc áo cô tiên vẫn hững hờ như thế mà chẳng khiến ai động lòng. Cột cờ Lũng Cú sắp đóng cửa vì đã gần 5 giờ chiều, rồi nhà Vua Mèo cũng vậy. Đương nhiên, những địa danh khác, như Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Mã Phi Lèng… đều chỉ được nghe tên… Chuyến về trong đợt công tác ấy, chúng tôi đi đường Bắc Cạn, nên Hà Giang vẫn còn là địa danh vô cùng bí ẩn…
 
Đoàn phóng viên Báo Lâm Đồng tại cột mốc số O.
Đoàn phóng viên Báo Lâm Đồng tại cột mốc số O.
 
Và, tôi thực sự đến Hà Giang trong chuyến công tác vào tháng 4 năm 2018. Hà Giang thấp thỏm trong tôi suốt cuộc hành trình dài từ Tây Nguyên ra Bắc. Con đường Hà Nội - Phú Thọ - Tuyên Quang đến Hà Giang khá nhẹ nhàng đối với dân miền núi, cho đến khi thành phố Hà Giang nhỏ xíu với vài con đường ngắn ở trung tâm là có nhiều nhà cao tầng cũng đến trong tầm mắt. Thời tiết của ngày xuân còn vương vấn, nên đội chúng tôi ai nấy đều khá dễ chịu dù trải qua một chặng đường dài…
 
Bữa tiệc đón chào của đồng nghiệp Hà Giang rất ấn tượng trên dòng sông Lô chảy trong thành phố. Những người bạn mới tại Hà Giang chăm sóc chúng tôi quá nhiệt tình, đặc biệt là sự giao lưu, đối tửu vô cùng hoàn hảo, khiến bầu không khí rất nhanh phá tan sự e ngại ban đầu. Chúng tôi hỏi thăm nhau về công việc, quê quán, gia đình… rồi phát hiện ra còn là đồng hương, đồng niên, đồng môn… Cứ thế! Rượu nồng càng thêm nồng!
 
Rồi, chúng tôi lang thang ở Quảng trường thành phố, cùng người dân Hà Giang hóng mát, xem bọn trẻ con chạy xe điện, ăn hàng, nghe hát rong… Chúng tôi đến bên Cột mốc số O, lắng mình trong dòng suy tư về nỗi gian truân và trách nhiệm cao cả mà người dân miền biên thùy đang gánh vác… Đêm ở vùng đất biên cương vô cùng bình yên, tưởng chừng như chưa hề có những cuộc chiến thảm khốc ở nơi đây!
 
5 giờ sáng, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình khám phá Hà Giang trong màn sương mù mịt và cả thành phố còn yên giấc. Nhưng, suốt 3-4 tiếng đồng hồ chỉ có sương hoặc mưa phùn. Núi Đôi chỉ có mưa chứ không có sương và nắng như mong ước. Thật may! Tại Cột cờ Lũng Cú, trời trong xanh, mây trắng nhẹ nhàng. Nhiều đoàn khách hăng hái vượt qua 349 bậc thang để đến chân Cột cờ, nhưng vì đang có sửa chữa nên chưa có cơ hội vượt thêm 140 bậc thang nữa để được ôm lá cờ Tổ quốc rộng 54 m2 tượng trưng cho 54 dân tộc Việt... Nhưng, lấy được hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay uy nghiêm trên đỉnh núi Rồng làm tôi thỏa nguyện được phần nào.
 
Trời nắng ráo cho quãng đường đến nhà Vua Mèo và ở thị trấn Đồng Văn. Tôi tò mò mua vài món sản vật địa phương, ăn trưa, tham quan khu phố cổ. Rồi lại tiếp tục đoạn đường đèo dốc đứng và quanh co nối tiếp nhau trong mưa mù. Ngồi giữa ở hàng ghế sau trên chiếc xe 5 chỗ của Báo Hà Giang, nên tôi chỉ nhìn thấy phía trước, không có cái cảm giác bước xuống xe là đến vực sâu như lần đầu tôi đi, nhưng vẫn thấy hồi hộp mỗi khi phải tránh xe ngược chiều hay có chiếc xe khác vượt lên…
 
Dòng sông Nho Quế nhìn từ đỉnh Mã Phí Lèng.
Dòng sông Nho Quế nhìn từ đỉnh Mã Phí Lèng.
 
Xe chúng tôi đi 2 đồng nghiệp của báo bạn thay nhau cầm lái, nên ở mỗi dấu mốc suốt chặng đường ấy, chúng tôi đều có thêm những thông tin và những câu chuyện, như “Cung đường 9 Đoạn” là sự trải nghiệm cảm giác mạnh khi chiếc xe liên tục hạ độ cao qua những khúc cua lật ngang khuỷu tay hay “Cung đường Hạnh Phúc” gắn liền với công sức của hàng trăm thanh niên xung phong đi mở đường từ năm 1959, chỉ với dụng cụ rất thô sơ là búa, xà beng trong điều kiện ăn ngủ thiếu thốn suốt 8 năm, với bao sức trẻ, mồ hôi, thậm chí là xương máu, để hình thành tuyến đường 200 km từ Hà Giang qua cao nguyên đá Đồng Văn, lên đỉnh Mã Phí Lèng, rồi đến Mèo Vạc… mang niềm vui, niềm hạnh phúc đến cho bao người dân.
 
Và từ đó cho đến hôm nay và mãi về sau, “Cung đường Hạnh Phúc” đã kết nối bao bản làng với các vùng miền; giúp người dân xứ cao nguyên đá phát triển sản xuất, phát huy lợi thế, thu hút khách du lịch từ bản sắc văn hóa truyền thống,cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và đầy hương sắc. Mùa hoa cải vàng, mùa hoa mận trắng, mùa hoa đào hồng…; màu của lúa chín, màu hoa tam giác mạch, màu trên trang phục người vùng cao; và những lễ hội… vẫn còn là những bí ẩn.
 
Còn có những câu chuyện về sự tàn khốc của cuộc xâm lược vô lý kéo dài hơn 10 năm từ 1979-1989, kéo theo vô vàn hy sinh, mất mát của quân và dân ta trên khắp mặt trận 6 tỉnh biên giới để giành lại từng tấc đất, từng mỏm đá, với cái tên vẫn còn đau nhói mỗi độ xuân về - Vị Xuyên!
 
* * *
 
Bữa tối, cũng là lần đầu tiên trong đời, tôi được ăn “combo” thịt ngựa. Cảm giác chếnh choáng của một hành trình với nhiều loại cảm xúc, của hương vị lạ lẫm từ các món ăn, men rượu ngô nồng nàn và thịnh tình của những người bạn Hà Giang, khiến tôi dặn lòng mình, còn phải quay trở lại khám phá các bản làng và trải nghiệm đời sống và lắng lòng với những nỗi đau của người dân trên cung đường ấy… Anh chàng đồng nghiệp trẻ như đọc được suy nghĩ của tôi, cũng thì thầm: “Em sẽ quay trở lại Hà Giang vào một ngày nào đó! Sẽ đi lại cung đường này bằng xe máy, theo đúng nghĩa là du ngoạn, để được sống trong cái vẻ đẹp hồn nhiên và tươi sáng của vùng đất thân thương này”!
 
LÊ HOA