Tự tin bước vào thập niên mới

06:02, 04/02/2020

Bốn mươi lăm năm kể từ ngày được giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, giành được những thành tựu cực kỳ quan trọng...

Bốn mươi lăm năm kể từ ngày được giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, giành được những thành tựu cực kỳ quan trọng. Đó là một chặng đường phấn đấu, xây dựng, hoạt động, trưởng thành đầy gian khổ, hy sinh của các thế hệ cách mạng và Nhân dân, góp phần tô đậm thêm những trang sử vẻ vang của Đảng, của dân tộc.
 
Đà Lạt - thủ phủ của tỉnh Lâm Đồng ngày càng phát triển, xứng danh là thành phố du lịch nổi tiếng nhất nhì cả nước.
Đà Lạt - thủ phủ của tỉnh Lâm Đồng ngày càng phát triển, xứng danh là thành phố du lịch nổi tiếng nhất nhì cả nước.
 
Chặng đường trưởng thành những năm thực hiện đường lối đổi mới
 
Sau ngày giải phóng, Lâm Đồng là tỉnh nghèo, kinh tế chủ yếu tự cung tự cấp, cơ cấu dân cư không ổn định, tình hình an ninh chính trị phức tạp, nhưng Đảng bộ đã quán triệt, vận dụng đường lối, quan điểm của Đảng vào tình hình thực tiễn của địa phương với tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường; đồng thời, phát huy đến mức cao nhất sức mạnh tổng hợp của địa phương và sự giúp đỡ của các cấp, các ngành Trung ương. Trong từng thời điểm lịch sử khác nhau, những chủ trương, đường lối của Đảng đều nhằm mục tiêu tiến hành cải tạo quan hệ sản xuất cũ do chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ để lại, xây dựng quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa và lực lượng sản xuất mới tương ứng; phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, xây dựng quốc phòng, an ninh vững chắc.
 
Nếu như những năm đầu đổi mới, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng (khóa IV) chỉ đặt ra mục tiêu là giảm bớt khó khăn, tiến tới ổn định dần đời sống cán bộ, công nhân viên, lực lượng vũ trang và nhân dân lao động, tạo ra sự biến đổi đáng kể về mặt xã hội nhất là vùng dân tộc thiểu số, vùng kinh tế mới; thì sau những năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã phát triển khá toàn diện, đời sống Nhân dân được cải thiện và từng bước xây dựng nền kinh tế theo hướng thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
 
Bằng các chủ trương, chính sách mới ra đời như đổi mới cơ chế quản lý kinh tế vĩ mô chuyển từ cơ chế quản lý hành chính bao cấp sang cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm và tự hạch toán kinh doanh đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh; điều chỉnh, sắp xếp lại các doanh nghiệp, tổ chức lại sản xuất, thực hiện phân công phân cấp cho địa phương và cơ sở, xóa bỏ mọi hình thức bao cấp, kiểm soát và xóa bỏ độc quyền kinh doanh, đẩy mạnh liên doanh, liên kết và xuất khẩu… tạo tiền đề và hành lang pháp lý cho sản xuất hàng hóa phát triển mạnh mẽ, nhất là các mặt hàng thế mạnh của tỉnh như rau, hoa, chè, cà phê, dâu tằm, khoáng sản… đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu, đem lại nguồn thu ngân sách đáng kể cho tỉnh. Năng lực sản xuất của các thành phần kinh tế hầu hết được giải phóng và phát huy. Tỷ trọng các ngành sản xuất trong nền kinh tế cũng có sự thay đổi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sản xuất công nghiệp và dịch vụ tăng dần lên hàng năm cả về tuyệt đối và tương đối, so với sản xuất nông nghiệp. Cơ cấu các vùng kinh tế của tỉnh có sự chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế so sánh. Trong từng địa phương của tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh nguyên liệu chất lượng cao phục vụ cho sản xuất kinh doanh và chế biến sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường…
 
Những chuyển biến đó đã làm tăng thêm tiềm lực cho nền kinh tế địa phương, tăng dần tích luỹ từ nội bộ của nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi để tiến tới ổn định và phát triển bền vững, giải quyết cơ bản đời sống của các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, thể hiện bước tiến bộ vượt bậc của Đảng bộ trong nhận thức cũng như trong lãnh đạo và chỉ đạo điều hành phát triển nền kinh tế theo hướng thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đổi mới.
 
Nhận thức sâu sắc quan điểm của Đảng đó là coi giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Đảng bộ Lâm Đồng (khóa VI, giai đoạn 1996 - 2000) đã lãnh đạo, chỉ đạo việc cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) và Nghị quyết 09-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa VI) đưa sự nghiệp giáo dục - đào tạo của tỉnh phát triển toàn diện, thực hiện được các mục tiêu về nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Đầu tư xây dựng mạng lưới y tế cơ sở, mạng lưới trường lớp vùng sâu, vùng xa và ở các địa bàn khó khăn, đáp ứng nhu cầu học tập, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Các hoạt động khoa học - công nghệ của tỉnh cũng đã chú trọng đưa các tiến bộ kỹ thuật vào phục vụ sản xuất và đời sống, nghiên cứu gắn với thực tiễn. 
 
Suốt những năm qua, công cuộc đổi mới do Đại hội VI của Đảng đề ra đã được Đảng bộ quán triệt, vận dụng và thực hiện, những quan điểm này được phát triển, bổ sung, quán triệt qua các Đại hội VII, VIII, IX và X của Đảng. Thực tiễn cho thấy, trong từng thời kỳ Đảng bộ Lâm Đồng đã xác định đúng các nhiệm vụ trọng tâm, những khâu đột phá để có chủ trương, giải pháp phù hợp; đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, kịp thời phát hiện và giải quyết các khó khăn, mâu thuẫn nảy sinh. Đảng bộ coi trọng phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; coi trọng công tác định canh, định cư trong vùng đồng bào dân tộc ít người…
 
Nhiều thành tựu to lớn 
 
Nhìn lại chặng đường lãnh đạo thực hiện sự nghiệp đổi mới, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cùng với cả nước, Lâm Đồng hiện không chỉ đã thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng về kinh tế - xã hội, tình trạng nghèo nàn và lạc hậu kéo dài nhiều năm, mà đang có những bước tiến ngày càng vững chắc trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội… Bộ mặt nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh không ngừng được đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân các dân tộc được cải thiện đáng kể và có nhiều mặt khởi sắc. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc do Đảng lãnh đạo ngày càng được củng cố và tăng cường, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Những thành tựu quan trọng đó chứng tỏ khả năng vận dụng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng đối với Đảng bộ Lâm Đồng là đúng đắn và sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là phù hợp với thực tiễn Lâm Đồng. Và, thành quả hôm nay trong nhiều lĩnh vực cũng thể hiện sự nỗ lực, năng động và sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Lâm Đồng trong thực hiện các nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao.
 
Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 18 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, 3 ban cán sự đảng, 7 đảng đoàn và Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn. Có 764 tổ chức cơ sở đảng, 46.265 đảng viên, chiếm tỷ lệ khoảng 3,5% dân số toàn tỉnh. Công tác xây dựng Đảng ngày càng được quan tâm và đạt nhiều kết quả quan trọng. Phương thức lãnh đạo của Đảng tiếp tục được đổi mới, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng cũng được nâng lên. 
 
Kinh tế Lâm Đồng những năm qua đã đạt được những thành tựu, kết quả ấn tượng. GDP liên tục tăng trưởng, GDP bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 52,2 triệu đồng, gấp 2,6 lần so với năm 2010. Và từ đó đến nay, GDP liên tục tăng trưởng. Năm 2019, GRDP đầu người đạt 66,7 triệu đồng, mục tiêu phấn đấu năm 2020 tỉnh đặt ra là 73 - 75 triệu đồng.
 
Soi lại kết quả phát triển kinh tế những năm qua, có thể thấy rằng, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh vẫn liên tục tăng, có giai đoạn tăng đột phá. Điều này đã phản ánh chất lượng cuộc sống của người dân tỉnh Lâm Đồng đã và đang được cải thiện đáng kể. Năm 2019 là một năm có ý nghĩa quan trọng, là năm đánh dấu 90 mùa Xuân đất nước ta có Đảng, cũng là năm quan trọng để tỉnh ta thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng; bám sát chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Nghị quyết của Tỉnh ủy, cùng với sự nỗ lực của chính quyền, Nhân dân trong tỉnh, kinh tế, xã hội của tỉnh cũng đã đạt được những kết quả khá toàn diện. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 8.298 tỷ đồng. Phong trào xây dựng nông thôn mới chuyển biến tích cực, đã có 99/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Sau 10 năm thực hiện chương trình nông thôn mới, tỉnh đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí đa chiều) chỉ còn 1,85%. Tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh có khoảng 9 ngàn doanh nghiệp với tổng vốn là 96.200 tỷ đồng… Đây là những con số phát triển vượt bậc so với những năm đầu đổi mới.
 
Bước vào năm 2020, năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội X của tỉnh, cũng là năm đánh dấu tròn 90 mùa Xuân đất nước ta có Đảng, những thành tựu đạt được trong suốt thời gian qua càng tiếp thêm niềm tin, sự quyết tâm để Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục vững bước, đoàn kết cùng tiến lên xây dựng tỉnh ta ngày càng phát triển.
 
NGUYÊN THI