Khát vọng Đạ R'sal

06:03, 25/03/2020

Vẫn còn vẹn nguyên những khát vọng tốt đẹp của Đạ R'sal (Đam Rông) sau một chặng đường đã đi qua. 5 năm là quãng thời gian không dài nhưng cũng đủ lâu để cảm nhận được sự nỗ lực bền bỉ,...

Vẫn còn vẹn nguyên những khát vọng tốt đẹp của Đạ R’sal (Đam Rông) sau một chặng đường đã đi qua. 5 năm là quãng thời gian không dài nhưng cũng đủ lâu để cảm nhận được sự nỗ lực bền bỉ, quyết tâm không ngưng nghỉ của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Đạ R’sal khi hoàn thành mục tiêu về đích nông thôn mới từ 4 năm về trước. Bước chậm lại và tận hưởng những thành công đã qua, chắc chắn không phải là điều mà cán bộ, đảng viên và người dân của Đạ R’sal mong muốn dù kết quả ấy rất đỗi để tự hào. Hẳn nhiên, vẫn còn đó những khó khăn và thách thức chờ đón. Nhưng với ý chí và nguyện vọng, với những mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể được đề ra, chúng ta hoàn toàn có thể thấy được những gam màu tươi sáng hơn nữa trong bức tranh nông thôn của mảnh đất giáp ranh này ở phía ngày mai. 
 
Đạ R’sal là cửa ngõ phía Bắc Lâm Đồng
Đạ R’sal là cửa ngõ phía Bắc Lâm Đồng
 
Năm 2017, Đạ R’sal là xã đầu tiên của huyện Đam Rông được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Không đơn thuần chỉ là tấm bảng danh hiệu, nếu ai tường tận và cùng đi với Đạ R’sal trong suốt một chặng đường dài mới thấu hiểu hết những gì mà vùng đất bên sông này đã trải qua. Đạ R’sal thường thấy không chỉ là khu vực trung tâm sầm uất như một thị tứ bởi những ưu thế thông thương của vùng cửa ngõ, mà Đạ R’sal còn có những thôn, buôn xa xôi bị chia cắt bởi đồi núi và sông suối, cũng khó khăn và cách trở như nhiều địa danh khác của huyện Đam Rông.
 
Không phải chỉ ở nhiệm kỳ vừa qua, sau khi về đích NTM, Đạ R’sal mới được xem là một trong những xã có điều kiện, tiềm lực phát triển nhất của địa phương Đam Rông. Đã từ rất lâu, Đạ R’sal luôn là lá cờ tiên phong cho mọi phong trào thi đua, phát triển kinh tế của huyện. 
 
Không phải vì khác biệt ở khí hậu, thổ nhưỡng, sự đoàn kết, thống nhất của Đảng bộ, chính quyền xã; sự đồng lòng, ủng hộ và ý chí vươn lên của người dân mới là câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi, vì sao Đạ R’sal luôn là niềm tự hào của Đam Rông.
 
Nếu bắt buộc phải lấy một mốc thời gian nào đó để so sánh thì nhiệm kỳ 2015 - 2020 Đại hội Đảng bộ xã lần thứ VI có lẽ là thời gian cụ thể và thuyết phục nhất để nhìn lại. 100% các mục tiêu mà Nghị quyết đề ra đều đã đạt được những kết quả quan trọng. Một trong những chỉ tiêu phản ánh đầy đủ nhất sự phát triển của một địa phương, đồng thời thấy rõ được đời sống ổn định của người dân chính là thu nhập. Hiện tại thu nhập bình quân đầu người của Đạ R’sal đạt gần 44 triệu đồng/người/năm, con số này đã tăng 25,5 triệu đồng so với thời gian năm 2015 và tăng hơn 9 triệu đồng so với Nghị quyết Đại hội đề ra. Nhiệm kỳ 2015 - 2020 cũng ghi nhận việc thu ngân sách hàng năm của xã đều đạt và vượt chỉ tiêu huyện giao. Với tốc độ tăng thu bình quân hàng năm đạt từ 8 - 10% và tổng thu trong nhiệm kỳ gần 30,700 tỷ đồng, thực sự là con số đáng ghi nhận với một xã còn nhiều khó khăn như Đạ R’sal, đồng thời cũng là điều mong ước của nhiều xã trên địa bàn tỉnh.
 
Sự phát triển của một xã vùng sâu như Đạ R’sal được đánh giá khá toàn diện, phủ và trải rộng trên nhiều mặt, không phụ thuộc vào nông nghiệp quá nhiều như một số xã vùng nông thôn khác. Với việc cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch đúng hướng, trong đó giảm dần tỷ trọng nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản (Nông - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 50,5%; công nghiệp - xây dựng chiếm 14% và dịch vụ trên 35%), Đạ R’sal đã tạo cho mình một sự cân đối và tương đối hài hòa. Điều này cũng góp phần cho lộ trình phát triển của xã có được yếu tố bền vững, không bị chênh lệch quá nhiều giữa các thôn, buôn cũng như đời sống, thu nhập của người dân.
 
Bên cạnh ưu thế của vùng cửa ngõ, với sự thông thương hàng hóa từ các tỉnh phía Bắc Tây Nguyên với Lâm Đồng và ngược lại, Đạ R’sal có các điều kiện nhất định để phát triển dịch vụ, thương mại. Điển hình là khu vực trung tâm xã với chợ đầu mối, cũng như đa dạng các mặt hàng thiết yếu trên mọi lĩnh vực phục vụ cho xã trong huyện. Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng; tập trung đầu tư phát triển các vùng chuyên canh có quy mô lớn như chuyên canh sản xuất cà phê; trồng dâu nuôi tằm và đặc biệt là cây ăn trái... cũng đã giúp cho nông nghiệp Đạ R’sal dần có thương hiệu với thị trường ở các tỉnh phía Nam. Điều này có thể thấy rõ qua con số tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp trong năm 2020 ước đạt gần 156 tỷ đồng, tăng gần 30% so với năm 2015.
 
Dù mới chỉ đạt khoảng trên 19 tỷ đồng trong năm 2020, con số khá khiêm tốn so với 137 tỷ đồng của ngành trồng trọt nhưng ngành chăn nuôi ở xã cũng đã từng bước phát triển từ hướng nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại. Nhiều mô hình kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, trồng cây ăn trái và chăn nuôi gia súc, gia cầm cho thu nhập từ 600 đến 700 triệu đồng/năm.
 
Chính sự đa dạng và đồng đều trên nhiều lĩnh vực đã giúp cho công tác giảm nghèo của Đạ R’sal đạt được nhiều kết quả mong đợi với tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh theo mục tiêu đề ra. Sự chủ động lồng ghép nguồn vốn từ nhiều chương trình, dự án đầu tư cho hộ nghèo, cận nghèo đã góp phần không nhỏ thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển, đem lại sự đổi thay thực sự cho bộ mặt nông thôn Đạ R’sal.
 
Lãnh đạo chủ chốt của xã Đạ R’sal luôn phấn đấu trở thành tấm gương đi đầu trong các phong trào thi đua
Lãnh đạo chủ chốt của xã Đạ R’sal luôn phấn đấu trở thành tấm gương đi đầu trong các phong trào thi đua
 
Với gần 2.100 hộ và trên 7.000 nhân khẩu (đồng bào DTTS 596 hộ/1.677 khẩu), hiện tại hộ nghèo trên địa bàn toàn xã chỉ còn 136 hộ/674 nhân khẩu, trong đó hộ nghèo phần lớn vẫn nằm ở các hộ là người đồng bào DTTS. 
 
Việc xây dựng NTM cũng được Đảng bộ, chính quyền xã quan tâm hàng đầu và ưu tiên đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện. Qua đó, tập trung bố trí nguồn vốn xây dựng các công trình thiết yếu, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, đồng thời huy động được toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc; vận động người dân đóng góp nội lực...; chính điều này đã giúp cho Đạ R’sal có những đổi thay nhanh chóng. 
 
Nếu như chỉ mới đến cuối năm 2017 xã đạt chuẩn NTM thì đầu năm 2019 Đạ R’sal đã đăng ký xây dựng NTM nâng cao giai đoạn 2019 - 2020. Sau 1 năm triển khai, xã đã đạt được 18/28 chỉ tiêu trong 5 nhóm tiêu chí chính và phấn đấu đến hết năm 2020 sẽ đạt NTM nâng cao.
 
Để có được những thành công trong thời gian như thế, theo ông Lương Xuân Hường - Bí thư Đảng ủy xã: “Đảng ủy đã có nhiều giải pháp tích cực nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đến các thôn, khu dân cư, nhất là ở các thôn đồng bào DTTS, vùng có đạo. Đồng thời mỗi cán bộ, đảng viên đều phải phấn đấu trở thành tấm gương trong lối sống cũng như lao động sản xuất, đi đầu trong các phong trào thi đua. Làm được điều này thì mới tạo ra tiếng nói uy tín cũng như tạo được niềm tin trong các tầng lớp nhân dân”.
 
Chia sẻ điều này với Bí thư Đảng ủy xã, ông Thái Viết Phúc - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đạ R’sal cho biết: “Cán bộ, đảng viên trong toàn xã đã gương mẫu đi đầu trong các phong trào của địa phương; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đã thẳng thắn, trung thực đấu tranh tự phê bình và phê bình, đoàn kết thống nhất, tập trung dân chủ đi đôi với kỷ cương, thêm vào đó là sự đồng thuận của người dân đã tạo thành sức mạnh để Đạ R’sal có thể thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra”.
 
Không thể kể hết những thành công đầy tự hào và đáng ghi nhận của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân xã Đạ R’sal trong nỗ lực vươn lên. Nhưng cũng thật thiếu sót nếu không đưa ra những khó khăn và thách thức mà xã phải đối mặt và vượt qua. 
 
Lớn hơn cả đó còn là trách nhiệm, là sự day dứt, là niềm trăn trở của những người đứng đầu, những người gánh trên vai sứ mệnh đổi thay của người dân trong xã nếu như để cho Đạ R’sal lùi lại ở phía sau.
 
Đó là một Đạ R’sal với tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng vẫn chưa có tính bền vững, có nguy cơ tái nghèo cao, nhất là đối với các hộ đồng bào DTTS. Xây dựng NTM với phương châm “không để ai ở lại phía sau”, nhưng nhiều người dân vẫn còn ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước; đời sống văn hóa của người dân còn thiếu và chưa đa dạng; hủ tục vẫn còn ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào DTTS; tỷ lệ sinh con thứ 3 còn cao; học sinh vẫn còn phải vận động đến lớp...; điều này có nghĩa vẫn còn các rào cản để Đạ R’sal có thể thuận lợi đi theo đúng lộ trình phát triển của mình. Đây cũng thực sự là bài toán hóc búa để cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ xã phải trăn trở hơn, quyết tâm hơn trong việc đi tìm lời giải.
 
Đất Đạ R’sal không cằn cỗi, vì đã có những người từ Đài Loan, hay TP Hồ Chí Minh tìm đến để đầu tư trồng cây ăn trái, xây dựng vùng nguyên liệu. Người Đạ R’sal không cam chịu, bởi rất nhiều người gắn bó với mảnh đất ấy đã có cơ ngơi tiền tỷ sau những mồ hôi và nước mắt cho đi. Không phải tất cả bà con DTTS ở Đạ R’sal đều trông chờ vào mưa nắng của trời, bởi rất nhiều người ở Phi Jút, thôn nghèo nhất xã đã không còn phải lắng lo áo cơm từng bữa.
 
Đạ R’sal có thể trở thành một trong những vùng chuyên canh cây ăn trái lớn nhất tỉnh; Đạ R’sal có thể trở thành một thị tứ điểm nhấn đầy màu sắc sôi động ở cửa ngõ phía bắc của Nam Tây Nguyên... chắc chắn là có, bởi ở đó, ở Đạ R’sal, ai cũng có khát vọng để đổi thay.
 
LINH ĐAN