Trăn trở Bãi Mía

06:03, 25/03/2020

Mang tên Bãi Mía nhưng buôn nhỏ không thắm sắc xanh của vườn rẫy, cũng chưa có vị ngọt lành của ấm no...

Mang tên Bãi Mía nhưng buôn nhỏ không thắm sắc xanh của vườn rẫy, cũng chưa có vị ngọt lành của ấm no. Bởi suốt bao năm qua, 78 nóc nhà nơi ấy vẫn quẩn quanh với nghèo khó. Và Bãi Mía vẫn là nỗi trăn trở của cả Đạ R’sal.
 
Một góc buôn Bãi Mía hôm nay
Một góc buôn Bãi Mía hôm nay
 
Cái nghèo ở Bãi Mía
 
Nếu Phi Jút là thôn đặc biệt khó khăn của xã Đạ R’sal (huyện Đam Rông) thì Bãi Mía là vùng nghèo khó của Phi Jút. Thôn Phi Jút chỉ có 2 buôn Phi Jút và Bãi Mía với hơn 70% dân số là người DTTS. Nếu như buôn Phi Jút là cộng đồng của người K’Ho ở khu vực Đạ Đờn di cư vào, họ chăm lo lao động sản xuất, đời sống người dân được nâng cao thì buôn Bãi Mía là nhóm người M’Nông ở Đầm Ròn di chuyển ra, hủ tục lạc hậu kéo theo tư tưởng trông chờ, ỉ lại còn quá nặng nề trong tâm tưởng khiến phong trào lao động sản xuất, ý thức vươn lên làm giàu chưa đủ sức “nảy mầm” ở Bãi Mía.
 
 Ông Lương Xuân Hường - Bí thư Đảng ủy xã Đạ R’sal, nói rằng: Buôn Bãi Mía có 78 hộ, trong đó có tới 31 hộ nghèo và 21 hộ cận nghèo. Hơn 10 năm qua, xã Đạ R’sal đã tranh thủ các nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo để tập trung đầu tư cho các thôn, buôn khó khăn, đặc biệt là Bãi Mía. Tuy nhiên, đời sống kinh tế - xã hội của bà con khu vực này vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tập quán sản xuất còn lạc hậu nên hiệu quả kinh tế không cao, tỷ lệ hộ nghèo cao, bình quân thu nhập thấp. Các vấn đề thiết yếu như nhà ở, đất sản xuất, đất ở, đất rừng, nước sinh hoạt… vẫn còn nhiều khó khăn. Trình độ dân trí thấp, đa phần các gia đình đều đông con, tỷ lệ trẻ em bỏ học, suy dinh dưỡng còn cao... Trong câu chuyện về cái nghèo dai dẳng vẫn bám lấy Bãi Mía bao năm nay, Bí thư chi bộ thôn Y Nhất Rơ Lức không giấu được nỗi niềm, rằng: Cái nghèo ở Bãi Mía xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song chủ yếu do chính bà con còn thiếu kiến thức, việc tiếp thu khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Phần lớn các hộ không biết tính toán cách làm ăn và chi tiêu nên việc tích lũy cho tái đầu tư, sản xuất không có. Bởi vậy, thiếu vốn sản xuất là việc thường xuyên xảy ra. Đã thế, ở Bãi Mía hộ nào cũng đông con. Trẻ nhỏ, người già không lao động được. Nhưng có một số lao động chính của các gia đình lại lười nhác hoặc mắc các tệ nạn xã hội như ma túy, rượu chè, cờ bạc…Và đáng nói nhất là tư tưởng trông chờ, ỷ lại vẫn còn tồn tại ở nơi này, nên vì thế mà bao năm rồi Bãi Mía vẫn nghèo.
 
“Kéo” Bãi Mía đi lên
 
Trước năm 2015, Phi Jút là chi bộ ghép với thôn Păng Pế Đơng. Đội ngũ đảng viên cũng như sự lãnh đạo của Đảng ở Bãi Mía cũng vì thế mà quá mỏng. Y Nhất Rơ Lức là một trong 2 đảng viên tại chỗ thời điểm đó. Hai nhiệm kỳ ở cương vị Bí thư chi bộ và ông cũng là người uy tín trong thôn. Đó là điều kiện thuận lợi song vẫn chưa đủ để ông có thể thực hiện các nhiệm vụ. Để “kéo” Bãi Mía ngang bằng với Phi Jút, nhiều giải pháp cụ thể đã được xã Đạ R’sal đặt ra cụ thể thông qua Nghị quyết chuyên đề, nhằm tập trung củng cố hệ thống chính trị cũng như phát triển kinh tế, xã hội ở Bãi Mía. Phương án thực hiện tập trung vào việc tuyên truyền thay đổi nhận thức, khơi dậy ý thức lao động trong người dân. Vận động bà con sinh đẻ có kế hoạch nhằm giảm bớt áp lực trong phát triển kinh tế; đồng thời tạo điều kiện cho trẻ em được chăm sóc, học hành đầy đủ. Để làm được điều này, nhiệm vụ tiên quyết là củng cố tổ chức đảng và xây dựng hệ thống chính trị ở buôn, thôn. Phát huy vai trò của các lực lượng nòng cốt, nhất là đội ngũ người có uy tín trong thôn. 
 
Sau khi nghị quyết được ban hành, Đảng ủy xã Đạ R’sal đã tăng cường các đảng ủy viên xuống sinh hoạt tại chi bộ thôn. Để giải quyết ba nút thắt lớn ở Bãi Mía gồm tư tưởng, phương pháp sản xuất và kế hoạch hóa gia đình nên lần lượt Phó Chủ tịch phụ trách văn xã, Chủ tịch Hội Nông dân và Chủ tịch Hội phụ nữ là ba đảng ủy viên được tăng cường về thôn. Hiện Chi bộ Phi Jút có 6 đảng viên, trong đó có 3 đảng viên người DTTS và chưa có chi ủy. 
 
Đảng viên tăng cường về, nghị quyết chuyên đề được xây dựng, đó như những sức mạnh thổi bùng lên trong hành trình từng bước tạo nên sự chuyển mình ở Bãi Mía. Và hoạt động của chi bộ cũng như các đảng viên ở buôn nhỏ này đã thực sự để lại dấu ấn. Nếu tuyên truyền được xem như giải pháp xương sống nhằm thay đổi căn bản nhận thức của người dân thì việc thực hiện các mô hình, cầm tay chỉ việc, hướng dẫn kỹ thuật, nhân rộng các mô hình sản xuất là yếu tố mang tính quyết định nhằm nâng cao thu nhập cho bà con. Hiện ở Bãi Mía, ngoài việc tạo điều kiện để bà con nhận khoán, quản lý và bảo vệ rừng để giải quyết cái đói thì Hội Nông dân cũng đã hướng dẫn người dân sử dụng có hiệu quả quỹ đất hiện có bằng giải pháp ngoài trồng các loại cây chủ lực như cà phê, rau màu, cây ăn quả còn là một số cây trồng xen mang lại hiệu quả kinh tế như mắc ca, điều… Bên cạnh đó, các phong trào nhằm tập hợp và tuyên truyền trong Nhân dân cũng đã được xây dựng. Đơn cử như phong trào “Tiếng kẻng thể dục”, đây là phong trào nhằm vận động bà con mỗi sáng mang dụng cụ lao động ra vườn, chăm sóc cây trồng trong vườn. Đồng thời, thông qua phong trào này, cán bộ thôn sẽ hướng dẫn cụ thể để bà con áp dụng các kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng. Bên cạnh đó, đối với hoạt động của chi hội phụ nữ, xác định tính mẫu hệ trong vùng đồng bào DTTS, Hội Phụ nữ đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để giảm sinh con thứ 3 trở lên. Tuy nhiên, do bà con buôn Bãi Mía có nhiều diện tích sản xuất ở xa, thường phải đi nhiều ngày nên việc vận động bà con đòi hỏi phải thường xuyên, linh hoạt. Sau nhiều nỗ lực của chi hội phụ nữ, đến cuối năm 2019, 100% chị em phụ nữ đã không sinh thêm con thứ 3. Và tất cả chị em đã tham gia sinh hoạt hội. Đây thực sự là kênh hiệu quả để đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung liên quan. Thay đổi nhận thức người dân không phải chuyện ngày một, ngày hai mà đòi hỏi phải cả quá trình mà ở đó những đảng viên như Bí thư Y Nhất Rơ Lức phải đi đầu trong mọi nhiệm vụ. Cũng bởi lý do đó mà chính bí thư thôn là người tiên phong trong thực hiện tái canh cà phê. Năng suất cà phê được cải thiện là minh chứng rõ nhất để đến nay đã có 13 hộ với 7 ha cà phê được tái canh và đã có 3 hộ chuyển đổi một phần diện tích sang dâu tằm. 
 
“Kéo” buôn Bãi Mía lên ngang bằng với các thôn, buôn khác trong xã là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt được đặt ra không chỉ với thôn Phi Jút mà cho cả hệ thống chính trị ở Đạ R’sal.
 
NGỌC NGÀ