Chuyện học ở Chi Rông

06:03, 20/03/2020

Học sinh bỏ học, chính quyền và nhà trường phối hợp vận động con em bà con DTTS đến trường… là những câu chuyện thường thấy, là nỗi trăn trở của nhiều địa phương...

Học sinh bỏ học, chính quyền và nhà trường phối hợp vận động con em bà con DTTS đến trường… là những câu chuyện thường thấy, là nỗi trăn trở của nhiều địa phương. Nhưng ở Chi Rông (Phú Hội, Đức Trọng) thì khác. Học hành như là điều hiển nhiên được thực hiện đối với mỗi đứa trẻ. Chuyện học được nhiều bậc cha mẹ quan tâm. Cũng bởi vậy mà từ thôn đồng bào DTTS này, có nhiều bác sĩ, kỹ sư trưởng thành và đang cống hiến sức trẻ ở nhiều miền đất khác.
 
Dù đời sống còn khó khăn, ở thôn văn hóa Chi Rông, người dân luôn quan tâm đến việc học của con em
Dù đời sống còn khó khăn, ở thôn văn hóa Chi Rông, người dân luôn quan tâm đến việc học của con em
 
Chi Rông là một trong 6 thôn đồng bào DTTS của xã Phú Hội. Thôn có gần 400 hộ. Trong đó 85% là đồng bào các DTTS gốc Tây Nguyên. Nằm trải dọc theo Quốc lộ 20, Chi Rông có địa hình khá bằng phẳng, người dân chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp. Không phải là thôn dẫn đầu trong vùng đồng bào DTTS về phát triển kinh tế, nhưng Chi Rông là vùng đất nổi tiếng về sự học. Là đảng ủy viên được phân công về sinh hoạt tại Chi bộ Chi Rông, ông Đào Xuân Tiến - Chủ tịch UBND xã khẳng định: “Từ hàng chục năm nay, phong trào học tập ở Chi Rông luôn lớn mạnh. Chưa bao giờ có tình trạng các cấp chính quyền và nhà trường tới nhà vận động học sinh đi học. Các hộ dân ở Chi Rông cũng chú trọng đầu tư cho con cái học hành nên nhiều con em ở Chi Rông đã tốt nghiệp các trường đại học ở Sài Gòn, Đà Lạt, Đại học Tây Nguyên và đang công tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau”.
 
Chẳng biết tên Chi Rông có tự bao giờ, chỉ nghe những người già ở nơi này kể lại rằng đó là cái tên được đọc phiên ra từ tiếng gốc C’Rông. Làng C’Rông ngày ấy là những người K’Ho di cư từ vùng D’Ran của huyện Đơn Dương ngày nay tới đây sinh sống. Nếu những cộng đồng người K’Ho đa phần sống bằng sản xuất trên rẫy thì người K’Ho ở C’Rông ngày ấy và ở Chi Rông ngày nay đều sống nhờ lúa nước. Hiện nay, thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng theo chủ trương của địa phương, bà con sản xuất thêm rau, hoa thương phẩm. Người già nơi đây bảo rằng, ngày đó người ta thường hay nói C’Rông Tambor nghĩa là nói tới những máng nước dẫn nước vào ruộng lúa và nước về sử dụng. Cứ nói vậy nhiều nên người ta gọi luôn buôn nhỏ này là C’Rông ngày đó và trở thành Chi Rông như bây giờ.
 
Ông Jơ Nơng Sang Tam (64 tuổi) sinh ra và lớn lên tại Chi Rông, từng làm giáo viên và nay đảm nhận cương vị Trưởng ban Công tác Mặt trân thôn bảo rằng, từ những năm 1950 người Chi Rông đã cho con mình đi học. Đến một giai đoạn việc học hành của các thế hệ bị đứt đoạn do chiến tranh. Mãi đến những năm 1976, việc học hành của con em ở C’Rông ngày ấy mới được nối lại. Ông K’Mê Dũng - Bí thư Chi bộ thôn Chi Rông chia sẻ thêm: “Truyền thống học ở thôn có từ lâu đời, khi trước đây những người đàn ông ở Chi Rông được học và đi làm trong các nhà máy. Với họ thời điểm đó, muốn có việc làm tốt thì phải học, phải có kiến thức. Và cứ thế nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nếu như tâm lý của các bậc cha mẹ người đồng bào DTTS ở nhiều khu vực khác là cho con lấy chồng sớm để thêm người làm rẫy, thì ở Chi Rông người ta thậm chí không ngần ngại đầu tư cho con cái học hành”.
 
Con gái anh Dũng hiện đang học ngành Y tại Sài Gòn. Và vị bí thư chi bộ thôn này cũng không thể nhớ hết có bao nhiêu con em của thôn đang theo học tại các trường đại học trong và ngoài tỉnh. Ông chỉ nhẩm sơ “đến năm ngoái, thôn có hơn 30 cháu tốt nghiệp các trường đại học và đang công tác ở nhiều nơi khác nhau”. Những đứa trẻ bước ra từ thôn nhỏ có 1 hộ nghèo và 9 hộ cận nghèo này đa phần đã trở thành những bác sĩ, kỹ sư… Có người cống hiến sức trẻ của mình cho địa phương và cũng có nhiều người đang nỗ lực gây dựng cuộc sống tốt đẹp ở nhiều miền đất khác. Nhiều gia đình, nhiều đứa trẻ ở Chi Rông vẫn lấy tấm gương của gia đình ông K’Thúc (87 tuổi) làm gương khi ngày trẻ ông đi làm thuê nhưng chăm chỉ học hành. Hành trình ấy của ông kéo dài suốt 30 năm và ông là một trong số những người có trình độ cao trong thôn. Cho con cái học hành đầy đủ là điều người ở thôn Chi Rông vẫn nhắc đến nhiều khi nói về gia đình ông K’Thúc trước đây. Còn hiện giờ, người ta ngưỡng mộ và học tập gia đình ông vì con cái thành đạt khi một người làm quản lý ở công ty vàng bạc, đá quý của Pháp, một người làm kỹ sư cho công ty nước ngoài, một bác sĩ và một giáo viên. Tất cả đang lập nghiệp ở Sài Gòn. Và bởi thế “được như gia đình ông K’Thúc” là ước mơ của nhiều gia đình, nhiều đứa trẻ trong thôn. 
 
Ở Chi Rông, người dân sống trong tình làng nghĩa xóm, đoàn kết giúp đỡ nhau trong đời sống và sản xuất. Cũng từ đó mà hủ tục được xóa bỏ, mê tín dị đoan chẳng còn, việc cưới, việc tang đều thực hiện văn minh. Và “Ở Chi Rông, trẻ em sinh ra, đến tuổi đi học thì việc trước hết là phải đến trường (đạt tỷ lệ 100%). Tuy nhiên, những năm gần đây một số ít học sinh dừng lại ở lớp 9 hay lớp 12 vì xác định học xong không có việc làm nên chọn phương án đi làm thuê kiếm tiền sớm”, Bí thư Chi bộ K’Mê Dũng tâm sự.
 
Khó khăn vẫn chưa hết ở Chi Rông nhưng những người làm cha làm mẹ ở nơi này vẫn cần mẫn cày xới trên thửa đất của mình để con cái họ từng ngày viết ước mơ trên cánh đồng chữ nghĩa. Những khó khăn trong cuộc sống đã có lúc làm một vài đứa trẻ nản lòng và không chọn gắn bó đến tận cùng với sự học. Nhưng trên hết, ngay từ lúc đứa trẻ sinh ra, các bậc cha mẹ đã đặt việc cho con đi học lên trước nhất. Để đến lúc đứng trước lựa chọn tiếp tục học hay dừng lại làm kinh tế, những đứa trẻ ở thôn có được sự lựa chọn phù hợp nhất. Rồi từ vùng đất này, không ít những nhân tố đã có thể vươn xa.
 
NGỌC NGÀ