Để giáo viên vùng sâu yên tâm công tác

06:03, 16/03/2020

Bằng tấm lòng tương thân tương ái, đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động Công đoàn ngành Giáo dục Lâm Đồng đã có những việc làm thiết thực nhằm hỗ trợ, sẻ chia khó khăn với giáo viên vùng sâu, vùng xa để họ yên tâm công tác và gắn bó với sự nghiệp "trồng người".

Bằng tấm lòng tương thân tương ái, đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động (CBNGNLĐ) Công đoàn ngành Giáo dục Lâm Đồng đã có những việc làm thiết thực nhằm hỗ trợ, sẻ chia khó khăn với giáo viên vùng sâu, vùng xa để họ yên tâm công tác và gắn bó với sự nghiệp “trồng người”.
 
Giếng nước vừa được sửa chữa cung cấp nước sạch cho khu tập thể giáo viên Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Giếng nước vừa được sửa chữa cung cấp nước sạch cho khu tập thể giáo viên Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm.
 
Về Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (xã Đà Loan, huyện Đức Trọng) trong cái nắng chói chang tháng 3 cùng Công đoàn Giáo dục Lâm Đồng để bàn giao công trình “Sửa chữa, nâng cấp hàng rào, sân, giếng nước khu tập thể giáo viên”; niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của các thầy, cô giáo nơi đây bởi khu tập thể giờ đã khang trang, sạch đẹp. Vui nhất là giếng nước mới được sửa chữa đã cung cấp đủ nguồn nước sạch sinh hoạt hàng ngày thay vì phải dùng nước nhiễm phèn như trước đây. 
 
Thầy Đoàn Văn Phấn - Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở nhà trường cho hay: “Chỉ cách đây mấy tháng, khu tập thể của giáo viên nhà trường nằm trên đồi Thanh niên của xã với khoảng sân đất, nắng bụi mưa lầy, hàng rào không có, nhìn rất tạm bợ. Các thầy cô cũng không có đủ nước sạch để dùng, phải dùng nước giếng khoan nhiễm phèn vì giếng đào khô nước. Được sự hỗ trợ của Công đoàn ngành Giáo dục cùng với các đơn vị bạn, giờ đây, khu tập thể đã có “bộ mặt” khác: sân bê tông sạch sẽ, hàng rào bao kín khuôn viên, đặc biệt là nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt hàng ngày của giáo viên. Điều này đã giúp các thầy, cô giáo ở khu tập thể có cuộc sống ổn định và yên tâm công tác”. 
 
Trường THPT Nguyễn Bình Khiêm có đến 2/3 giáo viên từ nơi khác đến công tác và ở nhà công vụ. Trường có 2 khu nhà công vụ: 1 khu ở gần trường và 1 khu ở đồi Thanh niên được đưa vào sử dụng năm 2010. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp nên phần sân vẫn là nền đất, không có hàng rào và mương thoát nước. Cuối năm 2019, được sự quan tâm của Công đoàn Giáo dục tỉnh và sự hỗ trợ của công đoàn cơ sở các trường THPT trên địa bàn thành phố Đà Lạt và huyện Đơn Dương, đến nay, khu nhà công vụ đã có sân bê tông, mương thoát nước và hàng rào lưới B40 chắc chắn. 
 
Theo Chủ tịch Công đoàn Giáo dục tỉnh Lâm Đồng - ông Ngô Văn Sơn: Trước nhu cầu bức thiết về nơi ăn chốn ở của giáo viên vùng sâu, vùng xa; Công đoàn ngành đã kêu gọi công đoàn cơ sở các trường học tích cực hưởng ứng, thực hiện cuộc vận động “Hỗ trợ giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn” và phong trào “Trường giúp trường”. Đến nay, đã có hàng chục nhà công vụ, giếng nước được xây dựng cho các trường vùng sâu, vùng xa, giúp đội ngũ nhà giáo nơi đây yên tâm công tác. 
 
“Trong năm học 2019 - 2020, phát huy kết quả đạt được trong chủ trương tập trung nguồn lực hỗ trợ xây dựng nhà công vụ, tạo điều kiện cho giáo viên vùng sâu, vùng xa có nơi ở ổn định, an tâm công tác, Công đoàn ngành phối hợp với Sở GDĐT phân công 45 đơn vị trực thuộc đóng góp xây dựng, nâng cấp nhà công vụ, khu tập thể, làm giếng khoan cho 4 Trường THPT: Phan Đình Phùng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đạ Tông, Đạ Sar với tổng giá trị hơn 430 triệu đồng. Đã có 2 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng và 2 công trình đang trong thời gian triển khai. Thời gian tới, Công đoàn ngành tiếp tục vận động, đề xuất với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Sở GDĐT, các công đoàn cơ sở và công đoàn giáo dục các tỉnh bạn hỗ trợ xây dựng nhà công vụ, công trình nước sạch cho một số công đoàn cơ sở trực thuộc đang còn gặp khó khăn”, ông Ngô Văn Sơn nhấn mạnh. 
 
Nắng chiều dịu nhẹ, rời bước khỏi khu tập thể Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn còn nghe văng vẳng tiếng cười đùa của những đứa trẻ là con các thầy, cô giáo nhà trường. Chúng chơi đùa trên khoảng sân rộng sạch, có hàng rào bao quanh chắc chắn, trong ánh mắt lấp lánh niềm vui của những người thầy, người cô vừa rời bục giảng quay về với gia đình. Để rồi, sáng mai các thầy cô lại tiếp tục lên lớp truyền đạt những kiến thức cho học trò với tấm lòng của những người miệt mài “gieo chữ” vùng khó.
 
VIỆT HÙNG