Sử gia của làng

06:03, 30/03/2020

Hành trình viết sử của người thầy giáo nơi mảnh đất Ka Đô (Đơn Dương) được người dân địa phương ví như dòng chảy của sông Đa Nhim...

Hành trình viết sử của người thầy giáo nơi mảnh đất Ka Đô (Đơn Dương) được người dân địa phương ví như dòng chảy của sông Đa Nhim. Nó cũng uốn lượn, qua từng khúc gập ghềnh nhưng cũng có những chặng êm ái để rồi đọng lại chính là hành trình vượt không gian và thời gian; mang nặng nghĩa tình của đất và người Nam Tây Nguyên. 
 
Thầy giáo Phạm Văn Sao cùng cuốn kỷ yếu viết về mảnh đất Ka Đô dày 398 trang
Thầy giáo Phạm Văn Sao cùng cuốn kỷ yếu viết về mảnh đất Ka Đô dày 398 trang
 
Cuốn kỷ yếu trên đôi tay của người thầy giáo năm nay đã 89 tuổi, với tiêu đề “Ka Đô 50 năm hình thành và phát triển (1960 - 2010) nhuốm màu thời gian. Lần giở 398 trang, hàng trăm bức ảnh tư liệu của thầy giáo Phạm Văn Sao dẫn tôi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Thầy bảo rằng hành trình của Ka Đô 50 năm được thầy ghi dấu lại cụ thể từng chi tiết từ đời sống, văn hóa, nghệ thuật, xã hội đến kinh tế, chính trị và các dân tộc anh em cùng chung sống; những con người tiêu biểu của đất Ka Đô, những chiến công cách mạng lẫy lừng. Ngày thầy bắt đầu có ý định làm cuốn kỷ yếu là lúc các con của thầy còn thơ dại, cho đến khi hoàn thành thì những người con của thầy ai cũng thành danh, thành tài và cháu nội, cháu ngoại đề huề. 
 
Từng là Hiệu trưởng của Trường Tiểu học Ka Đô và Trường Dân lập Hiệp Đức nên thầy Phạm Văn Sao hiểu rằng việc làm nên cuốn kỷ yếu sẽ có ích cho con cháu của mình về sau, khi muốn tìm hiểu về hành trình phát triển của một mảnh đất. Để rồi hôm nay, mọi chi tiết lịch sử của xã nhà được ghi lại vừa bằng hình ảnh, vừa qua các dữ liệu, sự kiện, vừa qua các cuộc phỏng vấn. 
 
Thầy Phạm Văn Sao kể rằng, lúc đầu cuốn kỷ yếu chỉ là những trang tư liệu được thầy tập hợp lại, chưa theo một thể thống nhất nào cả. Chỉ sau khi tham khảo ý kiến của nhiều người là cán bộ ở xã, huyện rồi đọc các cuốn kỷ yếu khác, thầy giáo Sao mới định hình rõ ràng và định hướng thực hiện. Để viết về nhân vật, thầy thường thực hiện những cuộc phỏng vấn họ, thu thập đầy đủ thông tin về gia đình, xin chụp ảnh hay đề nghị nhân vật cung cấp hình ảnh. Còn khi viết về các dân tộc anh em chung sống trên mảnh đất Ka Đô, thầy thường đi đến từng thôn bản, gặp gỡ già làng rồi từ đó được già làng giới thiệu thực hiện. Hình ảnh một thầy giáo hằng ngày rong ruổi cùng với bút mực, tập vở, máy ảnh đã trở nên quen thuộc với người dân địa phương nơi đây.
 
Cuốn kỷ yếu cụ thể đến mức bạn đọc dường như đang xem một bộ phim quay chậm về từng khoảnh khắc của lịch sử như khoảng thời gian xã Ka Đô chỉ là rừng cây hoang vu và 4 người đại diện Ka Đô khởi đầu, rồi đến từng giai đoạn của lịch sử được phân chia theo các cột mốc thời gian, cảnh người dân sinh hoạt, cảnh xây dựng đường sá, cầu cống, điện lưới, chợ. Ví dụ như khi viết về công tác y tế của xã Ka Đô trong năm 2006, thầy giáo Phạm Văn Sao đã sử dụng tư liệu chính là báo cáo công tác y tế năm của xã, thực hiện phỏng vấn Trạm trưởng trạm y tế lúc đó là bà Lê Thị Ánh, đồng thời sử dụng hình ảnh nhân vật của Trạm trưởng tựa như một bài phỏng vấn nhân vật đăng trên các tờ báo hay tạp chí. Hoặc trong quá trình xây dựng Chợ Mới của xã Ka Đô, thầy giáo Sao đã trực tiếp ghi lại hình ảnh của công nhân làm việc, cảm nghĩ của tiểu thương, phát biểu của lãnh đạo địa phương…
 
Ông Nguyễn Văn Hợp - Chủ tịch UBND xã Ka Đô nhiều năm trước đây là người giúp thầy giáo Phạm Văn Sao thực hiện công việc đánh máy lại các bản chép tay của thầy cho biết, đây thực sự là một cuốn kỷ yếu đầy đủ các thông tin về xã nhà; qua cuốn kỷ yếu này thế hệ trẻ có thể tìm hiểu được rất nhiều thông tin, hình ảnh lịch sử. Có thể nói, từng trang trong cuốn kỷ yếu là công sức, mồ hôi, nước mắt và tâm sự của thầy giáo đối với mảnh đất Ka Đô quê hương. Không chỉ là một cuốn kỷ yếu ghi lại hành trình vượt thời gian của con người và mảnh đất Ka Đô, từng trang còn là nguồn tư liệu quý để khi biên soạn các tài liệu khác, chính quyền, Đảng bộ xã Ka Đô sử dụng. Ví dụ như trong cuốn “Truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân xã Ka Đô (1960 - 2010)” được xuất bản vào tháng 5/2015 đã sử dụng khá nhiều tư liệu và hình ảnh trong cuốn kỷ yếu của thầy giáo Phạm Văn Sao. 
 
Cầm cuốn kỷ yếu trên tay, thầy giáo Phạm Văn Sao xem nó như một báu vật của gia đình, một kỷ vật để lại cho con cháu, một niềm tri ân cho mảnh đất nơi mình sinh sống. Mặc dù tuổi đã cao nhưng thầy giáo Phạm Văn Sao vẫn tiếp tục nghiên cứu lịch sử xã nhà trong giai đoạn mới, củng cố thêm thông tin cho cuốn kỷ yếu được đầy đủ hơn với sự giúp đỡ trực tiếp từ những người con, cháu của thầy và chính quyền địa phương. Có lẽ thầy không phải là một người viết sử chuyên nghiệp nhưng với những cống hiến của thầy cho mảnh đất Ka Đô, thầy xứng đáng được người dân địa phương trìu mến gọi tên: Sử gia của làng.
 
Đ.TÚ