Đạ Long: Một nhiệm kỳ nhìn lại

05:04, 15/04/2020

So với các xã khác ở huyện Đam Rông, xã Đạ Long vẫn ở bậc thấp nhất trong nấc thang phát triển. Tuy nhiên, so với chính thực lực của nơi này thì vẫn có những bước khởi sắc nhất định...
 

So với các xã khác ở huyện Đam Rông, xã Đạ Long vẫn ở bậc thấp nhất trong nấc thang phát triển. Tuy nhiên, so với chính thực lực của nơi này thì vẫn có những bước khởi sắc nhất định. Một nhiệm kỳ nữa đã sắp kết thúc và nhiều vấn đề khó khăn vẫn còn đặt ra cho Đạ Long trong hành trình vươn lên. 
 
Với nhiều nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân, bộ mặt nông thôn ở Đạ Long đã có những  thay đổi.
Với nhiều nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân, bộ mặt nông thôn ở Đạ Long đã có những thay đổi.
 
Sau nhiều nỗ lực của chính quyền địa phương và cả người dân, so với năm 2015 trở về trước, nền kinh tế ở xã Đạ Long đã có những chuyển biến. Cụ thể, về phát triển kinh tế, tín hiệu vui thể hiện rõ nhất trong ngành nông nghiệp. Từ việc chủ yếu tập trung trồng cây cà phê và những giống cây ngắn ngày như lúa, bắp, đậu theo phương thức lạc hậu, trên diện tích manh mún, năng suất thấp; nay với giải pháp sản xuất đồng trà, đồng vụ, sử dụng giống mới, đầu tư phân bón, kỹ thuật chăm sóc... nên năng suất dần cải thiện. Ngoài ra, nông dân đã chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng sang trồng các loại trái cây. Đặc biệt, có 115 ha đất nông nghiệp ven các dòng sông, suối được trồng dâu nuôi tằm đã đem lại nguồn thu cao hơn gấp nhiều lần so với cách sản xuất nông nghiệp trước đây. Điều này đã thực sự tạo sức lan tỏa trong chính bà con nông dân. Bởi vậy, thay vì Nhà nước vận động, tuyên truyền bà con chuyển đổi như trước đây, nay nhiều nông hộ đã chủ động liên hệ với Hội Nông dân xã để được hỗ trợ trong thực hiện chuyển đổi.
 
Đạ Long là khu vực được bao bọc bởi rừng. Bởi vậy, đa phần các hộ dân ở đây đều nhận khoán, quản lý bảo vệ rừng. Theo số liệu thống kê từ UBND xã Đạ Long, trung bình hàng năm xã có trên 500 hộ nhận khoán quản lý và bảo vệ rừng với tổng diện tích gần 12 ngàn ha. Hàng năm, nguồn thu từ nhận khoán quản lý và bảo vệ rừng trên 16 tỷ đồng. Nguồn thu này không chỉ góp phần xóa đói mà còn tăng thêm thu nhập tích lũy cho người dân. 
 
Tuy vậy, nhìn chung cả nông nghiệp và lâm nghiệp ở Đạ Long phát triển còn thiếu bền vững. Bởi thực tế những ngành này ở Đạ Long vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước. Việc chuyển đổi giống cây trồng và vật nuôi còn chậm. Và đặc biệt, ở đây chưa hình thành những mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả nên tiềm lực cũng như sức lan tỏa trong dân chưa thực sự cao.
 
Về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, từ năm 2015 đến nay, đã có 32 công trình từ các nguồn vốn khác nhau được xây dựng ở Đạ Long. Tổng giá trị đầu tư lên đến 59 tỷ đồng. Trong đó, Nhân dân đóng góp trên 3 tỷ đồng thông qua việc hiến đất, hiến cây trồng trên đất. 
 
Theo nhận định của lãnh đạo địa phương, con số đóng góp này thực sự quý giá, không chỉ ở ý nghĩa vật chất mà quan trọng là những chuyển biến trong tư tưởng của người dân. Từ nguồn đầu tư trên, diện mạo nông thôn dần thay đổi. Đến nay, hệ thống đường giao thông trên địa bàn xã đã cơ bản được bê tông hóa hoặc cứng hóa, chấm dứt hoàn toàn tình trạng đường đất lầy lội vào mùa mưa. Hệ thống thủy lợi mặc dù còn chắp vá và thiếu đồng bộ, song đã được tu bổ để đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho cây trồng. Hệ thống trường, lớp, trạm y tế được đầu tư về cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non đạt 100%, bậc tiểu học đạt 82%, THCS đạt 76%. Tuy nhiên, tỉ lệ tái mù chữ của học sinh còn khá cao. Bởi việc huy động học sinh ra lớp và duy trì sĩ số còn khó khăn, do tư tưởng bỏ học còn tồn tại nhiều trong cả phụ huynh và học sinh.
 
Là khu vực có đông đồng bào DTTS, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, nên Đạ Long luôn xác định việc thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo phải thực hiện song song với phát triển kinh tế. Tuy vậy, những tập quán lạc hậu vẫn chưa thực sự được xóa bỏ hết, dẫn đến nhiều trì trệ trong tư tưởng và hành động. Đặc biệt là tư tưởng trông chờ, ỉ lại vào sự hỗ trợ từ Nhà nước vẫn còn quá nặng nề. Đó là lý do việc xây dựng nông thôn mới không đạt chỉ tiêu nghị quyết đại hội đề ra. Các tiêu chí đạt được chủ yếu có sự đầu tư từ ngân sách. Còn những tiêu chí đòi hỏi tinh thần, ý thức trách nhiệm vươn lên của người dân như: thu nhập, nhà ở, hình thức sản xuất... chưa đạt. Công tác giảm nghèo chưa tương xứng với nguồn vốn đầu tư, thiếu yếu tố bền vững. Bởi vậy, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn cao, chiếm 22,43%.
 
Nhìn lại bức tranh nền kinh tế sau một nhiệm kỳ, Đạ Long đã chỉ ra được nhiều vấn đề còn tồn tại. Trong đó, ngoài những yếu tố mang tính khách quan như xuất phát điểm, trình độ dân trí thấp, tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp... thì những yếu tố mang tính chủ quan vẫn đóng vai trò quyết định. Theo ông Trương Văn Sáng - Bí thư Đảng ủy xã Đạ Long: “Đó là vai trò lãnh đạo của Đảng ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự sâu sát, quyết liệt. Việc vận dụng các chủ trương, chính sách vào tình hình thực tế của địa phương chưa linh hoạt. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chưa thực sự được phát huy nên chưa khơi dậy được sức dân. Trách nhiệm, năng lực, tính tiền phong, gương mẫu của một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả đảng viên giữ cương vị chủ chốt chưa cao, dẫn đến việc thực hiện các nhiệm vụ chưa hiệu quả”. 
 
Việc nhìn nhận rõ những hạn chế và chỉ ra nguyên nhân của thực trạng đó là cơ sở để Đạ Long rút ra những kinh nghiệm cụ thể. Đồng thời đó cũng là cơ sở để địa phương này xác định những nhiệm vụ trước mắt. Việc đưa Đạ Long thay đổi căn bản và đi lên đòi hỏi nhiều yếu tố, nhiều khó khăn phải vượt qua. Và những điều cấp bách nhất sẽ được địa phương này đặt ra trong nhiệm kỳ sắp tới.
 
HOÀNG MY