45 năm - Chặng đường vẻ vang (Kỳ cuối)

05:04, 07/04/2020

Phát triển du lịch chất lượng cao, bền vững và phát triển nông nghiệp với vùng sản xuất chuyên canh hoa, rau, cà phê, trà,... là hai mục tiêu xuyên suốt của thành phố Đà Lạt...

[links()]
Đà Lạt - xứng danh thành phố du lịch và sản xuất nông nghiệp hàng đầu
 
Phát triển du lịch chất lượng cao, bền vững và phát triển nông nghiệp với vùng sản xuất chuyên canh hoa, rau, cà phê, trà,... là hai mục tiêu xuyên suốt của thành phố Đà Lạt. Qua thời gian gây dựng, quy hoạch và phát triển, đặc biệt là những năm gần đây, khi bắt đầu xây dựng thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, du lịch và nông nghiệp của Đà Lạt đã khẳng định được thương hiệu của mình và “tiếng lành ” ngày càng bay xa.
 
Đà Lạt ngày càng đẹp, khang trang và hiện đại
Đà Lạt ngày càng đẹp, khang trang và hiện đại
 
Thành phố du lịch, nghỉ dưỡng hàng đầu
 
Có thể khẳng định rằng, trải qua quá trình cải tạo, xây dựng và phát triển, đến nay, Đà Lạt đã có thể tự tin để giới thiệu mình là thành phố du lịch nổi tiếng thu hút khách du lịch hàng đầu ở Việt Nam. Rất nhiều mỹ từ đã được người dân khắp nơi trao tặng cho Đà Lạt. Với việc không ngừng chỉnh trang đô thị, xây dựng và phát triển nhiều loại hình dịch vụ du lịch, cùng với nhiệt độ quanh năm mát mẻ, Đà Lạt ngày càng xứng đáng là điểm nghỉ dưỡng hàng đầu mà bất kỳ ai cũng mong muốn đặt chân đến.
 
Từ khi bắt đầu đặt ra phương hướng phát triển du lịch Đà Lạt trở thành ngành kinh tế động lực thì Đà Lạt đã xác định cần phải bảo vệ và phát huy những giá trị cốt lõi của thành phố để từ đó đẩy mạnh phát triển du lịch, đó là: xây dựng thành phố thành đô thị di sản với các giá trị về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên; bảo tồn di sản công trình kiến trúc, phát triển du lịch canh nông và những giá trị về văn hóa, con người Đà Lạt. Đà Lạt đã xây dựng được các bản quy hoạch đô thị với đặc trưng riêng của thành phố để vừa bảo tồn những giá trị di sản, văn hóa vừa phát triển du lịch, theo đó tập trung vào xây dựng các tiêu chí cụ thể: bảo tồn kiến trúc, phát triển hệ thống giao thông và phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng đô thị du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao.
 
Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU “Về phát triển du lịch, dịch vụ giai đoạn 2011 - 2015” và Nghị quyết số 07-NQ/TU về phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2016 -  2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; thành phố cũng đã kiên trì, bền bỉ thực hiện xuyên suốt các nhiệm vụ và xác định “Du lịch là ngành kinh tế động lực của sự phát triển KT-XH” địa phương trong giai đoạn mới. 
 
Giai đoạn này, đường sá, các dịch vụ vận chuyển khách du lịch, các loại hình vận chuyển hành khách liên tỉnh... ngày càng phát triển với các dịch vụ chất lượng cao là phổ biến. Sân bay Liên Khương cũng đã được nâng cấp thành sân bay quốc tế với nhiều đường bay cả nội địa và quốc tế mỗi ngày
 
Theo thống kê, tính từ năm 2005, tức là năm đầu tiên thành phố tổ chức Festival Hoa Đà Lạt cho đến nay, khách du lịch trong và ngoài nước đến Đà Lạt tham quan, nghỉ dưỡng liên tục tăng, tỷ lệ năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể (con số làm tròn), năm 2005: 1,6 triệu lượt; năm 2006: 1,8 triệu lượt; năm 2007: 2,2 triệu lượt; năm 2008: 2,3 triệu lượt; năm 2009: 2,5 triệu lượt; năm 2010: 3,1 triệu lượt; năm 2016: 5,4 triệu lượt; năm 2017: 6 triệu lượt; năm 2018: 6,5 triệu lượt… Đà Lạt hiện đã được công nhận là “Thành phố Festival Hoa”, “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN”; với khí hậu trong lành, cảnh quan tươi đẹp, con người “thanh lịch, hiền hòa, mến khách”. Tính đến nay, trên địa bàn Đà Lạt, hệ thống cơ sở lưu trú được xây dựng và nâng cấp, có 1.590 cơ sở lưu trú du lịch, với 19.486 phòng; trong đó, có 438 khách sạn từ 1 - 5 sao với 11.501 phòng; có 32 khách sạn cao cấp từ 3 - 5 sao với 3.127 phòng; có 35 khu, điểm tham quan du lịch được đầu tư và khai thác kinh doanh cùng với 60 điểm tham quan miễn phí và 30 điểm du lịch canh nông.
 
Từ những số liệu trên cho thấy, Đà Lạt đã và đang trở thành điểm du lịch chất lượng và được nhiều du khách yêu mến với chất lượng dịch vụ và tỷ lệ khách đến ngày càng cao. 
 
Những di sản kiến trúc được bảo tồn và thu hút khách du lịch
Những di sản kiến trúc được bảo tồn và thu hút khách du lịch
 
Các sản phẩm nông sản đang từng bước khẳng định thương hiệu và bay xa
 
Đà Lạt với điều kiện tự nhiên thuận lợi là một vùng chuyên canh rau, hoa, quả lâu năm của khu vực phía Nam. Dù quy mô canh tác không lớn như những vùng rau, hoa khác nhưng về mặt chất lượng sản phẩm thì ít có địa phương nào trong cả nước có thể so sánh được với Đà Lạt. Có được điều này một phần là nhờ ở điều kiện tự nhiên ưu đãi với khí hậu thuận lợi. Một phần khác, quan trọng hơn cả, đó là việc tiếp thu và ứng dụng nhanh chóng những tiến bộ khoa học - công nghệ trên các lĩnh vực nông học, hóa học, công nghệ sinh học... vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp của địa phương. Suốt từ năm 2000 cho đến nay, việc ứng dụng thành công các kết quả của khoa học công nghệ đã tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp Đà Lạt phát triển không chỉ ổn định mà ngày càng được nâng cao hơn về mặt chất lượng. Kết quả thành phố gặt hái được trong những thập niên đầu của thế kỷ 21 đã phản ánh trình độ ứng dụng khoa học - công nghệ vào thực tế sản xuất. Trong đó, công tác giống cây trồng, kỹ thuật bảo vệ thực vật, kỹ thuật canh tác... đối với người sản xuất đã được nâng lên đáng kể.
 
Theo quy hoạch ngành nông - lâm nghiệp, năm 1997, thành phố xác định lại các tiểu vùng sản xuất nông nghiệp trên cơ sở đặc điểm tự nhiên của khu vực, không tác động quá mức vào hệ sinh thái nông nghiệp bằng các biện pháp canh tác để đạt mục đích cao trong sản xuất. Thực hiện phát triển nông nghiệp theo các định hướng trên, đến năm 2000, vùng nông nghiệp Đà Lạt đã dần dần hình thành các vùng sản xuất đó là: Phường 3, 10 trồng chủ yếu cà phê và cây ăn trái đặc sản; Phường 4, 5, 6 có các loại cây trồng chủ yếu gồm rau cải, hoa cắt cành, cây có củ; Phường 7, 8, 9, 11, 12 đa phần canh tác rau cải, hoa cắt cành, dâu tây. Còn lại các xã Xuân Thọ, Xuân Trường thực hiện quy hoạch cây trồng chủ yếu là cây có củ, cà phê, chè; vùng Tà Nung với  cà phê, cây lương thực là chủ lực. Giai đoạn 2004 - 2010, giai đoạn nông nghiệp thành phố phát triển mạnh mẽ nhất về việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân của thành phố so với giai đoạn trước tăng đáng kể, đạt 70 triệu đồng/ha/năm. Đến năm 2019, giá trị này tăng vượt bậc, đạt 170 triệu đồng/ha/năm. Đà Lạt cũng là địa phương nghiên cứu về giống theo phương pháp hiện đại hàng đầu Việt Nam. 
 
Không chỉ tăng về giá trị sản xuất trên mỗi đơn vị diện tích, hiện nay, nhắc tới nông sản Đà Lạt, người dân khắp nơi đều nghĩ ngay đến một vùng nông sản chất lượng cao và sản xuất bằng công nghệ cao với rất nhiều chủng loại đặc sản có giá trị cao. Rõ ràng, đi bất cứ nơi đâu ở Đà Lạt ngày nay, mọi người đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh nông dân Đà Lạt sản xuất nông sản theo cách hiện đại, năng suất và an toàn, hoặc có xu hướng sản xuất rau, củ, quả sạch, organic siêu sạch theo hướng hữu cơ. Đây là tín hiệu cho thấy, sản phẩm nông nghiệp của thành phố Đà Lạt ngày càng đảm bảo chất lượng sản phẩm, đảm bảo tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm và thích nghi cực nhanh với nhu cầu người tiêu dùng không chỉ trong nước mà cả trên thế giới. Đó cũng chính là lý do giúp nông sản Đà Lạt xuất hiện trên thị trường Bắc, Trung, Nam hay một số nước luôn tạo được sự canh tranh và được đánh giá cao. 
 
Đà Lạt hiện có 4 sản phẩm: rau, hoa, cà phê arabica và du lịch canh nông đã được công nhận thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” và đến nay, đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu này cho 269 tổ chức, đơn vị, cá nhân. Nhiều sản phẩm đặc sản của Đà Lạt gây dựng được uy tín và xuất khẩu ra nước ngoài.
 
Không chỉ cạnh tranh trên thị trường tiêu thụ, sản xuất nông nghiệp ở Đà Lạt bây giờ còn là sự cạnh tranh khá khốc liệt về chất lượng nông sản và uy tín của các nông hộ, các cơ sở sản xuất. Điều đó cho thấy, sự thay đổi về tư duy sản xuất cực kỳ lớn và nhanh của không chỉ chính quyền mà cả người nông dân, họ đang chuyển sang giai đoạn sản xuất nông nghiệp theo tư duy kinh tế thị trường. Và để thích ứng với sự phát triển tiếp theo, Đà Lạt cũng đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp của thành phố theo hướng bền vững, xây dựng, tạo ra những liên kết để người nông dân chính là một mắt xích trong các chuỗi. 
 
45 năm trôi qua, Đà Lạt đã bước sang một trang sử mới. Phát huy những thành quả đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố sẽ tiếp tục phấn đấu vươn lên để đưa thành phố đến mục tiêu xa hơn, là đô thị loại I, đáp ứng các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương, cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế Nam Tây Nguyên đến năm 2025.
 
NGUYỄN NGHĨA (tổng hợp)