Phân luồng, giãn cách trong khám chữa bệnh

07:04, 04/04/2020

(LĐ online) - Triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra Công điện, trong đó có nội dung chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện các quy trình và quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện...

(LĐ online) - Triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra Công điện, trong đó có nội dung chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện các quy trình và quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu kê khai y tế bắt buộc đối với bệnh nhân, người nhà, người chăm sóc bệnh nhân; mỗi một bệnh nhân chỉ được một người chăm sóc; dừng việc thăm bệnh nhân tại các cơ sở y tế. Có quy định chặt chẽ về tiếp nhận bệnh nhân, không để một cá nhân lây nhiễm làm ảnh hưởng đến hoạt động của toàn bộ bệnh viện.
 
Cán bộ y tế trong tỉnh tham quan hệ thống Labo xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng
Cán bộ y tế trong tỉnh tham quan hệ thống Labo xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng
 
Phát hiện sớm, cách ly kịp thời 
 
Ngày 30/3, Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị 06/CT-BYT của Bộ Y tế ngày 28/3 về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong các cơ sở y tế. 
 
Sở Y tế yêu cầu giám đốc các đơn vị y tế trong toàn ngành quyết liệt triển khai các nội dung: Thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Trung ương và địa phương, quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, phải chủ động trong mọi tình huống. Quán triệt đến mọi cán bộ, công nhân viên, người lao động với tinh thần “Chống dịch như chống giặc” theo nguyên tắc phát hiện sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả.
 
Đối với các cơ sở khám chữa bệnh, giao trách nhiệm cho giám đốc các cơ sở khám chữa bệnh chỉ đạo thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát triệt để người bệnh tới khám chữa bệnh. Hạn chế số cổng ra, vào cơ sở khám chữa bệnh và bố trí đo thân nhiệt cho tất cả người vào cổng bệnh viện. Thực hiện các hình thức đặt hẹn khám bệnh qua phương tiện truyền thông, internet để giảm tối đa số lượng người bệnh tới khám, chờ khám cùng một thời điểm, bảo đảm người bệnh ngồi chờ khám cách nhau khoảng cách từ 2 mét trở lên.
 
Hạn chế số lượng người bệnh vào điều trị nội trú một cách hợp lý và tăng cường hiệu quả điều trị để rút ngắn thời gian điều trị nội trú cho người bệnh, giữ khoảng cách giữa các giường bệnh bảo đảm cách nhau từ 2 m trở lên. Hạn chế tối đa người nhà đến thăm, chăm sóc người bệnh. Người chăm sóc người bệnh phải đăng ký và ghi lại thông tin liên lạc.
 
Hạn chế tổ chức ăn tập trung tại khoa dinh dưỡng và bảo đảm khoảng cách tiếp xúc từ 2 m trở lên giữa những người tiếp xúc. Yêu cầu tất cả mọi người ra vào cơ sở khám chữa bệnh phải đeo khẩu trang. Đặt dung dịch sát khuẩn rửa tay nhanh tại các vị trí thuận lợi cho người bệnh và nhân viên y tế.
 
Thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống lây nhiễm
 
Hạn chế tổ chức hội nghị, hội thảo tập trung; thay đổi hình thức, số lượng buổi giao ban, hạn chế số người tham dự giao ban bệnh viện, giao ban khoa phòng. Tăng cường hình thức, phương thức làm việc trực tuyến, telemedicine. Bố trí nhân lực làm việc theo ca và xây dựng phương án nhân sự làm việc theo thời gian tối thiểu 3 tháng dự phòng có tình huống lây nhiễm phải cách ly y tế đối với một nhóm cán bộ. Không cử nhân viên đi công tác trừ trường hợp phục vụ phòng chống dịch hoặc công tác đặc biệt.
 
Các bệnh viện, trung tâm y tế chuẩn bị đầy đủ, trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao. Chuẩn bị sẵn phương án cho tình huống dịch bệnh lan rộng trên địa bàn. Thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống lây nhiễm cho cán bộ y tế, người bệnh và người nhà người bệnh tại các cơ sở điều trị. Bảo đảm đầy đủ trang thiết bị phòng hộ cho nhân viên y tế. Có phương án cách ly đối với nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân và kiểm soát các đơn vị, cá nhân thực hiện các dịch vụ từ bên ngoài như: Giặt là, bảo vệ, dọn vệ sinh…
 
Khi phát hiện một trường hợp người bệnh, nhân viên y tế bị nhiễm mà không phải là người bệnh đến khám phát hiện hay nhân viên y tế tại các khoa cách ly điều trị Covid-19, báo cáo cơ quan quản lý có thẩm quyền; đồng thời, lập tức cách ly tạm thời toàn bộ khoa, bao gồm cả người bệnh và người nhà người bệnh cùng nhân viên y tế, lập danh sách toàn bộ người tiếp xúc gần để thực hiện việc cách ly, tạm dừng việc tiếp nhận bệnh nhân. Nếu có xảy ra lây nhiễm chéo trong bệnh viện lập tức dừng toàn bộ việc tiếp nhận người bệnh, trừ trường hợp cấp cứu và thực hiện cách ly toàn bệnh viện. Các khoa có điều trị người bệnh nặng thực hiện cách ly tuyệt đối. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố thực hiện việc cách ly và hỗ trợ cho việc cách ly. Thực hiện việc xét nghiệm đối với nhân viên y tế và xét nghiệm bệnh nhân, người nhà người bệnh nhân khi cách ly, xét nghiệm nhân viên y tế ở những khu vực dễ có nguy cơ lây nhiễm và khu điều trị người bệnh nặng.
 
Sở Y tế giao cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện II Lâm Đồng tăng cường tập huấn chuyên môn chẩn đoán, điều trị Covid-19; các kỹ thuật sử dụng máy thở; các biện pháp dự phòng lây nhiễm trong cơ sở y tế, sẵn sàng tăng cường, hỗ trợ cho các cơ sở khám chữa bệnh trong toàn ngành.
 
Yêu cầu tất cả các nhân viên y tế phải khai báo y tế. Các trường hợp có tiếp xúc gần với ca bệnh xác định Covid-19 (F1) và tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2) phải khai báo trung thực và đầy đủ (mục đích khai báo chỉ để phục vụ cho điều tra dịch tễ học). Trường hợp khai báo không trung thực hoặc không đầy đủ sẽ bị xử lý kỷ luật, mức cao nhất có thể bị buộc thôi việc.
 
Chấn chỉnh đường dây nóng, cắt cử người để thực hiện nắm bắt thông tin. khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả.
 
Thực hiện giãn cách tại khu vực chờ khám bệnh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng
Thực hiện giãn cách tại khu vực chờ khám bệnh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng
 
Sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh bùng phát lan rộng
 
Các đội cơ động của bệnh viện tuyến tỉnh đã thành lập phải thường trực 24/24 giờ để sẵn sàng hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến dưới theo điều động của Sở Y tế.
 
Chuẩn bị sẵn sàng phương án mở rộng khả năng thu dung người bệnh, huy động nguồn lực bệnh viện để kịp thời ứng phó khi dịch bệnh bùng phát lan rộng.
 
Tăng cường công tác truyền thông trong cơ sở khám chữa bệnh cho người bệnh, người nhà người bệnh về các biện pháp phòng hộ cá nhân (sử dụng khẩu trang, rửa tay thường xuyên…) và truyền thông cho cán bộ, nhân viên y tế về quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng hộ cá nhân.
 
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tập trung xây dựng cơ sở xét nghiệm của tỉnh, tham mưu đầu tư nâng cấp cơ sở thực hiện xét nghiệm Covid-19 để đảm bảo năng lực thực hiện xét nghiệm trên diện rộng.
 
Tăng cường công tác tập huấn cho cán bộ y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh; tăng cường trang thiết bị, kỹ năng trong khoanh vùng xử lý ổ dịch. Tăng cường lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp bệnh viêm đường hô hấp, hội chứng cúm, các chùm ca bệnh để xác định tác nhân gây bệnh. Triển khai khai báo y tế, hỗ trợ người dân trong khai báo y tế. Tập huấn cho cán bộ, cho sinh viên y các năm cuối cấp để chuẩn bị nhân sự cho việc chăm sóc và điều trị.
 
Tiếp tục rà soát hoàn thiện các phương án cách ly, điều trị, chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư tiêu hao cho việc tiếp nhận điều trị người bệnh, thường xuyên cập nhật các phương án phòng chống.
 
Thanh tra Sở Y tế phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh như: Khai báo y tế không trung thực, không thực hiện nghiêm việc cách ly, đưa thông tin không đúng sự thật gây hoang mang dư luận, lợi dụng dịch bệnh găm hàng đẩy giá vật tư y tế, khẩu trang, trang thiết bị bảo hộ, trang thiết bị y tế.
 
DIỆU HIỀN