Thầy giáo âm thầm làm thiện nguyện

05:04, 03/04/2020

Một nụ cười hiền hậu, một trái tim ấm áp và yêu thương,... đó là những điều chúng tôi biết được qua lời kể của người dân Bảo Thuận (huyện Di Linh)...

Một nụ cười hiền hậu, một trái tim ấm áp và yêu thương,... đó là những điều chúng tôi biết được qua lời kể của người dân Bảo Thuận (huyện Di Linh) khi hỏi thăm về thầy Phạm Văn Nghĩa - giáo viên Trường THCS Bảo Thuận, người đã gắn bó với công tác thiện nguyện và sưởi ấm biết bao hoàn cảnh gia đình nơi vùng quê nghèo trong suốt 5 năm qua.
 
Thầy Phạm Văn Nghĩa luôn nhiệt huyết và giúp đỡ học sinh nghèo tại xã vùng sâu, vùng xa bằng một trái tim ấm áp. (Ảnh nhân vật cung cấp trong những đợt làm thiện nguyện)
Thầy Phạm Văn Nghĩa luôn nhiệt huyết và giúp đỡ học sinh nghèo tại xã vùng sâu, vùng xa bằng một trái tim ấm áp. (Ảnh nhân vật cung cấp trong những đợt làm thiện nguyện)
 
Sẵn sàng giúp khi có thể
 
Trong một sáng yên bình đầu tháng 4, chúng tôi được gặp và nghe thầy Phạm Văn Nghĩa (34 tuổi) kể về hành trình làm thiện nguyện. Thầy cho hay, năm 1995, thầy cùng gia đình từ Ninh Bình vào Bảo Lộc để sinh sống. Lúc ấy cuộc sống xa quê còn gặp nhiều khó khăn, nên tuổi thơ của thầy không mấy đủ đầy như bạn bè đồng trang lứa. May mắn đến với thầy khi được nhà trường tạo điều kiện để học tập tại Trường Dân tộc nội trú huyện và tỉnh. “Sáng đi học, chiều lại cùng bố lên rừng tìm củi mang ra chợ bán” - thầy Nghĩa nói.
 
Vốn là người hiếu học lại chăm chỉ nên khoảng thời gian ngồi trên ghế nhà trường thầy luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ thầy cô giáo thông qua các suất học bổng. Giữa năm 2008, thầy Nghĩa tốt nghiệp chuyên ngành Toán của Trường Đại học Đà Lạt và được về công tác tại Trường THCS Bảo Thuận ngay sau đó.
 
Quãng thời gian dạy học cứ thế trôi qua, khi mọi thứ đã đi vào ổn định, năm 2015, thầy Nghĩa quyết định làm thiện nguyện để giúp đỡ các em học sinh vùng sâu, vùng xa. Thầy tâm sự: “Mỗi lần nhìn các em, tôi như nhìn thấy lại tuổi thơ của mình trong đó, cũng từng vất vả và thiếu thốn như thế. Các em ở đây đa số là con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bố mẹ tụi nhỏ suy nghĩ lạc hậu, chưa có sự tiến bộ nên chưa chú trọng nhiều đến việc học tập của chính con em mình. Vì vậy, khi các em đến trường thiếu thốn và cần sự giúp đỡ, tôi luôn sẵn sàng khi có thể để tiếp thêm động lực, giúp trẻ em nghèo ở vùng quê yên tâm đi học. Lúc đầu tôi chỉ làm ở phạm vi trong lớp, dần nhận được sự quan tâm, sẻ chia ngày một tăng và lan rộng ra toàn trường, toàn xã”.
 
5 năm, một tình yêu
 
Nhớ lại những chuyến đi từ thiện vào tháng 8, 9 năm trước, thầy nhẹ nhàng nói: “Lúc ấy, Lâm Đồng bước vào mùa mưa, tôi cùng một số bạn bè mang bánh, sữa,... đến với bà con vùng sâu, vùng xa của xã. Bởi người đồng bào ở đây còn luẩn quẩn quanh cái đói, cái nghèo, khiến đời sống của họ gặp nhiều khó khăn. Những bao gạo thơm thảo tình cảm, những manh áo ấm áp tình người...; tất cả là món quà ân tình mà chúng tôi muốn gửi đến họ”.
 
Nhận thấy những việc làm đầy tính nhân văn của thầy Nghĩa, nhiều lần bạn bè và các nhà hảo tâm ngỏ ý lập nhóm từ thiện nhưng thầy đều từ chối. Thầy chia sẻ: “Lập nhóm sẽ theo lộ trình và mất rất nhiều thời gian. Tôi hay nói đùa với các em “các con thiếu gì thì thầy đi xin cho các con cái đó” nên các chương trình hay việc làm của tôi đều giải quyết nhu cầu tức thời...”.
 
Với tấm lòng, uy tín của mình, trong 2 năm qua, thầy Nghĩa đã kêu gọi và nhận được nhiều sự giúp đỡ của các mạnh thường quân. Qua đó, trong chương trình: “Tiếp sức đến trường” năm 2018-2019, 400 suất quà (200.000 đồng/suất) và hơn 5.000 quyển vở được trao tận tay các em học sinh (HS) nghèo, vượt khó và hỗ trợ học phí cho các em HS nghèo 21 triệu đồng. 
 
Thầy kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ xây dựng sân chơi cho HS trị giá 40 triệu đồng, tổ chức “Tết yêu thương” cho các em với giá trị là 35 triệu đồng và 150 phần quà tết cho các hộ nghèo (mỗi phần trị giá 300.000 đồng). Vừa qua, sau khi nghe tin gia đình 2 em bị chết đuối tại địa phương, thầy Nghĩa cũng đã vận động hỗ trợ gia đình 19 triệu đồng. 
 
Những tấm lòng thơm thảo đã tặng 5 con dê cho gia đình em K’Bris lớp 7a1 trị giá 15 triệu đồng. Đồng thời, thầy giới thiệu hoàn cảnh của em cho các mạnh thường quân và đã xây nhà tình nghĩa cho gia đình em trị giá 60 triệu đồng,...
 
Bên cạnh là một giáo viên dạy Toán, thầy Nghĩa còn đảm nhiệm vai trò Phó Bí thư Chi đoàn Trường THCS Bảo Thuận. Ngoài làm thiện nguyện, thầy Nghĩa luôn tích cực tham gia các hoạt động phong trào do Đoàn xã và Đoàn cấp trên tổ chức như: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện (đoạt giải ba năm 2018). Trong năm học 2018 - 2019, thầy Nghĩa đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và vinh dự được tuyên dương là “Gương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2019” do Huyện đoàn Di Linh khen tặng.
 
Nói về thầy Nghĩa, thầy Nguyễn Hội - Hiệu trưởng Trường THCS Bảo Thuận hết lời khen ngợi: “Thầy Nghĩa còn trẻ và luôn là người sống hết mình với công việc thiện nguyện... Không chỉ được người dân địa phương tin yêu, mà tấm lòng của thầy đã lan tỏa đến toàn thể giáo viên tại Trường THCS Bảo Thuận”.
 
“5 năm, một tình yêu” là câu nói của thầy Phạm Văn Nghĩa khi chúng tôi hỏi về quãng thời gian thầy gắn bó với thiện nguyện. Tuy thời gian ấy chưa phải thật dài nhưng thầy đã đem niềm vui, niềm hạnh phúc cho con trẻ trên bước đường đến trường nơi vùng sâu.
 
HÀ ANH