Áo trắng ở vùng sâu Đưng K'Nớ

05:05, 13/05/2020

Bà con nay chủ động đi khám sức khỏe, đi tiêm phòng. Trẻ em mới sinh ra được chú ý theo dõi cân nặng...

Bà con nay chủ động đi khám sức khỏe, đi tiêm phòng. Trẻ em mới sinh ra được chú ý theo dõi cân nặng... Những điều tưởng chừng như giản đơn ở nơi khác, nhưng lại là sự đổi thay mà bao năm các y, bác sĩ ở Đưng K’Nớ mong chờ.
 
Người dân Đưng K’Nớ đã quan tâm hơn tới việc chăm sóc sức khỏe trẻ em.
Người dân Đưng K’Nớ đã quan tâm hơn tới việc chăm sóc sức khỏe trẻ em.
 
Đi qua ngày gian khó
 
Trạm Y tế xã Đưng K’Nớ là trạm vùng sâu khó khăn nhất của huyện Lạc Dương. Ngoài xa cách về quãng đường, vùng đất gần như hoàn toàn của bà con đồng bào DTTS ấy, những buôn, thôn rải rác, những tập tục lạc hậu vẫn còn và cái nghèo vẫn dai dẳng. Có lẽ bởi thế đây là trạm duy nhất được phân bổ hai bác sĩ.
 
Ngoài Trạm trưởng Lơ Mu Đa Ly, tốt nghiệp Học viện Quân y, hệ cử tuyển, ngành Bác sĩ đa khoa, trạm còn nữ bác sĩ Bon Niêng K’Gâu. Nếu như bác sĩ Đa Ly là người Đạ Sar, sau khi tốt nghiệp tình nguyện xin về công tác ở Trạm Y tế xã Đưng K’Nớ từ năm 2012 và đã xây đắp hạnh phúc cá nhân ở mảnh đất này thì chị K’Gâu là người con của chính mảnh đất Đưng K’Nớ. Là con gái của Nghệ nhân Ưu tú nghề dệt thổ cẩm truyền thống Bon Niêng K’Glòng, lớn lên từ khung dệt của mẹ, nhưng chị K’Gâu không theo nghề truyền thống như những chị em khác trong gia đình. Chị mong muốn được làm ngành Y, bởi với chị, hiếm khó khăn nào có thể làm gục ngã bà con trong buôn làng nhưng đứng trước bệnh tật, họ nhiều lần không kháng cự được. Và như thế người con gái Đưng K’Nớ từng ước mơ trở thành bác sĩ ấy đã tốt nghiệp Đại học Y Tây Nguyên, chuyên ngành Bác sĩ đa khoa trong niềm tự hào của cả buôn làng ở cuối đường Trường Sơn Đông. 
 
Nằm lặng lẽ trên ngọn đồi bên con đường trung tâm xã, Trạm Y tế Đưng K’Nớ với 2 bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh và y sĩ đã chứng kiến bao thăng trầm và cả những đổi thay ở mảnh đất này. Đường vào Đưng K’Nớ từ năm 2014 trở về trước thực sự ám ảnh. Nhất là vào mùa mưa, nơi này như trở thành ốc đảo, không thể vào, ra. Bởi vậy mỗi lần quyết định cho bệnh nhân chuyển tuyến là sự đắn đo rất lớn của trạm. Vì điều đó đồng nghĩa với việc bác sĩ, người dân, cán bộ địa phương phải chặt cây cáng bệnh nhân ra đến nơi xe có thể vào được. Bệnh nhân lên xe cấp cứu rồi mà lòng vẫn không yên. Và ngay trong xã, muốn vào thôn Đưng Trang cũng mất gần 20 km đường rừng gập ghềnh, qua suối khó đi. Bởi vậy để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân ngoài trạm chính ở trung tâm xã, còn có phân trạm được đặt ở ngoài khu vực Lán Tranh. Rồi nhiều năm trước, bà con sống du canh du cư, cuộc sống dựa vào tự nhiên là chính. Cái đói là nỗi lo thường trực nên trong tâm trí người Đưng K’Nớ không còn chỗ để quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe. Họ lên trạm y tế cũng là lúc cơ thể đã quá đau hay bệnh tình đã quá nặng. Và cũng vì thế dù ngày hay đêm, mưa hay nắng, ngoài Lán Tranh hay tận trong Đưng Trang, khi nghe người dân báo “có người đau sắp chết” là cán bộ trạm lại mang theo dụng cụ, thuốc men vào tận nơi.
 
Bao năm qua người dân nơi này vẫn nghĩ, cứ sinh con càng nhiều càng tốt bởi như thế sẽ thêm người làm rẫy, lên rừng. Và với họ, trẻ con có đủ cơm ăn là đã mừng rồi. Con trẻ tự lớn lên như cây rừng. Những đứa trẻ quần áo chẳng bao giờ tươm tất, tự lăn lóc chơi với nhau bên hiên nhà, dưới gốc cây trước sân. Nhiều lúc mệt quá ngủ thiếp đi bên bậc cửa, ruồi bâu vào tay chân cũng chẳng làm thức giấc. Hiếm hoi lắm mới tìm được trong buôn làng đứa trẻ không còi cọc, suy dinh dưỡng. Và đó cũng là nỗi niềm đau đáu để nhiều năm qua, những người mang áo trắng cần mẫn vận động, tuyên truyền chăm sóc sức khỏe, chăm sóc trẻ em và dần thay đổi những nếp nghĩ đã hằn sâu trong buôn làng.
 
Cái tình Đưng K’Nớ
 
Xã hội phát triển không ngừng và Đưng K’Nớ cũng dần có những mảng màu khởi sắc. Sự đổi thay đã vào với Đưng K’Nớ theo đường Trường Sơn Đông. Năm 2015, đường thông xe, cả Đưng K’Nớ vui mừng, nhưng Trạm Y tế xã thì thực sự vỡ òa. Bởi từ đây sẽ không còn những vất vả, những phập phồng lo âu khi có bệnh nhân cần cấp cứu hay chuyển tuyến. Đường sá thuận lợi, phân trạm ở Lán Tranh cũng được nhập về trạm chính để trang bị cơ sở vật chất đầy đủ, khang trang hơn.
 
4/5 cán bộ hiện tại công tác ở trạm Đưng K’Nớ đều là người DTTS và là người Đưng K’Nớ. Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho hoạt động của trạm mà còn là niềm vui của chính người dân. Bởi bà con không còn mang tâm lý e dè, ngại ngần khi lên thăm khám tại trạm. Câu chuyện sẻ chia với chính con em trong buôn làng cũng nhờ vậy mà gần gũi hơn. Và cũng từ đó, công tác tuyên truyền về y tế trong buôn làng thuận lợi hơn. Hiện nay, nội dung tuyên truyền về công tác chăm sóc sức khỏe cho bà con chủ yếu liên quan đến các nội dung: Vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; kế hoạch hóa gia đình; chăm sóc trẻ em tránh bị suy dinh dưỡng...
 
Thay đổi suy nghĩ của người dân không phải là chuyện dễ dàng. Phải mất rất nhiều những tháng ngày gõ cửa từng nhà, trò chuyện từng người, hướng dẫn bà con từ những việc nhỏ nhất như vệ sinh nhà cửa, chăn gối, mùng mền... thì mưa mới bắt đầu thấm đất. Ngoài đội ngũ bác sĩ, cán bộ y tế ở trạm, tất cả các thôn ở xã đều có thêm 1 y tế thôn bản và 1 cộng tác viên dân số. Họ chính là những người gần gũi, sâu sát nhất với bà con, là cánh tay nối dài đắc lực của trạm y tế. Trong số đó có những chị như Rơ Ông K’Măng - Y tế thôn bản thôn Lán Tranh, Rơ Ông K’Hen - Y tế thôn bản Thôn 1, vào mỗi tối khi bà con đi làm rẫy về và các chị cũng hoàn thành xong công việc của gia đình, những cán bộ y tế thôn bản này lại đến từng nhà để làm công tác tuyên truyền. Và chính các chị là người nắm rõ nhất sức khỏe của từng người, già trẻ lớn bé trong thôn. Thêm một đứa trẻ được sinh ra hay một người già về với núi các chị đều biết.
 
 Niềm tin và tình yêu của người Đưng K’Nớ với cán bộ y tế cũng lớn dần qua những ca bệnh được chữa khỏi, những đứa trẻ được an toàn chào đời. Cả Trạm Y tế Đưng K’Nớ vẫn nhớ như in, năm 2011, chị Kơ Să Ka Hai chuyển dạ sinh ở nhà mãi chẳng được, người nhà mới đưa lên trạm y tế. Đó là trường hợp sinh khó, ngôi ngược. Người mẹ đã quá đau, chân của đứa trẻ đã bắt đầu ra ngoài. Không thể chuyển tuyến, buộc các y bác sĩ phải nỗ lực hết mình để xử lý. Kơ Să Ha Tâm đã ra đời trong đêm ấy trong tiếng thở phào của cả trạm y tế. Hay như ông Bon Niêng Ha Giăng ở thôn Đưng Trang không thể nào quên 10 năm trước, cái đêm mà cơn đau dạ dày hành hạ vật vã tưởng chừng không qua khỏi, các y bác sĩ đã lặn lội vào tận nơi trong đêm. Và không chỉ với ông Ha Giăng mà với bà con, bất cứ ai, bất cứ nơi nào cán bộ trạm y tế vẫn luôn có mặt. Vì với họ “sức khỏe bà con là quan trọng. Chậm trễ một chút có thể sẽ ảnh hưởng tới mạng người”. 
 
Và cứ thế, sau nhiều nỗ lực của cán bộ y tế, quan niệm, suy nghĩ của bà con về sức khỏe, về y tế cũng tích cực dần. Họ đã không trông chờ vào cúng bái để chữa bệnh. Trẻ con được ăn uống đầy đủ hơn. Ngoài cơm trắng, bắp, trong chén cơm của những đứa trẻ đã được ưu tiên hơn chút thịt, cá. Chúng còn có thêm cả sữa và thậm chí là ít quà vặt. Nụ cười đến trường cũng từ đó mà giòn tan hơn.
 
Người Đưng K’Nớ còn nghèo vật chất, nhưng từ trước đến nay họ luôn giàu nghĩa tình. Từ mười mấy năm trước, khi ăn chẳng đủ no, già làng Rơ Ông Ha Tang đã mang gạo từ nhà lên cho y, bác sĩ và bảo rằng “các con thêm vào ăn cho đỡ đói, rồi ở lại với bà con”. Và cho đến hôm nay, thi thoảng bà con ghé trạm tặng cán bộ mớ rau, nải chuối... nhỏ thôi nhưng đó là cả tấm lòng của bà con. Giữa nơi núi rừng xanh thẳm này, buôn làng đã thực sự đặt tình yêu và niềm tin ở những người thầy thuốc. 
 
NGỌC NGÀ