Những dấu ấn đậm nét

05:05, 28/05/2020

Có ai đó đã ví von rằng, công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Lâm Đồng như một hành trình leo núi. 

Có ai đó đã ví von rằng, công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Lâm Đồng như một hành trình leo núi. Nhưng ở đó không bao giờ đơn độc mà luôn có sự đồng hành, những sẻ chia, sự đồng lòng với quyết tâm cao để quãng đường về đích không còn xa.
 
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trong một chuyến công tác tại cơ sở
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trong một chuyến công tác tại cơ sở
 
Năm 2009, Lâm Đồng bước vào cuộc hành trình ấy đơn giản là bắt đầu với những khó khăn. Toàn tỉnh có 12 huyện, thành phố và 117 xã, trong đó có 1 huyện và 16 xã nghèo thuộc diện 30a với khoảng 14.500 hộ nghèo, chiếm 4,97% số hộ toàn tỉnh, số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 8.000 hộ. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn còn yếu kém và thiếu đồng bộ, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Kinh tế phát triển còn nhiều hạn chế nhất định, GRDP bình quân đầu người đạt 19 triệu đồng, chỉ bằng 88% bình quân cả nước. 
 
Trên chặng đường chinh phục đầy tính nhân văn ấy, công cuộc xây dựng NTM đã giúp Lâm Đồng có những đổi thay thật sự đáng để tự hào. Hiện tại, Lâm Đồng là tỉnh dẫn đầu khu vực Tây Nguyên và nằm trong top 10 cả nước trong công tác xây dựng NTM và cũng là tỉnh duy nhất trong cả nước thực hiện thí điểm huyện NTM Đơn Dương trở thành huyện kiểu mẫu theo hướng nông nghiệp thông minh và đặc biệt Lâm Đồng cũng là 1 trong 26 tỉnh trên toàn quốc không có nợ đọng NTM.
 
Không thể kể hết những thành tựu mà Lâm Đồng đã làm được bao quát trên phạm vi rộng, hay nhỏ lẻ ở từng địa phương cụ thể. Chỉ biết rằng, sau hơn 10 năm xây dựng NTM và 6 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khu vực nông thôn của tỉnh đã có những chuyển biến mạnh mẽ cả về chất lẫn lượng. Một trong những điều mà cảm quan có thể nắm bắt được rõ nhất chính là sự thay đổi của diện mạo nông thôn, chất lượng đời sống vật chất của người dân được thay đổi một cách rõ rệt và quan trọng hơn cả chính là nhận thức cũng như sự đồng lòng tuyệt đối của người dân trong công cuộc xây dựng NTM.
 
Ở Lâm Đồng, mô hình xã hội nông thôn được hiện thực hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW. Đó là, xây dựng nông thôn của tỉnh có kết cấu hạ tầng phát triển, phục vụ thiết thực cho sản xuất và cuộc sống của người dân; diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, văn hóa truyền thống của các dân tộc được tôn trọng, giữ gìn và phát huy; đời sống tinh thần, vật chất của người dân ngày một nâng lên, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn được giữ vững.
 
Do đó, sự thay đổi của đời sống xã hội chắc chắn phải luôn gắn với sự phát triển của kinh tế, đó gần như là điểm then chốt và “cốt lõi” của lộ trình phát triển. Nên không khó hiểu khi sự thay đổi của Lâm Đồng chỉ trong quãng thời gian hơn 10 năm luôn duy trì được sự tăng trưởng ổn định của kinh tế nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ nông thôn phát triển nhanh, ngày càng đa dạng.
 
Trong giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân đạt 8,4%, giai đoạn 2016 - 2020 bình quân đạt 4,5% và có xu hướng ổn định. Ngành nông nghiệp của tỉnh trong thời gian vừa qua luôn có sự chuyển biến rõ rệt, đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân chung của cả nước. Đặc biệt, sau khi triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất tiếp tục phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu với chủng loại sản phẩm ngày càng đa dạng và phong phú. Trình độ canh tác có bước phát triển vượt bậc, chất lượng sản phẩm nông nghiệp ngày càng được cải thiện theo hướng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giá trị gia tăng cao. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển mạnh, cơ cấu cây trồng dịch chuyển theo hướng phát huy lợi thế so sánh của từng vùng sinh thái, hình thành những vùng sản xuất chuyên canh tập trung đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.
 
Không những thế, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn cũng tiếp tục phát triển cả về giá trị sản xuất lẫn lĩnh vực và hình thức hoạt động. Đặc biệt, là công nghiệp chế biến và ngành nghề gắn với nguồn nguyên liệu của ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, cơ cấu lao động nông thôn cũng thay đổi theo hướng giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội. Nếu như năm 2010 tỷ lệ lao động nông nghiệp vẫn còn ở mức 68% thì hiện nay đã rút xuống mức dưới 65%.
 
Là một tỉnh miền núi, với nhiều dân tộc anh em sinh sống, sự đa dạng văn hóa luôn là tài sản quý trong bất cứ một lộ trình, giai đoạn phát triển nào của tỉnh. Chính vì thế việc nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cho người dân luôn là một trong những mục tiêu quan trọng của Lâm Đồng.
 
Bằng nhiều hình thức khuyến khích, xây dựng, bảo tồn và phát triển, đời sống tinh thần của người dân ở các vùng nông thôn cũng được cải thiện đáng kể. Nhiều phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các lễ hội truyền thống được phục hồi, duy trì và phát triển. Cùng với đó, việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, xóa bỏ các hủ tục, bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn và giữ gìn; các hoạt động thiện nguyện, tương thân, tương ái được tuyên truyền và phổ biến rộng rãi đã giúp cho đời sống của người dân ngày một hoàn thiện và quan trọng hơn cả là điều này cũng giúp cho tình hình an ninh trật tự được giữ vững. Đặc biệt, với lợi thế và tiềm năng sẵn có về du lịch, yếu tố này cũng đã giúp cho các thôn, xã khai thác được giá trị của văn hóa để phát triển các hoạt động du lịch, tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân, đóng góp hữu hiệu vào sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
 
Hành trình về đích NTM của Lâm Đồng cũng như hành trình chinh phục một đỉnh núi, luôn khó nhọc và không thiếu những thử thách. Nhưng ở đó, chính quyền và người dân Lâm Đồng chưa bao giờ dừng lại, bởi sau mỗi chặng đường, họ luôn có thêm những người bạn đồng hành biết sẻ chia và khích lệ để bước tiếp.
 
ĐĂNG LỘ