Khẳng định vị thế ngôi trường dẫn đầu

05:05, 22/05/2020

Dù "sinh sau đẻ muộn", nhưng cách đây hai năm Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (xã Hoài Đức, Lâm Hà) đã trở thành ngôi trường đầu tiên trong khối THPT của huyện Lâm Hà đạt chuẩn quốc gia chỉ sau 12 năm kể từ khi thành lập...

Dù “sinh sau đẻ muộn”, nhưng cách đây hai năm Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (xã Hoài Đức, Lâm Hà) đã trở thành ngôi trường đầu tiên trong khối THPT của huyện Lâm Hà đạt chuẩn quốc gia chỉ sau 12 năm kể từ khi thành lập. Đó là thành quả sau bao năm thầy trò ngôi trường nơi vùng sâu này miệt mài vun đắp.
 
Chất lượng giáo dục ở ngôi trường vùng sâu ngày càng được khẳng định
Chất lượng giáo dục ở ngôi trường vùng sâu ngày càng được khẳng định
 
Nỗ lực vượt khó
 
Trong câu chuyện của các thầy cô giáo đã gắn bó với Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng từ những ngày đầu mới thành lập, khi ấy chỉ vỏn vẹn có 5 phòng học được xây dựng tạm, phải mượn thêm phòng của trường mẫu giáo,... để tạm thời có phòng học, đảm bảo mức tối thiểu nhất để chính thức tiến hành giảng dạy.
 
Nhận công tác tại trường từ năm 2007 cho đến nay, thầy Bùi Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng vẫn nhớ hoài những ngày đầu khó khăn của cả thầy và trò nơi đây. Ngoài cơ sở vật chất thiếu thốn, cảnh quan còn hoang sơ, nghèo nàn, khó khăn lớn nhất là cha mẹ học sinh còn chưa thật sự tin tưởng vào sự phát triển của nhà trường, việc tuyển sinh các lớp đầu cấp gặp rất nhiều hạn chế. Phải mất khoảng 2 năm đầu tiên, cả thầy và trò đều nỗ lực vượt qua để duy trì được hoạt động dạy và học. Đến năm 2010, chất lượng giáo dục mới bắt đầu khởi sắc, đánh dấu bằng việc trường có học sinh tham gia các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và đoạt giải, dù khi đó chỉ có 1 hay 2 em. Từ đó, đều đặn hàng năm, số lượng học sinh giỏi cấp tỉnh nhiều hơn, có sản phẩm, dự án tham dự các cuộc thi khoa học kỹ thuật...
 
Theo thầy Bùi Văn Sơn, mặc dù là ngôi trường “sinh sau đẻ muộn”, nhưng chính điều này đã mang lại nhiều thuận lợi. Cụ thể, cùng lúc vừa xây dựng đội ngũ cán bộ, vừa hoàn thiện đồng bộ cơ sở vật chất. Năm học 2019-2020, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng có 24 phòng học/21 lớp với 840 học sinh, 3 phòng học bộ môn, 2 phòng thực hành tin học, 1 sân tập thể dục... cùng khu sân chơi, bãi tập, khu để xe, khu vệ sinh phù hợp. Từ năm 2012, khi trường bắt đầu được tuyển sinh theo khu vực thì chất lượng học sinh từ đó cũng được nâng cao. Không còn mặc cảm học sinh ở vùng sâu thường học yếu hơn những trường ở trung tâm, học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng càng có động lực để cố gắng để khẳng định bản lĩnh của mình. Minh chứng rõ ràng nhất là hiện nay, tỷ lệ học sinh khá giỏi của trường đạt trên 50%. Qua các hoạt động thực tế như thi giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, các cuộc thi học sinh giỏi đến các phong trào thể dục, thể thao, văn hóa văn nghệ đều nổi trội và dẫn đầu so với các trường còn lại trên địa bàn toàn huyện.
 
Cùng với đó, công tác xã hội hóa giáo dục luôn được nhà trường quan tâm và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của xã hội. Trong những năm vừa qua, nhà trường đã huy động được sự đóng góp hiệu quả của phụ huynh học sinh, các nhà hảo tâm, góp phần phục vụ tốt hơn trong công tác giảng dạy, các hoạt động nội, ngoại khóa. Bên cạnh nhà xe, phòng máy vi tính, đầu năm học 2019-2020, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đã huy động được 230 triệu đồng để làm sân cỏ nhân tạo, và là ngôi trường đầu tiên xây dựng được sân cỏ nhân tạo trong 80 trường học trên địa bàn huyện Lâm Hà.
 
Mặc dù mục tiêu đặt ra là nhà trường sẽ đạt chuẩn quốc gia vào năm 2019, tuy nhiên, với sự nỗ lực, phấn đấu của toàn thể cán bộ, giáo viên cũng như học sinh, mục tiêu này được hoàn thành sớm hơn một năm. 
 
Động lực từ đội ngũ trẻ 
 
Là học sinh khóa thứ 2 của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, rồi lại trở lại dạy học tại ngôi trường cũ của mình, thầy giáo Nguyễn Bách Nam (sinh năm 1990) nói rằng đó là niềm tự hào, cũng là trách nhiệm của mình. Trong ký ức của cậu học trò nghèo Nguyễn Bách Nam ngày đó vẫn nguyên vẹn hình ảnh dãy 5 phòng học tạm thấp lè tè, lợp tôn, nóng nực mùa hè, ồn ào vào những ngày mưa. Sân bãi chỉ có đá và bụi, không có hàng rào. Gia đình khó khăn nên Nam luôn ý thức phải cố gắng hết sức, cùng với sự nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của thầy cô mà Nam đi trọn vẹn 3 năm cấp III để theo đuổi con đường mà mình lựa chọn. Để rồi khi trở về và trở thành đồng nghiệp của chính thầy cô cũ, thầy Nam học hỏi, rèn luyện để càng ngày trưởng thành hơn. 
 
Đa số giáo viên của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng có tuổi đời còn rất trẻ. Năm học 2019-2020, trường có 54 giáo viên, độ tuổi trung bình chỉ khoảng 30. Hiệu trưởng Bùi Văn Sơn chia sẻ rằng, nếu như cách đây vài năm, đây được xem là một trong những khó khăn của trường, khi “ giáo viên trẻ còn nhiều hạn chế, lúng túng về kinh nghiệm giảng dạy, phương pháp giảng dạy, quản lý và giáo dục học sinh”, thì những năm trở lại đây, điều này lại được đưa vào phần thuận lợi của trường, đó là “sức trẻ, lòng nhiệt tình, năng động, sáng tạo, tự học nâng cao trình độ nghiệp vụ, nhanh nhạy trong áp dụng công nghệ thông tin, đổi mới trong giảng dạy”. 
 
Với nhiều giáo viên đây còn là nơi kết duyên cho họ tìm thấy một nửa của cuộc đời mình. Có thời điểm, trường có đến 6 cặp đôi là giáo viên trong trường. Thế nên, tình cảm và sự gắn bó càng trở nên đặc biệt và khăng khít. “Đây là ngôi trường tôi dạy chính thức đầu tiên, gắn bó từ những ngày đầu khó khăn nên có nhiều tình cảm sâu sắc hơn. Tình cảm thầy trò, tình cảm đồng nghiệp càng giúp chúng tôi có thêm nhiều động lực để gắn bó và phấn đấu” - cô Hoàng Thị Ngọc Hương tâm sự. 
 
Cứ vậy, tình cảm là thứ được bồi đắp nhiều nhất ở ngôi trường này qua 14 năm nay và sẽ tiếp tục nhiều hơn trong những năm tới để khẳng định vững chắc vị trí và bản lĩnh của mình. Từ những ngày đầu, khi sân trường còn là bãi đất trống, toàn bụi bê tông, giáo viên và học sinh, phụ huynh đã cùng nhau vào nhà dân xin từng cây để về trồng. Nay cây đã tỏa bóng mát. Sáng tháng 5, hoa phượng đã bắt đầu nở rực rỡ, và ve đã kêu rộn ràng trên những tán lá xanh.
 
HỒNG THẮM - VIỆT QUỲNH