Những học trò lắp ráp thành công máy trợ thở

06:05, 11/05/2020

5 học sinh từ lớp 6 đến lớp 8 Trường THCS&THPT Đống Đa (thành phố Đà Lạt) vừa lắp ráp thành công máy trợ thở DVILATOR 19/20  bằng lập trình máy tính do Quỹ Dariu tài trợ...

5 học sinh từ lớp 6 đến lớp 8 Trường THCS&THPT Đống Đa (thành phố Đà Lạt) vừa lắp ráp thành công máy trợ thở DVILATOR 19/20  bằng lập trình máy tính do Quỹ Dariu tài trợ. Sản phẩm đã được nhà tài trợ đánh giá xuất sắc nhất trong các sản phẩm của 7 tỉnh, thành phố trên toàn quốc tham gia dự án và được chọn để tham quan trình diễn.
 
Học sinh Trường THCS&THPT Đống Đa lắp ráp thành công máy trợ thở DVILATOR 19/20 do Quỹ Dariu tài trợ
Học sinh Trường THCS&THPT Đống Đa lắp ráp thành công máy trợ thở DVILATOR 19/20 do Quỹ Dariu tài trợ
 
Đam mê tin học
 
Trường THCS&THPT Đống Đa là trường duy nhất trên địa bàn tỉnh được chọn tham gia dự án do Quỹ Dariu tài trợ, bởi nhà trường có Câu lạc bộ (CLB) Tin học được thành lập và hoạt động khá hiệu quả trong thời gian qua. 
 
Thầy Trần Quang Vĩnh Chánh - giáo viên Tin học Trường THCS&THPT Đống Đa, phụ trách CLB Tin học của trường và cũng là người trực tiếp hướng dẫn nhóm học sinh thực hiện dự án cho hay: Các học sinh này đều là thành viên CLB Tin học của trường. Cả 5 đều có niềm đam mê Tin học, học khá tất cả các môn, đặc biệt là môn Tin (lập trình) và các môn Toán - Lý, có khả năng tự học… Được sự quan tâm và tạo điều kiện phát triển từ thầy cô giáo, gia đình và nhà trường nên càng khích lệ các em say mê sáng tạo. 
 
Đó là những học sinh: Nguyễn Lê Quang Trực - lớp 8A2, Nguyễn Đức Bảo Lâm - lớp 8A4, Trương Văn Việt Anh - lớp 7A3, Nguyễn Bùi Hiểu Phong và Nguyễn Thế Khải - lớp 6A1. Tuy nhóm có 5 thành viên, mỗi người chịu trách nhiệm một nội dung trong dự án, nhưng cả 5 đều phối hợp ăn ý và phát huy khả năng làm việc nhóm. Do đó, việc thực hiện dự án khá suôn sẻ, thời gian hoàn thành nhanh, được nhà tài trợ đánh giá cao nhất trong các sản phẩm của học sinh 7 tỉnh, thành phố tham gia dự án.
 
Hào hứng khoe mô hình máy trợ thở DVILATOR 19/20 vừa lắp ráp xong, Nguyễn Lê Quang Trực chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em tham gia lắp ráp máy trợ thở bằng lập trình máy tính, tuy cũng có những trục trặc trong quá trình thực hiện nhưng được thầy hướng dẫn kỹ càng, các bạn trong nhóm phối hợp nên chiếc máy đã hoàn thành rất nhanh và vận hành đúng như mong đợi của thầy trò chúng em. Em rất thích học lập trình và hy vọng qua đó sẽ tạo ra được nhiều sản phẩm giúp ích cho con người”. 
 
Giúp học sinh làm quen với lập trình
 
Máy trợ thở của nhóm học sinh Trường THCS&THPT Đống Đa được thực hiện theo Dự án Phổ cập kỹ năng tin học và lập trình (trước đây gọi là Dự án Trường học di động) do Quỹ Dariu tài trợ (Tổ chức The Dariu Foundation - một tổ chức phi chính phủ của Thụy Sĩ hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ có thu nhập thấp ở nông thôn và hỗ trợ giáo dục). Đây là dự án giáo dục dạy Tin học và lập trình cho học sinh với mục tiêu trong 3 năm tới sẽ có khoảng một triệu lượt trẻ em Việt Nam được trang bị các kỹ năng về tin học và lập trình.
 
Trường THCS&THPT Đống Đa tham gia dự án lần này với việc “Lắp ráp hoàn chỉnh, lập trình và vận hành mô hình máy trợ thở DVILATOR 19/20 và in 3D thiết bị giúp giảm đau khi đeo khẩu trang”. Theo ông Nguyễn Văn Hạnh - Giám đốc Quỹ Dariu, trong dịch COVID-19 vừa qua, các thiết bị chăm sóc sức khỏe cho con người, đặc biệt là thiết bị hỗ trợ điều trị cho người bị nhiễm bệnh rất cần thiết. Kế hoạch hoạt động năm 2020 của Dự án Trường học di động do Quỹ Dariu triển khai và kế hoạch hoạt động các CLB lập trình nằm trong khuôn khổ Dự án Trường học di động, Quỹ Dariu đã tài trợ thiết bị cho 7 tỉnh, thành trong cả nước để học sinh tham gia Dự án “Lắp ráp hoàn chỉnh, lập trình và vận hành mô hình máy trợ thở DVILATOR 19/20”, trong đó có Lâm Đồng. Qua đó, giúp giáo viên và học sinh tìm hiểu kiến thức cơ bản về sức khỏe điện tử thông qua việc lắp ráp và vận hành mô hình máy trợ thở sử dụng mạch Microbit.
 
Thầy Chánh cho biết, thời gian tới, Trường THCS&THPT Đống Đa sẽ chuyển giao lập trình lắp ráp máy trợ thở cho một số CLB các trường học trên địa bàn tỉnh và sẽ hỗ trợ phần lập trình, tập huấn cho giáo viên... Qua đó, khuyến khích sự đam mê, tìm tòi, sáng tạo của học sinh, tạo điều kiện để các em tự tin tham gia lập trình. Riêng nhà trường sẽ tiếp tục hướng dẫn học sinh thực hiện Dự án “Giải pháp ngăn phá rừng và nâng cao ý thức bảo vệ rừng” bằng lập trình máy tính với mục tiêu tạo ra sản phẩm ứng dụng trong thực tế tại địa phương.
 
TUẤN HƯƠNG