Đam Rông: Quan tâm cải thiện chất lượng y tế

05:06, 17/06/2020

Những năm qua, nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành cũng như những nỗ lực từ đội ngũ những người làm y tế mà ở Đam Rông hiện nay, chất lượng các dịch vụ khám, chữa bệnh đã ngày càng được tăng lên, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân địa phương.

Những năm qua, nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành cũng như những nỗ lực từ đội ngũ những người làm y tế mà ở Đam Rông hiện nay, chất lượng các dịch vụ khám, chữa bệnh đã ngày càng được tăng lên, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân địa phương.
 
 Các trạm y tế cấp xã đảm bảo thăm, khám cho người dân trong khu vực
Các trạm y tế cấp xã đảm bảo thăm, khám cho người dân trong khu vực
 
Nói về những khó khăn từ những ngày đầu mới thành lập huyện, những người làm y tế ở Đam Rông chỉ cười trừ bằng câu “chẳng bao nhiêu mà kể xiết, giờ được như thế này ai cũng cảm thấy vui và hạnh phúc”.
 
Câu chuyện của người nữ hộ sinh công tác lâu năm nhất, cũng là người cao tuổi nhất ở Trạm Y tế xã Đạ Tông cũng vậy. Công tác trong ngành y từ những năm 1990, chị Liêng Jrang Ka Hôn (48 tuổi) giờ đã chợt nhớ, chợt quên những ngày tháng nhọc nhằn. Chẳng phải do trí nhớ kém, mà do những ký ức ấy đã dần nhường chỗ cho niềm vui ngày một lớn hơn, đó là việc ngày càng nhiều đứa trẻ ra đời khỏe mạnh, chị em phụ nữ không còn đối mặt với sinh tử trong mỗi lần vượt cạn... “Mình ngày xưa cũng tự sinh con khi đang trên đường ra Trung tâm Y tế ở Lạc Dương. Nhờ bản thân có kiến thức và kỹ năng nên hai vợ chồng may mắn được đón con chào đời. Chị em ngày trước vất vả, sinh con trong lúc đang làm trên rẫy, người nhà lặn lội đèo suối ra trạm tìm hộ sinh. May mắn trong cuộc đời mình là chưa từng phải chứng kiến mất mát, các ca đỡ đều thành công”, chị Ka Hôn nhớ lại.
 
Theo chị Lê Thị Khuyên - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đạ Tông, trước đây, khi còn thuộc địa phận huyện Lạc Dương, 3 xã khu vực Đầm Ròn đều chung một nỗi vất vả, khó khăn bởi đồi núi chia cách, đường sá khó khăn. Mỗi lần đi về trên con đường mòn, trên vai mỗi cán bộ của trạm y tế đều là những gùi thuốc để cấp, phát cho bà con. Hiện nay, một trong những tín hiệu khiến đội ngũ những người làm y tế tại các trạm lạc quan hơn đó chính là việc người dân đã dần nâng cao nhận thức của mình về chăm sóc sức khỏe. Nhiều trường hợp mắc bệnh đã thường xuyên liên lạc với cán bộ của trạm khi có dấu hiệu không tốt hoặc chủ động lịch khám, lấy thuốc định kỳ...
 
Trạm Y tế Đạ Tông có 6 cán bộ, bao gồm 1 bác sĩ, 1 y sĩ, 1 nữ hộ sinh, 1 dược sĩ và 2 điều dưỡng, thăm khám cho hàng trăm lượt bệnh nhân mỗi tuần. Với trang thiết bị được đầu tư, sự kết nối giữa trạm y tế xã với phòng khám đa khoa khu vực và Trung tâm Y tế huyện đã kịp thời hỗ trợ bà con thực hiện các chẩn đoán, xét nghiệm phức tạp. “Không thể so sánh với những bệnh viện lớn nhưng với điều kiện của vùng sâu, vùng xa thế này thì đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của bà con. Đặc biệt, có sự hỗ trợ của đội ngũ y tế thôn, bản. Họ được đào tạo mới, liên tục được đào tạo, tập huấn thường xuyên để nâng cao chất lượng và hoàn thành rất tốt nghiệm vụ, tinh thần trách nhiệm cao”, chị Khuyên cho biết thêm.
 
Theo thống kê của Phòng Y tế huyện Đam Rông, hiện nay cả 8/8 xã đều đầy đủ cán bộ y tế theo quy định và đã đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Cán bộ y tế được đào tạo, đào tạo lại và tập huấn chuyên môn theo đúng quy định. 100% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động, hàng tháng giao ban báo cáo với trạm để kịp thời nắm bắt tình hình và xử lý những vấn đề phát sinh. Cơ sở hạ tầng của các trạm đều được xếp hàng từ cấp 4 trở lên, gần trục đường giao thông để người dân dễ dàng tiếp cận. Đa số các trạm đã được trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế cần thiết theo quy định, đạt trên 70% số loại trang thiết bị theo quy định của Bộ Y tế. Số thuốc tương đối đầy đủ, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu sử dụng trở lên, công tác quản lý an toàn, không để xảy ra tai biến nghiêm trọng về thuốc. 
 
Tỉ lệ người dân tham gia BHYT tại các xã đều đạt trên 80%. Các trạm cũng duy trì hệ thống dịch tễ, chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh, không để xảy ra dịch bệnh lớn, thực hiện tốt các chỉ tiêu được giao về y tế dự phòng. Hầu hết các trạm có đủ điều kiện và khả năng chuyên môn để thực hiện thường xuyên các dịch vụ kỹ thuật theo chức năng, nhiệm vụ được giao, khám, chữa bệnh bằng Y học cổ truyền với các biện pháp dùng thuốc hoặc không. 
 
Ông K’Ngọc Hùng - Giám đốc Trung tâm Y tế Đam Rông cho biết, hiện trung tâm có 158 cán bộ, nhân viên, trong đó có 31 bác sĩ. Ngoài các trạm còn có 1 phòng khám đa khoa khu vực Đạ Tông và 1 phòng khám quân dân y kết hợp ở xã Phi Liêng. Bệnh nhân đã được hưởng các dịch vụ y tế tại chỗ khi ngày càng nhiều trung tâm có thể thực hiện được các kỹ thuật cao mà không chuyển lên bệnh viện tuyến trên.
 
So với trước đây, đội ngũ y, bác sĩ tăng cả về số lượng lẫn chất lượng. Khi huyện mới thành lập, trung tâm y tế mới chỉ có 1 bác sĩ CKI và 6 bác sĩ thì hiện đã có 1 bác sĩ CKII, 5 bác sĩ CKI và sắp tới tháng 10 ra trường thêm 5 bác sĩ CKI. Tỉ lệ có trình độ đại học và sau đại học chiếm tỉ lệ trên 50%. Với đội ngũ được tăng cường thì sắp tới nhiều kỹ thuật chuyên khoa mới sẽ được áp dụng, các kỹ thuật mổ bắt con, mổ ruột thừa… sẽ được triển khai lại khi bác sĩ gây mê ra trường trong thời gian tới đây. 
 
“Khó khăn hiện nay mà địa phương phải đối mặt cũng là khó khăn chung của toàn ngành y tế, chủ yếu đến từ việc cơ sở vật chất xây dựng nhiều năm, có dấu hiệu xuống cấp cần sửa chữa và khó khăn về nhân lực. Toàn ngành y tế vượt qua mọi khó khăn để ưu tiên đào tạo đội ngũ nhân lực nhằm nâng cao tay nghề, từng bước phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của người dân. Đồng thời, lãnh đạo ngành và địa phương cũng đã quan tâm đầu tư từ trung tâm cho đến các phòng khám đa khoa khu vực và cả các trạm y tế, nay cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân trên địa bàn”, ông Hùng cho biết thêm.
 
HỒNG THẮM