Đức Trọng: Nâng chất lượng giáo dục toàn diện

05:06, 09/06/2020

Giáo dục Đức Trọng đã có những bước tiến ngoạn mục trong 5 năm qua và nổi bật nhất đó là việc nâng chất lượng giáo dục toàn diện.

Giáo dục Đức Trọng đã có những bước tiến ngoạn mục trong 5 năm qua và nổi bật nhất đó là việc nâng chất lượng giáo dục toàn diện.
 
Một giờ học tại Trường Tiểu học Lý Tự Trọng - Đức Trọng
Một giờ học tại Trường Tiểu học Lý Tự Trọng - Đức Trọng
 
Trên 374 tỷ đồng đầu tư trường lớp 
 
Một thống kê của Phòng Giáo dục Đào tạo (GDĐT) Đức Trọng cho biết, trong 5 năm gần đây, tính từ năm 2016 đến nay, tổng cộng đã có trên 264 tỷ đồng đầu tư vào xây dựng trường lớp trên địa bàn huyện. 
 
Với nguồn ngân sách trên, có 38 công trình trường lớp với 246 phòng học, 14 phòng bộ môn, nhà vệ sinh, sân trường, nhà làm việc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Cùng đó, tổng kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học trong 5 năm cũng lên đến trên 110 tỷ đồng. 
 
Với 79 trường học trực thuộc Phòng GDĐT huyện quản lý, trong đó, có 28 trường mầm non; 31 trường tiểu học; 20 trường trung học cơ sở (THCS) với 1.203 lớp học, trên 42 nghìn học sinh cùng 87 cơ sở giáo dục mầm non tư thục và 15 trung tâm học tập cộng đồng, Đức Trọng hiện có 55/ 70 trường công lập trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia (trong đó có 13 trường mầm non; 27 trường tiểu học; 15 trường THCS); tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 78,6%, trong đó có 3 trường đạt chuẩn mức độ 2. 
 
Nhờ mạng lưới trường lớp phân bố đều trên địa bàn, hầu hết các xã đều có trường mầm non, tiểu học và THCS đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, kể cả vùng dân tộc thiểu số và vùng thuộc địa bàn khó khăn nên tỷ lệ huy động học sinh ra lớp và duy trì sĩ số của huyện đã có những bước chuyển tích cực trong những năm vừa qua. 
 
Trong sửa chữa, nâng cấp xây mới trường lớp, huyện luôn chú ý đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; đảm bảo tính đồng bộ về cơ sở vật chất, cảnh quan sư phạm; trang thiết bị dạy học theo chuẩn trường chuẩn quốc gia.
 
Để huyện đạt chuẩn xã và huyện nông thôn mới trong đó có việc thực hiện tiêu chí số 5 và số 14 về giáo dục, trong nhiều năm nay, ngành GDĐT huyện đã có rất nhiều nỗ lực.
 
Theo qui định, tiêu chí số 5 trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới yêu cầu tỷ lệ trường học các cấp học trên địa bàn từ mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học phải đạt chuẩn, cụ thể với địa bàn Tây Nguyên phải đạt từ 70% trở lên. Còn tiêu chí 14 cũng có những yêu cầu cụ thể về tỷ lệ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; phổ cập giáo dục trung học cơ sở; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học; tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo.
 
Để đảm bảo 2 tiêu chí trên, Phòng GDĐT luôn yêu cầu các trường thực hiện tốt tiêu chí số 14, đồng thời phối hợp với ngành chức năng huyện và tỉnh tăng cường cơ sở vật chất để từng bước đáp ứng tiêu chí số 5. Chính việc thực hiện tốt 2 tiêu chí này, ngành GDĐT Đức Trọng đã đóng góp không nhỏ trong xây dựng các xã nông thôn mới trên địa bàn và góp phần để huyện đạt chuẩn nông thôn mới gần đây. 
 
Nâng chất lượng dạy và học 
 
Để nâng chất lượng giáo dục toàn diện, Phòng GDĐT yêu cầu các trường học trên địa bàn hằng năm triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo, nghiên cứu khoa học cho học sinh, dạy học sinh vận dụng kiến thức và kỹ năng vào giải quyết các vấn đề trong học tập và thực tiễn. 
 
Huyện cũng yêu cầu các trường học thực hiện tốt mô hình trường học mới, đổi mới trong kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo hướng phát triển năng lực người học, vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học phù hợp với tình hình thực tiễn.
 
Nhờ vận dụng đồng bộ các giải pháp, chất lượng dạy và học của GDĐT Đức Trọng đã không ngừng được cải thiện và nâng lên. Không chỉ vùng thuận lợi mà giáo dục trong vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số của huyện trong vài năm nay đã có những chuyển biến tích cực; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học; tỷ lệ lên lớp, tốt nghiệp đều tăng; chất lượng giáo dục vùng sâu đã có những bước tiến, rút ngắn khoảng cách so với vùng thuận lợi
 
Thống kê của huyện cho biết, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp đến nay đạt 100%, tiểu học đạt 100%, THCS đạt trên 99,8%; duy trì sĩ số bậc mầm non và tiểu học đạt 100%, THCS đạt 99,8%. 
 
Với giáo dục mũi nhọn, trong 5 năm qua, Đức Trọng đã có 7.167 học sinh đoạt giải các cuộc thi cấp huyện, 1.905 học sinh đoạt giải cấp tỉnh, 41 học sinh đoạt giải quốc gia. 
 
Giáo dục thể chất các trường học trong huyện đã có những chuyển biến rất rõ, đoàn học sinh Đức Trọng tham gia Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh luôn đạt thành tích cao gần đây với giải nhất, giải nhì toàn đoàn. 
 
Trong phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, huyện đã được công nhận duy trì giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS - xóa mù chữ mức độ 2, trong đó có 11 xã đạt mức độ 2, 3 và 1 xã, thị trấn đạt mức độ 3. 
 
Về đội ngũ giáo viên, toàn huyện hiện có 2.102 cán bộ quản lý, giáo viên; trong đó có 1.689 giáo viên, hầu hết đều đạt và vượt chuẩn. 
 
Trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, 5 năm qua, ngành GDĐT Đức Trọng đã có 5 tập thể, 46 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, 618 học sinh tiêu biểu được các cấp biểu dương; được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho 2 tập thể, Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng Cờ thi đua cho 1 tập thể và tặng bằng khen cho 1 tập thể.
 
Phòng GDĐT được Bộ GDĐT tặng Cờ thi đua, tặng bằng khen cho nhiều tập thể và cá nhân trong huyện. Rất nhiều tập thể, cá nhân trong ngành của huyện cũng được nhận bằng khen, giấy khen các cấp của tỉnh.
 
Tuy nhiên, hiện nay ngành GDĐT huyện vẫn còn những khó khăn nhất định. Theo Phòng GDĐT huyện, đó là việc nhiều trường vẫn còn thiếu phòng học đạt chuẩn, thiếu thiết bị dạy học, nhất là ở một số trường mầm non và tiểu học. Thiếu cơ sở vật chất gây khó khăn cho các trường trong triển khai học 2 buổi/ngày, học các môn tự chọn; tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 của huyện còn chậm; chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số dù được cải thiện nhưng vẫn còn khoảng cách so với vùng thuận lợi; chất lượng mũi nhọn chưa đồng đều giữa các bộ môn và các vùng.
 
Trong thời gian đến, huyện Đức Trọng đưa ra mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục của huyện, phấn đấu công nhận phổ cập giáo dục THCS mức độ 3; hạ thấp tỷ lệ học sinh bỏ học và lưu ban ở bậc THCS không quá 2%, đồng thời tăng cường cơ sở vật chất, cảnh quan trường học xanh - sạch - đẹp; đưa con số trường công lập trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia lên 83%. 
 
Huyện cho biết cũng sẽ đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng thêm các trường mầm non, phổ thông tư thục chất lượng cao trên địa bàn, nhằm nâng chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. 
 
VIẾT TRỌNG