Những nghề 9+

04:06, 30/06/2020

Sau khi tốt nghiệp lớp 9 (THCS), nhiều bạn trẻ đã chọn cho mình cơ hội viết tiếp giấc mơ giảng đường bằng cách học ở các trường đào tạo nghề. Tại Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt, hình thức đào tạo này đã giúp nhiều học sinh có nghề nghiệp rõ ràng trong tương lai. 

Sau khi tốt nghiệp lớp 9 (THCS), nhiều bạn trẻ đã chọn cho mình cơ hội viết tiếp giấc mơ giảng đường bằng cách học ở các trường đào tạo nghề. Tại Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt, hình thức đào tạo này đã giúp nhiều học sinh có nghề nghiệp rõ ràng trong tương lai. 
 
Học sinh sau khi tốt nghiệp THCS được đào tạo hệ Cao đẳng 9+ tại Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt
Học sinh sau khi tốt nghiệp THCS được đào tạo hệ Cao đẳng 9+ tại Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt
 
Từ Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về “Giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có đề nghị gửi đến các trường trung cấp, cao đẳng tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo chương trình Cao đẳng 9+ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đối với học sinh THCS, tạo cơ hội thuận lợi cho người học, đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông. 
 
Từ năm 2018 đến nay, Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt đã tuyển sinh và đang đào tạo trên 1.000 sinh viên Cao đẳng 9+ và Trung cấp (2 năm) tại 6 ngành đối với học sinh tốt nghiệp THCS: Kinh tế, Nông nghiệp, Du lịch, Công nghệ thông tin, Điện - Điện tử, Cơ khí; trong đó có 17 nghề. Đến thời điểm hiện tại, nhà trường đang tuyển sinh học sinh tốt nghiệp lớp 9 cho năm học 2020 - 2021. 
 
Th.S Trương Duy Việt - Trưởng phòng Đào tạo Trường Cao đẳng nghề cho biết: Với hình thức đào tạo hệ Trung cấp và Cao đẳng 9+; học sinh sẽ được định hướng nghề nghiệp rõ ràng; học sinh, sinh viên sẽ chủ động hơn trong lựa chọn hình thức đào tạo phù hợp với thời gian, điều kiện, hoàn cảnh gia đình. Sau khi học xong chương trình, nếu các em có nhu cầu thì cũng có thể liên thông lên hệ đại học, hiện nay nhà trường đã liên hệ được với một số trường đại học, sẵn sàng đào tạo tiếp đại học cho sinh viên Cao đẳng nghề 9+, chính vì vậy giấc mơ giảng đường đại học với các nghề là điều không còn xa vời đối với các em là học sinh tốt nghiệp THCS. 
 
Em Dương Tuấn Anh (sinh năm 2001) sống tại thôn Kinh Tế Mới, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương đang theo học hệ Cao đẳng 9+ với nghề được đào tạo là Công nghệ ô tô. Theo Tuấn Anh cho biết, gia đình em tại địa phương cũng còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, nếu em học tiếp lên phổ thông trung học và thi vào các trường đại học thì bố mẹ khó có thể “kham” được, nếu ra trường thì cơ hội tìm việc làm cũng khó. Chính vì vậy Tuấn Anh đã lựa chọn cho mình hướng đi mới là học nghề Cao đẳng 9+, vì 2 năm học đầu sẽ được miễn học phí, khi ra trường là có “tay nghề” nên dễ dàng xin việc vào các nơi sửa chữa, bảo trì ô tô tại địa phương hay các huyện lân cận. 
 
Còn em Đặng Đình Minh Nhật (Quận Tân Bình - TP Hồ Chí Minh) đang theo học Cơ khí động lực thì cho rằng khi học xong mình có trong tay bằng cao đẳng nghề, nên dễ dàng xin việc hơn tại thị trường lao động năng động như TP Hồ Chí Minh. Mặt khác, nghề cơ khí là sở thích của em nên sau khi tốt nghiệp THCS em đã mạnh dạn đăng ký để theo học. 
 
Hay còn nhiều bạn trẻ khác sau khi tốt nghiệp THCS đã theo học tại các nghề như Kỹ thuật rau hoa công nghệ cao, Bảo vệ thực vật, Kỹ thuật chế biến món ăn. Theo một số học sinh đến từ huyện Đơn Dương, hiện nay nông nghiệp công nghệ cao đang phát triển ở huyện, nếu mình dừng lại ở lớp 9 và đi làm thì chỉ là công nhân được giao những công việc bình thường và làm ở những nhà vườn, còn nếu được đào tạo 2 năm thì có bằng Trung cấp nghề, 4 năm sẽ có bằng Cao đẳng nghề nên có thể xin vào các công ty lớn, có thể được giao những công việc có trình độ tay nghề hơn, chính vì vậy thu nhập cũng hơn hẳn. 
 
Đối với học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, điều đáng được quan tâm bên cạnh đào tạo ngành nghề chính là đào tạo, bổ túc kiến thức cơ bản về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, giáo dục đạo đức nghề nghiệp, lối sống. Tại Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt hiện nay có trên 10 giáo viên đáp ứng các yêu cầu để thực hiện giảng dạy văn hóa nghề. 
 
Theo Phòng Đào tạo của nhà trường, với hệ Cao đẳng 9+ , sinh viên được học các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn đối với các ngành Kinh tế, Công nghệ thông tin, Điện - Điện tử, Cơ khí; ngành Nông nghiệp có thêm môn Sinh học; ngành Du lịch có thêm môn Lịch sử, Địa lý.
 
Giảng viên nghề Cơ khí động lực Phạm Quang Hưng chia sẻ: Đối với các em đang học Cao đẳng 9+, thời gian thực hành được phân bổ 70%, lý thuyết 30%; và được liên hệ thực hành tại các nơi sản xuất, lắp ráp để các em nhận thấy rằng mình đang trong quá trình đi xin việc, nên phải thực hiện khối lượng công việc một cách tốt nhất để được nhà tuyển dụng nhìn nhận, lựa chọn. Ngoài ra, vì tâm lý lứa tuổi nên quá trình đào tạo cũng cần phải cầm tay chỉ việc, nắm bắt tư tưởng, định hướng thêm về thái độ học tập, thái độ thực hành tại xưởng để sau này các em ra trường vừa vững tay nghề vừa trưởng thành hơn trong lối sống, tác phong làm việc.
 
Có thể khẳng định chủ trương giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông đã góp phần hạn chế tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” như hiện nay. Và đặc biệt hơn, sau khi tốt nghiệp THCS, học sinh có thể tự mình lựa chọn ngành nghề và viết tiếp giấc mơ cao đẳng, đại học tưởng chừng như khó thực hiện nếu chỉ dừng lại việc học ở lớp 9.
 
ĐỨC TÚ