Thúc đẩy cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản vùng DTTS

05:06, 04/06/2020

Dự án "Tổ chức xã hội thúc đẩy dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên đồng bào DTTS" tại huyện Lâm Hà được triển khai trong 4 năm (từ tháng 7/2017 - tháng 7/2021) do tổ chức ActionAid Việt Nam và Liên minh châu Âu tài trợ.

Dự án “Tổ chức xã hội thúc đẩy dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên đồng bào DTTS” tại huyện Lâm Hà được triển khai trong 4 năm (từ tháng 7/2017 - tháng 7/2021) do tổ chức ActionAid Việt Nam và Liên minh châu Âu tài trợ.
 
Đưa vào hoạt động máy siêu âm 4D do dự án tài trợ tại Phòng khám Đa khoa khu vực Tân Hà
Đưa vào hoạt động máy siêu âm 4D do dự án tài trợ tại Phòng khám Đa khoa khu vực Tân Hà
 
Trung tâm Phát triển Truyền thông và Sức khỏe phối hợp với tổ chức ActionAid Vietnam (AAV) trong hoạt động truyền thông can thiệp hướng tới việc tăng ngân sách cho y tế trong chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ và thanh niên vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Dự án nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng và nhạy cảm giới cho các nhóm đối tượng yếu thế ở các khu vực nông thôn và DTTS, tập trung vào tăng cường năng lực, sự tham gia và sáng kiến của các tổ chức xã hội dân sự địa phương và mạng lưới đại điện của họ, cải thiện tiếp cận và chất lượng của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Tác động các chính sách chăm sóc sức khỏe và dịch vụ nhằm đáp ứng tốt hơn các nhu cầu thiết yếu của các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt phụ nữ và thanh niên DTTS ở 2 huyện: Krông Bông (Đắk Lắk) và Lâm Hà (Lâm Đồng). Đồng thời, phản ánh tiếng nói của các cộng đồng yếu thế và dễ bị tổn thương vào quá trình lập chính sách, ở các giai đoạn soạn thảo, thực hiện và giám sát, thông qua các tổ chức xã hội và các mạng lưới của họ.
 
Dự án đang triển khai thực hiện ở 2 xã Tân Thanh và Đan Phượng của huyện Lâm Hà từ tháng 7/2017 đến nay với nguồn vốn là 4 tỷ đồng. Dự án sử dụng lực lượng y tế thôn bản, cộng tác viên dân số, cán bộ hội phụ nữ, thanh niên để thành lập các nhóm truyền thông cộng đồng tại 2 xã, mỗi xã có 7 nhóm cộng đồng. Các thành viên nhóm truyền thông cộng đồng được dự án tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kỹ năng tuyên truyền, vận động cho các thành phần, nhóm đối tượng là phụ nữ và thanh niên DTTS trong độ tuổi tại địa bàn. Mô hình hoạt động thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng, góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết các quyền tiếp cận chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên vùng DTTS.
Bà Triệu Thị Sa - Bí thư chi bộ, Trưởng nhóm phát triển cộng đồng “Tự tin vào ngày mai” của thôn Thanh Bình - xã Tân Thanh, cho biết: “Ban đầu nhóm chỉ có 15 thành viên tham gia, đến nay đã tăng lên 26 người. Hàng tháng, các thành viên cùng nhau chia sẻ những vấn đề về sức khỏe sinh sản. Sau khi tham gia hoạt động nhóm cộng đồng, nhận thức của các thành viên về các vấn đề như xâm hại tình dục, mang thai ngoài ý muốn, các bệnh lây truyền qua đường tình dục đều có chuyển biến tích cực”.
 
Bên cạnh đó, nhằm cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, dự án còn đầu tư trang thiết bị y tế gần 2 tỷ đồng cho Phòng khám Đa khoa khu vực Tân Hà với thiết bị hiện đại như siêu âm 4D, đã giúp cho nhiều chị em phụ nữ vùng DTTS tiếp cận gần hơn với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản có chất lượng. Bác sĩ Nguyễn Văn Ninh - Trưởng phòng Khám Đa khoa khu vực Tân Hà, Trưởng phòng Khám Dịch vụ chất lượng cao sản phụ của dự án, cho biết: “Nhận thức về chăm sóc sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng của người dân vùng DTTS ở đây ngày càng được nâng cao. Các vấn đề như tảo hôn, sinh con sớm, hôn nhân cận huyết thống đã được cải thiện đáng kể...”. 
 
Ông Đinh Đức Chí - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà, cho biết: Từ năm 2012, tổ chức ActionAid Việt Nam đã chính thức có mặt tại huyện Lâm Hà và đã phối hợp với UBND huyện Lâm Hà tổ chức triển khai thực hiện 5 chương trình, dự án. Trong đó, Dự án “Tổ chức xã hội thúc đẩy dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên đồng bào DTTS” bắt đầu từ năm 2017 tại 2 xã Tân Thanh và Đan Phượng. Tổng mức hỗ trợ đầu tư cho 5 chương trình dự án của 2 xã từ năm 2012 đến nay là trên 14 tỷ đồng. Từ khi triển khai thực hiện, dự án đã góp phần thay đổi nhận thức, phong tục tập quán lạc hậu của vùng đồng bào DTTS như tảo hôn, kết hôn cận huyết, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bà con, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào DTTS. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo huyện Lâm Hà chỉ còn 3,8%, trong vùng đồng bào DTTS còn 5,8%”.
 
Theo bà Chu Thị Hà - Giám đốc chương trình Tổ chức ActionAid Việt Nam, để việc chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và thanh niên DTTS được nâng cao, cần sự phối hợp hành động của tất cả các bên liên quan từ chính quyền, các tổ chức xã hội cho đến cộng đồng dân cư, mỗi gia đình và bản thân người phụ nữ, thanh niên DTTS rất quan trọng, tác động tích cực trong việc triển khai, giám sát và nâng cao chất lượng dịch vụ công hiện nay tại địa phương.
 
AN NHIÊN