Phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh

05:06, 24/06/2020

Theo lộ trình được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra tại Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, Chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình GDPT 2018) sẽ được triển khai thực hiện từ năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1...

Theo lộ trình được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đề ra tại Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, Chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình GDPT 2018) sẽ được triển khai thực hiện từ năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1. Do đó, không chỉ giáo viên, mà các bậc phụ huynh có con chuẩn bị vào học lớp 1 cũng cần nắm được những thay đổi quan trọng, những điểm mới của Chương trình này.
 
Chương trình GDPT 2018 sẽ triển khai thực hiện từ năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1
Chương trình GDPT 2018 sẽ triển khai thực hiện từ năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1
 
Lộ trình triển khai thực hiện theo các lớp: Năm học 2020-2021 triển khai đối với lớp 1; Năm học 2021-2022 triển khai lớp 2 và lớp 6; Năm học 2022-2023 triển khai lớp 3, lớp 7 và lớp 10; Năm học 2023-2024 triển khai lớp 4, lớp 8 và lớp 11; Năm học 2024-2025 triển khai lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Như vậy, năm học 2020 - 2021, Chương trình GDPT 2018 chỉ triển khai ở lớp 1 - là lớp học đầu tiên, nền móng cấp tiểu học, là khóa học đầu tiên áp dụng Chương trình sách giáo khoa (SGK) mới, trong đó các em được học theo định hướng phát triển cả phẩm chất và năng lực, nhằm hình thành phát triển nhân cách toàn diện ở trẻ. Học không chỉ thiên về kiến thức mà còn phát triển hài hòa cả nhân cách, trí tuệ, tâm hồn, thể chất, trong đó việc hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của trẻ được chú trọng ngay từ lớp 1.
 
Theo Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30/1/2020 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về việc hướng dẫn lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông, các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành công tác lựa chọn SGK và đang triển khai bồi dưỡng cho giáo viên. 
 
Lớp 1 Chương trình GDPT 2018 gồm có 7 môn học và Hoạt động giáo dục bắt buộc như sau: môn Tiếng Việt, môn Toán, môn Đạo đức, môn Tự nhiên và Xã hội, môn Nghệ thuật (gồm môn Âm nhạc và Mĩ thuật), Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm. So với Chương trình Tiểu học năm 2000, Chương trình GDPT 2018 đối với cấp tiểu học thì tên các môn học lớp 1 không có gì thay đổi lớn. Hoạt động trải nghiệm đối với lớp 1 có 105 tiết học, trong đó 35 tiết chung cho các hoạt động tập thể chào cờ đầu tuần, 35 tiết chung cho nội dung sinh hoạt lớp cuối tuần và 35 tiết còn lại dành tìm hiểu giáo dục địa phương.
 
Ở lớp 1 Chương trình GDPT 2018, giáo dục thể chất được coi trọng, nhằm tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện về chiều cao, thể lực, trí tuệ. Chương trình GDPT 2018 các môn học đều đóng vai trò như nhau, mỗi môn học có tác dụng riêng góp phần hình thành nhân cách cho trẻ, do vậy cha mẹ cần quan tâm con tới việc học đều tất cả các môn học, khi trẻ có năng khiếu môn học nào thì tạo điều kiện cho trẻ phát huy thế mạnh về môn học đó. Giai đoạn trẻ mới vào lớp 1 đối với môn học Tiếng Việt, điều mà cha mẹ các em quan tâm là cách đánh vần, hướng dẫn đọc viết của các con, nội dung này cha mẹ cần phối hợp giáo viên chủ nhiệm để được giúp đỡ và hướng dẫn.
 
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, TP Đà Lạt trong giờ học. Ảnh: Văn Báu
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, TP Đà Lạt trong giờ học. Ảnh: Văn Báu
 
Chương trình lớp 1 được thiết kế dạy học 2 buổi/ngày, sáng học 4 tiết, chiều học không quá 3 tiết. Mục tiêu của hoạt động dạy học 2 buổi/ngày là tăng cường giáo dục toàn diện, đặc biệt là tăng cường các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh; hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm, giảm áp lực học tập và góp phần giảm tải trong việc tổ chức thực hiện chương trình; đáp ứng yêu cầu quản lí và giáo dục học sinh của gia đình và xã hội; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở cấp tiểu học. Định hướng chung của đổi mới chương trình là hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Theo đó, học sinh cần tích cực, chủ động tham gia các hoạt động học tập; được tìm tòi, khám phá; được làm việc độc lập, hợp tác, trao đổi theo nhóm hay lớp, trong đó các em được tạo điều kiện để tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập và trải nghiệm thực tế. Các em được tạo cơ hội bộc lộ, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kĩ năng đã tích lũy được để phát triển. Dạy học hướng tới đáp ứng nhu cầu phát triển của từng cá nhân học sinh được chú trọng.
 
Đổi mới chương trình đồng thời đổi mới đánh giá học sinh. Mỗi học sinh chỉ kiểm tra điểm số môn Tiếng Việt và môn Toán giai đoạn học kỳ 1 và cuối năm học, thời gian còn lại giáo viên chỉ đánh giá, nhận xét thường xuyên bằng lời kết hợp ghi vào vở khi cần thiết. Do vậy, điều cha mẹ cần quan tâm là cách học tập của con em mình, các điều kiện phục vụ học tập, động viên kịp thời các tiến bộ của con dù là nhỏ nhất, những băn khoăn của con cần giải thích của cha mẹ và giáo viên.
 
Để thực hiện thành công, hiệu quả Chương trình GDPT 2018 phải chuẩn bị tốt cả 4 yếu tố như: Công tác quản lý, quản trị trường học; Kinh phí - cơ sở vật chất phục vụ dạy học; Chương trình và SGK; Đội ngũ giáo viên. Trong đó, giáo viên đóng vai trò quan trọng nhất cho thành công của chương trình, nhà trường phải chuẩn bị thật tốt đội ngũ giáo viên lớp 1, phải được tập huấn, bồi dưỡng nắm vững chương trình tổng thể và chương trình môn học, nắm vững cấu trúc từng môn học, tính tiền phong, sáng tạo trong dạy học của giáo viên góp phần thành công của chương trình. Một yếu tố rất quan trọng mang lại hiệu quả giáo dục toàn diện cho trẻ đó là công tác phối hợp giữa nhà trường với cha mẹ học sinh. Giai đoạn trẻ mới vào lớp 1 chưa quen các hoạt động học tập, do vậy cha mẹ cần phối hợp và trao đổi thường xuyên với giáo viên chủ nhiệm để có các biện pháp giáo dục hợp lý, tất cả các thông tin phải kịp thời, thông suốt. Để học sinh cảm thấy thật sự đi học là hạnh phúc và luôn cảm nhận được “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
 
TUẤN HƯƠNG - DUY HẢI