Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng với những nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật mới

06:07, 03/07/2020

(LĐ online) - Chiều ngày 3/7, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng tổ chức Hội nghị khoa học thường niên năm 2020, giới thiệu 10 đề tài nghiên cứu khoa học mới góp phần thúc đẩy việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác khám chữa bệnh...

(LĐ online) - Chiều ngày 3/7, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Lâm Đồng tổ chức Hội nghị khoa học thường niên năm 2020, giới thiệu 10 đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) mới góp phần thúc đẩy việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác khám chữa bệnh nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân ngay tại tuyến tỉnh, giảm tình trạng chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
 
Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng chủ trì hội nghị khoa học thường niên năm 2020
Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng chủ trì hội nghị khoa học thường niên năm 2020
 
Tham dự Hội nghị có BSCKII Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng; đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ của BVĐK Lâm Đồng và các bệnh viện trong tỉnh.
 
Nhiều tiến bộ rõ nét trong công tác NCKH
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, BSCKII Lê Văn Tiến - Giám đốc BVĐK Lâm Đồng cho biết: Từ năm 2016 -2019, BVĐK Lâm Đồng đã có 56 đề tài NCKH trên các lĩnh vực chuyên khoa lâm sàng, cận lâm sàng đã được nghiệm thu cấp cơ sở và ứng dụng vào thực tiễn khám chữa bệnh tại đơn vị. Nhiều tiến bộ rõ nét trong công tác NCKH cùng với việc triển khai Đề án 1816 (cử cán bộ y tế tuyến trên về hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới của Bộ Y tế), Đề án bệnh viện vệ tinh và sự hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật của tuyến trên, BVĐK Lâm Đồng đã thực hiện được nhiều kỹ thuật mới như: phẫu thuật thần kinh, sọ não, cột sống, phẫu thuật nội soi khớp, thay khớp; phẫu thuật ung thư tuyến giáp, ung thư vú; điều trị tái thông trong bệnh lý đột quỵ não, can thiệp tim mạch, đặt máy tạo nhịp tạm thời và vĩnh viễn trong các bệnh lý tim mạch… Nhờ đó, BVĐK Lâm Đồng đã kịp thời cứu sống nhiều bệnh nhân, không phải chuyển lên tuyến trên, tạo được niềm tin và sự hài lòng của người dân trong tỉnh.
 
Ông Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Sở Y tế tỉnh phát biểu chúc mừng Hội nghị Khoa học thường niên năm 2020 của BVĐK Lâm Đồng
Ông Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Sở Y tế tỉnh phát biểu chúc mừng Hội nghị Khoa học thường niên năm 2020 của BVĐK Lâm Đồng
 
Hội nghị khoa học thường niên năm 2020 của BVĐK tỉnh có 10 báo cáo khoa học của bệnh viện như: Bước đầu đánh giá kết quả điều trị phẫu thuật gãy liên mấu chuyển xương đùi bằng nẹp DHS tại BVĐK Lâm Đồng (BSCKII Nguyễn Hải Dương); Đánh giá bước đầu ứng dụng phẫu thuật điều trị ung thư giáp tại BVĐK Lâm Đồng (BSCKI Huỳnh Quốc Khởi); Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và đánh giá kết quả điều trị dị vật đường ăn tại Khoa Tai Mũi Họng BVĐK Lâm Đồng (BSCKI Đỗ Việt Hữu Khánh); Đánh giá kết quả điều trị sơ sinh non tháng tại Khoa Nhi BVĐK Lâm Đồng từ năm 2018 -2019 (BSCKI Hoàng Thị Dạ Thảo); Khảo sát đặc điểm bệnh nhân ngộ độc thuốc trừ sâu gốc Phospho hữu cơ năm 2018 (ThS-BS Nguyễn Kỳ Sơn); Khảo sát tình hình tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA) tại BVĐK Lâm Đồng từ năm 2018 -2019 (ThS Đoàn Hoàng Anh); Đánh giá nguy cơ suy dinh dưỡng ở bệnh nhân điều trị nội trú BVĐK Lâm Đồng năm 2019 (ThS Nguyễn Thị Phương). Bên cạnh đó, còn có 5 bài báo cáo giới thiệu sản phẩm của các công ty dược phẩm trong số 32 Công ty dược phẩm, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế đã đồng hành với BVĐK Lâm Đồng trong những năm qua. Đây là cơ hội để đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ của BVĐK Lâm Đồng và các bệnh viện trong tỉnh cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để công tác NCKH tại BVĐK tỉnh nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung ngày càng phát triển, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
 
BSCKII Lê Văn Tiến - Giám đốc BVĐK Lâm Đồng phát biểu khai mạc Hội nghị khoa học thường niên năm 2020
BSCKII Lê Văn Tiến - Giám đốc BVĐK Lâm Đồng phát biểu khai mạc Hội nghị khoa học thường niên năm 2020
 
* Một số báo cáo NCKH nổi bật
 
-Tạo hình đốt sống qua da bằng bơm xi măng ở bệnh nhân xẹp đốt sống 
 
BSCKI Nguyễn Minh Thu báo cáo đề tài “Đánh giá kết quả bơm xi măng tạo hình đốt sống qua da ở bệnh nhân xẹp đốt sống tại BVĐK Lâm Đồng từ năm 2017 -2019”. Từ tháng 8/2017 đến nay, Khoa Ngoại Thần kinh BVĐK Lâm Đồng đã triển khai phương pháp bơm xi măng (vertebroplasty) cho một số bệnh nhân bị xẹp đốt sống với kết quả bước đầu đáng khích lệ. 
 
Nghiên cứu trên tất cả các trường hợp bệnh nhân gãy xẹp đốt sống được thực hiện phẫu thuật tạo hình thân đốt sống qua da bằng bơm xi măng tại khoa Ngoại Thần kinh BVĐK Lâm Đồng từ tháng 8/2017 đến tháng 2 /2019, với tổng số 102 bệnh nhân, người ít tuổi nhất là 23 tuổi, lớn tuổi nhất là 89 tuổi. Tuổi trung bình 56 tuổi, tỷ lệ bệnh nhân bị gãy xương tăng theo tuổi phù hợp với mức độ loãng xương và thoái hóa. Trong đó, tỷ lệ bệnh nhân nữ cao hơn bệnh nhân nam 47%, cho thấy nguy cơ xẹp đốt sống ở phụ nữ cao hơn ở nam giới cùng lứa tuổi. Phần lớn bệnh nhân bị tổn thương 1 đốt sống có chỉ định can thiệp (88 ca chiếm 86,27%). Sau 3 tháng can thiệp bệnh nhân giảm đau tăng lên với 78 ca chiếm 76,47%.
 
Cơ chế chấn thương trong nghiên cứu này có 93 trường hợp đều bị vỡ nén ép do chấn thương nhẹ 48,04%, cơ chế này gây tổn thương cột trước thường xảy ra ở những bệnh nhân có loãng xương. Nguyên nhân chấn thương ở những bệnh nhân không bị loãng xương là do những chấn thương nghiêm trọng. Vị trí đốt sống tổn thương 60% -75% xảy ra ở đoạn cột sống chuyển tiếp giữa cột sống ngực và cột sống thắt lưng.
 
Các triệu chứng lâm sàng: Đau tại chỗ, khó khăn khi vận động (100%), đa phần đau nhiều (chiếm 60,78%). Phương pháp bơm xi măng tạo hình đốt sống qua da ở bệnh nhân xẹp đốt sống áp đã được BVĐK tỉnh áp dụng trên 113 đốt sống được can thiệp. Trong nghiên cứu chưa gặp biến chứng nào đáng kể làm tổn thương thần kinh.
Kết quả tạo hình thân đốt sống qua da bằng bơm xi măng là một phương pháp ít xâm lấn, đem lại hiệu quả giảm đau cao sau khi bơm cũng như duy trì sau 3 tháng trở lên, biến chứng dò xi măng vào đĩa đệm hoặc cạnh sống thường nhẹ không để lại di chứng. Như vậy, tạo hình đốt sống qua da bằng bơm xi măng là phương pháp an toàn, giúp giảm đau sớm cho bệnh nhân; ngăn chặn xẹp đốt sống, trượt đốt sống ở những bệnh nhân thương tổn cột sống do loãng xương hoặc do chấn thương. Theo nghiên cứu này, kết quả sau bơm xi măng tạo hình thân đốt sống qua da đem lại kết quả rất khả quan, các bệnh nhân cần được phối hợp điều trị nội khoa loãng xương.
 
- Đánh giá bước đầu điều trị tái thông ở bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não cấp
 
Đột quỵ não gây tử vong đứng thứ ba, trong đó đột quỵ nhồi máu não chiếm tỷ lệ 80%, tỉ lệ tàn phế cao hơn đột quỵ xuất huyết não. Điều trị đặc hiệu, tái thông sớm làm tăng thêm 30% tỉ lệ không tàn phế hoặc tàn phế ở mức tối thiểu. Từ năm 2017, BVĐK Lâm Đồng được chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện 115 TP HCM. Đề tài nghiên cứu “Đánh giá bước đầu điều trị tái thông ở bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não cấp” của BSCKII Nguyễn Văn Thiên nhằm đánh giá kết quả của điều trị tái thông trong nhồi máu não cấp tại BVĐK tỉnh và khảo sát biến chứng của phương pháp điều trị tái thông trong nhồi máu não cấp.
 
Đề tài nghiên cứu trên 46 bệnh nhân nhồi máu não cấp vào BVĐK Lâm Đồng do bị bệnh đột quỵ, có dấu thiếu sót chức năng của não, thời gian khởi phát < 4 giờ, chụp CT sọ có nhồi máu não, có tắc mạch. Các triệu chứng: liệt, mất ngôn ngữ, liệt mặt, nói khó, rối loạn thị lực, biến chứng xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, dị ứng thuốc… Bệnh nhân nam là 26/46 chiếm tỉ lệ 56,5%; tuổi trung bình 65 tuổi (thấp nhất 54 tuổi, cao nhất 82 tuổi).
 
Qua nghiên cứu cho thấy bệnh nhân có chỉ định điều trị cần nhập viện <4 giờ nên cơ hội cho bệnh nhân nhập viện sớm chiếm >70%. Vị trí tổn thương: Tắc động mạch não giữa nhiều nhất 52,9% và có 11,8% tắc động mạch cảnh trong.
 
Đánh giá tái thông trên lâm sàng sự cải thiện tốt 32/46 ca chiếm 69,6 %; trên hình ảnh chụp DSA 14/16 tái thông tốt; 2 ca nặng tử vong hơn 2 tháng sau. Kết quả bệnh hồi phục tốt, nhanh, giảm di chứng vận động. Nghiên cứu đưa ra kiến nghị cần xây dựng qui trình về điều trị tái thông ở bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não cấp; truyền thông giáo dục sức khỏe để Nhân dân có kiến thức về nhận diện bệnh, thái độ xứ lý đúng, đặc biệt, nên chuyển ngay bệnh nhân đến cơ sở có khả năng can thiệp lấy huyết khối dù đã được dùng thuốc tiêu sợi huyết. 
 
Các Bác sĩ BVĐK Lâm Đồng thực hiện thành công ca phẫu thuật nối liền bàn tay bị đứt lìa
Các Bác sĩ BVĐK Lâm Đồng thực hiện thành công ca phẫu thuật nối liền bàn tay bị đứt lìa
 
*Phẫu thuật nối thành công bàn tay bị đứt lìa
 
Lần đầu tiên BVĐK Lâm Đồng khâu nối bàn tay bị đứt lìa của bệnh nhân nữ 28 tuổi bị tai nạn lao động, với tổng thời gian phẫu thuật kéo dài 9 giờ, thời gian thiếu máu nuôi chi bị đứt lìa là 4 giờ. Kết quả sau 4 tháng phẫu thuật, bệnh nhân vận động cảm giác bàn tay được 70%. Đây là đề tài báo cáo của nhóm tác giả BSCKI Phùng Văn Hà và cộng sự “Nhân một trường hợp phẫu thuật nối thành công đứt lìa bàn tay tại BVĐK Lâm Đồng”. Nghiên cứu khẳng định sự thành công trong trường hợp bệnh nhân này là còn trẻ tuổi sự hồi phục nhanh, công tác sơ cứu tốt ngay từ bước đầu cấp cứu và việc hồi sức gây mê tốt, phẫu thuật viên và ê kip phối hợp đồng bộ nên ca phẫu thuật nối chi thành công tốt đẹp. Qua đó, bác sĩ đưa ra lời khuyên cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phổ biến kiến thức y học về cách bảo quản chi bị đứt rời đúng cách và khoa học để giúp cho việc khâu nối chi thành công tốt trong tương lai.
 
AN NHIÊN