Như hoa hướng dương

03:07, 29/07/2020

Họ - mỗi người một ngành nghề, một độ tuổi khác nhau. Nhưng tất cả đều mang trong mình tinh thần nhiệt huyết và phẩm chất của người đảng viên trẻ...

Họ - mỗi người một ngành nghề, một độ tuổi khác nhau. Nhưng tất cả đều mang trong mình tinh thần nhiệt huyết và phẩm chất của người đảng viên trẻ. Như lời bài hát “Chúng ta đi theo Đảng, thì mỗi chúng ta là một bông hoa nhỏ hướng dương” trong bài hát “Như hoa hướng dương” (nhạc Tô Vũ, thơ Hải Như), mỗi người họ vẫn đang cùng chung tay góp sức, hướng đến một tương lai của quê hương Đức Trọng ngày càng giàu đẹp, văn minh.
 
Thầy giáo NGUYỄN NGỌC BẢO - Chi ủy viên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An:
Hướng dẫn học sinh tham gia nhiều cuộc thi đoạt giải cao
 
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Bảo
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Bảo
Năm 2006, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, thầy giáo Nguyễn Ngọc Bảo (sinh năm 1984) trở về huyện Đức Trọng - nơi mình sinh ra và lớn lên để nhận công tác, giảng dạy môn Toán. 13 năm gắn bó với trường THPT Chu Văn An, cũng là chừng đó thời gian thầy Bảo tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, từng bước cùng thầy và trò nơi đây đưa chất lượng dạy và học của ngôi Trường THPT Chu Văn An ngày càng nâng cao.
 
Hiểu rõ môn Toán là bộ môn khô khan, thầy Bảo đã có những sự đổi mới trong phương pháp dạy. Thầy chia sẻ: “Để học sinh cảm thấy hứng thú hơn, tôi hạn chế tối đa việc giao công thức, lý thuyết, giải mẫu cho học sinh làm theo. Thay vào đó, tôi cho học sinh biết mỗi kiến thức được học có tính ứng dụng như thế nào trong thực tế. Đồng thời, gắn các công thức, lý thuyết với lịch sử Toán học để học sinh tiếp nhận tự nhiên hơn”.
 
Từng là học sinh chuyên Toán của Trường THPT Chuyên Thăng Long Đà Lạt, bản thân cũng từng tham gia các kỳ thi học sinh giỏi môn Toán các cấp, thế nên, đối với thầy Bảo, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi không chỉ là nhiệm vụ, mà đó còn là niềm đam mê và hứng thú. Trong những buổi học bồi dưỡng, bên cạnh trao đổi kiến thức, thầy Bảo chia sẻ với học sinh những kinh nghiệm, kỹ năng mà mình đã tích lũy được. Đồng thời, thầy tham khảo, học hỏi thêm mô hình giáo dục của nhiều nơi để áp dụng cho phù hợp với tình hình học sinh tại trường. Từ đó, thầy chú trọng phát huy tinh thần tự học của học sinh trong đội tuyển. Tức là cho các em tự học, tự nghiên cứu nhiều hơn, tăng cường hoạt động nhóm, sau đó thầy trò sẽ cùng trao đổi với nhau về những vướng mắc cần phải giải đáp. 
 
Từ những bước thay đổi đó mà thầy Nguyễn Ngọc Bảo đã góp phần đưa thành tích của học sinh Trường THPT Chu Văn An tại các cuộc thi từng ngày được cải thiện và nâng cao. Những năm gần đây, trường liên tục đoạt giải tại Hội thi Ý tưởng khởi nghiệp cấp tỉnh, cấp Quốc gia; Hội thi Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh. Số học sinh đoạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh cũng tăng theo hàng năm. Đặc biệt, trong năm học 2018 - 2019, học sinh của trường đã mang về giải Nhất cấp tỉnh môn Toán đầu tiên trên địa bàn huyện Đức Trọng. Năm học 2019-2020, thầy Bảo đã cùng đồng hành, hướng dẫn 1 học sinh đoạt giải Khuyến khích Hội thi Tin học trẻ cấp tỉnh (bảng D3).
 
Theo thầy Nguyễn Ngọc Bảo, điều quan trọng nhất vẫn là làm sao để học sinh tự tin vào chính mình. Để làm được điều đó, Trường THPT Chu Văn An đã xây dựng hình mẫu học sinh tiêu biểu, dựa vào những tấm gương có thật để tuyên truyền, nêu gương, từ đó tạo động lực cho các em học sinh cố gắng, tự tin, mạnh dạn hơn. Mặc cảm, tự ti của thầy và trò nơi ngôi trường huyện dần được xóa bỏ. Giờ đây, khi tham gia các cuộc thi có tầm vóc lớn hơn, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã hãnh diện khi khoác trên mình bộ đồng phục của trường, sẵn sàng hòa nhập với các trường lớn khác trong huyện, trong tỉnh.
 
Chị KA SĂ K’UY - Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Chơ Ré (xã Đa Quyn): 
Trách nhiệm của mình là phải vì Nhân dân
 
Chị Ka Să K’Uy
Chị Ka Să K’Uy
Xác định rằng không thể phụ sự kỳ vọng và niềm tin mà bà con dành cho mình nên dù ở cương vị nào, chị Ka Să K’Uy (sinh năm 1987) cũng tự dặn mình phải làm hết sức, đặt người dân ở vị trí trung tâm và dồn hết tâm huyết, trách nhiệm của mình vào đó. 
 
“Cái lớn nhất mà mình và hệ thống chính quyền ở địa phương làm được đó chính là thay đổi nhận thức của bà con, từ việc xây dựng nếp sống mới, văn minh đến tư duy sản xuất, thay đổi thói quen canh tác. Bà con luôn cảm thấy mình được quan tâm, hỏi thăm nhau như những người thân chứ không hề có khoảng cách. Nhờ thế mà trong thôn nay chỉ còn 12 hộ nghèo, bà con đã biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng sao cho hợp lý, chỉnh trang nhà cửa, trồng hoa, cây xanh, xung kích bảo vệ môi trường, đóng góp xây dựng hệ thống đèn thắp sáng đường quê…”, chị K’Uy chia sẻ.
 
17 năm sinh sống ở Đạ Quyn, chị đã đảm nhận nhiều vị trí, từ Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, Bí thư Chi đoàn thôn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã. Năm 2015, chị được Nhân dân tin tưởng bầu làm Bí thư chi bộ, và năm 2019 kiêm thêm vị trí Trưởng thôn. Gánh trên vai nhiều trách nhiệm, nhưng nữ đảng viên trẻ vẫn luôn là người hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
 
Tuổi trẻ là một trong những lợi thế giúp chị K’Uy dường như quên đi những mệt mỏi sau những ngày dài, nhưng chị cũng xác định nó là một phần hạn chế của mình trong công tác tuyên truyền, vận động bà con. Điều đó khiến khoảng thời gian đầu đảm nhận vị trí Bí thư chi bộ, chị còn mang tâm lý e dè, chưa thực sự mạnh dạn trong công tác. 
 
Khó khăn nhất đối với những người phụ nữ tham gia công tác chính quyền tại địa phương như chị K’Uy chính là làm sao để cân bằng giữa gia đình và công việc. Theo kinh nghiệm của chị K’Uy, điều này sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu tự bản thân mình biết chủ động sắp xếp, lên kế hoạch. Chị K’Uy cũng nói rằng mình may mắn khi được người thân trong gia đình tạo điều kiện hết sức, trở thành hậu phương vững chắc để chị luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ cấp trên giao phó. Cái tên K’Uy trở nên thân thuộc và trở thành cầu nối để mọi chủ trương, chính sách của Nhà nước được đưa đến gần hơn với từng nhà, tiếp cận từng người. 
 
Mọi đổi thay hôm nay ở Chơ Ré nói riêng và Đạ Quyn nói chung đều dễ dàng nhận thấy. Đường sá khang trang, sản xuất nông nghiệp của người dân đa dạng hơn, màu của lúa, cà phê dần được tô điểm thêm màu của những trái cà chua căng mọng, những vườn rau xanh mướt. Nỗ lực từng ngày của cả hệ thống chính quyền và người dân, trong đó có những người con như K’Uy đang cố gắng để thay đổi cuộc sống trên mảnh đất quê hương của mình.
 
Anh TRẦN NHẬT HẢI - Bí thư chi bộ thôn Thiện Chí (xã Ninh Gia):
Đi từng ngõ, gõ từng nhà vì lợi ích của dân
 
Anh Trần Nhật Hải
Anh Trần Nhật Hải
Trước khi đảm nhận vai trò là Bí thư chi bộ thôn Thiện Chí, anh Trần Nhật Hải (sinh năm 1987) đã có 13 năm gắn bó với công tác Đoàn, từ Phó Bí thư đến Bí thư Đoàn xã Ninh Gia. Có lẽ chính vì vậy mà sự năng động, nhiệt huyết và suy nghĩ đổi mới vẫn còn tràn đầy trong người đảng viên trẻ này. Sự đổi mới đó, dễ thấy nhất trên những con đường liên xóm đang dần được phủ xanh bằng cây và hoa - được bà con nhân dân thôn Thiện Chí thực hiện từ tháng 4 năm nay. Thay vì những khoảng đất trống đầy cỏ, anh Hải cùng các đảng viên trong thôn vận động và giao cho mỗi hộ dân trồng, chăm sóc cây và hoa trước ngõ nhà mình. Cây giống do bà con trong thôn cùng đóng góp để mua. Nhà nào có đất rộng sẽ trồng tùng, hoa giấy; nhà nào không có thì sẽ đặt chậu hoặc lốp xe cũ trước cổng để trồng hoa mười giờ. Hai tuần một lần, bà con trong thôn lại cùng ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, kết hợp chăm sóc, kiểm tra công trình đường hoa. Đến giờ, hoa chưa kịp nở rộ, nhưng sự sạch đẹp và gọn gàng hai bên đường là điều đã có thể thấy được ở thôn Thiện Chí.
 
Để có được sự thay đổi này, theo anh Hải, đó là kết quả của cả quá trình tuyên truyền, vận động, để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Thôn Thiện Chí có gần 140 hộ dân, hơn 830 khẩu, đa số người dân trồng cà phê, tiêu và cây ăn trái. “Không phải hiển nhiên mà có được sự đồng thuận, hưởng ứng của toàn thể người dân trong thôn. Chúng tôi phải tranh thủ buổi tối - khi bà con đã đi làm về - đi từng ngõ, gõ từng nhà giải thích, vận động để người dân thấy được lợi ích mà chính mình được hưởng” - anh Hải chia sẻ.
 
Đảm nhận chức vụ Bí thư chi bộ thôn Thiện Chí khi tuổi đời còn trẻ, với anh Hải, đó là một khó khăn, khi mà các đảng viên trong Chi bộ thôn có nhiều cô chú lớn tuổi, nhiều trải nghiệm. Tuy nhiên, nhờ vào thời gian tham gia công tác Đoàn, đi nhiều nơi, tham quan nhiều mô hình hay, anh đã vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu để áp dụng những kinh nghiệm của mình, đồng thời căn cứ vào Nghị quyết và tình hình thực tế của địa phương để có những thay đổi cho phù hợp.
 
Trong khuôn viên Nhà Văn hóa thôn Thiện Chí, khu sân bóng chuyền đang dần được hoàn thiện, hứa hẹn sẽ trở thành nơi để thanh thiếu niên và cả bà con nhân dân trong thôn rèn luyện sức khỏe. Nguồn kinh phí 20 triệu đồng xây dựng được từ sự vận động  các mạnh thường quân, cùng sự đóng góp của người dân. Bên cạnh đó, công trình sân bê tông Nhà Văn hóa, cổng khu nghĩa trang, hay gần đây nhất là khu vui chơi của Trường Mầm non thôn Thiện Chí, với kinh phí 22 triệu đồng cũng đều được xây dựng từ nguồn lực xã hội hóa do anh Hải cùng Ban điều hành thôn kêu gọi, vận động. 
 
“Có khó khăn, có vất vả, nhưng tôi luôn tâm niệm rằng: tất cả vì lợi ích của người dân. Chỉ cần bà con hiểu điều đó, mọi việc đều sẽ trở nên dễ dàng” - anh Hải tâm sự. Niềm tin của Nhân dân vào người Bí thư chi bộ trẻ, nhờ vậy mà được xây dựng dần dần từ mỗi công việc anh làm.
 
VIỆT QUỲNH - HỒNG THẮM