Đam Rông chủ động phòng chống dịch bệnh bạch hầu

10:07, 01/07/2020

(LĐ online) - Những ngày trong tháng 6/2020, tại các địa bàn giáp ranh với huyện Đam Rông, ngành chức năng đã ghi nhận tại 3 khu dân cư, thuộc 2 huyện Krông Nô và Đắk G'long (tỉnh Đắk Nông) có 12 ca dương tính với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu, 1 ca đã tử vong. 

(LĐ online) - Những ngày trong tháng 6/2020, tại các địa bàn giáp ranh với huyện Đam Rông, ngành chức năng đã ghi nhận tại 3 khu dân cư, thuộc 2 huyện Krông Nô và Đắk G'long (tỉnh Đắk Nông) có 12 ca dương tính với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu, 1 ca đã tử vong. 
 
 
Những điểm phát dịch bạch hầu tại các xã Đắk Sor (huyện Krông Nô) và Quảng Hòa, Đắk R’Măng (huyện Đắk Glong) là khu vực có tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu đạt thấp, chỉ từ 48-52%. Các trường hợp mắc đều chưa được tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh.
 
Ngay sau khi ghi nhận thông tin các trường hợp mắc bệnh thuộc các địa bàn giáp ranh, Trung Tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng cùng với Trung tâm Y tế huyện Đam Rông và chính quyền xã Đạ Rsal đã kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống, nhằm khống chế dịch lây lan.
 
Trung tâm Y tế huyện tăng cường công tác giám sát, tiến hành khám sàn lọc đối với các bệnh nhân có dấu hiệu nghi nhiễm, phối hợp với các ngành chức năng tại các địa phương có dịch ở tỉnh Đắk Nông trong công tác thông tin, kiểm soát, phòng chống dịch bệnh.
 
Bác sỹ K'Ngọc Hùng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đam Rông, cho biết: Qua công tác khám sàn lọc, Trung tâm Y tế huyện đã gửi 3 mẫu bệnh phẩm của 3 bệnh nhân viêm họng nghi nhiễm bạch hầu đi xét nghiệm. Trong đó, 2 bệnh nhân là hai học sinh từ xã Quảng Hòa đến học tại xã Đạ Rsal và 1 bệnh nhân là người địa phương. Điều đáng mừng là kết quả cả 3 mẫu bệnh phẩm đều âm tính với bệnh bạch hầu. Ngành y tế huyện đang đẩy mạnh công tác truyền thông trực tiếp tại hộ dân và các trường học. Trong đó, chú trọng tuyên truyền vệ sinh trường học, vệ sinh môi trường ăn ở, tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh và vận động người dân đưa trẻ em đi tiêm vắc xin đủ mũi và đúng lịch. 
 
Bác sỹ K'Ngọc Hùng cũng cho biết: Cùng với việc thường xuyên thực hiện tốt các biện pháp giám sát, phòng chống dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện cũng tăng cường thêm vắc xin để đảm bảo đủ vắc xin tiêm phòng cho trẻ em trong độ tuổi.
 
Cùng với xã Đạ Sal, tại các xã thuộc địa bàn giáp ranh với tỉnh Đăk Nông như: Xã Phi Liêng, Liêng Srol công tác phòng chống dịch cũng được ngành y tế huyện và chính quyền địa phương triển khai đồng thời. 
 
Thông tin từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên cho biết: Ngày 30/6, trên địa bàn tỉnh Kon Tum vừa phát hiện thêm 3 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu, nâng tổng số người mắc bệnh ở tỉnh này lên 9 ca tại hai huyện Sa Thày và Đắk Tô. Các bệnh nhân mới phát hiện gồm: Bệnh nhân nam 11 tuổi và bệnh nhân nữ 25 tuổi ở huyện Đăk Tô, bệnh nhân còn lại là nam 10 tuổi tại huyện Sa Thầy. Hiện tại, các bênh nhân đang được cách ly, điều trị và có sức khỏe ổn định.
 
Theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng: Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên, thuộc nhóm B trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.
 
Bệnh bạch hầu lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp, qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
 
Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.
 
Bệnh bạch hầu có thể dự phòng được bằng tiêm vắc xin đủ liều và đúng lịch. Khi phát hiện sớm, bệnh điều trị khỏi bằng kháng sinh.
 
Trước đây, bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, từ khi vắc xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ. Những trường hợp nhiễm bệnh đều không được tiêm đầy đủ các mũi vắc xin phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
 
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: 
 
- Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu đủ mũi tiêm và đúng lịch (mũi 1 tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi, mũi 2 sau mũi thứ nhất 1 tháng, mũi 3 sau mũi thứ hai 1 tháng, mũi 4 khi trẻ 18 tháng tuổi).
 
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
 
- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
 
- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
 
- Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
 
Bạch hầu là dịch bệnh nguy hiểm. Ngành y tế huyện Đam Rông và chính quyền địa phương không chủ quan, đang thực hiện tốt công tác phòng chống dịch nhằm bảo tốt sức khỏe Nhân dân.
 
VI XUÂN