Đức Trọng: Nâng chất lượng học sinh dân tộc thiểu số

05:07, 03/07/2020

Nhiều giải pháp đã được ngành Giáo dục Đức Trọng đưa ra trong nhiều năm nay để nâng chất lượng học sinh dân tộc thiểu số trong huyện.

Nhiều giải pháp đã được ngành Giáo dục Đức Trọng đưa ra trong nhiều năm nay để nâng chất lượng học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) trong huyện.
 
Hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn Đức Trọng đều được xây mới khang trang (Trong ảnh Trường Tiểu học K’Long - Đức Trọng)
Hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn Đức Trọng đều được xây mới khang trang (Trong ảnh Trường Tiểu học K’Long - Đức Trọng)
 
Tăng cường nguồn lực đầu tư 
 
Với 14 xã và 1 thị trấn trên địa bàn khá rộng, Đức Trọng hiện có 79 trường học với trên 42 nghìn học sinh trong năm học 2019-2020 này, trong đó có trên 13.500 học sinh DTTS, chiếm tỷ lệ 32,2%. Đây là một trong những địa phương có số lượng lớn học sinh người DTTS của Lâm Đồng, phần lớn trong đó là học sinh DTTS gốc Tây Nguyên.
 
Theo ông Thái Quốc Hoàn, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo Đức Trọng, trong nhiều năm nay, từ nhiều nguồn vốn Trung ương và địa phương, Đức Trọng đã đầu tư rất mạnh cho hệ thống trường học trong huyện. Chỉ tính trong 5 năm gần đây, đã có trên 264 tỷ đồng đầu tư xây dựng trường lớp cùng trên 110 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị dạy học. Không chỉ nâng cấp xây mới rất nhiều phòng học, phòng chức năng, khu hiệu bộ…, huyện còn chú ý đầu tư trang thiết bị dạy và học, đầu tư khuôn viên trường lớp, làm hàng rào, xây cổng trường, làm lối đi, trồng cây xanh, trồng hoa, làm sân chơi cho học sinh, xây dựng cảnh quan sư phạm cho nhiều ngôi trường.
 
“Cơ bản hệ thống trường học phân bố khá hợp lý trên hầu hết các xã, xã nào trong huyện đến nay cũng đều có trường mầm non, mẫu giáo, trường tiểu học, trường trung học cơ sở để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân địa phương” - ông Hoàn cho biết.
 
 Nhờ đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường lớp nên trong nhiều năm nay Đức Trọng đã không còn tình trạng học sinh học ca 3; hầu hết các xã từ vùng thuận lợi đến vùng sâu đều có các ngôi trường khang trang, sạch đẹp; nhiều phòng học tạm bợ xuống cấp đã dần được thay thế bằng các phòng học xây mới theo chuẩn quốc gia. 
 
Tiêu biểu như xã vùng sâu Đa Quyn chẳng hạn. Đây là một xã với đông đảo cộng đồng dân cư là người DTTS trong vùng Loan nhưng đến nay, theo ông Hoàn, Đa Quyn không chỉ có các trường học cho tất cả các bậc học, từ mầm non, mẫu giáo, tiểu học đến trung học cơ sở, mà trong số đó đã có trường đạt chuẩn quốc gia.
 
Nhiều giải pháp nâng chất lượng giáo dục 
 
Rất nhiều giải pháp đã được huyện đưa ra trong nhiều năm nay để nâng chất lượng giáo dục học sinh người dân tộc thiểu số của huyện.
Trước nhất, theo ông Hoàn, Phòng đã chỉ đạo các trường học trong vùng sâu, vùng DTTS, trường có học sinh DTTS theo học phải đưa ra các biện pháp cụ thể để nâng cao chất lượng học sinh DTTS. Huyện cũng yêu cầu các trường này hằng năm chú ý tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các trường khác trong huyện về công tác quản lý cũng như trong dạy học.
 
Huyện trong nhiều năm nay cũng thực hiện rất tốt phong trào trường giúp trường trong huyện, đặc biệt là các trường vùng thuận lợi giúp các trường vùng sâu nơi có đông học sinh DTTS theo học. Không chỉ là việc quyên góp ủng hộ giúp đỡ học sinh nghèo vùng dân tộc, động viên các em vươn lên mà đây cũng là cơ hội để các trường vùng sâu, vùng DTTS học tập chia sẻ kinh nghiệm về nghiệp vụ - chuyên môn với các trường vùng thuận lợi nơi có điều kiện hơn. 
 
Phòng cũng yêu cầu tất cả các trường có học sinh DTTS ngay từ đầu mỗi năm học cần tổ chức khảo sát đánh giá chất lượng học sinh; thông qua công tác chủ nhiệm lớp lập danh sách cụ thể những học sinh có gia cảnh khó khăn, có hoàn cảnh đặc biệt, học sinh cá biệt về hạnh kiểm, yếu kém về học lực để có kế hoạch giúp đỡ, phụ đạo, phân công học sinh khá giỏi trong lớp kèm học sinh yếu. 
 
Phòng cũng yêu cầu các trường học tăng cường phụ đạo cho học sinh yếu ngay trong từng tiết dạy bên cạnh việc tổ chức các lớp phụ đạo trong tuần; chú ý hướng dẫn các em học sinh cách học và tự học; động viên, khích lệ các em tự tin vươn lên trong học tập. Nhà trường cũng yêu cầu giáo viên chủ nhiệm quan tâm đến điều kiện học tập, hoàn cảnh của học sinh, tổ chức đánh giá sự tiến bộ qua từng thời điểm trong năm học.
 
Một nhiệm vụ quan trọng khác mà Đức Trọng trong nhiều năm nay thực hiện rất hiệu quả là việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS. Hằng năm huyện yêu cầu các trường tiểu học trên địa bàn mở các lớp tiếng Việt cho trẻ 6 tuổi người DTTS trong hè trước khi các em bước vào lớp 1; yêu cầu các trường mẫu giáo có học sinh DTTS tập trung sớm để học sinh làm quen với trường lớp trước khi tựu trường. 
 
Trong năm học, Phòng yêu cầu các trường thực hiện tốt chương trình tiếng Việt cho những lớp đầu cấp tiểu học theo hướng tích hợp vào các môn học; trong sử dụng đồ dùng dạy học và trong khi tổ chức các trò chơi học tập. Các trường cũng cần tổ chức các hoạt động ngoài giờ để học sinh DTTS rèn thêm tiếng Việt, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của các phụ huynh học sinh trong việc giúp các em sử dụng tiếng Việt khi ở nhà. Trong kiểm tra, huyện yêu cầu giáo viên khi ra đề phải phù hợp với đặc điểm thực tiễn vùng DTTS.
 
Theo ông Hoàn, trong nhiều năm nay, huyện cũng làm tốt công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên công tác tại các trường học trong vùng DTTS. Phòng Giáo dục huyện hằng năm thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề, trao đổi chuyên môn để phát huy tốt vai trò lực lượng cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán trong vùng sâu. 
 
Để giao tiếp với phụ huynh cũng như hướng dẫn, giúp đỡ học sinh DTTS trong quá trình học tập được tốt hơn, Phòng trong nhiều năm nay còn nhờ huyện hỗ trợ dạy tiếng DTTS cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý trong các trường vùng DTTS. 
 
Và một điều quan trọng, theo ông Hoàn, đó là việc phối hợp với chính quyền, đoàn thể của các địa phương nơi có trường học và học sinh DTTS theo học trong mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Hằng năm, Phòng Giáo dục cùng ban giám hiệu các trường vùng sâu, vùng DTTS đến làm việc với cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể địa phương để hai bên cùng nắm bắt kịp thời, cụ thể về những khó khăn, vướng mắc của trường; trên cơ sở này chính quyền địa phương có giải pháp hỗ trợ trường trong duy trì sỹ số học sinh, đảm bảo an toàn trường học, tạo điều kiện cho trường nâng chất lượng dạy và học, từng bước giảm dần khoảng cách chất lượng giữa vùng sâu, vùng đồng bào DTTS với vùng thuận lợi. 
 
Nhờ những giải pháp đồng bộ, cho đến nay, chất lượng giáo dục học sinh DTTS của Đức Trọng đã có những chuyển biến rất rõ: bậc mầm non và bậc tiểu học duy trì sĩ số đạt 100%; cấp trung học cơ sở đạt 99,4%; giảm nhanh số trẻ mầm non, mẫu giáo bị suy dinh dưỡng; toàn bộ 100% học sinh lớp 5 bậc tiểu học hoàn thành chương trình tiểu học; học sinh DTTS tốt nghiệp cấp trung học cơ sở đạt 99,8%; tất cả các trường vùng DTTS đều có học sinh tham gia thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, đạt kết quả khá tốt.
GIA KHÁNH