Nơi lốc xoáy thường qua

05:07, 16/07/2020

Nhiều lần tôi vào với thôn Đạ Nhar, xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh, mảnh đất yêu mến có gần 100% đồng bào dân tộc Mạ, thường hứng chịu những cơn lốc hoành hành hàng năm...

Nhiều lần tôi vào với thôn Đạ Nhar, xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh, mảnh đất yêu mến có gần 100% đồng bào dân tộc Mạ, thường hứng chịu những cơn lốc hoành hành hàng năm. Năm 1992, chứng kiến nhà cửa và cây điều gãy đổ đè những mảnh vỡ của chiếc chóe tằng-lài cổ quý hiếm, lòng se sắt. Năm nay về lại, tuy cơn lốc đã đi qua với 25 căn nhà bị ảnh hưởng, nhưng cảm xúc của tôi là vui khi được thấy cao su “mở miệng” chuẩn bị khai thác, nhà nhà tằm rì rào lên nong…
 
Nhà Văn hóa thôn
Nhà Văn hóa thôn
 
Đa canh đa con 
 
Đảng bộ xã Đạ Huoai vừa tiến hành xong Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 với mô hình nhất thể hóa chức danh Bí thư và Chủ tịch do anh Vương Duy An đảm nhận. Hai cương vị nên xử lý khá nhiều việc, anh An trao đổi ngắn với tôi rồi dẫn tôi đến phòng Phó Chủ tịch UBND xã Quốc Oai Nguyễn Đức Trọng, được anh Trọng cung cấp đầy đủ các số liệu mới nhất về thôn Đạ Nhar. Thôn có tổng diện tích đất tự nhiên trên 700 hecta, 313 hộ với 1.125 khẩu, chiếm 28% dân số của xã. Mặc dù đối tượng hưởng chính sách là dân tộc thiểu số (DTTS) gốc Tây Nguyên có 27 người, đối tượng trợ cấp thường xuyên 39 người, nhưng Đạ Nhar đổi thay rất nhiều. Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Trọng nói: “So với mấy năm trước, Đạ Nhar bây giờ đã thay đổi quá nhiều. Trong đó, mức sống của đồng bào nơi này đã tiệm cận được khoảng 70% so với mặt bằng chung trong xã”. Thu nhập toàn xã năm 2019 đạt 42 triệu đồng/đầu người/năm, trong đó các hộ ở Đạ Nhar khoảng trên 30 triệu đồng. Những trường hợp còn khó khăn chủ yếu rơi vào hộ có người già cả, neo đơn. Cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo DTTS Tây Nguyên giảm xuống còn 6,69% (20 hộ), đạt 149% so với nghị quyết, giảm 13,31% so với năm 2015 và 31,09% so với năm 2016; hộ cận nghèo có 41 hộ, chiếm tỷ lệ 13,71%, giảm 12,48% so với năm 2016. 
 
Năm 2020 này, Đạ Nhar đang có 360 hecta điều, 120 hecta cao su, 16 hecta cà phê, 16 hecta cây dâu, 42 hecta cây ăn trái và cây khác; trong đó, sầu riêng 18,6 hecta, lúa 6 hecta và tràm lấy gỗ 52 hecta…Đã có 40 hecta cao su bắt đầu khai thác; gần 20 hộ đang thu nhập khá từ nuôi tằm… Những con số về diện tích cây trồng làm tôi hết sức ngỡ ngàng về sự tăng trưởng vượt bậc của một vùng đất. 
 
Ngược lên đồi thăm thú vườn dâu và cao su, tôi gặp một cái chòi bên mé đường. Trên sàn, lão nông đánh trần lai rai rượu trắng với người đàn bà và cậu thanh niên. Lão cất lời chào và niềm nở mời cùng uống rượu. Tôi cảm ơn, từ chối và hỏi ra mới biết, lão chỉ ra giữa bãi cỏ nắng chói chang: “Ngồi ở đây cho mát, trông trâu ở kia”. Có đến hơn chục con trâu thủng thẳng gặm cỏ. Hiện toàn thôn có 129 con trâu và 86 con bò; ngoài ra còn có 20 con dê, 120 con heo, hơn 1.000 gia cầm và 2,5 hecta ao cá. Không chỉ số lượng vật nuôi tăng mà bà con đồng lòng với cơ quan chuyên môn làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh nên không có dịch bệnh lớn xảy ra. 
 
Tôi hỏi anh Trọng: “Trước tôi vào đây, dọc đường thôn đâu cũng đụng xe máy chở gỗ ra, giờ còn tình trạng phá rừng nữa không anh?”. Phó Chủ tịch nói: “Hết rồi anh ạ. Không còn trường hợp đồng bào DTTS nào đi rừng khai thác lâm sản trái phép; cũng không còn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm rẫy”. Mấy hôm vào ra dọc đường thôn, tôi không thấy bóng xe chở gỗ, tin vào lời khẳng định chân chất nhưng khôi hài khi trò chuyện với Bí thư Chi bộ thôn K’Tiếu: “Giờ làm gì chặt phá được nữa, rừng vào sâu rồi!”. Đồng bào Đạ Nhar đồng hành với 2 chủ rừng là Vườn Quốc gia Cát Tiên và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Tẻh nhận khoán quản lý bảo vệ rừng. Có gần 260 hộ đủ điều kiện nhân lực để tham gia, mỗi hộ từ 20-22 ha. Nguồn thu nhập trung bình mỗi năm khoảng 12-15 triệu đồng mỗi hộ. Hàng năm có trên 3 tỷ đồng từ nguồn này đến tay bà con. Bảo vệ rừng từ cộng đồng không chỉ nâng cao sinh kế mà ý nghĩa bền vững là nhận thức tầm quan trọng của tài nguyên thiên nhiên để chung tay không tạo áp lực lên rừng. 
 
Tổng lực đầu tư 
 
Chỉ tính giai đoạn 2016 - 2019, thôn Đạ Nhar được Nhà nước đầu tư trên 4,303 tỷ đồng cho 707 lượt hộ đồng bào DTTS Tây Nguyên từ các chương trình mục tiêu và chương trình hỗ trợ… Đã có 155 hộ dân vay 5,4 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Bà con mạnh dạn vay vốn để nâng cao đời sống và như chị Ka Du - Trưởng thôn cho biết, nguồn vốn bà con vay sử dụng đúng mục đích, hàng tháng đóng lãi đúng hạn, không có trường hợp chây ì hay nợ xấu, nợ quá hạn. Trong 4 năm, xã và huyện triển khai 13 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 500 lượt bà con trong thôn; mở 5 lớp đào tạo nghề cho 131 lao động về kiến thức trồng dâu nuôi tằm, cạo mủ cao su, làm thủ công mỹ nghệ. Nhà nước đặc biệt quan tâm như vậy, người dân đồng tình chuyển đổi vườn tạp, mạnh dạn phá bỏ giống điều cũ để chuyển sang trồng dâu tằm, cây ăn trái, cây tràm... 
 
Đạ Nhar không còn hắt hiu. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2016-2019 cho Đạ Nhar hơn 8,040 tỷ đồng. Nhờ đó, 100% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia và trên 85% hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Hai hệ thống nước sạch huyện đầu tư hơn 300 triệu đồng đã chấm dứt cảnh nhiều hộ dân Đạ Nhar dùng nước suối hoặc giếng tự đào bao đời. Giao thông thôn thảm nhựa hoặc bê tông; trục chính điện chiếu sáng, loa truyền thanh, rợp bóng cây hồng lộc do Hội Phụ nữ trồng và chăm sóc... Tôi vào phân trường tiểu học, trẻ em mặc đồng phục tung tăng giờ ra chơi. Có 2 lớp THCS và điểm trường mầm non. Cô giáo Ka Rêu, trưởng phân trường Tiểu học Đạ Nhar dẫn tôi tham quan các phòng học với đầy đủ thiết bị đồ dùng dạy-học. Niềm vui trong tôi cộng hưởng. Vui hơn khi huy động học sinh ra lớp luôn đạt 100%; duy trì sĩ số bậc mầm non và tiểu học đạt 100%, bậc THCS đạt 98%. Với Đạ Nhar, ngoài các nghị quyết chuyên đề của xã, từ năm 2016 xã thành lập Tổ công tác dân vận do Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Trọng làm Tổ trưởng, Bí thư thôn K’Tiến, Trưởng thôn Ka Du và phân hiệu trưởng cô giáo Ka Rêu tham gia. Trong 4 năm, Tổ đã vận động nguồn kinh phí, cùng với Công an huyện tặng 274 “Đèn bàn thắp sáng ước mơ” trị giá trên 50 triệu đồng; vận động các mạnh thường quân trong và ngoài xã tặng 171 bộ bàn ghế học sinh trị giá gần 50 triệu đồng; trên 4.000 cuốn vở, dụng cụ học tập. MTTQ xã hỗ trợ kinh phí trên 20 triệu đồng mua quần áo, sách vở để con em hộ nghèo DTTS có điều kiện đến trường. Kế bên trường học là phân trạm y tế, có bác sỹ và đầy đủ trang thiết bị đảm bảo khám chữa bệnh cho dân. Chếch phải bên kia đường là Nhà văn hóa lớn, xây cách điệu nhà dài; sân bóng chuyền còn treo lưới… Những điều kiện này góp phần để bà con bảo tồn và phát huy văn hóa, đặc biệt là không gian cồng chiêng. 
 
Phía trước là chân trời màu tím
 
Tôi lấy câu thơ của nhà thơ Phạm Quốc Ca làm mạch cảm nhận Đạ Nhar. Xã đã nhìn nhận sát sao về Đạ Nhar: tỷ lệ hộ nghèo còn cao; trình độ dân trí không đồng đều; vẫn còn một bộ phận bà con ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có tinh thần phấn đấu vươn lên trong phát triển kinh tế. Sinh con thứ 3 trở lên và tảo hôn còn nhiều (trong 4 năm, 2016-2019, có 7 trường hợp tảo hôn; 22 trường hợp sinh con thứ ba trở lên). Công tác quản lý bảo vệ rừng và an ninh-trật tự xã hội vẫn còn tiềm ẩn phức tạp…
 
Theo anh Trọng, khó nhất là cách nghĩ cách làm do trình độ dân trí và nguồn vốn thiếu. Đặc biệt nhà ở rất khó khăn. Những năm 2005-2009, nhờ chương trình hỗ trợ nhà ở cho đồng bào để định canh định cư, bà con được đầu tư mỗi căn nhà 5-6 triệu đồng. Nhà tạm còn nhiều. Chính quyền xã đã khảo sát, thống kê và gửi văn bản đề xuất các cấp thẩm quyền hỗ trợ giúp đỡ xây cất hoặc sửa chữa lại. Đây là vùng hứng chịu lốc xoáy, theo anh Trọng, “năm nào cũng bị mười mấy căn”. Riêng năm nay, ngày 25/4, lốc lại vào, 25 căn bị tốc mái hoặc nứt tường… Số neo người lao động thực sự khó khăn kinh phí, nhưng những hộ có điều kiện vẫn “chờ”. Khi nhà không kiên cố, quá cũ, lốc đi qua, dĩ nhiên là xập xệ thêm. Anh Trọng nói: từ các nguồn vốn, xã Quốc Oai đã hỗ trợ ngót 50 căn, mỗi căn 25, 30 và 50 triệu đồng tùy theo từng chương trình, “nhưng chưa ăn thua gì hết, còn khoảng cả trăm căn”. 
 
Trường học cũng còn những khó khăn, bậc THCS chưa có phòng học riêng. Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Trọng cho rằng, xã đã đạt “nông thôn mới” nhưng để đồng bộ về cơ sở vật chất giáo dục trên toàn xã, Quốc Oai đề xuất huyện đầu tư nhằm hoàn thiện tiêu chuẩn quốc gia. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quốc Oai Nguyễn Phúc Nguyên chia sẻ với tôi: 100% học sinh đều hoàn thành chương trình mầm non và đều được vào lớp 1; tuy nhiên, cũng như những vùng đồng bào DTTS khác, Đạ Nhar vẫn còn không ít phụ huynh còn tư tưởng phó mặc, ít quan tâm đến học hành của học sinh, nên tính chuyên cần của học sinh vẫn hạn chế. Tổ dân vận là cầu nối trực tiếp của xã, huyện theo sát tình hình Đạ Nhar để kịp thời hỗ trợ, từ giáo dục đến xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất,… Khối Dân vận Huyện ủy với hàng trăm lượt người đã vào cùng chính quyền xã cắm tiêu, đào hố, tạo đường băng và trồng cây cho bà con trồng cao su. 
 
Quốc Oai đặt mục tiêu thời gian tới, giá trị sản phẩm nông nghiệp bình quân/1ha canh tác đạt 75-80 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người từ 48-52 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2%, trong đó vùng DTTS dưới 5% và 8% hộ cận nghèo. Duy trì mức tăng dân số tự nhiên 1,2%; trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 8%; 100% học sinh trong độ tuổi đi học; duy trì sỹ số trên 98%... Năm 2025 3/3 trường đạt chuẩn quốc gia và chuẩn xã “Nông thôn mới nâng cao”. Chỉ một công trình trọng điểm, đó là “Nâng cấp đường trục chính xã gắn với hệ thống tiêu thoát nước; xây dựng đường lên khu sản xuất tập trung. Hoàn thành cứng hóa giao thông nông thôn và nội đồng”. Tin vui đã đến, UBND tỉnh Lâm Đồng có Quyết định 667, ngày 8/4/2020 phê duyệt nâng cấp, mở rộng giao thông nông thôn từ ĐT 725 vào buôn Đạ Nhar - lên khu sản xuất cao su tập trung với chiều dài 13.560 m, cấp IV, tổng mức đầu tư 77 tỷ đồng. Ngày 07/5, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và thực hiện trong quý II/2020; nguồn vốn năm 2020 bố trí 12 tỷ đồng. Vẫn là bài toán kết hợp giữa nội lực và ngoại lực thì những chỉ tiêu mới trở thành hiện thực. Đạ Nhar thêm niềm vui, tiếp tục nhân lên từ cuộc sống đổi thay.
 
Đà Lạt, tháng 7 năm 2020
 
MINH ĐẠO