Ở nơi thanh âm cồng chiêng còn vang mãi

06:07, 07/07/2020

Dù trải qua bao nhiêu thăng trầm, bao biến chuyển của thời đại, ngày nay, xã Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên) vẫn lưu giữ những nét văn hóa của đồng bào Mạ...

Dù trải qua bao nhiêu thăng trầm, bao biến chuyển của thời đại, ngày nay, xã Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên) vẫn lưu giữ những nét văn hóa của đồng bào Mạ. Hình ảnh những người phụ nữ miệt mài dệt thổ cẩm hay tiếng cồng chiêng vẫn vang lên, hiện diện như một minh chứng cho sự trường tồn của văn hóa bản địa. 
 
Từ những lớp truyền dạy cồng chiêng, nhiều thế hệ trẻ đã biết đánh cồng chiêng, tiếp tục tiếp nối ông cha giữ gìn văn hóa dân tộc
Từ những lớp truyền dạy cồng chiêng, nhiều thế hệ trẻ đã biết đánh cồng chiêng, tiếp tục tiếp nối ông cha giữ gìn văn hóa dân tộc
 
Trao truyền bản sắc văn hóa dân tộc từ lớp già…
 
Đồng Nai Thượng, một xã vùng sâu, vùng xa, tận cuối địa phận huyện Cát Tiên, với gần 100% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chủ yếu là người S’tiêng và người Mạ. Ở nơi đây, tiếng cồng chiêng vẫn còn vang vọng mãi mỗi dịp lễ, tết, âm vang đến tận những cánh rừng xanh bạt ngàn. Những truyền thống văn hóa của người đồng bào luôn được bà con trân trọng, lưu giữ cho đến nay. Đó là kết quả của sự kết nối, trao truyền đồng điệu từ lớp già làng đến lớp trẻ. 
 
Đang ngồi cặm cụi đẽo từng khúc lồ ô để nấu cơm lam, canh thụt chuẩn bị cho bữa cơm trong Ngày hội Văn hóa, thể thao các DTTS, già làng Điểu K’Lót, thôn Bù Sa, xã Đồng Nai Thượng tự hào kể, ở cái tuổi 66, già hầu như biết đánh hết tất cả các loại nhạc cụ của người Mạ từ cồng chiêng mẹ, cồng chiêng con đến kèn bầu, kèn ống,... Già kể, tiếng cồng chiêng của đại ngàn luôn đi cùng với những ai được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Tây Nguyên, từ khi sinh ra ta đã nghe tiếng cồng chiêng, đến khi về với đất cũng là lúc cồng chiêng đưa ta đi. 
 
Già nói, thanh âm của cồng chiêng là tiếng nói gắn kết giữa con người với thần linh. Mỗi sự kiện khác nhau thì giai điệu, bước múa cũng khác nhau. Ví như bài Mừng lúa mới là bài ca cầu cho vụ mùa ấm no, là nhịp điệu của hy vọng thì bài Tình đoàn kết, Chào khách lại là âm điệu của sự hân hoan, vui tươi, đến âm điệu dồn dập, hùng hồn của lúc đi săn và niềm vui được thành quả. 
 
Khi kể về cồng chiêng là lúc mà già làng không giấu được niềm tự hào của mình, nhưng điều trăn trở của già vẫn chính là sợ lớp trẻ không tiếp nối được cồng chiêng. Vì vậy mà già K’Lót luôn tận tình chỉ dạy đánh cồng chiêng cho con cháu mình. “Nhiều cháu nay đã có thể đánh cồng chiêng thành thục, nhìn thấy con cháu đánh được, cùng múa giai điệu của người đồng bào mình, già thấy tự hào và vui hơn bao giờ hết”, già K’Lót cười. 
 
Là người con của Đồng Nai Thượng, sinh ra, lớn lên trong cái nôi văn hóa của người Mạ, chị Điểu Thị Prợt (36 tuổi), Phó Chủ tịch xã Đồng Nai Thượng luôn dành tình yêu và đam mê cho những giai điệu múa xoang, cồng chiêng của buôn mình. Trước nhịp sống hiện đại, chị luôn trăn trở làm sao để giữ được tiếng cồng chiêng luôn vang mãi, để thế hệ trẻ có thể tiếp nối giữ gìn bản sắc văn hóa của ông cha. Thế nên, từ 2 năm trước, chị đứng ra tổ chức các lớp dạy cồng chiêng, lớp vũ điệu cồng chiêng, dệt thổ cẩm cho lớp trẻ trong buôn.
 
Từ những điệu múa uyển chuyển mà chị học được từ thế hệ trước, Prợt trở thành trưởng đội múa cồng chiêng, dẫn đầu lớp trẻ tiếp nối các bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Chị Prợt chia sẻ, để lưu giữ và truyền tinh thần bảo tồn văn hóa của dân tộc đến với thế hệ trẻ, hằng năm, Đồng Nai Thượng đều tổ chức các lớp dạy cồng chiêng, dệt thổ cẩm cho các bạn tham gia. 
 
Tiêu biểu nhất là Đội múa cồng chiêng của xã, với hơn 60 thành viên là những thanh niên trẻ, khỏe đến từ 5 thôn: Đạ Cọ, Bù Sa, Bi Nao, Bê Đê, Bù Gia Rá. 
 
Riêng với dệt thổ cẩm, hiện xã có 5 lớp đan với hơn 50 học viên. Đặc biệt, để học viên sau khi ra nghề vẫn gắn bó với nghề dệt thổ cẩm, địa phương cũng liên kết với các khu du lịch, khu khảo cổ trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ các sản phẩm. Điều này không chỉ tạo việc làm cho học viên mà còn tạo động lực để lớp trẻ tiếp nối, giữ gìn văn hóa của quê hương. 
 
... đến lớp trẻ
 
Phó Chủ tịch xã Đồng Nai Thượng chia sẻ, “Bên cạnh việc khuyến khích các bạn trẻ tham gia các lớp học văn hóa, xã cũng tạo điều kiện cho các bạn trẻ tham gia các ngày lễ hội văn hóa để lớp trẻ có thể cảm nhận được nét đặc sắc văn hóa của dân tộc mình và yêu quý nó. Điều tự hào là các bạn đều nhiệt huyết tham gia và thể hiện tình yêu của mình với vốn quý văn hóa của buôn làng”.
 
Điểu K’Dũng là một điển hình, năm nay 28 tuổi, K’Dũng là một trong số những người trẻ luôn muốn giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. Là thế hệ trẻ, K’Dũng sớm tiếp cận với nhịp sống hiện đại, đã có lúc anh không cảm nhận được cái hay của cồng chiêng, cái ý nghĩa của bản sắc văn hóa dân tộc mình.
 
K’Dũng chia sẻ, chỉ khi anh tham gia lớp học cồng chiêng của xã, được chạm tay vào chiêng rồi bắt đầu đánh từ những giai điệu đầu tiên, anh mới thấy cồng chiêng - thanh âm của núi rừng buôn mình thú vị đến thế nào. 3 năm, kể từ những ngày đầu tham gia lớp học, đến nay K’Dũng đã tham gia vào đội cồng chiêng của xã, đã thuộc hầu hết các giai điệu của Mừng lúa mới, Giã gạo, Tình đoàn kết,… “Được mặc trang phục của đồng bào mình, biểu diễn đánh cồng chiêng, cảm nhận giai điệu chiêng của mọi người cùng hòa nhịp vào nhau, vang vọng núi rừng là cảm xúc tự hào mà mình khó diễn tả được”, K’Dũng tâm sự.
 
Theo ông Nguyễn Hoàng Lịch, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Cát Tiên, thời gian qua, để bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS, bên cạnh việc duy trì các lớp học dạy cồng chiêng, dệt thổ cẩm,... cho lớp trẻ, huyện Cát Tiên thường xuyên tổ chức các lễ hội Tuần lễ Văn hóa Mạ, Ngày hội Di sản văn hóa, Ngày hội Văn hóa, Thể thao các xã vùng đồng bào DTTS,... để bà con có cơ hội được tham gia, thể hiện, giao lưu, nâng cao tinh thần bảo vệ bản sắc văn hóa của đồng bào mình. 
 
Nói về những định hướng bảo tồn văn hóa lâu dài, ông Lịch cho biết, huyện Cát Tiên định hướng sẽ phát triển theo hướng du lịch văn hóa bản địa. Hiện địa phương cũng đã đề xuất với Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch kết nối tuor du lịch với các tỉnh, thành khác đến tham quan các điểm văn hóa dân tộc tại Cát Tiên. “Nếu tuor du lịch này được hình thành và hoạt động, không những sẽ giúp bà con tiêu thụ được sản phẩm mình làm ra, có thêm thu nhập, mà còn giúp họ có thêm động lực gắn bó với nghề truyền thống, lưu giữ được những bản sắc văn hóa của dân tộc mình”, ông Lịch chia sẻ. 
 
NHẬT QUỲNH