Tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em

05:07, 09/07/2020

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước làm 7 người thiệt mạng, trong đó có 6 trẻ em, gây tổn thất nặng nề về tinh thần, vật chất đối với gia đình, xã hội...

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước làm 7 người thiệt mạng, trong đó có 6 trẻ em, gây tổn thất nặng nề về tinh thần, vật chất đối với gia đình, xã hội. Nguyên nhân phổ biến là do thiếu sự quản lý, giám sát và chủ quan của nhà trường, gia đình để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ không được trang bị đầy đủ các kỹ năng phòng tránh cần thiết, dẫn đến tình trạng trẻ bị đuối nước xảy ra liên tiếp trên địa bàn tỉnh.
 
Để tăng cường hiệu quả công tác phòng tránh, giảm thiểu tối đa tai nạn đuối nước và đảm bảo an toàn tính mạng cho các em, đặc biệt là thời gian nghỉ hè năm 2020, UBND tỉnh đã có Công văn số 5638 về việc “Tăng cường công tác phòng ngừa tai nạn đuối nước trên địa bàn tỉnh”.
 
Theo đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh; UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục đào tạo, cơ sở giáo dục phổ thông, các trường học đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức hướng dẫn kỹ năng, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức của học sinh, sinh viên trong việc tuân thủ các quy định an toàn về phòng, chống đuối nước; khuyến cáo các em không được chơi, đùa nghịch gần khu vực nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước như sông, suối, ao, hồ… Tăng cường tổ chức các lớp học bơi, học kỹ năng phòng ngừa đuối nước trong thời gian học sinh nghỉ hè và phối hợp với gia đình học sinh để có biện pháp quản lý chặt chẽ học sinh ngoài giờ học. Kịp thời có phương án ứng phó trước hiện tượng thời tiết bất thường, thiên tai bão, lũ, lụt… nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh.
 
UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc khẩn trương rà soát lại khu vực thường xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để cảnh báo và có biện pháp chủ động phòng ngừa kịp thời, bảo đảm an toàn cho học sinh, trẻ em trong dịp hè, mùa mưa bão. Tổ chức cắm biển báo nguy hiểm tại các vị trí đường giao thông có ngầm tràn, suối chảy ra; bố trí người túc trực tại các vị trí đường giao thông thường xuyên bị ngập trong mùa mưa lũ.
 
Hiện nay, đang ở vào thời kỳ cao điểm của mùa nắng nóng và thời gian nghỉ hè năm 2020, tại các sông suối, kênh mương, ao hồ trẻ em vẫn thường tụ tập bơi lội hàng ngày. Để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra do đuối nước, các bậc phụ huynh, nhà trường, xã hội cần quan tâm, theo dõi, ngăn cấm các em; bởi trẻ em chưa được trang bị kiến thức chống đuối nước cần thiết, nếu một em bị nạn, những em khác sẽ lao xuống cứu, khiến hậu quả càng nặng nề hơn. Vì vậy, cần nghiêm cấm học sinh không tự ý hoặc rủ nhau đi tắm, đi bơi khi không có người lớn đi cùng, đặc biệt khoảng thời gian đi trên đường từ nhà đến trường, từ trường về nhà và thời gian được nghỉ học, nghỉ hè. Chủ động phối hợp với các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể tại địa phương hướng dẫn các em tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh. Trong dịp hè, các cấp, ngành, địa phương cần phối hợp để quản lý được các hoạt động hè cho trẻ tại địa phương, hướng dẫn cha mẹ đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ tại gia đình. 
 
Để giảm thiểu số vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em, các cấp, ngành cũng cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của gia đình và cộng đồng, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em; tập huấn chương trình bơi an toàn cũng như các kỹ năng cứu đuối cho cán bộ các ban, ngành, đoàn thể có tham gia công tác phòng, chống đuối nước trẻ em; đồng thời đẩy mạnh phối hợp liên ngành, thanh tra, kiểm tra việc thực thi các quy định về phòng, chống đuối nước trẻ em.
 
LAN HỒ