Nối những ''nhịp cầu'' cho trẻ vùng sâu theo con chữ

05:08, 03/08/2020

Dẫu con đường dẫn từ trung tâm huyện vào Đưng K'Nớ đã thuận tiện hơn, nhưng đây vẫn là xã vùng sâu, vùng xa và còn nhiều khó khăn của huyện Lạc Dương...

Dẫu con đường dẫn từ trung tâm huyện vào Đưng K’Nớ đã thuận tiện hơn, nhưng đây vẫn là xã vùng sâu, vùng xa và còn nhiều khó khăn của huyện Lạc Dương. Ở đó, để học sinh đều đặn đến trường, ngoài công tác chuyên môn, các thầy cô còn làm nhiều việc khác để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh yên tâm theo con chữ.
 
Cô và trò Trường Mầm non Đưng K’Nớ trong giờ kể chuyện
Cô và trò Trường Mầm non Đưng K’Nớ trong giờ kể chuyện
 
Năm học 2019 - 2020, trường Mầm non và trường THCS Đưng K’Nớ đều được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Theo đánh giá của Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Lạc Dương, bên cạnh sự hỗ trợ về cơ sở vật chất từ Nhà nước, không thể không nhắc đến sự nỗ lực của bản thân thầy và trò, ở nơi mà khoảng cách địa lý, điều kiện cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn này.
 
“Trường em trên đỉnh cheo leo”
 
Thật vậy, khi nhìn thấy ngôi Trường Mầm non Đưng K’Nớ xa xa trên đỉnh đồi, chúng tôi đã nghĩ ngay đến câu hát đó. Nhưng không hẳn cheo leo, ngôi trường khang trang, tươi tắn sắc màu và xinh xắn với rất nhiều cây xanh, đồ chơi ở khoảng sân mà các cô gọi là “Vườn cổ tích”. Với không gian như vậy, phụ huynh hoàn toàn yên tâm cho trẻ tới lớp khi cha mẹ bận rộn với nương rẫy, con cái được các cô chăm sóc, được học hành, vui chơi.
 
Năm học 2019 - 2020, trường có 8 nhóm lớp với 235 trẻ. Hiện tại, trường có 3 điểm trường, với đầy đủ cơ sở vật chất, đồ chơi. “Điều mà các cô ở đây trăn trở là làm sao để cải thiện bữa ăn vẫn còn nhiều thiếu thốn cho trẻ, bởi mặc dù Đưng K’Nớ là xã khó khăn, nhưng thức ăn phải vận chuyển đường xa để vào đây nên giá cả còn cao hơn ở trung tâm huyện” - cô Nguyễn Thị Nông - Hiệu trưởng Trường Mầm non Đưng N’Nớ chia sẻ.
 
Để làm được điều đó, công tác xã hội hóa được nhà trường đẩy mạnh. Cô Nông cùng các giáo viên trong trường luôn cố gắng huy động mọi sự hỗ trợ từ các nguồn để tăng khẩu phần ăn cho các bé, để trẻ nơi đây có thêm những phần sữa, gạo và nhu yếu phẩm cần thiết. Đồng phục cho trẻ cũng được các cô huy động từ các mạnh thường quân, để những khuôn mặt lấm lem rạng ngời nét cười khi đến lớp.
 
Trường Mầm non Đưng K’Nớ có 25 cán bộ, giáo viên, nhân viên, thì đã có đến 20 người là đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là một điều kiện thuận lợi, khi giữa cô và trò có mối liên kết nhất định, việc chia sẻ với phụ huynh cũng có sự đồng cảm hơn. Cô giáo Phi Srỗn K’In (sinh năm 1971) - người đã gắn bó với trẻ từ những ngày đầu trường mới thành lập chia sẻ rằng: “Trẻ em vùng sâu vốn đã chịu nhiều thiệt thòi, nên mình cố gắng hết sức để phần nào đỡ bớt những thiệt thòi đó cho các con”. Là người địa phương, cô K’In luôn phát huy vai trò và uy tín của mình trong công tác vận động đưa trẻ đến trường. Tỉ tê, tâm sự, chia sẻ, cô dùng chính tấm lòng yêu trẻ của mình để thuyết phục bà con đưa trẻ đến trường đúng tuổi.
 
Ở nơi mà học sinh đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 80%, để trẻ có sự chuẩn bị vững vàng trước khi bước vào lớp Một, Trường Mầm non Đưng K’Nớ chú trọng tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Việc này được phối hợp giữa giáo viên, phụ huynh và học sinh để trẻ tự tin, mạnh dạn hơn. Bên cạnh đó, các cô giáo tổ chức nhiều hoạt động ngoài trời, “lấy trẻ làm trung tâm” để trẻ có nhiều trải nghiệm, kỹ năng sống hơn.
 
Điều đáng mừng là cùng với sự tuyên truyền, vận động của các giáo viên kết hợp trong các buổi họp phụ huynh, các bậc cha mẹ ở Đưng K’Nớ đã quan tâm hơn đến việc học của trẻ. Uy tín của trường được khẳng định, việc vận động phụ huynh không còn gặp nhiều khó khăn như trước. “Các cô vẫn còn phải mua kẹo để “dụ” trẻ đến lớp, nhưng đã không còn phải thường xuyên tìm đến tận nhà, tận rẫy để thuyết phục phụ huynh” - cô Nông chia sẻ.
 
Khó khăn vẫn còn nhiều. Thiếu thốn về điện, sóng điện thoại, đường sá xa xôi, lại thường hay sạt lở vào mùa mưa, đoàn kết chính là động lực tạo nên sức mạnh để cô trò nơi đây vượt qua những khó khăn đó,  hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy và học. Vượt qua những mặc định về một ngôi trường ở nơi “ốc đảo”, những năm gần đây, Trường Mầm non Đưng K’Nớ đã nhận được nhiều sự quan tâm của các tổ chức, tham gia đầy đủ và đoạt nhiều giải cao trong các hội thi cho trẻ mầm non. 
 
Sau những nỗ lực để duy trì sĩ số học sinh, Trường THCS Đưng K'Nớ đang từng bước nâng cao chất lượng dạy và học
Sau những nỗ lực để duy trì sĩ số học sinh, Trường THCS Đưng K'Nớ đang từng bước nâng cao chất lượng dạy và học
 
Tạo mọi điều kiện cho học sinh đến trường 
 
Năm học 2019 - 2020, Trường THCS Đưng K’Nớ được hoàn thành và đưa vào hoạt động với 8 phòng học và 4 phòng bộ môn, trên cơ sở tách ra từ Trường TH & THCS Lán Tranh, Trường TH & THCS Đưng K’Nớ. Để duy trì được sĩ số 91 học sinh trên 4 lớp, theo thầy Nguyễn Đặng Nho - Hiệu trưởng nhà trường, đó là sự cố gắng và nỗ lực rất lớn của các thầy cô. Bởi địa bàn phân tán, quãng đường đi học vẫn là vấn đề lớn nhất, thách thức lớn nhất đối với học sinh nơi đây. Chính vì vậy, việc duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng học sinh là 2 nhiệm vụ quan trọng nhất mà Trường THCS Đưng K’Nớ xác định ngay từ đầu năm học. 
 
Khó khăn nhất là công tác vận động học sinh đến trường, bởi Thôn 1, Thôn 2 và thôn Lán Tranh đều cách trường từ 4 - 5 km. Đường dốc khó đi, phụ huynh lại bận nương rẫy nên chưa có sự quan tâm chu đáo đến việc đưa đón con em mình. Trước khi vào năm học mới, nhà trường và ngành Giáo dục huyện Lạc Dương đã kêu gọi các đơn vị hỗ trợ cho 100% học sinh có xe đạp đi học. Thế nhưng, đường dốc, lại hay sạt lở, học sinh không thể đạp xe đến trường hàng ngày. Nhà trường lại xây dựng kế hoạch học bán trú cho học sinh nhờ vào sự hỗ trợ của huyện và vận động các nhà hảo tâm. Đến nay, toàn bộ học sinh Trường Đưng K’Nớ đã được ở lại, ăn trưa ở trường. Điều này đã góp phần “giữ” học sinh ở lại lớp.
 
Đưng Trang là thôn xa nhất, nghèo nhất của Đưng K’Nớ. Từ trung tâm xã vào Đưng Trang dài gần 12 km, lại phải leo dốc, qua suối. Không ít học sinh vì nản quãng đường đến lớp mà bỏ học. May mắn là năm học 2019 - 2020, 10 học sinh của thôn Đưng Trang đã được nội trú tại trường, giúp các em đỡ gian nan hơn trên hành trình đến lớp. Riêng một vài trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn như em Cil Pam Rút Tơ (học sinh lớp 7) - mẹ mất, bố lấy vợ khác - cũng được nhà trường tạo điều kiện ở lại trường để các em yên tâm học tập, không phải nghỉ học giữa chừng. Các thầy cô thay phiên nhau hỗ trợ nhà bếp nấu ăn cho học sinh, không quyền lợi, tất cả chỉ vì tấm lòng của giáo viên với học trò nơi vùng sâu còn nhiều thiếu thốn. 
 
“Thầy cô phải theo sát, thường xuyên, chỉ cần học sinh nghỉ học 1 ngày không phép là thầy cô đã xuống tận nhà, tìm hiểu nguyên nhân để đưa các em trở lại trường” - thầy Nho cho hay. Đặc biệt, năm học vừa rồi, sau kỳ nghỉ dài do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc giáo viên trực tiếp đến nhà vận động học sinh đến lớp lại càng được chú trọng thực hiện. Khi sĩ số được ổn định, thầy cô Trường THCS Đưng K’Nớ mới có thể yên tâm, toàn tâm toàn ý tập trung cho công tác chuyên môn, cải thiện chất lượng so với những năm trước.
 
Vượt qua những khó khăn, chất lượng giáo dục cơ bản của Trường THCS Đưng K’Nớ ngày càng được cải thiện. Bên cạnh đó, năm học 2019 - 2020, học sinh Trường THCS Đưng K’Nớ lần đầu tiên có giải trong các cuộc thi khoa học - kỹ thuật, kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp huyện. So với những trường khác, thành tích này có thể không cao, nhưng đối với một ngôi trường có chất lượng đầu vào thấp như Trường THCS Đưng K’Nớ thì đó là một tín hiệu đáng mừng. “Bởi thực sự thì ngay từ đầu cấp, các thầy cô thường phải vừa dạy vừa kèm cho học sinh lớp 6. Thế nên, dù thành tích nhỏ, nhưng đó là thành quả cho những bước đầu, để tạo động lực cho cả học sinh và thầy cô nhà trường cố gắng đạt thành tích tốt hơn trong những năm học tiếp theo” - thầy Nho chia sẻ.
 
VIỆT QUỲNH