Nâng chất lượng giải quyết hồ sơ tại Bảo hiểm Xã hội Lâm Đồng

05:09, 28/09/2020

Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cung ứng dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 nhằm giải quyết hồ sơ nhanh hơn, hướng đến sự hài lòng của người tham gia. 

Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cung ứng dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 nhằm giải quyết hồ sơ nhanh hơn, hướng đến sự hài lòng của người tham gia. 
 
Tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa của BHXH tỉnh Lâm Đồng
Tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa của BHXH tỉnh Lâm Đồng
 
Đơn giản hóa thủ tục 
 
Theo ông Đậu Tú Lan, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Lâm Đồng, trong những năm qua, cùng với toàn ngành, BHXH tỉnh luôn xác định công tác cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hằng năm. 
 
“Chúng tôi luôn chú trọng thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của đơn vị” - ông Lan cho biết.
 
Một trong những điểm nổi bật trong thời gian qua của ngành BHXH nói chung và của BHXH Lâm Đồng nói riêng là nỗ lực đơn giản hóa TTHC đến mức tối đa. Từ 263 thủ tục trong năm 2014, đến nay chỉ còn 27 thủ tục thực hiện tại BHXH cấp tỉnh và cấp huyện, trong đó đã có 19 thủ tục được thực hiện dịch vụ công qua mạng điện tử mức độ 3 và mức độ 4.
 
Toàn bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH tỉnh và BHXH cấp huyện đến nay đều được niêm yết công khai tại trụ sở BHXH từ tỉnh đến huyện, đồng thời công khai trên Trang thông tin điện tử của BHXH tỉnh. 
 
BHXH tỉnh cũng thường xuyên rà soát, thay thế, bổ sung, cập nhật những thủ tục mới ban hành, kịp thời, để người tham gia bảo hiểm biết và thực hiện.
 
Nhằm phục vụ người dân tốt hơn, chuyên nghiệp hóa trong mọi hoạt động, từ năm 2015 đến nay, BHXH Lâm Đồng đã áp dụng quy trình quản lý trong thực hiện chế độ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp theo tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008, hiện nay đang chuyển đổi, xây dựng và áp dụng theo phiên bản mới hơn TCVN ISO 9001:2015.
 
Theo ông Lan, việc giải quyết TTHC tại cơ quan BHXH từ tỉnh đến huyện luôn tuân thủ theo đúng qui tắc của cơ chế một cửa, một cửa liên thông; trong quá trình tiếp nhận hồ sơ và giải quyết TTHC, cơ quan BHXH không yêu cầu phát sinh thêm thủ tục hay bất kỳ loại giấy tờ nào. Từ đầu năm 2017 đến nay, các tổ chức, cá nhân đến giao dịch hoàn toàn không phải trả bất cứ loại phí và lệ phí nào; chỉ giao dịch tại một đầu mối là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (bộ phận một cửa) của cơ quan BHXH để được hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả.
 
Rút ngắn thời gian giải quyết 
 
Từ đầu năm 2015 đến nay, BHXH cấp tỉnh và cấp huyện, thành trong tỉnh đã thực hiện việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính; cước phí cho dịch vụ này được cơ quan BHXH thanh toán. 
 
Cùng đó, BHXH tỉnh cũng thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử trong tham gia BHXH, BHYT; trong cấp sổ BHXH, cấp thẻ BHYT, giải quyết hưởng các chế độ BHXH. 
 
Hiện nay, toàn tỉnh có 6.770 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (đạt tỷ lệ 97,8%) đã thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử trong tham gia BHXH, BHYT khi có phát sinh với số lượng hồ sơ bình quân mỗi tháng khoảng 5.960 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 43,3%).
 
Đến nay, hầu như toàn bộ 100% hồ sơ giải quyết đã được BHXH trả qua đường bưu điện đến tận tay người dân và tổ chức, trừ một số trường hợp có nhu cầu nhận kết quả trực tiếp tại cơ quan BHXH. Cùng đó, đã có gần 50% hồ sơ được cơ quan BHXH tiếp nhận qua Bưu điện.
 
“Việc tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ qua giao dịch điện tử và qua dịch vụ bưu chính của chúng tôi đến nay đã đi vào ổn định, đạt được kết quả rất khả quan, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác CCHC của ngành, giảm đáng kể chi phí, tiết kiệm thời gian giao dịch giữa các cơ quan, doanh nghiệp, người lao động với cơ quan BHXH” - ông Lan khẳng định.
 
Theo ông Lan, trong năm 2019, BHXH Việt Nam cũng đã tiến thêm một bước trong việc tích hợp liên thông các phần mềm nghiệp vụ, nhằm kiểm tra, đối chiếu dữ liệu thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT với phần mềm xét duyệt hồ sơ hưởng và chi trả các chế độ BHXH, nên đã rút ngắn được thời hạn giải quyết chế độ BHXH cho người lao động. Việc chi trả các chế độ BHXH cũng được thực hiện qua tài khoản cá nhân (ATM ) nên rất tiện ích.
 
Một tiện ích khác mà BHXH tỉnh cho biết là ngành đã thông báo công khai địa chỉ tra cứu quá trình tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp qua mạng điện tử trên trang thông tin của ngành BHXH. Điều này có nghĩa là tất cả mọi người đều có thể tra cứu, kiểm tra được quá trình đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của mình qua mạng điện tử.
 
Hiện nay, BHXH Lâm Đồng cũng thực hiện việc kết nối liên thông phần mềm quản lý khám chữa bệnh từ tuyến xã trở lên với dữ liệu cấp thẻ BHYT và hệ thống thông tin, giám định BHYT của cơ quan BHXH. Từ đó, các cơ sở khám, chữa bệnh có thể thực hiện việc kiểm tra ngay thông tin thẻ BHYT, quá trình tham gia BHYT và quá trình khám, chữa bệnh của người bệnh trên dữ liệu phần mềm liên thông với cơ quan BHXH ngay tại chỗ.
 
Tăng số người tham gia 
 
Nhờ đẩy mạnh CCHC, ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa TTHC, rút ngắn thời gian giải quyết như trên nên theo ông Đậu Tú Lan, tỷ lệ người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn Lâm Đồng ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước. 
 
Như trong năm 2019, tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn toàn tỉnh đã đạt 87,3% dân số, dự kiến trong năm 2020 sẽ đạt mức 90% dân số. Còn số lượng người tham gia BHXH tự nguyện năm 2019 đã gần bằng tổng số người tham gia của các năm trước đó cộng lại. Riêng trong những tháng đầu năm nay, số người tham gia BHXH tự nguyện đã tăng gần 20% so với năm 2019.
 
Trong thời gian đến, theo ông Lan, BHXH Lâm Đồng sẽ tiếp tục rà soát, kịp thời kiến nghị các phương án đơn giản hóa TTHC, cắt giảm những thủ tục, quy trình hành chính rườm rà, không phù hợp với thực tiễn. Cùng đó, BHXH tỉnh tập trung đẩy mạnh hơn nữa giao dịch hồ sơ điện tử trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, nâng cao hơn nữa tỷ lệ các đối tượng hưởng chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (ATM), đồng thời phối hợp với Bưu điện tỉnh nâng cao chất lượng dịch vụ tiếp nhận, trả kết quả TTHC qua dịch vụ bưu chính, hướng đến sự hài lòng của người dân, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
 
GIA KHÁNH