Tạo sự đồng thuận trong Nhân dân

06:09, 30/09/2020

Nhiều năm qua, xã Lạc Lâm (huyện Đơn Dương) không chỉ là lá cờ đầu trong sản xuất kinh tế, mà còn là địa phương điển hình trong thực hiện các phong trào với sự đồng thuận cao từ phía Nhân dân.

Nhiều năm qua, xã Lạc Lâm (huyện Đơn Dương) không chỉ là lá cờ đầu trong sản xuất kinh tế, mà còn là địa phương điển hình trong thực hiện các phong trào với sự đồng thuận cao từ phía Nhân dân.
 
Người dân xã Lạc Lâm trồng rau màu phát triển kinh tế gia đình
Người dân xã Lạc Lâm trồng rau màu phát triển kinh tế gia đình
 
Phó Bí thư kiêm Trưởng khối Dân vận Đảng ủy xã Lạc Lâm Nguyễn Thị Mỹ Dung khẳng định: “Có được sự đồng thuận của Nhân dân nghĩa là góp được sức lực của toàn dân để thực hiện nhiệm vụ. Nhưng để có sự đồng thuận không thể áp đặt, yêu cầu một chiều từ trên xuống mà còn phải sâu sát để lắng nghe được ý kiến đóng góp, tâm tư, nguyện vọng từ ở cơ sở đi lên”. 
 
Sự đồng thuận ấy có được bắt đầu từ nền tảng phát triển kinh tế ổn định. Trong định hướng phát triển, xã Lạc Lâm chủ yếu tập trung vào nông nghiệp, hình thành vùng chuyên sản xuất cây rau thương phẩm trọng điểm của huyện. Hiện nay, diện tích đất sản xuất của xã Lạc Lâm khoảng hơn 1.700 ha. Trong đó, đất trồng rau cao cấp như hành tây, ớt tây, bắp cải, cà chua là khoảng 612 ha và 1.100 ha, còn lại là rau ngắn ngày như xà lách, hành lá, tần ô, cải thảo. Dòng rau cao cấp ở địa phương đạt sản lượng 45 tấn/ha/năm và cho nguồn thu khoảng 121 tỷ đồng. Sản lượng của các loại rau ngắn ngày đạt khoảng 25 tấn/ha/năm và tổng thu khoảng trên 84 tỷ đồng. Ngoài ra, địa phương có 15 vườn ươm phát triển mạnh và đạt nguồn thu khoảng 54 tỷ đồng năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2019 của xã Lạc Lâm đạt 9,54%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3,6% năm 2015 xuống còn 0,37% năm 2020. Sự phát triển về kinh tế là minh chứng cho những bước đi đúng đắn của địa phương. Đồng thời, đó cũng là cơ sở để người dân sôi nổi tham gia các phong trào thi đua. Ông Nguyễn Quang Cảnh (thôn Yên Khê Hạ) nói: “Đời sống vật chất và tinh thần của người dân Lạc Lâm bây giờ phát triển hơn xưa rất nhiều. Người dân chăm lo sản xuất nâng cao chất lượng đời sống và tham gia đóng góp phát triển xã hội”.
 
Thời gian qua, ở Lạc Lâm có nhiều mô hình hiệu quả được triển khai và thu hút nhiều người dân tham gia như: Mô hình làng nghề tổ hợp tác bánh tráng; mô hình nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng công nghệ thông minh; mô hình rau VietGAP; mô hình thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật… Bên cạnh đó, người dân còn tích cực hưởng ứng, góp sức người, sức của để bê tông hóa hầu hết các con đường. Các thôn còn xây dựng các tổ tự quản, duy tu, sửa chữa các tuyến đường giao thông nông thôn, nhằm tránh được việc hư hỏng nặng hoặc phải đầu tư lại, nâng cấp lại. Người dân các thôn ở Lạc Lâm còn cùng với Nhà nước đối ứng đóng góp tiền, ngày công, mua chậu trồng các tuyến đường hoa, cây xanh tạo môi trường xanh, sạch, đẹp tại khuôn viên gia đình. Bà con các thôn tích cực tham gia các cuộc vận động của xã, thôn để phát quang bụi rậm, vệ sinh cảnh quan môi trường, thu gom xử lý rác thải sinh hoạt đúng nơi quy định. 
 
Không chỉ có phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, người dân còn chung sức cùng với các trường học trên địa bàn để tôn tạo cảnh quan, duy tu bảo dưỡng các công trình trường lớp trên địa bàn, góp phần duy trì và giữ vững 4/5 trường đạt chuẩn quốc gia. Ngoài ra, tại các thôn trên địa bàn xã Lạc Lâm hiện đã hình thành các tổ tự quản đảm bảo về an ninh trật tự. Mô hình Giáo xứ không có tội phạm, mô hình camera an ninh… được triển khai đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm của các loại đối tượng, nhất là vào ban đêm. Hiện nay, đang tiến hành khảo sát các khu vực một số thôn khép kín tiếp tục lắp đặt camera an ninh phục vụ cho công tác bảo đảm an ninh trật tự. 
 
Lạc Lâm là địa bàn có 92% Nhân dân theo các tôn giáo khác nhau; trong đó, có 87% theo đạo Công giáo. Nơi đây có hai giáo xứ lớn là Lạc Lâm và Lạc Xuân. Việc chính quyền địa phương đã xây dựng mối quan hệ khăng khít với các giáo xứ chính là cầu nối quan trọng để gắn kết giữa chính quyền địa phương và Nhân dân. Chính quyền địa phương và các giáo xứ luôn có sự bàn bạc để đi đến thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ lớn ở địa phương trên cơ sở mục tiêu chung là chăm lo cho cộng đồng. Bởi vậy, mọi hoạt động của giáo xứ hay chính quyền đều có sự tham gia và hỗ trợ lẫn nhau. Không chỉ hỗ trợ trong công tác tuyên truyền, giáo dục, mà nhân sự của các giáo xứ cũng có mặt chung sức trong tất cả các nhiệm vụ của địa phương. Việc các ông trùm có mặt trong tất cả các đoàn vận động bà con chung sức xây dựng nông thôn mới từ ngày đầu đến nay là minh chứng cho điều đó. Trao đổi thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung cho biết: “Nhiều năm qua ở Lạc Lâm không chỉ ở xã mới có khối dân vận gồm mặt trận và các đoàn thể mà tận các thôn cũng có tổ dân vận. Tổ dân vận ở thôn ngoài các đoàn thể còn mở rộng thành phần với đặc thù địa bàn. Riêng ở 6 thôn có đạo thuần túy, thành phần tổ dân vận có thêm các ông trùm khu. Bởi thế, các hoạt động của chính quyền và giáo xứ đều được thống nhất, nắm bắt ngay từ cơ sở”.
 
Tạo sự đồng thuận trong Nhân dân là một trong những yếu tố quyết định đối với sự phát triển của xã Lạc Lâm. Đó cũng là mục tiêu của địa phương này trong triển khai công tác dân vận, góp phần đưa Lạc Lâm trở thành điển hình trong thực hiện dân vận khéo không chỉ ở huyện Đơn Dương mà còn là điển hình ở cấp tỉnh.
 
HOÀNG MY