Điểm tựa bình yên cho buôn làng

05:10, 05/10/2020

Ở thôn Liêng Bông (xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương), suốt bao năm qua, người đàn ông uy tín luôn lặng lẽ nhưng hết lòng với việc của buôn làng.

Ở thôn Liêng Bông (xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương), suốt bao năm qua, người đàn ông uy tín luôn lặng lẽ nhưng hết lòng với việc của buôn làng.
 
Ông Cil Yũ Ha Giảng (giữa)
Ông Cil Yũ Ha Giảng (giữa)
 
Tôi và các thành viên của SNV (Tổ chức phát triển Hà Lan) có mặt tại thôn Liêng Bông vào một ngày trời mưa tầm tã. Cứ ngỡ rằng buổi làm việc chuẩn bị cho việc thành lập tổ hợp tác liên kết phát triển cà phê bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân trong thôn sẽ không thành bởi chỉ có vài ba người thưa thớt tới hội trường thôn. Nhưng, chính giữa lúc trời vẫn mưa tầm tã, có người đàn ông đứng tuổi rời đi. Một lúc sau ông quay lại và tiếp đó lần lượt bà con tới đông đúc. Người đàn ông ấy đã đến tận nhà, vận động bà con đến để nghe và hiểu thêm về việc sản xuất cà phê bền vững. Đó cũng chính là ấn tượng đầu tiên của tôi về người đàn ông luôn lặng lẽ làm việc vì lợi ích của buôn làng. Ông là Cil Yũ Ha Giảng - người uy tín, “bóng cả” ở Liêng Bông. 
 
Không chỉ có người dân thôn Liêng Bông - nơi hàng chục năm qua ông Ha Giảng sinh sống - mà có lẽ cả xã Đa Nhim người dân đều biết tới người đàn ông này. Họ vẫn thường nhắc tới ông như một người đi rừng giỏi đã có hàng chục năm cần mẫn góp sức giữ màu xanh núi rừng. 62 tuổi đời, nhưng ông Ha Giảng có đến gần 26 năm làm nhiệm vụ tuần tra giữ rừng và tổ chức những đội giữ rừng chuyên nghiệp. Cũng chừng ấy năm ông sát cánh cùng lực lượng kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng có mặt khắp vùng rừng phòng hộ Đa Nhim. Đội tuần tra rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim gồm 40 người đàn ông dân tộc Cil đi rừng thuần thục, hiểu rừng như máu thịt cũng do chính ông Ha Giảng đứng đầu. Không chỉ bởi kỹ năng đi rừng giỏi, hiểu được đặc tính các loại cây trong rừng mà còn bởi tâm huyết, quyết tâm giữ rừng luôn rực cháy ngùn ngụt trong ông. Đôi chân người đàn ông giờ đây chằng chịt những vết thương. Nhưng đối với ông đó lại là kỷ niệm. Dạo bước trên con đường đi giữa thôn Liêng Bông, ông kể cho tôi nghe những vụ đi rừng gian nan của nhiều năm trước. Dường như trong người đàn ông này, những ngày tháng luồn rừng mùa mưa, tuần tra chống cháy rừng mùa khô hay đối mặt với lâm tặc vẫn còn in hằn trong ký ức, rõ mồn một như chuyện mới ngày hôm qua. Bao năm làm công tác giữ rừng cũng là chừng ầy năm ông Ha Giảng như là cầu nối để những quy định của pháp luật về công tác bảo vệ rừng đến sát hơn với bà con. Và cả những tâm tư của bà con - những người bao năm sống gắn bó với rừng - đến được cơ quan chức năng. Chiếc cầu nối vững chãi ấy giúp cơ quan chức năng và người dân thêm thấu hiểu, chia sẻ và đồng thuận để giữ rừng.
 
Không chỉ là người uy tín, ông còn là Trưởng ban Mặt trận thôn Liêng Bông. Bà Kơ Să Ka Kim, người sinh ra và lớn lên ở thôn Liêng Bông, nay đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch UBND xã Đa Nhim, đồng thời, là Bí thư Chi bộ thôn bảo rằng: Bao năm qua, mọi việc lớn nhỏ trong thôn đều có sự góp sức của ông Ha Giảng. Bởi uy tín nên tiếng nói của ông rất có sức nặng với bà con. Nhớ gần ba năm về trước, khi thôn Liêng Bông lần đầu tổ chức chào cờ đầu tháng, ông Ha Giảng là một trong số những người có mặt rất sớm. Bởi ông có mặt và cũng nhờ tiếng nói của ông nên bà con cũng dần có mặt. Lâu dần chào cờ đầu tháng trở thành nền nếp ở Liêng Bông. Mỗi buổi chào cờ như một buổi đối thoại thu nhỏ nơi mà những điều cụ thể như chăn nuôi chuồng trại, trồng rau xanh ở vườn nhà để tiết kiệm chi tiêu, chăm lo sức khỏe con cái, mua bảo hiểm y tế… đều được lãnh đạo thôn và người dân bàn bạc. Rồi cũng đã có lần người ta thấy người đàn ông ấy đứng đón xe của lần lượt từng người dân trong thôn lúc đi lễ nhà thờ về để căn dặn việc đi họp thôn. Hay trong những lần làm đường bê tông, người đàn ông ấy lại hăng hái nhiệt tình, tay cuốc, tay cào để vỡ đất, kéo bê tông, cổ vũ tinh thần, động viên bà con chung sức xây dựng nông thôn mới. Và tất nhiên, trước đó ông cũng đã có mặt trong danh sách những người tiên phong, tình nguyện hiến đất làm đường.
 
Ông Ha Giảng luôn nặng lòng với việc trong thôn. Những lần nghe tiếng nẹt bô xe hay hát karaoke đến tận khuya của đám trẻ trong thôn ông đầy ưu tư và trăn trở. Nỗi niềm đó được chia sẻ với ông Đạ Kriêng Ha Wê - cũng là một người uy tín cao tuổi ở thôn. Để rồi hai con người uy tín ấy đã cùng ấp ủ việc thành lập một tổ tự quản để đảm bảo công tác an ninh cho buôn làng. Hai ông đã họp các dòng họ trong thôn, thuyết phục vận động những người uy tín có sức khỏe, tinh thần trách nhiệm với công việc của thôn để thành lập nhóm tự quản. Mục đích của những người uy tín tham gia tổ tự quản nhằm vận động người dân nói chung và các thanh niên cá biệt trong thôn nói riêng thực hiện nếp sống văn hóa, không vi phạm luật an toàn giao thông, xóa bỏ các tệ nạn xã hội để cùng xây dựng thôn văn hóa, an toàn. Sau bao nỗ lực, tổ đã hoàn thiện với 12 người. Họ sử dụng uy tín để làm nhiệm vụ. Không phải ông Ha Wê hay Ha Giảng làm tổ trưởng, mà nhiệm vụ ấy được giao cho ông Cil Yũ My Kim - Công an viên của thôn. Tổ tự quản đi tuần tra liên tục hằng đêm, những ồn ào, bất cập nảy sinh trong thôn họ đều có mặt. Đúng như Chủ tịch xã Kơ Să Ka Kim khẳng định “Tổ tự quản là điểm tựa bình yên cho buôn làng”.
 
Và không chỉ có vậy, ông Ha Giảng cũng là một trong những hộ dân đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Liêng Bông. Bởi những người uy tín đi đầu như ông mà làn sóng chuyển đổi cũng đã và đang tiếp tục lan rộng trong thôn. Những việc làm lặng thầm mà đầy ý nghĩa của người đàn ông uy tín Cil Yũ Ha Giảng bao năm qua như con sông vẫn miệt mài chảy và lặng thầm bồi đắp phù sa chính là niềm tin trong lòng những con người ở buôn làng Liêng Bông.
 
NGỌC NGÀ