Diện mạo mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số

04:10, 14/10/2020

Diện mạo mới ở đây được UBND tỉnh đánh giá: "Tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong tỉnh phát triển khá toàn diện, bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao". 

Diện mạo mới ở đây được UBND tỉnh đánh giá: “Tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong tỉnh phát triển khá toàn diện, bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao”. 
 
Trung tâm xã vùng sâu Sơn Điền - Di Linh hôm nay
Trung tâm xã vùng sâu Sơn Điền - Di Linh hôm nay
 
Lâm Đồng có 43 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS là 333.616 người, chiếm 25,72% dân số toàn tỉnh. Một số đồng bào DTTS có số lượng chiếm tỷ lệ cao bao gồm: K’Ho, Mạ, Chu Ru, Nùng, Tày, Hoa, M’Nông. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo điều hành của HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương, và toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết, chính sách của Trung ương, Chính phủ về công tác dân tộc; đảm bảo sự bình đẳng, đoàn kết, hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển.
 
Ưu tiên nguồn lực đầu tư 
 
Sau 5 năm triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án đối với vùng đồng bào DTTS, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS đã có nhiều thay đổi, sản xuất nông nghiệp phát triển, đời sống của đại bộ phận đồng bào ngày càng khá hơn. Nhiều hộ đồng bào DTTS đã biết tận dụng đất đai, lao động, các điều kiện khác để đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa, đa dạng về giống cây trồng, vật nuôi; nhiều vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hàng hóa đã hình thành và phát triển, mang lại giá trị kinh tế cao.
 
Các chính sách về trợ giá, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ trực tiếp, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và hội thảo đầu bờ đã tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, nâng cao thu nhập. Các chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, giao khoán quản lý bảo vệ rừng đã tạo nguồn thu nhập ổn định, cải thiện đời sống cho người dân. Các chính sách đối với người có uy tín tiêu biểu trong vùng DTTS gắn với việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cũng được thực hiện đồng bộ tại các địa phương trong tỉnh. Chương trình 135, chương trình định canh định cư, chương trình bố trí dân cư được triển khai đúng mục tiêu. Chính sách an sinh xã hội như việc trợ cấp xã hội cho học sinh - sinh viên đang học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề được thực hiện đồng bộ. 
 
Theo Ban Dân tộc tỉnh, giai đoạn 2014 - 2019, tỉnh đã huy động 30.305 tỷ đồng; huy động ngày công và hiến đất, hoa màu khoảng 24.333 tỷ đồng; ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp từ chương trình và lồng ghép với các chương trình, dự án khác 5.972 tỷ đồng. Đầu tư mới, sửa chữa, nâng cấp 1.020 km đường giao thông nông thôn; 243 công trình thủy lợi, nước sạch; 234 công trình trường học các cấp; 511 nhà văn hóa xã; 262 nhà văn hóa thôn, khu thể thao thôn. Đến nay, có 38/46 xã và 19/129 thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) đã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn III; 25/46 xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn về nông thôn mới; còn 11 xã và 110 thôn ĐBKK cần tiếp tục đầu tư trong giai đoạn tới đây.
 
Công tác triển khai các chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào DTTS tại huyện nghèo, xã nghèo, thôn đặc biệt khó khăn được triển khai thường xuyên, phát huy hiệu quả. Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, người dân vùng đồng bào DTTS đã tiếp cận và được hưởng chính sách phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước. Cụ thể, có 6.019 người thuộc hộ gia đình nghèo, hộ DTTS được trợ giúp pháp lý miễn phí; trong đó có 1.189 người thuộc hộ nghèo, 4.350 người DTTS và 480 người thuộc hộ gia đình cận nghèo.
 
Thay đổi toàn diện 
 
Thực hiện và vận dụng Nghị quyết 30a của Chính phủ, ngoài 8 xã thuộc huyện Đam Rông được đầu tư theo chương trình của Trung ương; tỉnh đã xây dựng Đề án giảm nghèo nhanh và bền vững cho 29 xã và 97 thôn có tỷ lệ hộ nghèo trên 30% để tạo điều kiện thực hiện tốt công tác giảm nghèo vùng DTTS. Tại các xã và thôn nghèo, có 7.140 hộ được giao khoán bảo vệ rừng, trồng mới 1.200 ha rừng, cây cao su; hỗ trợ phân bón, vật tư, máy nông nghiệp cho 24.600 lượt hộ nghèo, cận nghèo; khai hoang, phục hóa 575 ha đất; 3.655 hộ được hỗ trợ vật nuôi, chuồng trại; 200 hộ được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, trên 8.000 người được hỗ trợ học nghề. Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2019, hộ nghèo đồng bào DTTS còn 4.109 hộ, chiếm tỷ lệ 5,58%; đặc biệt số hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn là 914 hộ, chiếm tỷ lệ 8,55%, hộ cận nghèo 1.394 hộ, chiếm tỷ lệ 13,05%. 
 
Cả giai đoạn 2016-2019, bình quân mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm 3,38%. 
 
Công tác phục vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh được quan tâm. Đồng bào DTTS cơ bản được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đồng bào nghèo được khám, chữa bệnh miễn phí và hiện có 908.205 lượt người DTTS ở vùng khó khăn được cấp thẻ BHYT, tương đương 681 tỷ đồng. Các dịch bệnh như: sốt rét, bướu cổ... cơ bản được khống chế, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm đáng kể. Công tác giáo dục và đào tạo vùng đồng bào DTTS có nhiều chuyển biến, hệ thống trường, lớp học khang trang; tỷ lệ học sinh đến trường, tốt nghiệp THCS, THPT tăng; chế độ, chính sách hỗ trợ đối với học sinh, sinh viên DTTS được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo duy trì và phát triển các thiết chế văn hóa. Cụ thể, có 136/147 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, đạt tỷ lệ 92,51% và 1.280/1.541 thôn, buôn, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng, đạt tỷ lệ 83,06%. Toàn tỉnh có 12 thư viện cấp huyện và 420 tủ sách nông thôn với gần 400.000 đầu sách phục vụ đồng bào DTTS và các tầng lớp nhân dân tại các khu dân cư. Triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng khu dân cư văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa… thực sự trở thành các phong trào thi đua và phát triển sâu rộng đến các thôn, buôn vùng đồng bào DTTS. Từ đó có 266.480/301.105 hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ 88,5% và 1.435/1.541 thôn, tổ dân phố văn hóa, đạt 93,1%; cấp thôn đạt chuẩn văn hóa 93%; cấp xã đạt 75%. Đặc biệt, Lâm Đồng đã tập trung tổ chức phục dựng một số lễ hội truyền thống, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc với 84 lễ hội truyền thống của đồng bào các DTTS, trong đó 55 lễ hội đang được duy trì thường xuyên và đã tiến hành phục dựng. 
 
Công tác phát triển đảng được quan tâm, chú trọng, vì vậy toàn tỉnh có 4.073 đảng viên là đồng bào DTTS, chiếm tỷ lệ 10,4% so với tổng số đảng viên trên địa bàn toàn tỉnh. Việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm. Qua đó, đã đào tạo, bồi dưỡng 146/722 người (chiếm tỷ lệ 20,22%) có trình độ đại học; thạc sỹ 3/722 người (chiếm tỷ lệ 0,41%). Bên cạnh đó, đã tuyển dụng 59 công chức cấp tỉnh; 339 cán bộ (thông qua bầu cử) và 237 công chức cấp xã theo chính sách ưu tiên trong tuyển dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS; bố trí 17 đội viên trí thức trẻ là người DTTS có trình độ đại học về làm Phó Chủ tịch UBND xã tại địa bàn kinh tế đặc biệt khó khăn (theo Đề án 50 tỉnh). Riêng Đề án 500 và 600 triển khai thực hiện trên địa bàn huyện Đam Rông (theo Nghị quyết 30a của Chính phủ) đã bố trí 11 đội viên làm cán bộ, công chức cấp xã. Thống kê cho thấy, toàn tỉnh có 3.951 cán bộ, công chức, viên chức người DTTS (chiếm 13,48%), trong đó cấp huyện trở lên gồm 92 công chức, 3.283 viên chức; cấp xã cán bộ chuyên trách 339 người, công chức 237 người… 
 
Mục tiêu giảm 2 - 3% hộ nghèo 
 
Đánh giá của UBND tỉnh ghi nhận: Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, việc triển khai thực hiện của các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương, cơ quan, đơn vị và của toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, diện mạo vùng đồng bào DTTS trong tỉnh có sự phát triển và thay đổi khá toàn diện, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện và phát triển ổn định. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng DTTS giảm, thu nhập bình quân đầu người tăng dần qua các năm. Đồng bào DTTS đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu; chuyển đổi từ sản xuất nương rẫy sang sản xuất cây công nghiệp, nông nghiệp hàng hóa mang lại kinh tế cao; số hộ đồng bào DTTS sản xuất, kinh doanh giỏi ngày càng tăng, góp phần tích cực vào việc thoát nghèo bền vững. Tự do tín ngưỡng, tôn giáo vùng đồng bào DTTS luôn được đảm bảo; giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống chính trị cơ sở vùng DTTS được củng cố, kiện toàn và ngày càng phát huy hiệu quả. 
 
Từ những thành tựu đạt được trong các năm qua, Lâm Đồng đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2024 đó là: Giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS bình quân mỗi năm từ 2 - 3%; thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS tăng gấp 2 lần so với năm 2015; 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, 95% đồng bào DTTS có thẻ bảo hiểm y tế. Phấn đấu 100% đường trục liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa và từng bước nâng cấp, mở rộng; trên 80% đường trục liên thôn được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% thôn, buôn có điện, trên 98% số hộ được dùng điện; trên 95% số hộ được dùng nước hợp vệ sinh; 100% xã, thị trấn, thôn, buôn, tổ dân phố có thiết chế văn hóa - thể thao, nhà trẻ, mẫu giáo, điểm trường tiểu học...
 
XUÂN TRUNG