Giám sát việc phát triển nhà lưới, nhà kính trên địa bàn huyện Đức Trọng

08:10, 21/10/2020

(LĐ online) - Chiều 21/10, đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng do bà Lê Thị Xuân Liên - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với huyện Đức Trọng về tác động của việc phát triển nhà lưới, nhà kính trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đến cảnh quan môi trường trên địa bàn tỉnh. 

(LĐ online) - Chiều 21/10, đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng do bà Lê Thị Xuân Liên - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với huyện Đức Trọng về tác động của việc phát triển nhà lưới, nhà kính trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đến cảnh quan môi trường trên địa bàn tỉnh. 
 
Toàn cảnh buổi giám sát
Toàn cảnh buổi giám sát
 
Theo báo cáo của UBND huyện Đức Trọng, từ năm 2004, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được triển khai trên địa bàn huyện Đức Trọng và không ngừng phát triển theo thời gian. Trong giai đoạn khởi đầu 2004-2010, chủ yếu là các nhà kính phục vụ gieo ươm cây giống với nguyên vật liệu chủ yếu là khung tre, sắt và màng phủ nilon 1-2 lớp, chủ yếu để che mưa, chưa có quy cách phát triển cụ thể, chủ yếu phát triển tự phát. Đến cuối giai đoạn này, nhà nước đã hỗ trợ đầu tư xây dựng các mô hình nhà kính trồng rau, hoa theo hướng công nghệ cao và diện tích nhà kính bắt đầu được triển khai nhân rộng sang trồng rau, hoa. Đến cuối năm 2010, tổng diện tích canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện Đức Trọng là 534 ha (nhà kính hơn 50 ha, nhà lưới hơn 117 ha).
 
Giai đoạn 2011-2015, nhà nước đã hỗ trợ xây dựng 16 mô hình nhà kính, 4 mô hình nhà lưới, 24 mô hình tưới tự động và mô hình trồng ớt ngọt trên giá thể với tổng kinh phí của nhà nước là 1,9 tỷ đồng. Đến cuối năm 2015, tổng diện tích canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Đức Trọng là 5.265 ha (nhà kính hơn 132 ha, nhà lưới hơn 68 ha), chiếm 14,9% diện tích đất canh tác của huyện; trong đó, nhà lưới, nhà kính chiếm 0,56%.
 
Giai đoạn 2016-2020, nhà kính, nhà lưới sản xuât công nghệ cao tiếp tục được nhân rộng trong sản xuất rau, hoa với nguồn vốn chủ yếu của người dân. Đến cuối năm 2019, tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 9.405 ha, trong đó, nhà kính hơn 246 ha. 
 
Theo đánh giá, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong nhà kính giúp tăng giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất, đa dạng hóa thương hiệu và cạnh trên thị trường. Với số lượng nhà kính phát triển như trên trên địa bàn huyện Đức Trọng là chưa nhiều và hầu hết nhà kính trên địa bàn huyện đều là phát triển tự phát, rải rác ở vùng khá xa khu dân cư tập trung, một số được xây dựng gần trong khu dân cư nhưng với diện tích không lớn, diện tích này chủ yếu là các vườn ươm cây giống và một số ít nhà kính trồng rau, hoa. 
 
Mặc dù vậy, nếu việc phát triển nhà kính một cách ồ ạt, nhanh chóng, thiếu quy hoạch và kiểm soát sẽ gây ra hậu quả khôn lường về cảnh quan, môi trường và điều dễ thấy nhất là khí hậu vùng đó bị biến đổi, nhiệt độ tăng do hiệu ứng nhà kính, góp phần làm biến đổi khí hậu toàn cầu. 
 
Vì vậy, đoàn giám sát đề nghị về lâu dài các ngành liên quan cần nghiên cứu phương thức sản xuất tiến bộ, áp dụng khoa học công nghệ và các mô hình ưu việt vừa mang lại hiệu quả vừa bảo vệ môi trường; lựa chọn giống mới canh tác. 
 
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để Nhân dân hiểu được tác đông của sản xuất nhà lưới, nhà kính đến sức khoẻ người dân; lựa chọn vật liệu thân thiện với mội trường. Đồng thời, áp dụng phương thức sản xuất mới; sử dụng thuốc hữu cơ, sinh học để chăm bón cho cây trồng, hạn chế sử dụng thuốc hoá học...
 
N.MINH