"Thức giấc" giữa đại ngàn

04:10, 14/10/2020

Bên dòng Krông Nô hiền hòa, đong đầy phù sa, có một sự trở mình mạnh mẽ của vùng đất được ví như một cô sơn nữ đang ở độ tuổi trăng tròn. Dẫu hành trình phía trước sẽ còn không ít thử thách để mạnh mẽ bước chân ra khỏi "vùng an toàn" bấy lâu, nhưng hành trình đã qua sẽ giống như những tia nắng vàng mỗi sớm mai để vẫy gọi "cánh chim Đam Rông tung bay".

Bên dòng Krông Nô hiền hòa, đong đầy phù sa, có một sự trở mình mạnh mẽ của vùng đất được ví như một cô sơn nữ đang ở độ tuổi trăng tròn. Dẫu hành trình phía trước sẽ còn không ít thử thách để mạnh mẽ bước chân ra khỏi “vùng an toàn” bấy lâu, nhưng hành trình đã qua sẽ giống như những tia nắng vàng mỗi sớm mai để vẫy gọi “cánh chim Đam Rông tung bay”.
 
Nếu ai đó chỉ nhìn vào mặt bằng chung của Lâm Đồng mà kết luận rằng huyện Đam Rông chậm phát triển thì e rằng còn vội vã! Hãy đặt Đam Rông vào một hệ quy chiếu tương xứng để thấy quá trình 16 năm hình thành và phát triển của một vùng đất vốn rất nghèo, được “gom góp” từ Lâm Hà, Lạc Dương nay đã khoác tấm áo mới khác xưa rất nhiều.
 
Trong ánh mắt của những nông dân như ông Cil Ha K’Ròng (bìa phải) luôn sáng mãi niềm tin vào tương lai tốt đẹp phía trước
Trong ánh mắt của những nông dân như ông Cil Ha K’Ròng (bìa phải) luôn sáng mãi niềm tin vào tương lai tốt đẹp phía trước
 
Thoát “nghèo” tư duy
 
Giờ đây, cụm từ “Đam Rông mà” không còn là câu cửa miệng khi nói về những khó khăn, nhọc nhằn của vùng đất này như một điều hiển nhiên nữa. 
 
“Đổi thay lớn nhất chính là từ ý thức, tư duy làm ăn của bà con”, ông Liêng Hót Ha Hai - Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông khẳng định. Chắc có lẽ để kể về những đổi thay của nơi này, chẳng ai rành rẽ và tự hào bằng ông - một người con của cộng đồng người Cil đã sinh ra, lớn lên, và dành đời mình làm việc tại nơi này. Nhưng ông không kể mà gợi ý để chúng tôi tự cảm nhận, tự lắng nghe tiếng nói từ chính những người trong cuộc.
 
Một buổi sáng, chúng tôi phải thật tranh thủ để ghé vào Thôn 4, xã Rô Men bởi “không nhanh thì bà con đi làm hết, không có ai ở nhà đâu”. Đang tranh thủ đảo lại ít măng đang phơi giữa sân, chị Ka Yếu (45 tuổi) cũng chẳng ngại ngần tiếp xúc với người lạ. Chị kể chi tiết về công việc mỗi ngày hiện nay là: Sáng lên rẫy bẻ chồi cà phê, trưa cắt cỏ cho bò ăn rồi chiều hai vợ chồng tranh thủ lên rừng lấy măng về phơi. 
 
Cuộc sống no ấm, hạnh phúc của 2 vợ chồng cùng 3 đứa con nhỏ chỉ vừa được đảm bảo vài năm trở lại đây, được đánh dấu mốc bằng việc xây dựng căn nhà vào loại khang trang nhất nhì thôn. Chị Ka Yếu kể, trước đây nghèo đói, gia đình 5 người sống trong căn nhà gỗ nhỏ, dột nát mỗi mùa mưa về. Chồng chị thường xuyên say xỉn, không chịu làm ăn. “Một ngày đang cùng con gái 10 tuổi đi hái cà phê, ông già mình bảo sao mình không trồng để có cà phê hái mỗi ngày như thế này nhỉ? Thế rồi đi học người ta, không trồng bắp nữa”, chị Ka Yếu kể bằng chất giọng và ngôn từ vẫn rất đặc trưng.
 
Hay như ở Thôn 3, xã Liêng Srônh có ông Cil Ha K’Ròng là già làng, đồng thời là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện. Ông không chỉ giỏi ở việc sản xuất cho gia đình, mà còn khuyên nhủ, bảo ban bà con cùng làm ăn thoát nghèo. Ai khó khăn thì ông cho vay tiền mà không đòi hỏi thời gian phải trả. Ông K’Ròng bảo không phải làm vậy do giàu có, mà vì mình đã từng nghèo đói, mình biết nó vất vả ra sao. Ông còn cảm thấy may mắn vì dù chỉ học hết lớp 5 nhưng ơn trên cho ông cái bụng chịu khó, đôi tay cần cù để hết làm lúa thì làm bắp, làm cà phê, sầu riêng… Nhưng cũng nhờ thế mà cả Thôn 3 bây giờ, đời sống bà con ngày càng khấm khá, tỉ lệ hộ nghèo giảm, tỉ lệ các vụ việc mâu thuẫn, ly hôn… thấp nhất xã.
 
Những tấm giấy khen, bằng khen của UBND tỉnh hay các ngành, các cấp được ông treo kín từ trước ra sau, một cách vô cùng nâng niu, cẩn thận cũng chính là ghi nhận cho những đóng góp của một người con K’Ho cho cộng đồng, cho xã hội.
 
Tư duy sản xuất của bà con đã có nhiều thay đổi, không còn trông chờ hoàn toàn vào hỗ trợ như trước
Tư duy sản xuất của bà con đã có nhiều thay đổi, không còn trông chờ hoàn toàn vào hỗ trợ như trước
 
Quá khứ đã lùi xa
 
Trong câu chuyện của chúng tôi với những cán bộ từ những ngày đầu thành lập huyện về chặng đường khó nhọc đã qua ở Đam Rông, là những bước tiến mạnh mẽ, sự trưởng thành, sự đổi thay… 
 
Chị Nguyễn Thị Hồng Thuyên, trước khi là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã có 11 năm công tác tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện. Trước đó, vào năm 2003, chị là một thành viên Đội trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn miền núi do Trung ương Đoàn triển khai ở Đam Rông. Nhiệm vụ khi đó là tuyên truyền, vận động người dân về công tác giáo dục, dân số…
 
Được khơi lại chuyện cũ, như một mạch nguồn chảy lại, chị Thuyên cứ thế kể về những kỷ niệm từ một thời tuổi trẻ máu lửa sục sôi, về những ngày cùng ăn, cùng ở với người dân. Những câu chuyện dở khóc, dở cười, những ngày tháng vất vả dù lùi xa vẫn còn đọng lại nguyên trong tâm trí. Nhưng không giống như đang “ôn nghèo kể khổ” mà mọi thứ dường như là bắt đầu cho những niềm vui ngày một lớn hơn. 
 
“Với xuất phát điểm là một trong những huyện nghèo của cả nước, đến thời điểm này nhìn lại phải nói là rất đỗi tự hào về những gì đã làm được. Trong đó cũng phải ghi nhận sự cố gắng từ chính nội lực của người dân. Người dân đã biết tự thân vận động, thanh niên biết học nghề, phụ nữ biết học cách làm ăn, cha mẹ quan tâm đến chuyện học hành của con cái... Không nói riêng về kinh tế, các mặt trong đời sống và sinh hoạt của người dân cũng tiến bộ đáng kể”, chị Thuyên khẳng định.
 
Ông Trần Văn Nguyên - Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Đam Rông cũng nói mình là người có duyên gắn bó với công tác dân tộc khi huyện Đam Rông chính thức được thành lập. Ông bảo nếu nói về khó khăn thì chắc chẳng bao nhiêu mà kể xiết. Nhưng những con người thấm hết những gian khó như thế mới thấy được rằng mảnh đất này thực sự đã “thay da đổi thịt” đến nhường nào. 
 
Nếu như trước đây, tính gắn kết, sẻ chia của cộng đồng là một trong những đức tính tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thì có giai đoạn nó vô hình trung đã kéo chậm sự phát triển của xã hội. Những cánh cửa bếp của nhiều gia đình không được phép đóng lại để nếu họ hàng khó khăn có thể đến xúc gạo, lấy thức ăn bất cứ khi nào…
 
“Đặc biệt là từ khi Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững - Nghị quyết 30a của Chính phủ được triển khai, đã tạo nguồn lực tổng hợp, thông qua các chương trình tập huấn, đào tạo đã nâng tầm tư duy sản xuất của bà con. Nhiều nhà bắt đầu biết tích lũy, tư hữu… Người dân đã hiểu được những sự đầu tư của Nhà nước là để họ thụ hưởng và rồi cùng chung tay, nỗ lực cùng làm như việc tự nguyện hiến đất làm đường, đóng góp ngày công lao động…”, ông Nguyên chia sẻ. 
 
Cánh đồng Đạ Tông mùa lúa chín đã không còn là những mảng màu loang lổ từ khi bắt đầu áp dụng sản xuất đồng trà, đồng vụ. Ảnh: Đinh Tiến Hoàng
Cánh đồng Đạ Tông mùa lúa chín đã không còn là những mảng màu loang lổ từ khi bắt đầu áp dụng sản xuất đồng trà, đồng vụ. Ảnh: Đinh Tiến Hoàng
 
Niềm tin ở tương lai
 
Vừa qua, trong Đại hội Đảng bộ huyện Đam Rông lần thứ IV, nhìn lại nhiệm kỳ qua, mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng với sự lãnh đạo sâu sát của Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực Huyện ủy, sự nỗ lực, cố gắng của chính quyền, các phòng, ban và Nhân dân các dân tộc đã thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu chủ yếu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa III đề ra; cơ bản hoàn thành mục tiêu đưa huyện Đam Rông thoát nghèo.
 
Không phải chỉ có nhiệm kỳ này mục tiêu giảm nghèo bền vững mới được đưa ra mà trong bất cứ đại hội nào, bất cứ Nghị quyết nào thì đây cũng là mục tiêu lớn nhất của Đam Rông. Nhờ đó, những chính sách, chủ trương đầu tư, đặc biệt là đầu tư trong vùng đồng bào DTTS cũng từ chỗ rời rạc, kém hiệu quả đã được lồng ghép chặt chẽ. Mà minh chứng cụ thể là tỉ lệ hộ nghèo cuối năm 2019 còn trên 12%, dự kiến cuối năm nay giảm xuống dưới 7%, hoàn thành mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III đưa ra. 
 
Dẫu vậy, lãnh đạo huyện dự báo tình hình sẽ vẫn còn khó khăn, thách thức trước yêu cầu phải phát triển địa phương ở mức độ cao hơn khi huyện không còn được thụ hưởng các chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; một số vấn đề về “dân di cư tự do”, dân “về làng cũ” luôn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cần nhanh hơn, dần thu hẹp khoảng cách giữa huyện với các địa phương trong tỉnh, huy động tối đa các nguồn lực để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân nhưng phải đảm bảo tính bền vững. Địa phương phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3%, Đam Rông là huyện nông thôn mới.
 
Từ đó, Đam Rông xác định mục tiêu thoát nghèo, cải thiện đời sống Nhân dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nhằm đạt được mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Trong đó, ý chí tự lực, tự cường của người dân là yếu tố quyết định. Tương lai tới đây, địa phương sẽ phải huy động tối đa sự vào cuộc của cấp ủy đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên từ huyện đến cơ sở cho công tác tuyên truyền, vận động làm thay đổi căn bản ý thức, tư duy sản xuất, nỗ lực vươn lên trong vùng đồng bào DTTS.
 
HỒNG THẮM