Tiếng chiêng đẹp nhất

04:10, 22/10/2020

Đó là điều mà người dân ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương nhắc tới khi nói về già Kră Jăn Ha Liêng. Dù trải qua 90 mùa rẫy nhưng già Ha Liêng vẫn còn minh mẫn. Đôi mắt thẳm sâu chằng chịt những vết hằn của thời gian vẫn luôn rạng ngời khi nhắc tới cồng chiêng. 

Đó là điều mà người dân ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương nhắc tới khi nói về già Kră Jăn Ha Liêng. Dù trải qua 90 mùa rẫy nhưng già Ha Liêng vẫn còn minh mẫn. Đôi mắt thẳm sâu chằng chịt những vết hằn của thời gian vẫn luôn rạng ngời khi nhắc tới cồng chiêng. 
 
Bao năm qua già Kră Jăn Ha Liêng vẫn miệt mài với việc truyền dạy tiếng chiêng cho những người trẻ ở Đạ Sar
Bao năm qua già Kră Jăn Ha Liêng vẫn miệt mài với việc truyền dạy tiếng chiêng cho những người trẻ ở Đạ Sar
 
Đã rất lâu, có lẽ hơn trăm năm về trước, ở vùng đất này thủa ấy người con gái Kra Jăn K’Bri đã cưới chàng trai Lơ Mu Ha Kar từ vùng N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng ngày nay về làm chồng. Ông Ha Kar ngày ấy là người đánh chiêng nổi tiếng khắp vùng. Họ sinh được 6 người con: 4 trai, 2 gái. Vợ chồng K’Bri - Ha Kar vốn say đắm vô cùng những tiếng chiêng ngân nên thời điểm đó họ nuôi rất nhiều trâu và trồng nhiều bắp, lúa. Mỗi lần lúa, bắp được mùa, trâu cái sinh sản họ lại dùng những thứ đó để đổi nhiều bộ chiêng. Có chiếc chiêng phải đổi bằng cả 5 con trâu nên những bộ chiêng chính là tài sản quý báu nhất của gia đình. Cũng bởi tình yêu ấy nên ông Ha Kar đã dạy cho cả 4 đứa con trai của mình đánh chiêng. Và trong số đó, người con trai Kră Jăn Ha Liêng là xuất sắc hơn cả.
 
Dòng ký ức của già Kră Jăn Ha Liêng chầm chậm quay về hàng chục năm trước. Đó là những tháng ngày ông lẽo đẽo theo cha đến các lễ hội để nhìn cha và những người lớn trong buôn làng đánh chiêng, thổi kèn… Lên 10 tuổi, Kră Jăn Ha Liêng bắt đầu tập đánh chiêng. Đứa trẻ ôm chiêng đánh đến lúc cả cánh tay và bàn tay mỏi rã rời nhưng chiêng vẫn không phát ra tiếng. Phần vì thích, phần vì được bố động viên và chỉ dạy nên Kră Jăn Ha Liêng vẫn kiên trì tập luyện. Cho đến khi mép ngoài bàn tay phải chuyển dần từ sưng đỏ qua chai sần, ấy cũng là khi Ha Liêng đã biết đánh chiêng. Khi tiếng chiêng đầu tiên vang lên không chỉ có mỗi cậu bé Ha Liêng ngày ấy sung sướng đến vỡ òa mà chính cha cậu cũng vô cùng xúc động. Ông Ha Kar đã nói với con trai Ha Liêng hai lần tiếng “Chò Họp” (rất vui mừng) để rồi cho đến tận hôm nay, ông Ha Liêng vẫn không kìm nổi cảm xúc rưng rưng khi nhắc lại niềm vui của cha mình thời điểm đó. Khi chiêng đã được đánh lên thành tiếng, bằng nhiều cách học khác nhau, Kră Jăn Ha Liêng dần thuần thục tất cả các điệu chiêng truyền thống như: điệu chào hỏi, điệu vui mừng, điệu con bồ câu hót, điệu xin rau, hỏi nhau… và trở thành thành viên trong đội chiêng tham gia các lễ hội cúng thần núi, thần rừng, mừng lúa mới, đám cưới, đám ma… Kỹ thuật đánh chiêng của Kră Jăn Ha Liêng cũng nhờ vậy mà cao dần theo năm tháng.
 
Kră Jăn Ha Liêng trở thành người đàn ông trưởng thành, lấy vợ và sinh con. Ông cần mẫn, chăm chỉ lao động để nuôi con cái lớn khôn như bao người khác. Nhưng nếu như ở vùng Đạ Sar, những bộ chiêng lần lượt bị bán đi thì ông lại cóp nhặt để tìm mua lại. Và cũng như người cha của mình, nhiều năm về trước Kră Jăn Ha Liêng đã tự đổi một bộ chiêng bằng hai con trâu. Thời gian cứ thế trôi qua, bộ chiêng vẫn được ông gói ghém kỹ càng trong ngôi nhà nhỏ ở Thôn 3, xã Đạ Sar. Bởi, với ông “Đó là tài sản quý giá” mà dù có những thời điểm cuộc sống xảy ra nhiều biến cố ông vẫn không hề nghĩ đến việc bán bộ chiêng đi để lấy tiền. Trước mỗi lời hỏi mua ông đều trả lời “Gọ Bro” (không bán). Để rồi sau này khi về với núi, bộ chiêng sẽ là thứ ông để lại cho con cháu. Cũng nhờ “Gọ Bro” nhiều lần nên dần dần ông gầy dựng và duy trì được 4 đội chiêng ở Đạ Sar. Trong đó, có những tay chiêng thuần thục như Liêng Jrang Ha Broong, Lơ Mu Ha Thai, Lơ Mu Ha Dăn, Cil Ha Õn… Họ có thể là những người đánh chiêng sành sõi, nhưng trước ông Kră Jăn Ha Liêng họ vẫn luôn dành sự tôn trọng vô cùng. Không chỉ bởi Kră Jăn Ha Liêng là người đã giúp đỡ, uốn nắn để tiếng chiêng của họ thêm hoàn thiện, mà với những tay chiêng ấy, tiếng chiêng của Kră Jăn Ha Liêng luôn là tiếng chiêng hay nhất ở Đạ Sar.
 
Ngoài đánh chiêng ông Kră Jăn Ha Liêng còn là người thổi sáo hay như chim hót. Ông còn biết đánh trống, hát dân ca, hát đối đáp những câu hát truyền thống của dân tộc mình. Cũng có lẽ quá yêu những tiếng chiêng, tiếng sáo và câu hát mà già Kră Jăn Ha Liêng rất buồn khi nhắc tới việc giờ đây ít người còn mặn mà với truyền thống của cha ông. Chính 4 người con của ông, mỗi người theo đuổi những ước mơ khác nhau mà không phải là đánh chiêng, thổi sáo. Nhưng già Kră Jăn Ha Liêng bảo rằng “đó là sự lựa chọn của mỗi người mình không thể ép được”.
 
Anh Kra Jăn Ha Nrang - Cán bộ văn hóa xã Đạ Sar bảo rằng, liên tục nhiều năm qua, già Kră Jăn Ha Liêng có mặt trong đoàn nghệ nhân của huyện Lạc Dương tham gia các lễ hội cồng chiêng ở trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, ông còn tham gia nhiều lớp truyền dạy và tập huấn về cồng chiêng, hát dân ca; tham gia làm ban giám khảo tại nhiều hội thi đánh cồng chiêng, dân ca, dân vũ và hát dân ca. 60 người trẻ ở Đạ Sar trong đó có anh Kra Jăn Ha Nrang là người cũng đã được già Ha Liêng truyền dạy.
 
Căn nhà của già Kră Jăn Ha Liêng nằm trên cao ở Thôn 3, xã Đạ Sar. Đưa mắt nhìn xa xăm vào thung lũng phía trước sân nhà còn mờ sương sau trận mưa chiều, già Kră Jăn Ha Liêng nói: “Ai muốn học đánh chiêng mình cứ dạy, dạy đến khi nào không dạy được nữa thì thôi”. Người đàn ông ấy vẫn miệt mài, cần mẫn với việc dạy, nhưng tiếng chiêng có hay có kéo dài hay không còn phụ thuộc vào chính tình yêu của mỗi con người.
 
NGỌC NGÀ