Truyền ngọn lửa đam mê

05:10, 07/10/2020

Những ngày báo điểm kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia 2020, là những ngày điện thoại của thầy Trần Đình Tuấn ngập tràn những tin nhắn mang niềm vui đến từ học trò...

Những ngày báo điểm kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia 2020, là những ngày điện thoại của thầy Trần Đình Tuấn ngập tràn những tin nhắn mang niềm vui đến từ học trò. “Thầy ơi! Nếu không có gì sai sót, em được từ 9,3 đến 9,5 điểm ạ”; “Dạ. Sử em được có 8,75 à thầy, sai toàn câu lơ ngơ”... Những điểm số hạnh phúc hay còn nhiều tiếc nuối giờ đây có lẽ không còn quá nhiều quan trọng với chức phận đứng lớp của những người như thầy Tuấn. Sau tất cả, tình yêu dành cho môn Sử, một trong những môn học được học sinh liệt vào danh sách “chán ngắt” đã được học trò của anh đền đáp.
 
Thầy Trần Đình Tuấn với phương pháp dạy Sử của mình
Thầy Trần Đình Tuấn với phương pháp dạy Sử của mình
 
Dù đã có nhiều nghiên cứu khoa học, nhưng cho đến tận bây giờ vẫn chưa có một kết luận chính xác vì sao môn Sử luôn nằm trong danh sách “chốt sổ” môn học có phần trăm thí sinh đạt điểm thi dưới trung bình trong nhiều năm liền. Phần lớn lý giải đều chỉ nêu ra nguyên nhân chung chung bởi đây là môn học phụ; học Sử ra khó xin việc... hay mang tầm khái quát hơn là đất nước phát triển, phụ huynh thường định hướng cho con học những môn khối A, B, D để sau này ra trường có một công việc thời thượng với nguồn thu nhập cao, hoặc vẫn ổn định hơn những môn học của các ngành xã hội.
 
Đau lòng, nhưng có một thực tế không thể phủ nhận, đã có rất nhiều học sinh thường mông lung đặt ra câu hỏi: Học Lịch sử để làm gì? Chưa kể môn học này nằm trong tổ hợp môn học xã hội của kỳ thi THPT Quốc gia, học sinh được quyền lựa chọn thì càng ít em học. Phần nhiều là các em nếu có học cũng chỉ cố để tránh điểm liệt.
 
Trước hết, Lịch sử là một môn khoa học với đối tượng nghiên cứu là con người và xã hội trong quá khứ. Hiểu rõ quá khứ mới có thể soi rọi cho hiện tại và rút ra bài học cho tương lai. Học Lịch sử không phải đơn thuần chỉ để ghi nhớ ngày sinh, ngày mất, tháng năm của sự kiện...; Lịch sử là hồn cốt của dân tộc, là văn hóa, khí phách của một quốc gia đã được tích tụ, gầy dựng bằng xương máu của rất nhiều thế hệ. Hết thảy các quốc gia trên thế giới (đặc biệt là những nước phát triển) đều không thể từ chối lịch sử, văn hóa, bởi đó là thần thái của một quốc gia, một dân tộc và đồng thời là căn nguyên bền vững làm điểm tựa cho bất cứ một giai đoạn phát triển nào.
 
Chắc hẳn với thầy Trần Đình Tuấn - Hiệu phó của Trường THPT Lương Thế Vinh (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng), anh cũng không ôm giấc mộng hay hoài bão xa vời để có thể thay đổi cơ bản những vấn đề mang tầm vĩ mô kể trên. Cũng không hẳn là trách nhiệm quản lý của một hiệu phó, với anh gần gũi lắm, chỉ đơn giản là tư cách của một người dạy Sử, anh muốn học trò của mình từng ngày, từng ngày một, thêm yêu môn học này hơn.
 
Thầy Tuấn luôn sát bên học trò để truyền cho các em ngọn lửa đam mê
Thầy Tuấn luôn sát bên học trò để truyền cho các em ngọn lửa đam mê
 
Thầy Tuấn kể với chúng tôi, từ những ngày học phổ thông, anh cũng không phải là người học giỏi môn Sử. Chỉ khi ngồi trên ghế giảng đường, và khi vinh dự được đứng lớp, anh mới đi tìm tại sao học sinh lại không muốn học Sử. Câu hỏi ấy cứ xoáy sâu vào trong từng miếng ăn, giấc ngủ của thầy Tuấn, sự trăn trở và trách nhiệm của người làm thầy khiến anh không thể buông xuôi hay đến trường làm tròn trách nhiệm. Hơn thế, cần phải có sự thay đổi, dù mọi thứ bắt đầu với người thầy trẻ như Tuấn chưa bao giờ là điều dễ dàng.
 
Đã từng tham dự rất nhiều hội thảo, tập huấn để làm sao có thể dạy và học môn Sử cho tốt, thầy Trần Đình Tuấn cho rằng: “Học Sử trước hết là học nghi ngờ, biết phân biệt các khái niệm và minh chứng. Bất kỳ sự kiện lịch sử hay ý nghĩa của nó phải có những tư liệu đa chiều, đáng tin cậy để chứng minh. Do đó, oán giận kẻ độc ác, quân xâm lược hay ca ngợi anh hùng đều phải có những lý giải, minh chứng khoa học. Tôn trọng lý tính của Lịch sử là mấu chốt để môn học này trở nên khoa học, hấp dẫn hơn với các em học sinh”. “Học Sử cho đúng nghĩa mới khó. Nếu học để đi thi, học để lấy điểm thì chỉ là sự o ép, có thể dùng chiêu và đương nhiên sẽ không bao giờ có thể khiến học sinh yêu thích môn học này được”, thầy Tuấn khẳng định điều đó.
 
Không khó để nhận thấy, chương trình Lịch sử ở phổ thông đang rất nặng, chú trọng vào ghi nhớ số liệu và các diễn biến. Với thời khóa biểu có hạn, giáo viên không thể đào sâu vào bất kỳ sự kiện nào mà phải dạy dàn trải cho hết chương trình được giao. Cách đảm bảo để không “cháy” giáo án nhất chỉ có thể là giảng lướt qua và sẽ không bao giờ có thể để học sinh hiểu một cuộc chiến tranh, một sự kiện kéo dài hàng chục năm trời chỉ trong vòng 45 phút của tiết giảng. Và chưa kể với nhiều thầy, cô, với bổn phận viên chức phải hoàn thành chỉ tiêu, nên đa phần cách giảng chỉ để hoàn thành nghĩa vụ. 
 
Chính những khó khăn ấy đã khiến thầy Tuấn phải dày công nghiên cứu một sơ đồ giảng dạy của riêng mình. Sơ đồ ấy như một tổ hợp chuỗi liên kết hệ thống, chủ yếu bằng những cột mốc hệ thống có liên quan mật thiết với nhau để học sinh dễ nhớ. Phần còn lại, những câu chuyện lắng đọng phía sau những sự kiện lịch sử là sự chia sẻ cởi mở, thẳng thắn trao đổi bình đẳng giữa thầy và trò.
 
Cũng theo thầy Tuấn, trong thời buổi công nghệ thông tin, trách nhiệm của người dạy Sử càng quan trọng hơn. Bởi học sinh tiếp cận được nhiều luồng thông tin lịch sử trên mạng, từ những bài viết thuyết phục đến thông tin trái chiều, trắng trợn bôi xóa lịch sử, khi đó người thầy phải luôn là người dẫn đường để học trò nhận thức đúng đắn.
 
Cách tiếp cận bằng phương pháp sư phạm khoa học và đầy nhiệt tâm của người đứng lớp đã giúp thầy Trần Đình Tuấn ghi được dấu ấn không chỉ trong niềm tin của học trò mà còn có cả sự kính trọng của đồng nghiệp. Anh cũng là một trong số ít giáo viên Sử chưa có học hàm, học vị của hệ thống THPT được Hội đồng khoa học của Bộ Giáo dục & Đào tạo chọn bài giảng của anh làm bài giảng kiểu mẫu cho học sinh THPT. Càng đặc biệt hơn, khi anh cũng vinh dự được lựa chọn làm thành viên của Tổ soạn thảo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng, qua đó chọn ra phương pháp, giáo án quy chuẩn nhất để đưa vào giảng dạy cho các em học sinh trên toàn bộ địa bàn tỉnh. Hàng năm, thầy Trần Đình Tuấn cũng luôn được Trung đoàn Cảnh sát cơ động mời về ôn luyện môn Sử cho các chiến sĩ (thuộc đối tượng nghĩa vụ) tại đơn vị, khi họ có nhu cầu thi tuyển vào các trường Trung học, Đại học An ninh, Cảnh sát chuyên nghiệp.
 
Thầy Trần Đình Tuấn không nói, nhưng chúng tôi biết, có là gì đi nữa, dẫu chỉ là hạt cát thôi cũng được, thì ngọn lửa trong anh chưa bao giờ ngừng tắt. Ngọn lửa ấy dẫu nhỏ, nhưng luôn rực sáng để truyền đi cảm hứng đam mê.
 
TUẤN LINH - THU HIỀN