Sự bằng lòng và điều tử tế

03:11, 20/11/2020

(LĐ online) - Thú thực là tôi đã từng rất nhiều lần cầm những chiếc bì thư chứa những tờ 2 đến 300 ngàn đồng để đưa tận tay các thầy, cô giáo trong những ngày lễ cần phải đưa. Đã có đôi lần dùng dằng vì lương tâm, chưa đến nỗi cắn rứt nhưng thấy tổn thương vì sự ngại ngùng...

(LĐ online) - Thú thực là tôi đã từng rất nhiều lần cầm những chiếc bì thư chứa những tờ 2 đến 300 ngàn đồng để đưa tận tay các thầy, cô giáo trong những ngày lễ cần phải đưa. Đã có đôi lần dùng dằng vì lương tâm, chưa đến nỗi cắn rứt nhưng thấy tổn thương vì sự ngại ngùng. Sự tổn thương ấy đến từ những nỗi lo vô hình, là vì những đứa trẻ của thời buổi hiện đại, chúng thụ động đến mức mỗi ngày chở đến trường là cả một ngày dài lắng lo.
 
Chiếc bì thư chứa những tờ 2 đến 300 ngàn đồng...
Chiếc bì thư chứa những tờ 1 đến 200 ngàn đồng...
Những câu hỏi, “con đi học có vui không” thường nhận lại sự im lặng. “Con có bị cô giáo la không” sẽ là những cái gật đầu mà trong ánh mắt trẻ thơ đầy những đắn đo câu trả lời. Chẳng biết tự bao giờ niềm vui đến trường đáng ra thuộc về lũ trẻ, hóa ra lại thuộc về những toan tính của các bậc phụ huynh.
 
Giống như “thông lệ bất thành văn”, tự động đến mức vô tri và giống như điều cần phải thế, các bậc phụ huynh, kể cả những người đức cao vọng trọng, những người có vị thế, có chỗ đứng, hay đến những người quanh năm phải vất vả mưu sinh ... đều mặc nhiên trong những ngày lễ cần phải tự tay nhét vào những chiếc bì thư, một số tiền được cân dịnh bằng hai chữ “giá sàn” để mua sự bình an cho những đứa con. 
 
Phụ huynh thản nhiên đưa, thầy cô thản nhiên nhận. Bình thản đến mức nó trở thành một quy chuẩn dù đạo đức của người nhận và kẻ đưa không cho phép. Tất nhiên vẫn có lời cảm ơn, vẫn có những giao tình nhưng tất cả đều không vượt qua được sự sợ hãi. Chẳng biết từ bao giờ việc đưa bì thư cho thầy, cô giáo trở thành thông lệ, nhưng nó đã biến sự dạy dỗ của thầy cô trở thành sự mua bán, sự giáo dưỡng của mẹ cha trở thành thứ yếu bởi những mệnh giá giữa thời buổi mà số tiền ấy chẳng kiếm được một bữa ăn ngon.
 
20/10; 08/03; 20/11; tết Nguyên Đán; tết Dương lịch ...và vô vàn những ngày tháng có liên quan, những bó hoa trở thành vô nghĩa, chỉ có giá trị của những chiếc bì thư mới trở nên quan trọng. Phụ huynh thì sợ những đứa con của mình bị vùi dập, bị bỏ quên, bị đối xử một cách thiếu công bằng. Thầy cô thì xem đó là “nghĩa cử” là “lễ lạt” mà phụ huynh cần phải đáp lễ, phải “tri ân”. Trong vòng xoáy đó, việc giáo dục, việc ươm mầm, việc nuôi dưỡng, việc bảo ban cho sự lớn lên của một đứa trẻ lại trở thành những thứ tầm thường. 
 
Đạo “Quân – Sư – Phụ”; truyền thống ngàn năm “Mồng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy” bỗng dưng trở thành trò bán buôn. Truyền thống hiếu học của một dân tộc vốn tôn sư trọng đạo với: “Bống bồng mẹ bế con sang. Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo. Muốn sang thì bắc cầu Kiều. Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” lại được dịch chữ trở thành trò bông lơn với biến thiên những đoán định vô căn cứ.
 
Chẳng đặng đừng mới phải nói ra điều đó. Bởi còn rất nhiều thầy, cô giáo phải đánh đổi cả tuổi thanh xuân vì giấc mơ con chữ của đám trẻ vùng sâu. Những người với đồng lương ít ỏi vẫn miệt mài bám lớp, bám trường, thầm lặng đánh đổi vì đạo nghĩa thầy trò. Họ xứng đáng được tôn trọng, được cảm ơn, được tri ân. Lương tâm họ cho phép được ngẩng cao đầu mà không cần phải chột dạ, phải tự vấn vì những phán xét của đám đông thiên hạ chỉ dành cho phần ít ỏi còn lại.
 
Ở những nơi tôi đã đi qua, ở những xa xôi và nghèo khó nhất vùng đất Nam Tây Nguyên như Đưng K’Nớ; Đồng Nai Thượng; Tôn K’Long; Đạ Long; Đạ M’Rông ...các thầy, cô ở đó vẫn hưởng trọn niềm vui trong ngày tết của mình bằng sự hồn nhiên của đám trẻ học trò, bằng những bó hoa rẻ tiền chúng tặng. Hơn thế, có chăng là miếng gạo nếp nương, con gà, con vịt nuôi ở vườn nhà, phụ huynh góp vui để các thầy, cô giáo có được bữa tiệc trong ngày vui của mình.
 
Đâu cứ phải vật chất, niềm vui của những người đứng lớp ở những nơi mà miếng cơm, manh áo của người dân đang còn phải chật vật. Lũ trẻ đến trường còn thiếu những đôi dép lành lặn để mang, với họ chúng đọc tròn vẹn con chữ trong mỗi ngày đến trường đã niềm vui khôn xiết. Hạnh phúc của người thầy là gì ư? Giản đơn thôi, học trò lớn lên, tri thức ắp đầy, dù tóc mình có bạc thêm cũng đáng để đánh đổi. 
 
Ở đâu đó vẫn còn sự bằng lòng, điều tử tế của nghĩa đạo cha mẹ với thầy cô, của thầy với trò vẫn còn bị coi nhẹ, vẫn còn mặc cả bán mua dù chỉ tồn tại trong suy nghĩ, xem ra đích đến của một nền phát triển giáo dục toàn diện vẫn còn lắm những chông gai. 
 
TUẤN LINH