Thầm lặng nghề giáo

05:11, 19/11/2020

(LĐ online) - Nét nhẹ nhàng, duyên dáng của người phụ nữ Đà Lạt, giản dị và ân cần là những gì tôi cảm nhận được khi tiếp xúc với cô Lê Phùng Quỳnh Giang, giáo viên Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, TP. Đà Lạt. 49 tuổi đời, 27 năm tuổi nghề, là quãng thời gian mà cô luôn trách nhiệm, tận tâm với công việc dạy học, thầm lặng đóng góp cho sự nghiệp "trồng người". 

(LĐ online) - Nét nhẹ nhàng, duyên dáng của người phụ nữ Đà Lạt, giản dị và ân cần là những gì tôi cảm nhận được khi tiếp xúc với cô Lê Phùng Quỳnh Giang, giáo viên Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, TP. Đà Lạt. 49 tuổi đời, 27 năm tuổi nghề, là quãng thời gian mà cô luôn trách nhiệm, tận tâm với công việc dạy học, thầm lặng đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”. 
 
Cô Giang cùng học trò
Cô Giang cùng học trò
 
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nhà giáo, mẹ, cậu và anh, chị đều là giáo viên, nên từ khi còn nhỏ, cô Lê Phùng Quỳnh Giang đã cảm nhận được sự cao quý của nghề giáo. Nói về “nghề cầm phấn”, có lẽ, người đầu tiên cô nghĩ đến chính là mẹ mình, mẹ cô là cựu giáo viên, cũng là một tấm gương nhà giáo ưu tú, mẫu mực để cô luôn noi theo. Trong ký ức của cô Giang về mẹ luôn rõ nét hình ảnh mẹ cô say sưa với công việc, đêm khuya đèn soi một góc, bên chồng vở cao, mẹ cần mẫn chấm bài cho học trò rồi lặng lẽ soạn giáo án đến khuya muộn. 
 
“Mẹ tôi luôn hết lòng, tận tụy cho công việc dạy học. Mẹ là người thầy đầu tiên của tôi, bà mẫu mực từ cách sống đến công việc” - cô Giang nói. Vì lẽ đó, mà cô càng trân trọng nghề giáo viên hơn bao giờ hết. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, giữa nhiều lối đi cho nghề nghiệp, sau cùng cô vẫn chọn gắn bó, cống hiến cho nghề giáo viên.
 
 Cô Giang theo học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, năm 1993 cô về Trường Tiểu học thực nghiệm Lê Quý Đôn công tác cho đến nay. Ngày mới về trường, cô đảm nhiệm dạy môn toán, tin học cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 9, đến năm 2000 cô được điều chuyển dạy các em lứa tuổi tiểu học. Cô chia sẻ, thời điểm đó, cô phải tự học thêm, nỗ lực rất nhiều để có thể hoàn thành được công việc. “Tôi vẫn nhớ như in ngày đầu tiên dạy Tiếng Việt cho các em tiểu học lúng túng như thế nào. Sau lần đó, để dạy cho các em hiểu bài, tôi học thêm tâm lý sư phạm rồi tìm tòi nhiều phương pháp giảng dạy mới”- cô nói. 
 
Nhớ lại quãng thời gian với nhiều khó khăn, áp lực về công việc lẫn cuộc sống, cô Giang tâm sự, đã có lúc cô dường như muốn buông, nhưng rồi niềm đam mê với nghề, tình yêu của học trò, đồng nghiệp, sự ủng hộ của gia đình đã níu chân cô ở lại. Để đến nay cô vẫn tiếp tục đứng trên bục giảng và càng trân trọng hơn sự nghiệp “trồng người”. Cô nói: “Phải thực sự đam mê, dành hết tâm tư với nghề mới có thể gắn bó với nghề”. 
 
27 năm gắn bó với Trường Tiểu học Lê Quý Đôn là ngần ấy thời gian cô dành trọn tâm huyết với nghề giáo. Để các em hứng thú với kiến thức, tiếp thu bài giảng được tốt nhất, cô không chỉ dành nhiều thời gian để tìm tòi, nghiên cứu các phương pháp giảng dạy tích cực mà còn tự trau dồi kiến thức, kỹ năng để đáp ứng các yêu cầu soạn giảng tích hợp với ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. 
 
Từ phương pháp Lấy học sinh làm trung tâm, cô Giang sáng tạo giải pháp “Giảng dạy theo đối tượng học sinh trong một tiết học Toán lớp 5”, giải pháp này được Hội đồng khoa học, sáng kiến nhà trường và ngành Giáo dục tỉnh đánh giá cao trong kỳ thi Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh và được công nhận trong Liên hoan Giáo viên giỏi dạy giỏi tiểu học cấp Quốc gia. Ngoài ra, cô còn xây dựng các bài học cho học sinh tiếp cận với ứng dụng công nghệ thông tin. Nhờ đó, nhiều học sinh do lớp cô chủ nhiệm tự tin đạt giải cao trong các cuộc thi Olympic Tiếng Anh, Toán qua Internet cấp trường, thành phố và cấp Quốc gia. 
 
Nhiều năm gắn bó với nghề giáo, cô Giang cho rằng, nghề giáo là nghề khó, vì là nghề nuôi dạy con người. Bản thân là giáo viên, ngoài tinh thần trách nhiệm, luôn học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn còn cần phải luôn gương mẫu, chỉn chu trong tác phong lẫn giao tiếp không chỉ trong nhà trường mà còn trong cuộc sống thường ngày. Phải luôn giữ gìn lối sống đạo đức nghề giáo thì khi đó mới dạy học trò nên người được. 
 
Vì quan niệm đó, mà cô luôn sống giản dị, chân thành với đồng nghiệp, đặc biệt luôn dành sự quan tâm, tình thương cho học trò của mình. Cô sẵn sàng đồng hành với phụ huynh trong việc dạy học cho con và tư vấn cách xây dựng “tình bạn” giữa cha mẹ và con cái. Vì vậy mà trong suốt thời gian dài dạy học cô Giang luôn được đồng nghiệp, phụ huynh lẫn học trò yêu quý. 
 
Thầy Nguyễn Văn Nam - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn chia sẻ: “Cô Giang là một giáo viên có trách nhiệm, tâm huyết với nghề, luôn nỗ lực phát triển bản thân hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong công tác. Là một cô giáo giản dị, khiêm tốn, âm thầm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Có thể nói, từ đạo đức đến nghiệp vụ sư phạm cô đều mẫu mực”.
 
Sau những nỗ lực, tâm huyết với nghề không ngơi nghỉ là những kết quả đáng ngưỡng mộ của cô Lê Phùng Quỳnh Giang. Nhiều năm liền cô Giang đạt danh hiệu Giáo viên giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh; là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh; năm 2012 cô vinh dự được công nhận là Giáo viên dạy giỏi tiêu biểu trong Liên hoan giáo viên giỏi cấp Quốc gia và nhận Bằng khen của Bộ giáo dục và Đào tạo trong cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Ngoài ra, cô cũng được công nhận là 1 trong 120 gương điển hình nhân “Kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển”. 
 
Đạt nhiều thành tích, nhưng đối với cô Giang, niềm vui lớn nhất là được làm nghề giáo bình dị.Đó là khi được đứng lớp, là khi cảm nhận được tình yêu thương của học trò dành cho mình, là mỗi ngày vào trường, vào lớp có học sinh thân yêu ùa ra chào đón. Và vui hơn nữa, là khi các em tiếp thu được những kiến thức mà mình đã tận tâm truyền dạy. 
 
NHẬT QUỲNH