Truyền thông cơ sở, ''sứ giả'' của chương trình mục tiêu quốc gia

06:11, 16/11/2020

Không quá lời khi đưa ra nhận định trên, bởi hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở như cầu nối gần nhất để đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn.

Không quá lời khi đưa ra nhận định trên, bởi hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở như cầu nối gần nhất để đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn.
 
Sở TT&TT lắp đặt và bàn giao hệ thống phát thanh cho các xã vùng sâu (Hình do Phòng BCVT Sở TT&TT cung cấp)
Sở TT&TT lắp đặt và bàn giao hệ thống phát thanh cho các xã vùng sâu (Hình do Phòng BCVT Sở TT&TT cung cấp)
 
Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin cũng như tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông luôn được Sở Thông tin và truyền thông (TT&TT) Lâm Đồng lên kế hoạch xây dựng chi tiết, đồng thời triển khai đồng bộ rộng khắp tại các địa bàn vùng sâu khó khăn của tỉnh trong những năm vừa qua.
 
Không chỉ đơn thuần là cơ quan chức năng hướng dẫn một số quy định cụ thể và điều kiện xét công nhận đạt tiêu chí số 8 về thông tin và Truyền thông trên địa bàn tỉnh; Sở TT&TT còn ban hành nhiều văn bản để các địa phương căn cứ tiến hành rà soát, đánh giá lại thực trạng của hệ thống truyền thanh cơ sở, qua đó giúp cho công tác này đạt được hiệu quả cao nhất.
 
Quan trọng hàng đầu và cũng là điều kiện tiên quyết đảm bảo thành công cho tất cả các chương trình, phong trào thi đua khi đưa vào triển khai trên thực tế đời sống, chính là công tác tuyên truyền. Dựa trên những nguyên tắc chuẩn mực ấy, Sở TT&TT đã kịp thời đưa thông tin công tác giảm nghèo bền vững về cơ sở. Hướng dẫn các địa phương mở chuyên trang điện tử tuyên truyền với nội dung phản ánh đầy đủ, kịp thời các hoạt động của ban chỉ đạo các cấp, các ngành về xây dựng NTM; cập nhật các văn bản chỉ đạo điều hành hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh; phản ánh thực trạng và tiến độ xây dựng nông thôn mới (NTM); biểu dương những đơn vị điển hình trong xây dựng NTM…
 
Đồng thời, Sở TT&TT cũng chỉ đạo phòng văn hóa và thông tin các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức, kịp thời chuyển tải thông tin đến từng người dân, địa bàn khu dân cư, nhằm thực hiện tốt chương trình xây dựng NTM. Xây dựng và nắm bắt tình hình thực hiện các tiêu chí về NTM của ngành TT&TT tại các xã trên địa bàn.
 
Theo đó, công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin đã được cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể quan tâm, chỉ đạo, trở thành nhiệm vụ, mục tiêu ưu tiên, được cụ thể hóa thành nghị quyết của HĐND, kế hoạch của UBND các cấp và của từng đơn vị.
 
Bên cạnh chức năng tham mưu, hàng năm Sở TT&TT đã xây dựng kế hoạch theo dõi, giám sát thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững và tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông; phối hợp cùng các đơn vị liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát các huyện về tình hình sử dụng trang thiết bị, phương tiện tác nghiệp đã được Sở trang bị, cũng như công tác tuyên truyền của cán bộ thông tin sau tập huấn, đào đạo. Kiểm tra tình hình hoạt động của các điểm cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông, internet; việc sử dụng các phần mềm, ứng dụng CNTT trong công tác điều hành, quản lý; công tác tuyên truyền về NTM; hoạt động của các đài truyền thanh cơ sở.
 
Ngay sau khi kế hoạch giai đoạn được triển khai, Sở TT&TT đã in 15.000 cuốn ấn phẩm tuyên truyền “Cẩm nang dành cho hộ nghèo” được in bằng 3 thứ tiếng (tiếng Việt, tiếng K’Ho và tiếng H’Mông) phát cho hộ nghèo tại các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng như được đọc - phát trên hệ thống truyền thanh cơ sở. Trong đó ưu tiên các địa bàn có đông hộ nghèo và cận nghèo, đồng bào DTTS (riêng thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc, chỉ phân bổ ấn phẩm để phục vụ phát trên các đài truyền thanh cơ sở). Điều này, đã góp phần giúp người dân tiếp cận được với các thông tin về hỗ trợ giảm nghèo của Trung ương và của tỉnh. Đồng thời, Sở cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn đăng tải toàn bộ nội dung “Cẩm nang dành cho hộ nghèo” bằng tiếng Việt trên Trang thông tin điện tử của các huyện, thành phố.
 
Liên tục từ năm 2017 đến 2019, Sở đã phối hợp với UBND các huyện tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cho hơn 1.650 cán bộ thông tin và truyền thông ở cơ sở; Trưởng đoàn thể cấp xã (cán bộ Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên…); cán bộ thôn, tổ dân phố và cán bộ làm công tác mặt trận, công tác văn hóa, tuyên truyền của thôn.
 
Theo ông Đặng Kim Tuấn - Trưởng phòng Bưu chính Viễn thông (Sở TT&TT): “Bắt đầu từ năm 2017, Sở đã tiến hành đầu tư, lắp đặt trang bị phương tiện tác nghiệp phục vụ thông tin tuyên truyền tại 4 xã khu vực III: Lộc Nam thuộc huyện Bảo Lâm, Đa Quyn thuộc huyện Đức Trọng, Đưng K’Nớ và xã Lát thuộc huyện Lạc Dương.
 
Năm 2018 là tại 8 xã: Đan Phượng thuộc huyện Lâm Hà; Đạ Tông, Đạ Long thuộc huyện Đam Rông; Đồng Nai Thượng thuộc huyện Cát Tiên; Bảo Thuận thuộc huyện Di Linh; Đạ Ploa thuộc huyện Đạ Huoai và Lộc Bảo, Lộc Bắc thuộc huyện Bảo Lâm.
 
Tiếp theo đó, trong năm 2019 là ở những xã vùng sâu khác, bao gồm: Đinh Trang Thượng, Gia Bắc (huyện Di Linh); Lộc Tân (huyện Bảo Lâm); Đạ Pal, Quốc Oai (huyện Đạ Tẻh); Mỹ Lâm (huyện Cát Tiên); Phi Liêng (huyện Đam Rông); Tân Thanh (huyện Lâm Hà) và đầu tư hệ thống thông tin tuyên truyền cấp huyện tại huyện Đam Rông”.
 
Cùng với việc đầu tư lắp đặt hệ thống thông tin cổ động, phần lớn các xã khó khăn nằm trên địa bàn của Lâm Đồng cũng được Sở TT&TT tiến hành nâng cấp hệ thống, thay thế cho các cụm loa truyền thanh cơ sở đã bị xuống cấp, hư hỏng. Theo dự kiến, đến hết năm 2020, Sở TT&TT sẽ tiếp tục rà soát các xã đủ điều kiện để tiến hành đầu tư, nâng cấp hệ thống truyền thanh cơ sở hoàn chỉnh. 
 
Đánh giá về hiệu quả, ông Huỳnh Minh Hải - Phó Giám đốc Sở TT&TT cho biết: “Các chính sách của Đảng và Nhà nước, các chương trình, dự án trong công tác giảm nghèo và xây dựng NTM đã được tuyên truyền đến cán bộ và Nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số một cách tích cực, có hiệu quả với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Việc tuyên truyền công tác giảm nghèo đã khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên của người dân. Cùng với đó, việc đầu tư trang thiết bị thông tin tuyên truyền cũng giúp người dân tiếp cận các chính sách của Đảng, Nhà nước một cách nhanh chóng và thuận tiện hơn”.
 
Cũng theo ông Huỳnh Minh Hải, bên cạnh những mặt đạt được, vấn đề giảm nghèo thông tin vùng sâu cũng còn tồn tại không ít những hạn chế. Nổi cộm nhất vẫn là thiết bị đài truyền thanh cơ sở được đầu tư ở thời điểm công nghệ truyền thanh còn lạc hậu, nhiều nguồn khác nhau, dẫn đến chưa đồng bộ, hư hỏng thường xuyên, chính sách sau đầu tư như duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp chưa hợp lý đã khiến nhiều hệ thống bị xuống cấp, ảnh hưởng đến chất lượng. Nguyên nhân lớn nhất và nan giải nhất vẫn là vấn đề kinh phí để khắc phục.
 
Sẽ ít người tin, nhưng truyền thông cơ sở luôn đạt hiệu quả với phần trăm cao hơn bất cứ một loại thông tin đại chúng nào khác. Với hơn 90% người dân tiếp cận được với thông tin từ những gì truyền thông cơ sở chuyển tải là một sự thật.
 
LINH ĐAN