Nơi vòng ôm của những núi thiêng

06:02, 22/02/2021

Một phần tư thế kỷ trước, xe máy hãng Minsk, Simson quấn chặt các kiểu vòng xích quanh 2 bánh ì ạch thồ chúng tôi vào Gia Bắc...

Một phần tư thế kỷ trước, xe máy hãng Minsk, Simson quấn chặt các kiểu vòng xích quanh 2 bánh ì ạch thồ chúng tôi vào Gia Bắc. Quăng quật non nửa ngày đường giữa đất rừng nhão nhoét. Bây giờ vẫn cự li ấy, nhưng đường láng nhựa, lung linh hoa nắng của rừng xanh mút trời. Thanh âm đại ngàn từ các ngọn núi thiêng Ha Lôn, Rơ Gú, Lú Cọp, Tạ Trồn… vẫn ôm lấy vùng đất biên tỉnh.
 
Đường đã thảm nhựa
Đường đã thảm nhựa
 
Con đường đầy hoa nắng
 
Từ thị trấn huyện Di Linh, chia tay với Bí thư Huyện ủy Đinh Văn Tuấn và Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy K’Broi, tôi trở lại xã Gia Bắc bằng chiếc xe máy mượn của anh Tuấn. Cách thị trấn 40 cây số, về hướng Đông nam, Gia Bắc giáp với tỉnh Bình Thuận, trải dài hơn 28 cây số, neo theo Quốc lộ 28 nhưng dân cư quần tụ chủ yếu ở các thôn Đà Hiòng, Nao Sẻ, Bù Bê, Ka Sá, Hà Giang. Mùa khô, gió hun hút. Hơi buốt phả ra từ tán rừng lá rộng thường xanh và vách đá. Con chim rất lớn, sải cánh dài cả mét, chao liệng dọc cung đường uốn lượn. Vẫn lảnh lót ríu ran những dàn đồng ca của chim muông xuyên qua nắng lạnh. Những công nhân đến từ Bà Rịa - Vũng Tàu miệt mài duy tu con lộ 28. Khi bản tình ca đại ngàn hùng vĩ ngân vang từ dòng thác 7 tầng Đạ Đào vọng rõ tiết tấu, có nghĩa đã đến trung tâm xã. Núi chập chùng bao quanh, mút màu diệp lục, phô bày 76,94% độ che phủ rừng. Dọc Quốc lộ 28, lớp lớp cuộn ống to chuẩn bị được hạ địa để người dân các thôn Hà Giang, Đà Hiòng, Ka Sá có thêm nguồn nước sạch sinh hoạt hợp vệ sinh hơn. Từ 85%, năm 2021 này, xã sẽ nâng lên 90% dân cư được sử dụng nước hợp vệ sinh. Sân nối sân nhà kề nhà, bà con Cơ Ho phơi cà phê khắp nơi. Trong nắng mật ong có hương cà phê pha trộn... Kết thúc vụ, Gia Bắc đạt 1.050/ 1.482 ha cà phê có thu hoạch, năng suất trên dưới hai tấn/ha. 
 
Bí thư Đảng ủy xã Gia Bắc, anh K’Vững chờ tôi theo lời hẹn. Trưởng thành từ cán bộ địa chính xã, kế toán, Phó Chủ tịch UBND, rồi làm Chủ tịch Ủy ban xã 3 nhiệm kỳ, từ 2005-2020. Nhiệm kỳ này, người cán bộ 50 tuổi này nhậm chức Bí thư. Uống ly trà với anh, tôi hỏi K’Vững đầu làng có cây rất to nay ở đâu. Cây Dầu đường kính gốc khoảng 2 mét, sừng sững bên Quốc lộ, chứng cho chúng tôi những năm 90 của thế kỷ trước dừng chân nghỉ ở đó, có Tổng Biên tập báo Phạm Vĩnh và nhà báo Hoàng Kiến Giang. Nó chở che mỗi người đi qua, ra vào vùng đất của những ngọn núi thiêng. K’Vững và nhóm bạn trẻ viên chức xã cùng xác tín với tôi, cây Dầu khô theo tuổi già, người dân đã cưa hạ. Chợt khơi lại kỷ niệm ở các bạn về cái thời học với nhau từ lớp 6 đến lớp 12, thời “học một buổi, đi hai ngày”. Để lên trường nội trú tỉnh ở Đà Lạt học, các bạn đi bộ vòng xuống tỉnh Bình Thuận, qua Ma Lâm, La Giạ, đến Ngã 3 Đại Bình ở Bảo Lộc rồi ra Quốc lộ 20 bắt xe ô tô lên. Cây Dầu vừa là điểm xuất phát khi đi, là đích đến khi về; vừa là ký ức, là biểu tượng của sức mạnh tinh thần hùn hạp cho những đứa học trò những tháng ngày nhọc nhằn kiếm chữ. Trong số hơn 20 người Gia Bắc tốt nghiệp đại học, cao đẳng, các bạn trẻ ở lại với đất cây Dầu: K’Diên, sinh năm 1985, từng là Trưởng công an xã; K’Nhân, sinh năm 1980, bác sĩ, Trưởng trạm Y tế xã; K’Trinh, sinh năm 1980, cán bộ địa chính xã; Ka Trôi, văn thư trường học... Cùng với cây Dầu, con đường nham nhở hốc hác đã trở thành chuyện quá vãng. Đường Gia Bắc nhựa thảm xong năm 2002. Ô tô xuôi ngược từ vùng biển Bình Thuận lên đất Di Linh, sang tận Đắc Nông giờ chạy phà phà. 
 
Chuẩn bị đẩy xe vào cổng trụ sở xã thì tôi dừng lại bởi cuốn hút theo sự rộn ràng của lũ trẻ giờ tan trường. Ngôi trường hai tầng xây khang trang bên những tán cây đượm bóng. Gia Bắc tuy mới đạt 50% trường chuẩn, nhưng phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở đều đúng độ tuổi; sĩ số học sinh được duy trì 100% ở mầm non, tiểu học và trên 99% ở THCS. Bí thư K’Vững cũng cho tôi biết thêm: Hiện xã có khoảng 740 hộ dân với khoảng 3.500 người, đồng bào dân tộc Cơ Ho chiếm đến 98%. Đầu năm 2021, Gia Bắc có giá trị sản xuất/ha canh tác đạt 65 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 28 triệu đồng/năm; hộ nghèo còn 8,3%; tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn 15,5%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 100%... Gia Bắc đã đạt 18/19 tiêu chí về xây dựng “nông thôn mới”. 
 
Nhà nhà phơi cà phê
Nhà nhà phơi cà phê
 
Thay đổi tổ chức sản xuất
 
“Nhưng còn khó khăn lắm nhà báo ạ. Đất Gia Bắc không thuận lợi cho sản xuất, nhất là mùa khô thiếu nước. Kinh tế khó phát triển nên tiêu chí “nông thôn mới” về thu nhập và liên quan đó là nhà ở đang hết sức khó đạt. Toàn xã còn trên 100 nhà tạm, chiếm hơn 10% số nhà trong xã”, Bí thư K’Vững nói. Anh trải lòng thêm về yếu tố “địa” không “lợi”, “thiên” không “thời”, chứ không phải nông dân không chịu khó: “Người Gia Bắc họ di cư ra vùng xã Tân Châu, lập làng thành Thôn 1, Thôn 2 và Thôn 3 bây giờ, ai cũng có cuộc sống rất khá đấy anh. Đất Tân Châu ngoài đó dễ dàng hơn trong này nhiều lắm…”. Người ở lại, dĩ nhiên vẫn cần cù chịu khó, từng bước nâng thu nhập từ 13, 14 triệu đồng trung bình mỗi đầu người/năm vào 10 năm trước nay đã đạt 28 triệu rồi, và phấn đấu cuối năm 2021 này đạt 30 triệu đồng. Từ năm 2018-2020, Gia Bắc đã tái canh được 59 ha cà phê; giữ ổn định 430 ha bắp với năng suất bình quân 2 tấn/ha. Xen canh 12,8 ha sầu riêng, 46 ha bơ ghép, 7 ha mắc ca, 5,5 ha hồ tiêu… Năm 2021, Gia Bắc kế hoạch trồng 30 ha mắc ca, 10 ha chuối Laba, tái canh tiếp 20 ha cà phê. Phấn đấu 60% diện tích cây cà phê có nước tưới. Nỗ lực nhằm giảm hộ nghèo xuống 5,5%, nhưng tiêu chí thu nhập để đạt “nông thôn mới” thì chắc chắn còn nan giải. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Di Linh - anh Đặng Văn Khá cũng đã phân tích với tôi: “Là xã thuần nông như Gia Bắc, chỉ quyết liệt thay đổi tổ chức sản xuất và sự hỗ trợ mạnh thì hai xã cuối cùng của huyện Di Linh là Gia Bắc và Sơn Điền mới về được đích nông thôn mới. Cái khó nhất vẫn là năng suất và sản lượng nông nghiệp”. 
 
Và Gia Bắc đã có những điển hình sản xuất hiệu quả. Đó là hộ các anh: Hà Rung Dũng thôn Đà Hiòng, K’Yêm thôn Ka Sá, K’Trung thôn Nao Sẻ,... Từ cà phê và bơ, gia đình các hộ này tạo dựng được những ngôi nhà khang trang, như Phó Trưởng Trạm Y tế xã K’Yêm, nhà trên một tỷ đồng vào năm 2020; như Chủ tịch Hội Nông dân xã K’Trung nhà xây từ năm 2012 với 520 triệu đồng… Tiếp tôi nơi bộ sa-lon gỗ sang trọng, K’Trung sinh năm 1970 mở lòng thân tình. Gia đình có hai trong số 3 ha cà phê đã thu hoạch, mỗi năm đạt 5-7 tấn nhân khô. Xưa chưa có đường vào ra thuận, nay Quốc lộ 28 góp phần quan trọng cho giá nông sản không bị kìm. Cà phê gia đình K’Trung bán 31 ngàn đồng/kg, 13-14 tấn bắp mỗi vụ có giá 6 ngàn đồng/kg. Với khoảng 740 hộ dân, Gia Bắc đã có 525 hộ tham gia hội viên nông dân. Đây là điều kiện để nhà nông tiếp cận kiến thức khoa học kỹ thuật và đặc biệt mạnh dạn thay đổi phương thức canh tác lạc hậu. Những thửa đất xa nguồn nước được khuyến cáo chuyển đổi cây trồng. Năm 2021, xã đã ký kết với doanh nghiệp để bà con chuyển đổi trồng cây mắc ca trên 30 ha và trồng chuối Laba 10 ha. Cách làm là vừa thay đổi dần nhận thức của nông dân vừa chuyển đổi diện tích dần theo phương thức cuốn chiếu, một lúc không thể đủ lực. “Nhưng khó nhất là vay vốn, vốn ít quá do mức đầu tư lớn, giá cà phê thì giảm, giá vật tư nâng lên. Đảng ủy và chính quyền xã vận động, tuyên truyền, đồng thời giúp bà con theo kiểu cầm tay chỉ việc”, anh K’Trung nói. 
 
Giờ tan trường của học sinh
Giờ tan trường của học sinh
 
Những gương chuyển đổi giống mới năng suất cao và áp dụng kỹ thuật làm hạt nhân lan tỏa. Đó là hộ các ông: K’Brên, K’Viễn đạt 10-12 tấn/ha; ông K’Min, K’Bảy đạt đến 14-15 tấn/ha… Điển hình tiên phong trồng xen là hộ anh Hà Rung Dũng, sinh năm 1972. Anh dẫn tôi tham quan vườn cây trồng xen giữa cà phê và bơ, cây nào cũng vươn cành sung mãn kết những chuỗi hoa và lộc non đượm mắt. Từng là Phó Công an xã, năng động và nhạy bén, 4 ha cà phê anh trồng xen 50 gốc bơ với 5 sào. Ngoài cà phê (năm cao nhất đạt 7 tấn nhân khô), hàng tháng vợ chồng Hà Rung Dũng - Ka Mhiêm thu nhập từ nhiều cây trái khác như bơ, điều, chuối thu vào 1,5-2 triệu đồng. Hà Rung Dũng nói kinh nghiệm ghép xen: “Quan trọng là mọi cây đều phát triển tốt. Tôi tham khảo kiến thức từ Trung tâm Nông nghiệp huyện rồi chọn giống có kiểm nghiệm từ cơ quan chức năng và phải phù hợp với địa hình theo khuyến cáo. Muốn đạt năng suất phải bón phân đầy đủ và phân chuồng là tốt nhất, chăm sóc đúng thời kỳ… Khó khăn là nhận thức của một số bà con không dám chuyển đổi cây trồng do tập tục, mặc dù họ có điều kiện. Phải mạnh dạn, kiên quyết thì dần dần mới có”. Điều kiện kinh tế khá giả, cả 3 con gái (Ka Trôi, Ka Trăng, Ka Ngân) đều tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng, con trai K’Dong hiện là công an tỉnh. Ngồi trong ngôi nhà xây từ năm 2014 với trên 400 triệu đồng, niềm vui từ ông chủ Hà Rung Dũng đến với tôi khi được biết gia đình vừa đầu tư trên 200 triệu đồng để khoan giếng phục vụ tưới cây trồng. Nhìn ra sân phơi cà phê no nắng, máy cày chở cà phê rộn tiếng, tôi có cảm giác yên bình đến lạ! Những ngọn núi thiêng vẫn bao bọc chở che để người dân Gia Bắc tự tin vươn mình đứng dậy…
 
Đà Lạt, tháng 2 năm 2021
 
MINH ĐẠO