Những cô gái đam mê khoa học

06:03, 08/03/2021

(LĐ online) - Họ là những sinh viên có niềm say mê nghiên cứu khoa học...

(LĐ online) - Họ là những sinh viên có niềm say mê nghiên cứu khoa học. Niềm đam mê ấy như được tiếp lửa khi cả 2 đề tài nghiên cứu do nhóm của Mai Nhật Bảo Hân và nhóm của Nguyễn Hoàng Nhật Khanh (Trường Đại học Đà Lạt) thực hiện đều đạt giải khuyến khích cuộc thi nghiên cứu khoa học năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
 
Mai Nhật Bảo Hân
Mai Nhật Bảo Hân
 
Đam mê cây cỏ
 
Mai Nhật Bảo Hân (sinh viên năm 4, khoa Sinh học) nói rằng mình đã thích nghiên cứu, tìm hiểu về thiên nhiên, cây cối từ những năm học phổ thông. Vậy nên, ngay khi vừa bước vào năm 2, sau quãng thời gian tiếp cận kiến thức nền tảng, Bảo Hân đã mạnh dạn đăng ký thực hành trong phòng thí nghiệm.
 
“Đó là cách em tích lũy cho bản thân những kỹ năng nghiên cứu, thực hành mà em nghĩ chúng sẽ vô cùng bổ ích cho công việc của mình sau này” - Bảo Hân chia sẻ. 
 
Sau những giờ học ở lớp, cứ rảnh rỗi là Hân lại ở phòng thí nghiệm, cùng thầy cô và các anh chị đi trước nghiên cứu cái này, thử nghiệm cái kia. 
 
Theo Bảo Hân, hàng năm, số lượng sinh viên đăng ký đề tài trong các cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp trường cũng khá nhiều, điều này đòi hỏi Bảo Hân và các bạn phải nỗ lực rất nhiều, tìm tòi những nguyên liệu, công nghệ mới. 
 
Sản phẩm tinh dầu và xà phòng từ nghiên cứu của Mai Nhật Bảo Hân đạt giải khuyến khích cuộc thi nghiên cứu khoa học năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức
Sản phẩm tinh dầu và xà phòng từ nghiên cứu của Mai Nhật Bảo Hân đạt giải khuyến khích cuộc thi nghiên cứu khoa học năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức
 
Đề tài “Bước đầu nghiên cứu thành phần hóa học, khảo sát hoạt tính sinh học của loài kinh giới núi (Elsholtzia blanda Benth) tại khu vực Lâm Đồng và ứng dụng tạo sản phẩm xà phòng thiên nhiên” của nhóm Bảo Hân đã giành giải nhất và nhận được những đánh giá tích cực từ phía Hội đồng Khoa học Trường Đại học Đà Lạt với điểm số rất cao, 97/100. 
 
“Kết quả ngoài sức mong đợi nhưng cũng rất xứng đáng khi nhóm mất nhiều tháng trời nghiên cứu, phải đi nhiều chuyến thực địa lấy mẫu trong rừng sâu, lặn lội khá vất vả. Có những ngày tiến hành làm thí nghiệm đến nửa đêm nhưng mọi người động viên nhau cùng cố gắng, không ai dám trễ nải bởi sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của đề tài” - Bảo Hân chia sẻ. 
 
Tiến sĩ Hoàng Thị Bình - Phó Trưởng khoa Sinh học cho biết, có những thí nghiệm hay đề tài phải thực hiện trong thời gian dài, nên việc ăn, ngủ tại phòng thí nghiệm dường như trở thành đặc trưng riêng của sinh viên ngành sinh học. Quan trọng nhất chính là ý thức và tinh thần làm việc nhóm. Không chỉ Bảo Hân, hầu hết các bạn đều đã làm rất tốt mà kết quả đạt được đã chứng minh hiệu quả cũng như là động lực khuyến khích sinh viên tiếp tục dành thời gian cho nghiên cứu khoa học”.
 
Chuẩn bị bước chân ra ngưỡng cửa cuộc đời, Bảo Hân tự tin khi bản thân được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng nghiên cứu khoa học để có thể ứng dụng vào công việc. Ước mơ của cô gái Đà Lạt là có được một công việc theo đúng ngành nghề mà mình đang theo học để từ đó có môi trường để tiếp tục học tập, nghiên cứu, nâng cao thêm các kỹ năng mình đã tích lũy trong thời gian qua, từ đó có thể để góp phần phát triển ngành công nghệ sinh học ở địa phương.
 
Nguyễn Hoàng Nhật Khanh
Nguyễn Hoàng Nhật Khanh
 
Khanh “nhập liệu”
 
Khanh “nhập liệu” là cái tên mà bạn bè và gia đình đặt cho Nguyễn Hoàng Nhật Khanh (sinh viên năm 3 khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh). Bởi lẽ, bắt đầu từ năm 2, Nhật Khanh tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp trường và cô nàng dường như có niềm yêu thích đặc biệt với những con số. 
 
“Đây là đề tài về lĩnh vực kinh tế nên nhiều người sẽ cảm thấy khô khan và không phải ai cũng đủ kiên nhẫn khi phải dành nhiều thời gian để tìm tòi thông tin, dữ liệu, tiến hành các tính toán… Thêm vào đó quá trình nhập liệu với hàng ngàn số liệu, biểu mẫu nhiều quá khiến đôi lúc khiến em căng thẳng bởi phải tập trung cao độ. Thế nhưng khi những nỗ lực được ghi nhận thì đó là quả ngọt” - Nhật Khanh tâm sự.
 
Ở cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp trường năm 2020, đề tài “Mối liên hệ giữa đòn bẩy tài chính và hiệu quả kinh doanh” - một nghiên cứu thực chứng của các công ty niêm yết ngành bất động sản tại Sở giao dịch Chứng khoán Hồ Chí Minh (HOSE) giai đoạn 2011-2018 của Đặng Duy Nam và Nguyễn Hoàng Nhật Khanh cũng đã xuất sắc vượt qua các đề tài khác trong nhóm để dành giải nhất.
 
Còn đề tài “Tác động của sự tập trung trong danh mục cho vay đến lợi nhuận và rủi ro các ngân hàng tại Việt Nam”, Nhật Khanh cũng mạnh dạn gửi bài dự thi Hội thảo Khoa học toàn cầu năm 2021 và hi vọng sẽ nhận được kết quả khả quan. Đây cũng là lần đầu tiên một mình Nhật Khanh hoàn thành một đề tài được đánh giá là khó mà không phải sinh viên nào cũng có thể hoàn thành.
 
Đến hôm nay ngồi nhớ lại, Khanh vẫn chưa quên được cảm giác run sợ lẫn vui mừng khi hoàn thành buổi báo cáo đề tài nghiên cứu trước một hội đồng bao gồm các thầy cô giáo, những nhà nghiên cứu khoa học hàng đầu của trường. Lắng nghe những lời khen và động viên các thầy cô dành cho mình, Nhật Khanh đặt mục tiêu hoàn thành sớm và đưa ra kết quả cuối cùng để có thể ứng dụng vào thực tế. 
 
Dẫu các đề tài nghiên cứu khoa học chiếm của Khanh khá nhiều thời gian, có thời điểm chỉ được ngủ 2, 3 tiếng mỗi ngày nhưng nghĩ đến mục tiêu đang hướng đến, Nhật Khanh càng quyết tâm hơn. Việc phải cân bằng giữa việc học, hoạt động của Ban Chấp hành Đoàn khoa cũng như nghiên cứu khoa học đôi khi làm xáo trộn cuộc sống nhưng Nhật Khanh luôn cảm thấy may mắn khi được đến với nghiên cứu khoa học và cũng như được tin tưởng để chọn tham gia đề tài khó. Cô bạn cũng đang cố gắng hoàn thiện bản thân, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ để có thể bước chân vào hàng ngũ của Đảng trong thời gian tới. 
 
Theo Tiến sĩ Trịnh Thị Tú Anh - Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác quốc tế Trường Đại học Đà Lạt, hoạt động nghiên cứu khoa học ở Trường Đại học Đà Lạt đã phát triển thành một phong trào rộng khắp trong toàn trường. Sinh viên Trường Đại học Đà Lạt cũng tham gia nghiên cứu khoa học sôi nổi. Kết quả là số lượng và chất lượng các công trình của sinh viên liên tục tăng. Điều đó đã tạo nên một môi trường nghiên cứu khoa học dành riêng cho sinh viên mà ít trường có được như Trường Đại học Đà Lạt.
 
HỒNG THẮM