Mặt trận Tổ quốc Đà Lạt phối hợp tổ chức tốt công tác tiếp xúc cử tri

06:04, 07/04/2021

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Đà Lạt là đơn vị được tỉnh đánh giá cao trong việc làm tốt công tác phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội Lâm Đồng trong nội dung tiếp xúc cử tri và xây dựng chính quyền...

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) thành phố Đà Lạt là đơn vị được tỉnh đánh giá cao trong việc làm tốt công tác phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lâm Đồng trong nội dung tiếp xúc cử tri và xây dựng chính quyền. Với cách làm sáng tạo, đổi mới, chất lượng đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Đoàn ĐBQH, các ĐBQH ngày càng sát dân, gần dân hơn.
 
Cử tri Đà Lạt kiến nghị tới ĐBQH Lâm Đồng về những vấn đề còn tồn tại, bất cập
Cử tri Đà Lạt kiến nghị tới ĐBQH Lâm Đồng về những vấn đề còn tồn tại, bất cập
 
Đoàn ĐBQH đã làm tốt công tác phối hợp với Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh, các cơ quan, ban, ngành có liên quan và các huyện, thành phố để xây dựng chương trình, kế hoạch tiếp xúc cử tri theo định kỳ trước và sau các kỳ họp Quốc hội. Tại Đà Lạt, đã tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực hoặc tiếp xúc cử tri theo đối tượng. MTTQ thành phố đảm bảo các điều kiện về kinh phí, địa điểm, phương tiện như trang thiết bị âm thanh ánh sáng... phục vụ cho hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH và Đoàn ĐBQH đạt kết quả tốt nhất. Tùy theo tình hình thực tế của Đoàn ĐBQH trong từng nhiệm kỳ và đơn vị bầu cử, ĐBQH được sắp xếp thành 2 hoặc 3 tổ, mỗi tổ có từ 2 đến 3 đại biểu tiếp xúc cử tri; đại biểu không chỉ tiếp xúc cử tri tại các đơn vị mình ứng cử, mà còn tiếp xúc cử tri ở các đơn vị khác, tạo điều kiện để đại biểu nắm bắt tình hình đời sống Nhân dân ở các địa phương khác nhau trong tỉnh.
 
Nội dung tiếp xúc cử tri chủ yếu đều thực hiện theo Điều 20 Nghị quyết liên tịch số 525 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Trong 5 năm qua (2016 - 2021), Ban Thường trực MTTQ thành phố Đà Lạt đã tổ chức 18 hội nghị tiếp xúc cử tri. Trong đó, có 1 hội nghị tiếp xúc với cử tri là cán bộ, công chức cấp thành phố và 17 hội nghị tại xã, phường với khoảng 2.500 người tham dự tiếp xúc với ĐBQH Lâm Đồng. Có 176 lượt ý kiến kiến nghị gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc, nổi cộm, còn bất cập trong xã hội liên quan đến nhiều đối tượng đề nghị ĐBQH kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, tỉnh, thành phố quan tâm tháo gỡ. 
 
Sau mỗi buổi tiếp xúc cử tri với Đoàn ĐBQH, MTTQ thành phố đã kịp thời gửi biên bản hội nghị đến Ban Thường trực MTTQ tỉnh và Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh để kịp thời tổng hợp, báo cáo Quốc hội theo quy định.
 
Các kiến nghị từ cử tri, chất vấn của các ĐBQH thuộc Đoàn đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành nghiêm túc xem xét, giải quyết, trả lời. Có những nội dung được các bộ, ngành vào khảo sát trực tiếp để đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, góp phần giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tiễn của địa phương, như tháo gỡ vướng mắc đối với các công trình liên quan đến chính sách đóng cửa rừng; các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, dân di cư tự do; vốn đầu tư công trung hạn; giải quyết các kiến nghị về đường giao thông; các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, nạn nhân chất độc da cam; chính sách đối với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển dâu tằm tơ; nhập khẩu giống hoa; đầu tư các công trình thủy lợi;…
 
Trao đổi về những mặt còn hạn chế trong công tác phối hợp tiếp xúc cử tri với Đoàn ĐBQH, ông Hồ Vũ Phong - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam thành phố Đà Lạt cho biết: Bên cạnh những mặt làm được, những kết quả tích cực đáng ghi nhận trong hoạt động tiếp xúc cử tri và tham gia xây dựng chính quyền, thì từ thực tiễn cho thấy trong nhiệm kỳ qua, cử tri được tiếp xúc với ĐBQH do mình bầu ra tại đơn vị ứng cử là quá ít. Hầu như chỉ được trung bình 1 lần tiếp xúc giữa cử tri với ĐBQH. 
 
Được biết, Đoàn ĐBQH đã phối hợp với UBMTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng tiến hành tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện Nghị quyết liên tịch số 525/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN về việc tiếp xúc cử tri của ĐBQH. Qua đó, đã đánh giá được những ưu điểm và các hạn chế cần khắc phục để công tác tiếp xúc cử tri của ĐBQH ngày càng đạt kết quả tốt hơn.
 
Việc thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, MTTQ, Thường trực HĐND, UBND các cấp và các cơ quan, tổ chức hữu quan tạo sự thống nhất trong xây dựng, triển khai các nhiệm vụ, nhất là trong hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát, khảo sát, giải quyết những ý kiến, kiến nghị của cử tri... Đây là yếu tố góp phần quan trọng giúp Đoàn ĐBQH hoàn thành nhiệm vụ được giao. 
 
NGUYỆT THU