Đừng sợ… nếu phải cách ly

04:06, 15/06/2021

Chủng virus SARS-CoV-2 như "kẻ thù vô hình" gieo rắc sự truyền nhiễm cho những ai tiếp xúc gần với người bệnh...

Chủng virus SARS-CoV-2 như “kẻ thù vô hình” gieo rắc sự truyền nhiễm cho những ai tiếp xúc gần với người bệnh. Vì vậy, bất kể là ai từ các tỉnh có dịch trở về hay nằm trong vùng dịch tễ mà bệnh nhân từng đi qua thì ngay khi tới Lâm Đồng đều được áp dụng biện pháp đưa vào những khu cách ly tập trung do tỉnh thiết lập nhằm đảm bảo tuyệt đối dịch bệnh không lây lan ra cộng đồng. Hai mươi mốt ngày ấy chứa đựng biết bao câu chuyện ăm ắp tình thương và trách nhiệm của những người trong cuộc “ly cách” với thế giới bên ngoài. 
 
Bài 1: Những ngày “ly cách”
 
Hai mươi mốt ngày cách ly với xã hội, có lẽ thời gian đầu là những chuỗi ngày bất an xen lẫn lo sợ lây nhiễm bệnh và phải tạm xa gia đình, tách biệt với cuộc sống bên ngoài. Thế nhưng, bằng tình thương của những người cùng cảnh ngộ, trách nhiệm và nghĩa vụ của cán bộ, y bác sỹ nơi đây làm cho họ an tâm và quyết tâm chiến đấu đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
 
Trên chiếc bàn làm việc, chị T.T.B vẫn không ngừng ngơi nghỉ, tích cực xử lý công việc thông qua internet
Trên chiếc bàn làm việc, chị T.T.B vẫn không ngừng ngơi nghỉ, tích cực xử lý công việc thông qua internet
 
Trước khi thực tế vào một trong những khu cách ly của tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi đã liên lạc và được Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh cho phép vào khu cách ly Bệnh xá H32 với cam kết tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy trình, quy định chống dịch dưới sự hướng dẫn của cán bộ quân y. Vậy là, khoác lên mình bộ áo quần bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, sát khuẩn kĩ lưỡng, găng tay và khẩu trang y tế... không ngoài mục đích bảo đảm an toàn cho bản thân và những người xung quanh. Chúng tôi được cán bộ Bệnh xá H32 dẫn vào bên trong khu cách ly để “mục sở thị” cuộc sống trôi qua chậm rãi của những trường hợp đang là F1...
 
Tự nguyện vào cách ly
 
Kể từ ngày dịch COVID-19 bùng phát hơn hai năm nay, đây là lần thứ tư Bệnh xá H32 - trực thuộc Bộ CHQS tỉnh tiếp nhận các trường hợp F1 và những người từ vùng dịch trở về hay đến Lâm Đồng được đưa vào khu cách ly tập trung. Tại thời điểm chúng tôi đến, Bệnh xá H32 chỉ còn 19 trường hợp F1 - lúc tiếp nhận cao nhất là 47 người trong đợt dịch này - đang thực hiện cách ly tập trung. Vừa đi, Thiếu tá Đỗ Thị Bích Thủy - y sĩ hành chính Bệnh xá H32 vừa chia sẻ với chúng tôi rằng: Đúng là ai mới đầu nghe tới hai từ “cách ly” cũng đều mang tâm lí hoang mang, lo sợ. Nhưng hầu hết sau một vài ngày làm quen nơi ở mới, họ dần ổn định tâm lý và yên tâm hợp tác chặt chẽ với cán bộ, y bác sỹ. Không hoang mang sao được khi đang bình thường “bỗng dưng” trở thành F1 và không thể biết mình có dương tính với SARS - CoV - 2 hay không. “Sau mấy ngày đầu ổn định, dường như mỗi người đều nhận thức được rằng, sự hợp tác của mình sẽ góp phần nào đó vào cuộc chiến chung tay đẩy lùi dịch bệnh đang bùng phát” - Y sĩ Thủy cho hay. 
 
Dẫn chúng tôi đến trước căn phòng cuối của tầng 2, Thiếu tá Đỗ Thị Bích Thủy giới thiệu đây là một trong số trường hợp F1 nhỏ tuổi nhất đang cách ly tại Bệnh xá H32. Đó là L.H.L - cô sinh viên sư phạm đến từ một ngôi trường tại Hà Nội năm nay vừa tròn 20 tuổi. Để đảm bảo an toàn khi tiếp xúc, chúng tôi được chỉ định ngồi cách xa em hơn 2 m nhưng vẫn đủ nghe được những bộc bạch của L.H.L qua lớp khẩu trang mà Bệnh xá H32 cấp phát.
 
L.H.L cho biết, đúng vào dịp nghỉ lễ 30/4, L.H.L sắp xếp về thăm nhà ở Bắc Ninh sau đó ra Sân bay Nội Bài vào Đà Lạt du lịch. Do đến Lâm Đồng từ vùng dịch, nên khi đáp xuống Sân bay Liên Khương, em được cán bộ y tế hướng dẫn và đưa đi cách ly. 
 
L.H.L kể rằng, chỉ khi lên máy bay nghe mọi người nói chuyện, em mới biết vào đến Lâm Đồng sẽ phải cách ly tập trung vì em đến từ vùng dịch. Hoang mang và lo lắng là cảm giác đầu tiên khi em ngồi trên xe để vào khu cách ly. Rồi biết bao nhiêu ý nghĩ quẩn quanh trong đầu, không biết 21 ngày tới sẽ ra sao… Nhưng sau ngày một, ngày hai và những ngày tiếp theo, em dần yên tâm khi nhận ra công tác phòng dịch cần phải tuyệt đối an toàn và rất chặt chẽ. “Cũng không còn lâu nữa, đến hết ngày 20/6, em và cả những người ở đây đều hi vọng có kết quả là âm tính để được trở về đoàn tụ cùng gia đình” - L.H.L nói trong niềm xúc động. 
 
Dẫu chỉ nhìn được ánh mắt em qua lớp kính và chiếc mũ chống bắn, nhưng tôi vẫn thấy rõ khóe mắt em đỏ lên như chứa đựng bao tâm sự. L.H.L nói thêm, vì là con gái, lại một mình ở nơi đất khách quê người trong khu cách ly, nên ban đầu bố mẹ rất lo lắng. “Một ngày bố gọi điện cho em cả chục cuộc điện thoại bằng Facetime để xem sức khỏe của em có ổn không? Có thiếu thốn gì không?... Để bố mẹ ở nhà an tâm, đôi lúc em còn phải trấn an lại tinh thần cho bố mẹ nữa. Kết thúc mỗi cuộc gọi bao giờ cũng là lời dặn dò mà em nghe riết thành quen: con phải tự chăm sóc sức khỏe tốt nhé!” - L.H.L giãi bày.
 
Thoắt cái đã đến giữa trưa, chúng tôi theo chân Thiếu tá Đỗ Thị Bích Thủy thực hiện nhiệm vụ đưa cơm đến tận từng phòng, đây cũng là một trong các thao tác phòng dịch nhằm tránh các trường hợp tiếp xúc ra bên ngoài. Bước đến căn phòng đầu tiên của tầng 1, anh Đ.V.A (33 tuổi) giấu nụ cười của mình phía sau lớp khẩu trang kín mít, hôm nay cũng là ngày thứ 18 anh tạm xa gia đình, bạn bè và gác lại công việc để cách ly tập trung. 
 
Được biết, trước đó anh Đ.V.A đi từ TP Hồ Chí Minh đến Đà Lạt du lịch, khi nghe khu chung cư nơi sinh sống có người nhiễm bệnh, anh chủ động đến khai báo y tế và xin thực hiện cách ly. “Mặc dù không tiếp xúc trực tiếp với F0, nhưng tôi vẫn chủ động khai báo và tự nguyện vào cách ly tập trung. Nửa tháng trôi qua, hai lần xét nghiệm đều là âm tính, bản thân tôi đã bớt lo lắng. Hơn nữa tôi an tâm hơn khi được các cán bộ ở đây nhiệt tình chăm sóc, động viên”, anh Đ.V.A vui vẻ nói. 
 
Thời gian gọi điện thoại về nói chuyện với gia đình, có lẽ là lúc những người cách ly thấy yên tâm và vui vẻ nhất
Thời gian gọi điện thoại về nói chuyện với gia đình, có lẽ là lúc những người cách ly thấy yên tâm và vui vẻ nhất
 
Khó khăn nhưng sẽ vượt qua
 
Đã tới giờ nghỉ trưa nhưng chị T.T.B (40 tuổi) - quê gốc Hưng Yên vẫn còn cặm cụi ngồi gõ lách cách trên bàn phím laptop. Hỏi ra mới biết chị là nhân viên văn phòng của một công ty tại Hà Nội, vì hôm nay công ty cần tài liệu gấp nên phải cố gắng xử lý công việc để gửi ra.
 
Chị T.T.B cho chúng tôi hay, ngày 31/5, chị B bay vào Đà Lạt với dự định xử lý xong công việc sẽ quay về luôn trong ngày. Vì thế, hành lí của chị chẳng có gì ngoài chiếc túi xách mang theo bên mình, và dĩ nhiên bên trong ấy chỉ là những vật dụng cá nhân cần thiết phục vụ cho công việc. Đáp xuống Sân bay Liên Khương, chị được xác minh đến từ vùng dịch nên phải cách ly tập trung tại Lâm Đồng. Chị T.T.B kể: Lúc vào đây chị chẳng có áo quần để thay, may mà cán bộ Thủy đã tinh ý hỏi han và giúp chị B đặt mua áo quần vì chị không thể ra ngoài. Chỉ với một hành động nhỏ vậy thôi, bản thân chị cũng đủ ấm lòng và an tâm ở nơi cách ly. 
 
Ngoài hành lang, anh P.N.C (51 tuổi) lựa chỗ yên tĩnh, cầm điện thoại trên tay dò tìm Zalo của người vợ để gọi video. Xuất hiện trên màn hình điện thoại là các con của anh đang ngồi ăn cơm trưa cùng mẹ. Nỗi nhớ nhà, nhớ các con là cảm giác lớn nhất của anh P.N.C sau khoảng thời gian 15 ngày anh cách ly tại Bệnh xá H32. Anh P.N.C tâm sự: “Sau khi về thăm nhà tại TP Hồ Chí Minh, tôi trở về TP Đà Lạt thì hay tin người tôi từng tiếp xúc vừa nhận kết quả dương tính với COVID-19 . Tôi không giấu nhưng thú thực lúc ấy phải mất một giờ đồng hồ mới quyết định đến trình báo xin được vào khu cách ly, dù trước đó tôi đã khai báo y tế. Có lẽ ai cũng sẽ có cảm nhận ban đầu giống tôi, những đêm đầu tiên sẽ là những đêm dài nhất. Bản thân tôi vừa lo kết quả xét nghiệm, lại thêm lo cho những người xung quanh mà đặc biệt là vợ và con cái của mình”.
 
Ngoài thương nhớ vì không được gặp người thân, anh P.N.C vẫn còn nỗi lo lắng khi anh là giám đốc của một công ty tại TP Đà Lạt. “Ban đầu tôi đắn đo, chần chừ vì công ty vừa mới thành lập cách đây hơn một năm nên hầu hết các đầu mối làm việc, đối tác mới xây dựng, làm quen. Vây là công việc bị trì hoãn hoặc tiến độ chậm hơn so với dự tính ban đầu. Mặt khác, tôi vẫn còn nỗi lo hơn nếu mình không đi cách ly sớm, không may là ca dương tính đầu tiên tại Lâm Đồng thì quả thật tôi là một công dân vô trách nhiệm với chính gia đình và xã hội. Mười ba ngày cách ly, công việc chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn bởi tất cả những người tiếp xúc với tôi họ cũng đang thực hiện cách ly. Đa phần anh em sẽ xử lý qua gmail hoặc zalo. Sẽ có những công việc bắt buộc phải nhờ người ngoài giải quyết, nhưng có những việc mà chỉ có mình mới giải quyết ổn thỏa được nên bắt buộc phải thích nghi trong hoàn cảnh này và chia sẻ để đối tác thông cảm”, anh P.N.C nói.
 
Trải nghiệm sống chậm
 
Tham gia cách ly tập trung tại Bệnh xá H32, cuộc sống chỉ bó hẹp trong 4 bức tường, xa người thân, gia đình, tạm gác công việc… nhưng mỗi người đều có ý thức, trách nhiệm bảo vệ sức khỏe cho bản thân và xã hội. Bắt đầu cho “hành trình” 21 ngày tại khu cách ly tập trung cũng là bắt đầu một “cuộc sống mới”. Ngoài việc hạn chế không ra khỏi căn phòng đã được chỉ định, còn mọi công việc, học tập, tương tác với người thân, bạn bè chỉ thông qua intenet...
 
Và có lẽ, đó sẽ là những giây phút họ cảm thấy yên tâm và vui vẻ nhất trong những ngày cách ly tập trung, bởi sự bình an của bản thân và người thân trong cơn đại dịch là điều mà mỗi người đều mong muốn nhất lúc này.
 
Dẫu biết rằng cuộc gặp gỡ nào cũng sẽ có lúc chia xa, điều may mắn ấy sẽ tới với những công dân khi cầm trên tay kết quả xét nghiệm âm tính. Giữ lại những kí ức đẹp, họ dành cho nhau những lời dặn dò thân thương, và cử chỉ ân cần, ấm áp giữa những người ở lại và những người đã hoàn thành xong đợt cách ly. 
 
Với 21 ngày sống xa gia đình, nhiều người đang tự dành khoảng thời gian “đặc biệt” ấy để được sống chậm lại, nghĩ về gia đình, bạn bè nhiều hơn thay vì ngoài kia phải bộn bề công việc mà xưa nay họ có nhiều lý do để không nghĩ đến. Ở đó, 21 ngày trong ký ức của mỗi công dân ấy sẽ không còn là những ngày “ly cách” đáng sợ mà là những ngày đầy ắp ấm áp, thân thương giữa những người xa lạ đến với nhau một cách tình cờ... Khi bài viết này lên khuôn cũng là lúc Bệnh xá H32 báo tin lại có thêm người vào cách ly.
 
CÒN NỮA
 
T.T.HIỀN - N.QUỲNH