Nâng năng lực tiếng Việt của học sinh trường bán trú

05:07, 30/07/2021

Ở Lâm Đồng, trong 11 trường phổ thông dân tộc có 9 mô hình trường nội trú và 2 mô hình trường bán trú...

Ở Lâm Đồng, trong 11 trường phổ thông dân tộc (PTDT) có 9 mô hình trường nội trú và 2 mô hình trường bán trú. Chăm lo và phát triển giáo dục dân tộc thiểu số nói chung, các trường PTDT nội trú/bán trú nói riêng luôn là mối quan tâm đặc biệt của Nhà nước.
 
Tiếng Việt của HS bán trú là nền tảng quan trọng để học THPT. (Ảnh: Tiết học tiếng Anh tại Trường PTDT nội trú THPT tỉnh Lâm Đồng)
Tiếng Việt của HS bán trú là nền tảng quan trọng để học THPT. (Ảnh: Tiết học tiếng Anh tại Trường PTDT nội trú THPT tỉnh Lâm Đồng)
 
Vốn từ và năng lực sử dụng tiếng Việt
 
Tỉnh Lâm Đồng có 2 trường PTDT bán trú là Trường TH-THCS Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên và Trường PTDT bán trú THCS Sơn Điền, huyện Di Linh. Năm học 2020 - 2021, tổng số học sinh (HS) 2 trường này có 10 lớp tiểu học với 252 học sinh và 13 lớp THCS với 327 học sinh. Điểm nổi bật đầu tiên là công tác duy trì sĩ số đạt tỷ lệ 100%, sĩ số bình quân 25,2 HS/1 lớp. 
 
Kết thúc năm học 2020 - 2021, năng lực ở HS tiểu học về đọc, viết, nói và nghe tiếng Việt mức thành thạo mới chỉ đạt từ 59,5% đến 67,4%; khá 19,8%; trung bình 13% - 18% và kém còn 2,4% (rơi vào năng lực đọc và viết). Thực tế cho thấy, HS thường phát âm thiếu chính xác, sai lỗi chính tả; nói chưa rõ từ và câu do vốn từ hạn chế hoặc lỗi ở phát âm. Khó khăn nữa là trong quá trình tiếp nhận thông tin còn chậm và chưa chính xác. Đối với HS THCS, năng lực về đọc, viết, nói và nghe mức độ thành thạo còn đạt tỷ lệ thấp hơn, thấp nhất là viết (hơn 23%) và cao nhất là đọc cũng chỉ đạt 47,7%. Cùng đó, mức độ khá đạt từ 37,3% -39,7%; trung bình đạt từ 11,3% - 38,2% và từ 1,5% -5,8% mức độ kém. Tuy nhiên, về sử dụng năng lực tiếng Việt của HS tiểu học Lâm Đồng mức độ thành thạo cả 4 kỹ năng đọc, viết, nói và nghe đạt tỷ lệ 97,8% và ở THCS đạt 77,37%. Cả ở tiểu học và THCS mức độ hiểu biết của HS khi nghe GV giảng bài bằng tiếng Việt đều đạt 100% ở tiêu chí “hiểu rõ”. Kết quả cuối năm môn tiếng Việt của HS tiểu học bán trú đạt 24,5% hoàn thành tốt; gần 77% hoàn thành và 2,38% chưa hoàn thành. Đối với HS THCS bán trú, môn Ngữ văn đạt 11% loại giỏi; 36,7% loại khá; 45,8% loại trung bình và 6,4% loại yếu. 
 
Giải pháp và biện pháp, nhà trường và xã hội
 
Để nâng dần chất lượng giáo dục đối với HS các trường PTDT bán trú, giải pháp tổng thể là tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học; năng lực quản trị nhà trường của cán bộ quản lý và khả năng chuyên môn - nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên…
 
Từ năm học 2020 - 2021, chương trình giáo dục phổ thông 2018 áp dụng đối với lớp 1 và từ năm học 2021 - 2022 tiếp tục đối với lớp 2 và lớp 6, đồng thời trang bị tiếng Việt cho HS các lớp học chương trình giáo dục phổ thông cũ (năm 2006) và chương trình mới (2018). Nghĩa là thực hiện tăng cường tiếng Việt cho HS nói chung phải tiếp cận sớm về chương trình, sách giáo khoa, tài liệu môn học tiếng Việt theo tinh thần mới. Nhất là đối với lớp mầm non 5 tuổi và lớp 5, chuẩn bị học lớp 1 và lớp 6 của chương trình giáo dục phổ thông 2018 vào năm học 2021-2022. Đối với học sinh của 2 trường PTDT bán trú năm học vừa qua, ngoài 3 cán bộ quản lý, có 8 GV tiểu học và 5 GV THCS dạy học môn tiếng Việt. Về cơ sở vật chất, ngoài 9 phòng khu hiệu bộ có 26 phòng học, 7 phòng học bộ môn, 12 phòng nhà ở bán trú và 2 nhà ăn. Đây là kết quả đáng trân trọng của tổng lực các nguồn đầu tư, từ chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS đến chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình kiên cố hóa trường học…
 
Đối với đội ngũ, những GV được phân công dạy HS đồng thời trau dồi bồi dưỡng năng lực nhiều lĩnh vực, từ nghiên cứu các văn bản hướng dẫn, tự tích lũy về phương pháp đến kỹ năng tổ chức các hoạt động giáo dục. Đồng thời, cán bộ và GV được tổ chức bồi dưỡng thường xuyên về nghiệp vụ, lĩnh hội khối kiến thức của sách giáo khoa và hơn thế, đó còn là tri thức về văn hóa, phong tục tập quán của các DTTS, về tâm lý giáo dục, về tổ chức hoạt động cho HS và về xây dựng môi trường đồng giao tiếp, đồng phát triển tiếng Việt cùng phụ huynh HS… Đó còn là sự quan tâm từ các cấp của hệ thống chính trị và đặc biệt giảm thiểu ở mức thấp nhất tình trạng khoán trắng cho thầy, cô giáo còn tồn tại nơi phụ huynh…
 
Mục đích của giáo dục hiện nay đặt ra là vừa tăng cường tiếng Việt phù hợp với đối tượng HS, vừa phù hợp với chương trình sách giáo khoa mới. Theo đó, sẽ cần nhiều giải pháp cụ thể, có tính chuyên môn - nghiệp vụ sâu hơn. Ví dụ, tạo mọi điều kiện về thời gian để HS được thực hành các kĩ năng đọc, viết, nghe, nói. Sử dụng triệt để các đồ dùng được cấp phát trong dạy học; tăng cường làm và sưu tầm các đồ dùng dạy học đơn giản, có sẵn ở địa phương. Tăng cường sử dụng các đồ dùng trực quan sinh động, các hình thức dạy học phát huy tính tích cực của HS... 
 
Đó còn là kết hợp nhiều hình thức, biện pháp tổ chức dạy đọc thích hợp để huy động được nhiều HS đọc. Một trong những hình thức tối ưu là chia nhóm, đọc nối tiếp. Thực hiện quy trình dạy tập đọc linh hoạt phù hợp với từng thể loại văn bản và từng giai đoạn học tập của HS. Và đó là triển khai các biện pháp như tổ chức kể chuyện; tích hợp nội dung tăng cường tiếng Việt thông qua dạy học các môn học và hoạt động giáo dục; tạo môi trường học tiếng Việt bằng các hình thức hoạt động hấp dẫn, tự nhiên và khích lệ sự hứng thú trong HS... Tuy mô hình nội trú, nhưng có thể đúc kết từ những thành quả về chuyên môn - nghiệp vụ ở Trường PTDT nội trú THPT tỉnh Lâm Đồng để quy chiếu. Kết quả đậu tốt nghiệp THPT năm 2021 đạt 100% (140/140 HS), và điểm môn thi Ngữ văn cũng 100% đạt trên trung bình mà lãnh đạo nhà trường đã chia sẻ với chúng tôi.
 
MINH ĐẠO