Chiến lược phù hợp cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử

04:08, 13/08/2021

Chiến lược tiêm chủng theo hướng tăng cường tối đa khả năng tiếp cận với vắc xin, từ đó tạo miễn dịch cộng đồng một cách thông minh để phục hồi kinh tế, bảo đảm quyền bình đẳng vắc xin đang được Việt Nam thực hiện...

Chiến lược tiêm chủng theo hướng tăng cường tối đa khả năng tiếp cận với vắc xin, từ đó tạo miễn dịch cộng đồng một cách thông minh để phục hồi kinh tế, bảo đảm quyền bình đẳng vắc xin đang được Việt Nam thực hiện. Tỉnh Lâm Đồng cũng đã lên chiến lược phù hợp cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử này, thể hiện sự đồng lòng, quyết tâm cao độ nhằm chiến thắng đại dịch của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh.
 
Tiêm chủng vắc xin là quyền lợi của bản thân, gia đình và là trách nhiệm với cộng đồng
Tiêm chủng vắc xin là quyền lợi của bản thân, gia đình và là trách nhiệm với cộng đồng
 
“Tiêm chủng vắc xin là quyền lợi của bản thân, gia đình và là trách nhiệm với cộng đồng” - đó là tinh thần đang được lan tỏa trong mọi tầng lớp nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Tích cực đi tiêm chủng khi đến lượt mình và vận động người thân, gia đình cùng tham gia và theo dõi phản ứng sau tiêm chủng. 
 
ỨNG DỤNG TRIỆT ĐỂ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀO CHIẾN DỊCH TIÊM CHỦNG
 
Theo Kế hoạch 5333 ngày 28/7/2021 của UBND tỉnh về triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh COVID-19 năm 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh, tổng số liều vắc xin của tỉnh là 1.976.800 liều, thời gian triển khai chiến dịch từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022, với mục tiêu tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong năm 2021, đến tháng 4/2022 có 70% dân số được tiêm vắc xin ngừa COVID-19. 
 
Để triển khai có hiệu quả kế hoạch, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã xác định rõ tầm quan trọng của vắc xin trong phòng, chống dịch bệnh, đại đa số người dân đều có chung mong muốn được tiêm chủng vắc xin. Thực hiện chiến dịch, tỉnh Lâm Đồng đã đặt công tác tiêm chủng ở mức cao, huy động các cấp, các ngành, đoàn thể vào cuộc. Các thành phố, huyện xây dựng kế hoạch chi tiết cho công tác tiêm chủng, với phương châm “tiêm đến đâu an toàn đến đó”, “không bỏ phí bất cứ một liều vaccine nào”…
 
Ông Vương Tôn Kiên - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng cho biết: Với quyết tâm cao độ, tỉnh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông về Chiến dịch tiêm chủng, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào Chiến dịch tiêm chủng, từ đăng ký, khám sàng lọc, đến tổ chức triển khai tại các điểm tiêm chủng. Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên phạm vi toàn tỉnh với mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân và sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Công tác thông tin truyền thông cũng đang phát huy vai trò trong tuyên truyền, vận động người dân, góp phần thực hiện hiệu quả, thành công chiến dịch tiêm chủng. Đối với các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp: Chủ động, tích cực phối hợp trong công tác tuyên truyền và chuẩn bị cơ sở vật chất đáp ứng phục vụ Chiến dịch tiêm chủng. Tổ chức triển khai “tin nhắn” tới các thuê bao di động trên địa bàn tỉnh, đồng thời chạy dòng chữ trên các chương trình phát sóng với nội dung: “Đề nghị mọi người dân đăng ký tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại địa chỉ https://tiemchungcovid19.gov.vn hoặc trên App “Sổ sức khỏe điện tử”, nếu có thắc mắc vui lòng liên hệ với chính quyền địa phương nơi cư trú để được hỗ trợ”.
 
Phòng Văn hóa Thông tin, Trung tâm Văn hóa thông tin và Thể thao; UBND các huyện, thành phố chỉ đạo đến các xã, phường, thị trấn thông tin tuyên truyền đến người dân về Chiến dịch tiêm chủng trên địa bàn. Đồng thời, chủ động rà soát, tổng hợp, chuẩn hóa danh sách các nhóm đối tượng được tiêm chủng phòng bệnh COVID-19 theo mẫu quy định, đảm bảo tính chính xác và chịu hoàn toàn trách nhiệm với thông tin cung cấp. 
 
Song song đó, Trung tâm Tích hợp dữ liệu và Chuyển đổi số - Phòng Công nghệ Thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông cũng tăng cường thực hiện Chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội và các loại hình truyền thông ứng dụng Internet về Chiến dịch tiêm chủng. Thông tin về hình thức đăng ký tiêm chủng, kế hoạch tiêm chủng, lịch tiêm chủng và các nội dung truyền thông đại chúng liên quan phải được thông báo, cập nhật liên tục cho người dân trên cổng thông tin điện tử... 
 
ĐĂNG KÝ TIÊM VẮC XIN BẰNG 2 CÁCH
 
Hiện nay các địa phương đang đồng loạt triển khai kế hoạch tiêm vắc xin COVID-19. Hiện tất cả các huyện, thành của tỉnh đều đã tiến hành đăng ký tiêm chủng cho người dân. Theo đó, người dân có thể đăng ký tiêm vắc xin bằng 2 cách là đăng ký bản giấy tại phường, xã, sau đó cán bộ sẽ nhập các dữ liệu lên Sổ sức khỏe điện tử (SKĐT) hoặc đăng ký online trực tiếp trên Sổ SKĐT và Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19.
 
Đối với hình thức đăng ký tiêm vắc xin online để hạn chế tập trung đông người đang được phát động và đẩy mạnh. Người dân có nhu cầu đăng ký tiêm vắc-xin COVID-19 online thì có 2 hình thức:
 
Thứ nhất: Truy cập Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 ở đường dẫn: https://tiemchungcovid19.gov.vn/portal/register-person để đăng ký trực tiếp trên website.
 
Thứ hai: Đăng ký tiêm vắc-xin COVID-19 bằng cách truy cập đường dẫn https://hssk.kcb.vn/#/sskdt để tải ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” cho điện thoại dùng hệ điều hành Android và iOS. Khi tải về sẽ có phần đăng ký, đăng nhập với số điện thoại. Sau khi xác thực thông tin trên phần mềm, người dân sẽ thấy thông tin về hướng dẫn đăng ký tiêm vắc-xin.
 
Để đăng ký tiêm, người dân phải cung cấp thông tin cá nhân, kê khai trên bảng đăng ký. Các thông tin được chuyển đến các điểm tiêm chủng mà người dân đã đăng ký. Các điểm tiêm sẽ sàng lọc, đánh giá tính chính xác của thông tin, lên danh sách. Khi có vắc-xin sẽ báo cho người dân, hẹn thời gian đến khám sàng lọc và thông báo lịch tiêm cụ thể. 
 
Dù là đăng ký bằng hình thức nào, thì mọi thông tin của người tiêm đều được rà soát, kiểm tra và cập nhật trên một hệ thống lưu trữ. Đối với hình thức đăng ký trực tuyến, toàn bộ quy trình, từ đăng ký tiêm vắc xin online cũng như việc tra cứu lịch sử, kết quả tiêm chủng đều có thể thao tác qua ứng dụng Sổ SKĐT. Nền tảng này vừa triển khai tiêm chủng nhanh, rộng và đảm bảo an toàn, hiệu quả, minh bạch.
 
Tỉnh Lâm Đồng tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa bảo đảm phát triển kinh tế. Để điều này khả thi thì “vũ khí” vắc xin là không thể thiếu, nhất là để bảo vệ các nhóm yếu thế, nhóm lao động, dân nghèo trong khi nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội còn hạn chế. Để Chiến dịch tiêm chủng thành công, sự đồng thuận và ủng hộ từ toàn thể người dân là điều kiện tiên quyết. Ngoài việc vẫn phải bảo đảm thực hiện 5K, việc cung cấp thông tin chuẩn xác về tình trạng sức khỏe và đối tượng tiêm chủng giúp cho các cơ quan chức năng tính toán và lập kế hoạch sát nhất cho chiến dịch. Khi đến lượt đi tiêm, tuân thủ đúng các yêu cầu về an toàn phòng, chống dịch và thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà theo đúng hướng dẫn cũng là những đóng góp cho sự thành công chung của chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử này.     
 
D.THƯƠNG